Võ Miếu ở Huế

Võ Miếu là một trong những thành tố đã tạo ra diện mạo kiến trúc và sinh hoạt văn hóa triều Nguyễn (1802-1945) tại Kinh đô Huế. Nó chứa đựng một số vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa của một thời lịch sử đã qua, và ngay cả thời nay nữa. Với những đổi thay của thời cuộc và những cơn bão táp của lịch sử, Võ Miếu hiện nay cơ hồ trở thành phế tích. Dưới đây chúng tôi dựa vào các tư liệu có được trong tay và trên thực địa để cố gắng tái hiện bộ mặt của Võ Miếu ngày xưa, nêu lên các mặt giá trị của nó và đưa ra một vài kiến nghị nhằm bảo tồn được chừng nào hay chừng ấy di tích lịch sử văn hóa này.

1. Vị trí chức năng

Võ Miếu đã được xây dựng ở ấp Nội Súng thuộc làng An Ninh, huyện Hương Trà, nay thuộc địa bàn của xã Hương Hồ (huyện Hương Trà), một xã vùng ven thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 4,5km về phía Tây. Võ Miếu nằm giữa một loạt di tích lịch sử và văn hóa ở dải đất chạy dọc theo bờ Bắc sông Hương, gồm chùa Thiên Mụ, Võ Miếu, Văn Miếu, Công Thần Miếu (ở vị trí trường Quốc Tử Giám cũ), Khải Thánh Từ. Ngoài ra, giữa Võ Miếu và Văn Miếu còn có đình làng An Bình nữa. Võ Miếu tọa lạc tại địa điểm cách chùa Thiên Mụ khoảng 300m về phía Tây. Tất cả đều quay mặt về phía sông Hương ở hướng Nam. Từ trung tâm thành phố, người ta có thể đi đến Võ Miếu bằng thuyền hoặc các loại xe theo con đường tỉnh lộ 12 chạy từ Huế đến lăng Minh Mạng, vùng Bình Điền, A Lưới.

Về chức năng của Võ Miếu, hơn hết có lẽ là nên nêu lại ý kiến của triều đình nhà Nguyễn, được xem như là tác giả của công trình kiến trúc này.

Trước khi xây dựng vào năm 1835, triều đình đã bàn bạc khá kỹ lưỡng về một số vấn đề liên quan đến việc thiết lập Võ Miếu, mà quan trọng nhất là ý nghĩa của nó.

Bộ Lễ “kiến nghị” đại khái như sau: “Đường lối trị nước, văn võ đều trọng. Xét trong điển lệ quốc triều, trong Kinh và ngoài các tỉnh đều làm nhà Văn Miếu, xuân thu tế lễ, thực vì cho rằng đạo của Thánh nhân bao hàm tất cả: có văn sự tất phải có vũ bị, đành rằng đủ để khích lệ phong hóa và đào tạo nhân tài, song thiết tưởng lễ nhạc nhà học chỉ riêng trọng văn hóa, còn vũ giáo chưa được tiêu biểu. Vậy nghĩ nên lập Võ Miếu để cho những người theo việc cung đao biết hướng trông mong, bắt chước, cũng là cái lý do nghĩa lý nảy ra lễ nghi” (1).

Sau khi nghe Bộ Lễ tâu lên như thế, vua Minh Mạng tỏ thái độ đồng tình ngay. Mở đầu bài dụ về việc thiết lập Võ Miếu, nhà vua viết rằng: “Điều cốt yếu trị nước là cả văn lẫn võ, không thể riêng bỏ một bên nào. Việc đặt ra Võ Miếu là lẽ nên làm… Từ Đinh, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người phò tá đời ấy, chẳng thiếu gì người tài giỏi binh cơ tướng lược. Huống chi bản triều từ khai quốc đến trung hưng, trong khoảng ấy những bầy tôi bày mưu giúp sức, công liệt rực rỡ, không kém người xưa, đáng nên biểu dương để khuyến khích nhân tài” (2).

Như vậy, vua tôi thời Minh Mạng đều nhất trí với nhau rằng cần phải lập ra Võ Miếu để trước hết là xóa bỏ quan niệm trọng văn khinh võ, sau đó là xiển dương những danh tướng lẫy lừng trong lịch sử và đồng thời khuyến khích các tài năng về võ nghiệp trong “hiện tại” và “tương lai”.

Những ý nghĩa và chức năng ấy còn được biểu hiện rõ hơn nữa khi triều đình chi dựng ở đó 3 tấm bia Võ công vào cuối thời Minh Mạng và những tấm bia Tiến sĩ dưới thời Tự Đức mà hiện nay chúng ta còn thấy tại chỗ.

2. Thời điểm xây dựng và diện mạo Võ Miếu ngày xưa

Sử sách cho thấy việc thiết lập Võ Miếu là một trong những động thái văn hóa truyền thống của Đông phương. Ở Trung Hoa, vào thời nhà Đường (618-907), vua Huyền Tông với niên hiệu Khai Nguyên (713-741) đã ra lệnh cho các đại phương trong nước làm miếu để thờ một số đại danh tướng trong lịch sử. Còn ở Việt Nam, theo Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, đã có Võ Miếu ở Kinh đô Thăng Long vào cuối thời nhà Lê (1427-1788) (3).

Tuy nhiên, qua sử sách cũng như trên thực tế, tính đến triều Tây Sơn (1788-1802), hình ảnh Võ Miếu ở các kinh đô của các triều đại đã trở thành hết sức mờ nhạt so với Văn Miếu, và cũng còn có thể nói là truyền thống văn hóa ấy đã bị đứt đoạn.

Đứng trước tình trạng ấy, triều đình Minh Mạng đã tái tục truyền thống bằng cách cho xây dựng Võ Miếu ở Kinh đô Huế. Sau khi quyết định chọn vị trí ở bên trái Văn Miếu, triều đình đã cho bắt đầu thi công xây dựng Võ Miếu từ tháng 9 năm Ất Mùi (năm Minh Mạng thứ 16), tức là tháng 11/1835 (4). Sử sách không cho biết thời gian thi công kéo dài bao lâu, nhưng với khối lượng và hạng mục công trình như được mô tả trong các tài liệu thì việc xây cất có lẽ phải qua năm sau mới xong.

Theo sự mô tả rất sơ lược trong các tư liệu thành văn chính thống do triều Nguyễn để lại như “Đại Nam thực lục”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Đại Nam nhất thống chí”, thì địa bàn xây dựng của cụm kiến trúc Võ Miếu chiếm một khu đất không nhỏ, có lẽ mặt bằng có hình gần như vuông, mỗi bề khoảng 100m và diện tích chừng 1ha.

Các sử sách ấy đều ghi nhận giống nhau rằng bên trong khuôn viên Võ Miếu có 3 tòa nhà, gồm ngôi miếu chính và hai ngôi miếu phụ nằm ở hai bên sân trước. Quay mặt về phía sông Hương, miếu chính là một tòa nhà kép được xây theo kiểu đặc biệt của loại cung điện Huế dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945).

Loại nhà xây theo kiểu này được gọi là “trùng lương trùng thiềm” hoặc “trùng thiềm điệp ốc”, thường gọi một cách nôm na là nhà kép, gồm hai bộ mái với hai bộ vì kèo khác nhau, nối kết lại với nhau bằng một bộ vì kèo thứ ba nằm ở giữa, gọi là trần thừa lưu hoặc trần vỏ cua, tạo thành một không gian nội thất chung, rộng rãi và thâm nghiêm. Ở tòa kép ấy, sử sách nhà Nguyễn gọi nhà sau là “chính doanh” (nhà chính) và nhà trước là “tiền doanh” (5). Về số “gian” ở mỗi “doanh” thì tùy theo tính chất và yêu cầu của từng công trình mà nhiều hay ít, nhưng bao giờ cũng là số lẻ: 3 gian, 5 gian, 13 gian… Còn hai chái hai bên mỗi doanh thì có thể là chái đơn, chái kép hoặc không có chái.

Trong trường hợp Võ Miếu, các tư liệu đều cho biết chính doanh có 3 gian 2 chái, tiền doanh có 5 gian.

Còn hai ngôi miếu phụ ở haio bên sân trước miếu chính thì kết cấu kiến trúc đơn giản hơn nhiều. Mỗi ngôi chỉ có 5 gian, không chái. Tất nhiên theo thông lệ, hai ngôi nhà này đều quay mặt vào giữa sân và đối diện nhau. Hai ngôi nhà này được “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” (6) và “Đại Nam thực lục” (7) gọi là Tả Tòng Tự và Hữu Tòng Tự, còn “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức (8) và thời Duy Tân (9) thì gọi là Tả Hữu Lưỡng Vu, hoặc Tả Vu và Hữu Vu (10).

Bấy giờ (1835), triều đình còn cho xây dựng một vòng tường thành bằng gạch để bao bọc chung quanh khu vực Võ Miếu. Ở chính giữa của mặt tường thành phía trước, trổ cửa Tam quan hai tầng (tương tự như của Tam quan ở Văn Miếu bên cạnh hoặc một số di tích khác tại Huế). Ở mỗi mặt tường thành hai bên, trổ một cửa đơn giản (cửa xây). Tất nhiên hai cửa phụ này nằm đối xứng nhau; được “Đại Nam thực lục” gọi là “cửa tò vò” (11), còn “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức thì gọi là “cửa nách” (12). Ở phía ngoài vòng tường thành ấy còn xây một ngôi nhà 3 gian, gọi là “Tể Sinh Sở” (13), tức là nơi mổ súc vật để cúng tế trong miếu. Theo Thái Văn Kiểm trong sách “Cố đô Huế”, ngôi nhà Tể Sinh này nằm ở ngoài mặt trước của vòng tường thành ấy (14).


Nhà Huế học Phan Thuận An.

Ngày xưa, ở khắp bên trong lẫn bên ngoài khuôn viên Võ Miếu, nhất là ở hai bên con đường chạy ngang qua trước mặt khu vực này, triều đình nhà Nguyễn đã cho trồng rất nhiều cây bàng, một loại cây có dáng vẻ chắc khỏe, nhiều cành lá sum xuê, ngọn lá to lớn và dày dặn, tạo ra nhiều bóng mát. Bởi thế, từ xưa, ca dao địa phương có câu:

Văn Thánh trồng thông,

Võ Thánh trồng bàng

Ngó vô xã tắc hai hàng mù u.

Như vậy, khi khu vực Võ Miếu vừa xây dựng xong vào năm 1836, ở đây có ít nhất là 8 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau:

- 4 tòa nhà bằng gỗ gồm Miếu chính, Tả Vu, Hữu Vu, nhà Tể Sinh.

- Cửa Tam quan bằng gỗ với hai tầng mái lợp ngói.

- Vòng tường thành và hai cửa nách (dịch môn) xây bằng gạch.

Đến năm Minh Mạng thứ 20, tức là năm 1839, triều đình cho dựng ở khoảng sân trước Miếu chính 3 tấm bia Võ Công, được gọi bằng 3 tên khác nhau là “Võ Công bi ký” (đặt ở giữa), “Võ Công tả bi” (đặt ở bên trái, theo hướng từ trong Miếu chính nhìn ra) và “Võ công hữu bi” (đặt ở bên phải, đối xứng với tấm thứ hai vừa nói). Ba tấm bia đá với kích cỡ khá lớn này đã được khắc dựng nhằm đề cao công trạng hiển hách của 10 vị danh tướng đã từng đóng góp nhiều công lao nhất trong quá trình phục vụ triều Nguyễn từ thời Gia Long (1802-1819) đến thời Minh Mạng (1820-1840) và nêu gương sáng của họ để khuyến khích những người theo đòi võ nghiệp hậu thế noi theo.

Sau đó, vào thời Tự Đức (1848-1883), triều đình còn cho dựng thêm ở trên sân trước Miếu chính một số tấm bia Tiến sĩ Võ. Các tư liệu thành văn không cho biết rõ số bia loại này đã được khắc dựng là bao nhiêu tấm. Hiện nay trên thực địa, chúng tôi thấy chỉ có hai tấm.

