Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư |
Bốn câu thơ khí phách của danh tướng Lý Thường Kiệt được sử sách ngàn đời lưu giữ, trở thành bài học nằm lòng trong giáo khoa thư, đã khắc ghi trong trái tim lớp lớp thế hệ dân Việt về hình ảnh một người anh hùng với những chiến tích lẫy lừng “phá Tống bình Chiêm”. Bốn câu thơ ấy cũng đã được hát đầy cảm xúc từ dàn đồng ca trong vở kịch Ngàn năm tình sử của Sân khấu IDECAF vừa ra mắt. Thế nhưng, vở kịch lịch sử này không đi theo “thông lệ” chỉ nhằm ngợi ca những chiến tích mà nhìn người anh hùng ở một phía khác – phía “con người” với những buồn vui thương ghét, những “tấc niềm riêng” khó bày tỏ…

Thành Lộc (Lý Thường Kiệt) và Hữu Châu (Lý Đạo Thành)
trong vở kịch Ngàn năm tình sử
Truyện kịch trải dài qua nhiều chục năm, từ khi Lý Thường Kiệt còn là một cậu trai 18, mang tên “cúng cơm” Ngô Tuấn cho đến khi trở thành một thái sư tóc bạc như cước, lui về ở ẩn, rũ bỏ nợ trần gian. Cuộc đời của danh tướng Lý Thường Kiệt phải chịu nhiều nỗi đau, mồ côi cha rất sớm, được bạn thân của cha là thái sư Lý Đạo Thành nhận làm con nuôi, đổi họ Ngô thành họ Lý và đưa về kinh đô. Nhưng “tấc niềm riêng” của ông mà nhà văn Nguyễn Quang Lập – tác giả kịch bản và NSƯT Thành Lộc – đạo diễn khai thác như một đường dây chính của vở kịch là mối tình tuyệt vọng của Lý Thường Kiệt và Thuận Khanh.
Họ yêu nhau bằng mối tình đầu ngày mới lớn ở tại quê hương làng gốm. Chưa kịp bỏ trầu dạm hỏi, Lý Thường Kiệt được lệnh của cha nuôi gọi về kinh đăng lính. Chia tay trong nước mắt, họ nguyện đợi chờ ngày hợp hôn. Thế nhưng, ngày về phép định cưới vợ, chàng lính trẻ mới hay Thuận Khanh đã bị tiến cung. Để có cơ hội ở gần người yêu đồng thời tiếp cận với vua nhằm thực hiện chí lớn, Lý Thường Kiệt đã tự nguyện trở thành một thái giám.
Suốt 24 năm ròng rã, đêm nào ông cũng ra ngồi ở hòn giả sơn gửi tình yêu sâu nặng theo tiếng sáo hướng về cung Thúy Hoa, nơi có nàng Thuận Khanh đang mòn mỏi nhớ thương. Song đỉnh điểm của bi kịch là khi thiên tử băng hà, các cung nữ được trả tự do, giây phút hội ngộ đợi chờ bao năm của đôi tình nhân đã đến, thế nhưng khi Thuận Khanh lao vào vòng tay người đàn ông của mình với bao rạo rực khát khao thì ông đã quỳ sụp trong tuyệt vọng.
Cùng với cuộc tình buồn là nỗi đau không kém về sự gập ghềnh trên hoạn lộ mà “tảng đá” Lý Thường Kiệt phải vượt qua chính là sự đối đầu với thái sư Lý Đạo Thành, người cha nuôi rất mực yêu kính trong việc lựa chọn người buông rèm nhiếp chính cho ấu chúa. Trung thành với luật định, thái sư Lý Đạo Thành quyết định trao quyền cho Thượng Dương hoàng hậu song thái úy Lý Thường Kiệt lại hết mực ủng hộ vương phi Ỷ Lan, một người có đầy đủ tài đức lại là mẹ ruột của ấu chúa. Và Lý Đạo Thành đã tự treo ấn từ quan khi biết được bí mật thông đồng với giặc Tống của Thượng Dương hoàng hậu.
Nhưng với đạo làm con và nghĩa làm tôi, thái sư đương triều Lý Thường Kiệt đã đến quỳ trước cổng nhà cha nuôi nhiều ngày đêm chỉ để mời Lý Đạo Thành về triều phục chức, cùng dựa lưng nhau chống lại quân Tống đang lăm le ngoài biên ải.
