Về hiện tượng bóp méo, phủ định văn hóa kinh điển ở Trung Quốc

PHẠM THỊ HẢO

Chúng tôi nhận thấy những ý kiến và quan niệm trên đây có nhiều điều rất đáng quan tâm. Những điểm hay điểm dở ở nước bạn hoặc ít hoặc nhiều cũng đã xuất hiện trong xã hội ta. Và các cấp lãnh đạo nước ta từ Trung ương đến địa phương và dư luận xã hội chắc cũng có nhiều bức xúc trong vấn đề xây dựng nền văn hóa nghệ thuật phù hợp với yêu cầu tiên tiến của xã hội hiện nay và mai sau. Có lẽ những thông tin này cũng có giá trị tham khảo rộng rãi.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Trung Quốc, xuất hiện hiện tượng xen kẽ, vừa phát triển phồn vinh vừa lộn xộn phức tạp. Từ đó, có một số không ít nhà văn đã coi nhẹ trách nhiệm xã hội của văn chương, thậm chí có quan niệm thiên lệch, cho rằng chức năng của văn chương chủ yếu là giải trí.

Trước tình hình như vậy, nhiều nhà nghiên cứu lý luận của Trung Quốc đã lên tiếng thảo luận và có nhiều chuyên luận được quan tâm, tán thưởng, trong đó, cuốn Tinh thần thời đại và giá trị của văn học của nhà lý luận văn nghệ Ngải Phỉ được dẫn ra khẳng định rất nhiều.

Ngải Phỉ là học giả có uy tín, Hội trưởng Hội nghiên cứu lý luận văn nghệ, Trưởng bộ môn nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội tỉnh Sơn Tây, từng có nhiều công trình được đánh giá cao trong giới nghiên cứu.

Trong cuốn Tinh thần thời đại và giá trị của văn học (Nhà xuất bản Giáo dục Sơn Tây, 1999) nêu 2 vấn đề căn bản mà ông gọi là “Con đường sống của văn học”. Đó là: “Văn học phải thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, muốn thế, “phải phát huy tinh thần thời đại và phải tích cực bảo vệ văn học kinh điển”.


Hồng Lâu Mộng - Tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc.

Theo Ngải Phỉ, tinh thần thời đại chính là không khí thời đại, mạch sống của thời đại, linh hồn của thời đại, bản chất của thời đại, những ngọn cờ của thời đại. Đó chính là hạt nhân, là phương hướng và động lực để xây dựng một nền văn học thật sự tốt đẹp.

Một nền văn học tiên tiến muốn thực hiện được trách nhiệm xã hội và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình thì phải có được các tinh phẩm nghệ thuật, để hoà tấu vào giai điệu chủ đạo của thời đại, phải có được những bức tranh văn học trang điểm thêm cho gương mặt của thời đại.

Muốn thế, phải khắc được dấu ấn của những đổi mới lớn lao, miêu tả được những sự tích anh hùng của quần chúng nhân dân, phải phản ánh được hiện thực cuộc sống sôi động và thực tiễn xã hội đang đổi thay mới mẻ, phải biểu hiện được yêu cầu tiên tiến của thời đại và xu hướng phát triển của lịch sử.

Phải thông qua những hình tượng nhân vật có sức hấp dẫn nghệ thuật và giàu ý nghĩa thời đại để phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa tập thể và nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa.

Muốn phát huy tinh thần thời đại, nhà văn phải đi vào quần chúng, đi vào cuộc sống, đi vào những luồng sóng xây dựng hiện đại hóa để mà thể nghiệm, cảm nhận, tích lũy, rồi thăng hoa. Phải xem nhiệm vụ quan trọng nhất là miêu tả dòng chủ lưu của cuộc sống, là phản ánh sự đổi mới của xã hội.

Những quan niệm này, không những xác định rõ phương hướng đúng đắn cho hoạt động văn học, mà còn là vũ khí tư tưởng mạnh mẽ để đấu tranh với những trào lưu, tư tưởng sai lầm đang lưu hành trong xã hội hiện nay.

Một vấn đề nữa trong yêu cầu phát huy tinh thần thời đại mà Ngải Phỉ nhấn mạnh là: Cần tôn trọng và bảo vệ kinh điển văn học. Thế nào là kinh điển văn học? Ông xác định rằng: Kinh điển văn học là những kết tinh văn hóa, những trước tác ưu tú đã được lắng đọng trong lịch sử, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đã được xã hội sàng lọc lựa chọn, đã được đại chúng tán thưởng, đã có được ảnh hưởng tích cực lâu dài.