Tấm thứ nhất được khắc dựng vào năm Tự Đức thứ 18, tức là năm 1865, ghi tên hai vị Tiến sĩ Võ vừa thi đậu năm ấy (khoa Ất Sửu).

Tấm thứ hai không đề năm khắc dựng. Bia này ghi chung kết quả của hai khoa thi Tiến sĩ Võ: khoa Mậu Thìn (1868) và ân khoa Kỷ Tị (1869). Khoa 1868 có 5 người đậu và khoa 1869 có 3 người đậu.

Ngoài ra, một trong những ý nghĩa mà triều đình Minh Mạng đặt ra khi cho thiết lập Võ Miếu là dùng để thờ một sô danh tướng mà họ cho là đã lập được những võ công hiển hách nhất trong lịch sử Trung Hoa và Việt Nam như trên đã nói. Sau khi cân nhắc và chọn lọc hết sức kỹ lưỡng, triều đình đã quyết định đưa danh tính 18 nhân vật sau đây, gồm 12 danh tướng Trung Hoa và 6 nhân vật Việt Nam, vào thờ ở đó (15).

Tại Miếu chính, ở 3 gian thiết trí 3 án để thờ 12 nhân vật Trung Hoa, được xếp đặt theo thứ tự:

- Ở án chính trung, thờ Khương Tử Nha thời nhà Chu.

- Ở án phía Đông, thờ 6 vị: Quản Trọng nước Tề, Tôn Võ Tử nước Ngô, Hàn Tín nhà Hán, Lý Tĩnh nhà Đường, Lý Thanh nhà Đường, Từ Đạt nhà Minh.

- Ở án phía Tây, thờ 5 vị : Điền Nhượng Thư nước Tề, Trương Lương nhà Hán, Gia Cát Lượng nhà Hán, Quách Tử Nghi nhà Đường, Nhạc Phi nhà Tống.

Tại hai nhà Tả Vu và Hữu Vu, thờ 6 nhân vật Việt Nam, được sắp đặt theo thứ tự sau:

- Ở Tả Vu, thờ 3 vị: Trần Quốc Tuấn (1226-1300) nhà Trần, Nguyễn Hữu Tiến (1602-1665) thời các chúa Nguyễn, Tôn Thất Hội (1757-1789) thời Nguyễn Ánh.

- Ở Hữu Vu, thờ 3 vị: Lê Khôi (?-1446) nhà Lê, Nguyễn Hữu Hữu Dật (1603-1681) thời các chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Trương (1740 ố 1810) thời Nguyễn Ánh ố Gia Long.

Mỗi nhân vật được biểu tượng bằng một bài vị bằng gỗ sơn thếp, trên đó ghi dòng chữ chó biết triều đại, chức tước, thụy hiệu, họ tên và cuối cùng là hai chữ “chi vị”, chẳng hạn như:

- Bài vị thời Gia Cát Lượng đề:

Hán Thừa tướng Gia Cát Lượng chi vị.

- Bài vị thờ Nguyễn Hữu Dật đề:

Bản triều Khai quốc Công thần Thái phó Tĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Dật chi vị.

Tất nhiên, những bài vị này đều được đặt trong các khám thờ một cách sang trọng.

Về việc bảo vệ và chăm sóc hàng ngày ở Võ Miếu, sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng “cho mộ lấy 20 người dân ngoại tịch ở gần Miếu, sung làm thủ hộ” (16), tức là “làm phu quét dọn ở Miếu”.

Về việc cúng tế và các lễ phẩm, triều đình bấy giờ qui định rằng “hằng năm về tháng trọng xuân (tháng hai), trọng thu (tháng tám) sau khi tế Văn Miếu 1 ngày, lấy ngày “kỷ” để tế; lễ ở án chính thì dùng tam sinh (trâu, dê, lợn), xôi và 3 mâm quả phẩm; án phối hưởng ở hàng phía Đông, phía Tây thì mỗi án có 1 con lợn, 1 mâm xôi và 4 mâm quả phẩm; án thờ phụ ở hai bên tả hữu (Tả Vu, Hữu Vu) cũng như thế; án chính thì thì lấy một viên đại thần ban vũ khâm mạng làm lễ, hàng phía Đông, phía Tây thì lấy 2 viên quản vệ, chái bên tả bên hữu (Tả Vu, Hữu Vu) thì lấy hai cai đội, đều làm lễ phân hiến (17).