Kịch bản Ngàn năm tình sử được nhà văn Nguyễn Quang Lập viết nhằm hưởng ứng đợt vận động sáng tác về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ý định ban đầu của anh là nhằm để làm phim nhưng chưa tìm được nhà sản xuất thì bất ngờ được nghệ sĩ Thành Lộc gợi ý chuyển sang kịch bản sân khấu.
Cả hai đã có được sự đồng cảm khi không tiếp tục “đúc tượng” nhân vật anh hùng như nhiều vở kịch lịch sử khác mà nhìn họ bằng cuộc đời của một con người bình thường, điều mà những người chép sử thường bỏ qua hoặc chỉ nhắc nhở đôi dòng. Các tác giả của vở đã hư cấu nên một câu chuyện tình vô cùng lãng mạn để lý giải về nguồn gốc “thái giám” của một danh tướng mà chiến tích lẫy lừng, là trụ cột của triều Lý một thời như Lý Thường Kiệt.
Vở kịch đồng thời cũng trả lời được câu hỏi: Vì sao một người có lúc đã thất vọng kêu lên: “Tôi phục vụ cho vua mà sao vua lại lấy vợ tôi!” lại cất công tìm cách đến gần vua để được giao trọng trách. Đó là vì Lý Thường Kiệt đã biết đặt “xã tắc lên đầu”, biết quên “tấc niềm riêng” để nghĩ tới lợi ích chung của Tổ quốc và đây cũng chính là lời nhắn gửi tới người xem qua vở Ngàn năm tình sử.
Có thể gọi đây là một vở nhạc kịch “thương hiệu Việt Nam” vì nó pha trộn nhiều thứ, một chút opera của Tây, một chút cải lương tuồng cổ của ta, một chút kịch nói, một chút vũ kịch… Trong vở có hát tân nhạc, có ca trù, có quan họ, có múa, có đánh võ, có bi, có hài,… và mặc dù được thu tiếng trước, nhưng giọng hát là của chính các diễn viên kịch đang thủ vai.
Vở kịch pha trộn giữa hai màu sắc giữa kim và cổ, trang phục hoàn toàn xưa nhưng phần ca khúc lại hiện đại, nhạc nền là sự phối hợp giữa ngũ cung và nhạc mới. Có một cảm giác vừa lạ lẫm vừa thú vị khi nghe thái úy Lý Thường Kiệt, cung nữ Thuận Khanh hát bài Nắng xuân quen thuộc của Đức Trí. Cảnh trí giản dị, ít thay đổi và nghiêng về ước lệ nhưng chính kỹ thuật ánh sáng đã thay thế thật hiệu quả chức năng chuyển cảnh, khiến sân khấu luôn có được sắc màu chuyên chở được nội dung đồng thời đem lại mỹ cảm nơi người xem.
Trước khi bắt tay vào dàn dựng, nghệ sĩ ưu tú – đạo diễn Thành Lộc đã xác định câu chuyện về nhân vật lịch sử chỉ là cái cớ để anh thả sức tung hoành dàn dựng theo sở thích. Anh vốn mê nhạc kịch phương Tây và khát khao tự tay mình làm được một vở nhạc kịch mang những nét đặc thù của Việt Nam. Và Ngàn năm tình sử chính là thành quả của khát khao này.
Anh cho biết âm nhạc là hơi thở chính của một vở nhạc kịch và nhạc sĩ Đức Trí chính là “bài giải” cho vở nhạc kịch anh ôm ấp. Bởi Đức Trí là người chơi “song kiếm”, sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc, lại có nhiều thành tựu ở nhạc hiện đại trong hòa âm phối khí lẫn viết ca khúc. Nhưng một trong những cái khó Thành Lộc đã làm được trong việc dàn dựng vở Ngàn năm tình sử là biến những diễn viên kịch nói của sân khấu IDECAF thành những “ca sĩ” và “vũ công” khá thuần thục.
Có thể sẽ thất vọng với những ai vốn quen xem các nhân vật lịch sử được thể hiện như những thánh thần trên sân khấu, nhưng để đi tìm sự đồng cảm với những vui buồn phía sau ánh hào quang của những anh hùng, vở Ngàn năm tình sử sẽ mang lại cho ta nhiều cảm xúc. Cảm xúc ấy sẽ tăng dần cùng với những diễn biến ở cuối vở, khi nỗi đau của con người bình thường Lý Thường Kiệt luôn phải lẩn khuất phía sau những chiến công lẫy lừng của một danh tướng.
- Vở kịch sẽ diễn tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1) bắt đầu từ 20g ngày 15/8/2009, vé bán từ ngày 20/7/2009 tại Sân khấu IDECAF, tại số 7 Trần Cao Vân và Nhà hát Bến Thành.