Những năm qua, ở lĩnh vực sáng tác văn hóa của Trung Quốc xuất hiện nhiều hiện tượng bóp méo, cắt xén hoặc phủ định kinh điển văn hóa, văn học. Cụ thể có mấy biểu hiện sau:

1. Nói sai đi: Giải thích tác phẩm sai lệch theo ý riêng, thậm chí cả các tình tiết, nhân vật, sự kiện cũng bị thay đổi. Giải thích các tác phẩm danh tiếng tất nhiên là rất cần, song phải nghiêm túc, khoa học, trung thực với nguyên tác. Nhưng thực tế, người ta đã thay đổi theo nhu cầu ác ý.

2. Làm xấu đi: Nội dung tác phẩm kinh điển bao giờ cũng phong phú, sâu sắc, lành mạnh. Hình thức biểu hiện và thủ pháp nghệ thuật thường độc đáo, sinh động, ưu mỹ. Nhưng người ta lại biến cao cả thành dung tục, biến sâu sắc thành nông cạn, biến đẹp đẽ thành xấu xa, biến tác dụng chính diện của tác phẩm kinh điển thành ngược lại, hiệu quả xã hội tích cực thành tiêu cực.

3. Phủ định: Tác phẩm kinh điển đã trải qua khảo nghiệm thực tiễn, có quá trình lịch sử hình thành và được đại chúng công nhận, có vị trí và có giá trị không thể phủ định. Song người ta lại thích tư duy nghịch hướng, “đánh giá lại”, “định vị lại”, ra sức chỉ trích, có chỗ khó tính đến nực cười.

4. Đảo ngược: Tác phẩm trở thành kinh điển vì đó là đại biểu kiệt xuất của văn hóa tiên tiến, có tác dụng giáo dục tinh thần dân tộc cho xã hội. Nhưng người ta lại “đảo ngược”, khi dẫn các danh tác văn học, họ cố ý đặt các tác phẩm kinh điển chân chính ở sau các tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết ái tình, hoặc bỏ qua không nhắc gì đến, hoặc chỉ đề cao những cái gọi là “văn bút ưu nhã”, “tình điệu nhàn tản”, ca ngợi những cái lạ lẫm, hư vô.

5. Bài xích: Văn đàn thời nay sôi động và phong phú. Sản phẩm văn hóa có đủ loại “chủ nghĩa”, đủ loại “ngọn cờ”, chứng tỏ văn hóa phát triển phồn vinh mạnh mẽ. Song lại có người lợi dụng tình hình đó để “bài xích” kinh điển. Họ cho đó là loại tác phẩm “vệ đạo”, phải xóa bỏ, phải “xây dựng lại văn học theo quan điểm hiện đại chủ nghĩa”, phải chú ý đến yếu tố nhục thể của con người, thậm chí họ còn càn bậy, ra sức bài xích mọi thứ xưa nay được xem là thuần khiết, đạo đức, giàu tính triết lý nhân sinh, giàu chất lương tri, giàu ý thức sứ mệnh…

6. Thay thế: Nhiều người hăng hái dùng trăm phương ngàn kế để thay thế văn hóa văn học kinh điển. Họ cúi rạp trước văn hóa “hậu hiện đại” phương Tây, còn đối với truyền thống dân tộc ưu tú thì vô tình lạnh nhạt. Đối với đạo nghĩa chân thật cao cả, đối với tinh thần thời đại, tinh thần yêu nước thì gạt bỏ thoải mái, nhưng lại vô cùng mê say những gì mê hoặc nội tâm, những thú vặt vãnh trong cuộc sống, đắm mình vào những thể nghiệm cá nhân theo quan niệm nhân sinh bệnh hoạn, thưởng thức những hoang ngôn đản ngữ chẳng hề có chút giá trị mỹ học nào, hâm mộ những huyễn tưởng ngông cuồng và những thú nhàn tản tầm thường dung tục.

Trên đây là những ý chính trong nhận định của học giả Ngải Phỉ về tình hình thực tế văn đàn Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu khác đã phát biểu nhất trí nhận định này.

Sau đó, ông nhấn mạnh rằng: “Đối với văn hóa kinh điển, bất cứ sự cắt xén, bài xích, phủ định nào cũng chỉ làm cho dân tộc mình và văn hóa ưu tú của đất nước mình mau chóng đi đến suy thoái. Trong hoàn cảnh quốc tế có nhiều loại văn hóa xâm nhập nhau, nếu văn hóa kinh điển của dân tộc bị yếu đi thì các loại văn hóa khác sẽ thừa cơ lấn lướt ngay lập tức”.