Ngày 19/8/2010, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, giáo sư Ngô Bảo Châu, 38 tuổi, đã nhận huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học. Để có được thành công đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân anh, còn có sự khích lệ của gia đình, bè bạn và sự dạy dỗ dìu dắt của các thầy cô giáo từ khi anh còn là một cậu bé ngồi trên ghế nhà trường. Thành công của anh cũng đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam một câu hỏi lớn: Làm thế nào để có thêm nhiều Ngô Bảo Châu nữa?
Phóng viên Hồn Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TSKH Vũ Đình Hòa - Chủ Nhiệm khoa CNTT, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người thầy dạy toán của anh cũng như của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế....
- P/V: Thưa thầy, cho đến thời điểm này giáo sư Ngô Bảo Châu có phải là người học trò xuất sắc nhất của thầy?
- PGS.TSKH VŨ ĐÌNH HÒA: Tôi đã nhiều năm liền dẫn đội tuyển Toán học Việt Nam đi tham dự cuộc thi Olympic Toán Quốc tế. Có nhiều em học sinh rất giỏi, rất thông minh (như em Vũ Ngọc Minh, cũng 2 lần đoạt HCV Olympic Toán quốc tế) nhưng chưa có học trò nào tạo cho tôi niềm tin tuyệt đối như Ngô Bảo Châu.
Năm Châu vừa lên cấp 2 thì bố mẹ Châu (do hỏi han quen biết) chủ động nhờ tôi dạy thêm cho em môn toán. Khi đó, cậu ấy đã rất giỏi rồi. Châu chưa từng “bó tay” trước bất kì một bài toán khó nào. Tôi luôn yên tâm là dù khó đến mấy thì Châu cũng sẽ tìm cách giải được. Lần đó, có một bài toán mà hai thầy trò loay hoay suy nghĩ cả tuần mà vẫn giải không ra. Cuối cùng, Châu từ trường về thông báo với tôi rằng: Đề bài thầy giáo ra sai!
- Nhiều người cho rằng thành công của Ngô Bảo Châu phần lớn là do anh may mắn có “gen” tốt?
- Có thể nói, Ngô Bảo Châu là một người gặp thời. Cậu ấy có rất nhiều thuận lợi. Cậu ấy được sinh ra trong một gia đình mà bố và mẹ đều là những nhà khoa học (thuộc hàng đỉnh), có tư chất rất tốt, lại là con một nên được quan tâm đầu tư phát triển. Cậu ấy được học thầy tốt là thầy Tôn Thân (một thầy giáo học văn nhưng dạy toán rất hay. Khi bắt đầu vào chuyên toán, tôi cũng được học rất nhiều thầy nhưng đến khi học thầy Thân tôi mới bắt đầu thực sự thích toán). Khi sang Pháp, Châu tiếp tục gặp được những thầy giáo và những người “bạn đồng hành” tốt... cùng với niềm đam mê toán học và sự nỗ lực để có được thành công như ngày hôm nay.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa.
- Thưa thầy, sự kiện của giáo sư Ngô Bảo Châu đã đặt ra câu hỏi: Giáo dục Việt Nam phải làm thế nào để có được nhiều tài năng (như Ngô Bảo Châu) hơn nữa?
- Thế hệ bọn tôi có rất nhiều người say mê học toán nên mới được những thành tựu như bây giờ mà Ngô Bảo Châu là một điển hình. Nhưng không chỉ riêng toán học và các môn khoa học cơ bản, bất kì môn học nào cũng cần khuyến khích để phát triển những tài năng. Không chỉ với nền giáo dục Việt Nam, câu hỏi này cũng đang là vấn đề rất lớn của nền giáo dục Trung Quốc, Ấn Độ. Họ là những nước giàu hơn ta mà vẫn đang phải loay hoay tìm câu trả lời nên việc này rất khó đối với một nước nghèo như Việt Nam.
Về cơ bản, những thay đổi liên tục về cơ chế của Bộ Giáo dục Việt Nam không khuyến khích được học sinh đam mê một môn nào đặc biệt. Tất cả cứ đồng đều, làng nhàng như nhau. Tôi cũng biết là Bộ muốn tránh tình trạng học lệch. Nhưng sự lo lắng này là không cần thiết. Bởi khi một học sinh đã giỏi (đặc biệt một bộ môn nào đó) thì sẽ không thể quá dốt một môn khác để bị lệch cả, bởi vì khoa học là một tổng thể chung và các môn học thường ít nhiều có sự liên quan tới nhau.
Chính vì không khuyến khích được các em học sinh say mê một môn nào đó nên có vẻ như giáo dục của chúng ta đang đi xuống. Ví dụ cụ thể là thành tích thi quốc tế của các môn học không bằng ngày xưa. Đội tuyển Toán Tin trước đây đã từng được xếp thứ nhất nhưng bây giờ điều này là khó. Hay như nhiều năm trước đây, Thái Lan đã từng phải sang thăm các trường đại học Việt Nam để học tập về cách đào tạo môn toán, nhưng bây giờ thì thành tích của họ đã vượt chúng ta. Như vậy có nghĩa là chúng ta đang tụt hậu.
Vì vậy, theo tôi, muốn có những nhà toán học (hay những nhà bác học trong các ngành khoa học khác) thì chúng ta phải có những chính sách hợp lý để khuyến khích các em say mê, phát triển đặc biệt một môn học nào đó bởi vì làm khoa học tức là chạy cự ly dài, cần sự dai sức và tập trung (không có chuyện một người giỏi toàn diện để trở thành nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực đâu. Tất cả đồng đều có nghĩa là không gì cả).
- Theo thầy, khi có được tài năng rồi thì chúng ta phải làm thế nào để họ có thể phát huy hết khả năng cống hiến cho đất nước?
- Đào tạo nhân tài đã khó, giữ được nhân tài còn khó hơn. Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ vật chất, cơm áo gạo tiền hàng ngày mà còn là môi trường làm việc và phát triển. Cơ chế làm việc của ta chưa được rõ ràng, còn các chính sách thì chưa được thực hiện triệt để. Chúng ta chưa có được một môi trường thuận lợi cho các tài năng tiếp tục phát triển. Đó thật sự là một bài toán khó mà hiện nay vẫn chưa có lời giải đáp hợp lý.
- Xin cảm ơn thầy!
Bài liên quan: