Về Kiên Giang đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Bài và ảnh: MẠNH HÀ

Nắng tháng 4 nhuộm vàng khắp dải đất miền Tây Nam Bộ. Những ngày này, đồng bào, sư sãi người dân Khmer nơi đây đang nhộn nhịp, vui mừng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Ở Kiên Giang, không khí Tết cổ truyền càng thêm tưng bừng hơn, ý nghĩa hơn bởi sự quan tâm thiết thực của các cấp chính quyền địa phương…

Theo phong tục, trong 3 ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer tập trung tại các ngôi chùa, cùng thờ cúng ông bà, vui chơi và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng được trọn niềm vui đón Tết vì toàn tỉnh vẫn còn gần 8.000 hộ dân tộc Khmer nghèo. Chính vì vậy, Kiên Giang đã quyết định hỗ trợ 200 ngàn đồng cho mỗi hộ Khmer nghèo và 400 ngàn đồng cho mỗi gia đình chính sách.


Điệu múa mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer.

Ông Danh Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: “Chăm lo tới đời sống của đồng bào dân tộc Khmer nghèo, gia đình chính sách luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là vào các dịp lễ Tết. Số tiền hỗ trợ trên tuy không nhiều nhưng thực sự là cố gắng lớn của địa phương. Hy vọng, niềm vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây sẽ đến với từng hộ gia đình”.

Đối với đồng bào Khmer, ngày Tết Chôl Chnăm Thmây có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Đây là dịp để mọi gia đình tỏ lòng thành kính lễ Phật cũng như để báo hiếu ông bà, cha mẹ... Một trong những nghi thức không thể thiếu đó là các phật tử làm lễ dâng cơm cho các sư sãi. Theo tục lệ nhà chùa, vào ngày sóc, vọng, ngày Tết, lễ... các tín đồ đi chùa lạy Phật và dâng cơm mời các nhà sư, đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ Tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói và sau khi ăn…

Phật tử Danh Suol ở xã Lương Nghĩa, huyện Kiên Lương nói: “Với số tiền được hỗ trợ, gia đình tôi đã làm được mâm cơm tươm tất dâng lên các sư sãi. Tết đến, gia đình cũng có thêm tiền mua bánh Tét, bánh gừng… và làm lễ cầu siêu cho những người đã khuất. Không khí gia đình cũng vui vẻ, ấm cúng hơn nhiều”.


Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc chúc Tết, tặng quà sư sãi, phật tử đồng bào Khmer.

Không chỉ quan tâm tới hộ nghèo, gia đình chính sách, tỉnh Kiên Giang còn tổ chức thăm hỏi chúc Tết các vị sư sãi, cao tăng. Quà chúc Tết bao gồm bánh, kẹo, đường… cùng 600 ngàn đồng/chùa. Hòa thượng Danh Nhưỡng, Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng luôn tôn trọng, quan tâm phát triển tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer. Các cơ sở thờ tự được mở rộng, đời sống của các phật tử cũng ngày một nâng cao… Hằng năm, mỗi dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, nhà chùa đều được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết, thăm hỏi, tặng quà”.

Cuộc sống của đồng bào Khmer đang đổi thay từng ngày, qua từng năm hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, y tế… phục vụ các nhu cầu dân sinh cũng như phát triển kinh tế dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, một loạt các chương trình, chính sách… đã giúp đồng bào có đất sản xuất, vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế từng bước thoát nghèo.

Đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer nghèo càng vui hơn khi vụ mùa vừa qua trúng mùa, trúng giá, năng suất lúa bình quân đạt khoảng 6 tấn/ha, giá lúa giao động khoảng 4.300 - 4.800 đồng/kg. Những nụ cười, luôn rạng ngời, thường trực trên mỗi khuôn mặt. Những câu hát điệu múa, thêm bay bổng, say sưa… Một mùa xuân nữa lại về, trời đất giao hòa, cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc. Về Kiên Giang vui Tết Chôl Chnăm Thmây, mừng cuộc sống của đồng bào ngày càng no ấm.