3. Quá trình xuống cấp và hiện trạng của Võ Miếu

Qua những nét phác họa như trên về diện mạo kiến trúc và sinh hoạt lễ nghi ở Võ Miếu ngày xưa, chúng ta thấy triều đình nhà Nguyễn, nhất là thời Minh Mạng, đã xem Võ Miếu là một thực thể văn hóa quan trọng bên cạnh Văn Miếu ở Kinh đô Huế. Tuy nhiên, kể từ khi triều Nguyễn cáo chung (1945), Võ Miếu đã liên tục bị chiếm dụng và có khi bị đối xử một cách thô bạo. Do đó, đến ngày nay, nhìn chung, hầu như nó đã trở thành một phế tích.

Theo một số vị có tuổi ở địa phương cho biết thì ngay sau khi người Pháp trở lại tái chiếm Huế vào tháng 2/1947, khu vực Võ Miếu (cũng như Văn Miếu) đã bị lực lượng thực dân dùng làm nơi đóng quân. Bấy giờ, một số đồ tự khí, như các bài vị chẳng hạn, được chuyển về giữ tạm ở chùa Thiên Mụ.

Từ năm 1955 đến năm 1975, chính quyền Sài Gòn tiếp tục dùng khu vực cổ tích ấy (và khu vục Văn Miếu) làm Trung tâm huấn luyện tân binh của Sư đoàn 1 Bộ binh.

Từ năm 1975 trở đi, khu vực Võ Miếu được cấp cho Hội Phụ nữ Bình Trị Thiên, nay là Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, dùng làm trường lớp đào tạo nghiệp vụ cho nữ giới tỉnh sở tại.

Vào thời điểm đó, các công trình kiến trúc ở Võ Miếu đã trở nên hoang tàn, chỉ có những tấm bia đá to lớn, nặng nề là người ta không đem đi nơi khác được, nhưng cũng đã bị xô sấp lật ngửa. Những cây bàng ngày xưa cũng biến mất, nhường chỗ cho cây hoang cỏ dại. Trong khuôn viên ấy, Hội Phụ nữ đã cho xây mới một loạt nhà cửa, phòng ốc để làm trường lớp. Đến nay, những công trình xây dựng tạm bợ này cũng đã dột nát. Trong một đợt đi khảo sát thực địa vào đầu mùa hè năm 1997, chúng tôi nghe bà Chủ tịch Hội Phụ nữ Thừa Thiên Huế nói đang có ý định tu bổ lại những nhà cửa phòng ốc ở đó để tiếp tục mở các lớp đào tạo nghiệp vụ cho phụ nữ địa phương.

Trong khuôn viên Võ Miếu, hiện có khoảng 10 ngôi nhà nhưng chỉ có một hộ thuộc Hội Phụ nữ đang thường trú.

Vào những tháng đầu năm 1997, với sự tài trợ của một tổ chức thiện nguyện thuộc Vương quốc Bỉ, Hội Phụ nữ cũng đã cho xây dựng tại đây một dàn máy lọc nước sạch để cho cư dân ở quanh khu vực ấy sử dụng.

Mặt khác, về các chứng tích còn lại của Võ Miếu ngày xưa, chúng ta có thể tìm thấy một số bộ phận kiến trúc và hiện vật hiếm hoi đáng quan tâm và bảo quản sau đây: hai đoạn tường thành, một số viên đá tảng, 3 tấm bia Võ công, 2 tấm bia Tiến sĩ Võ, 10 cái bài vị.

- Tường thành, đá tảng: ở mặt nước và mặt bên trái của khuôn viên hiện còn lại hai đoạn tường thành, mỗi đoạn dài vài chục mét, được xây bằng gạch vồ nhưng với vữa xi măng. Ở đó có trổ nhiều lỗ châu mai. Như vậy chúng đã được xây lại dưới thời Pháp chiếm đóng (1947-1954) hoặc dưới chế độ cũ (1955-1975). Rải rác trong mặt bằng của khuôn viên ấy, còn thấy được khoảng một chục viên đá tảng lớn nhỏ khác nhau.

- 3 tấm bia Võ Công: không có tư liệu nào cho biết 3 tấm bia này đã bị xiêu đổ từ khi nào. Vào năm 1990, nhân dịp lễ kỷ niệm 190 năm ngày sinh của Nguyễn Tri Phương (1800-1990), có một nhóm người nghĩ rằng thế nào tên tuổi của vị danh tướng này cũng được khắc ghi ở bia Võ Công triều Nguyễn. Do đó, họ đã tìm cách vận động một cơ quan nhà nước cho dựng 3 tấm bia dậy để nhờ người đọc. Nhưng sự thật cho thấy và sử sách cho biết tên tuổi Nguyễn Tri Phương không có trên đó, lý do rất dễ hiểu: bia được khắc dựng vào thời Minh Mạng (như đã nói trên), trong khi đó thì mãi đến thời Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), Nguyễn Tri Phương mới trở thành một danh tướng của Việt Nam.

Dù sao, ba tấm bia này, cũng như hai tấm bia Tiến sĩ Võ, đều được dựng trên bệ đá hình khối chữ nhật được trang trí kiểu sập gu trổ thân quì, chứ không phải trên lưng rùa như 32 tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu bên cạnh. Tất cả các tấm bia đều được khắc một mặt (18).

1. Tấm thứ nhất (ở giữa) nhan đề là “Võ Công bi ký”. Kích thước bệ bia: 1,15m x 63cm x 20cm.

Bia cao 1,60m, rộng 74cm, dày 23cm. Phần trang trí chung quanh chạm hoa cúc có mây quyện, các hoa nhỏ nối liền với nhau bằng những đường gấp khúc. Lòng bia khắc 14 dòng chữ Hán chân phương, gồm 309 chữ.

Có thể xem nội dung ở đây là bài tựa chung cho cả ba tấm bia Võ Công. Những thông tin chủ yếu chứa đựng trong đó là:

- Vua Minh Mạng xuống dụ tuyển chọn những danh tướng đã lập được những võ công rực rỡ nhất dưới thời hai vua đầu triều Nguyễn, cho khắc vào bia đá để làm sáng tỏ công lao của họ và để khuyến khích võ nghiệp muôn đời mai sau.

- Danh sách do Bộ binh đề nghị, rồi triều đình thảo luận, cuối cùng tuyển chọn được 10 người xứng đáng nhất. Người đầu tiên là Trương Minh Giảng và người thứ 10 là... (bị đục tên dưới thời Tự Đức).

Nội dung văn bia được đại thần Đặng Văn Hòa biên soạn vào ngày mồng 2 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 20 (tức 7/12/1830).

2. Tấm thứ hai (ở bên trái) nhan đề là “Võ Công tả bi”. Kích thước bệ bia: 1,16m x 63cm x 25cm.

Bia cao l,59m, rộng 74cm, dày 23,5cm. Chung quanh trang trí hình ảnh hoa lá và hoa văn cách điệu. Lòng bia khắc 20 dòng chữ Hán chân phương, gồm 608 chữ.

Nội dung ghi khắc họ, tên, quê quán, chức tước và công trạng của 5 danh tướng:

- Trương Minh Giảng, người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.

- Phạm Hữu Tâm, người huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

- Tạ Quang Cự, người huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

- Phan Thanh Thúy, người huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

- Mai Công Ngôn, người huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

3. Tấm thứ 3 (ở bên phải) nhan đề là “Võ Công hữu bi”. Kích thước bệ bia: 1,15m x 61cm x 23cm.

Bia cao 1,59m, rộng 73cm, dày 23,5. Chung quanh trang trí hình ảnh hoa lá và đường nét hoa văn cách điệu.

Lòng bia khắc 17 chữ Hán chân phương gồm 465 chữ (trừ phần chữ bị đục, mài).

Nội dung khắc ghi họ tên, quê quán, chức tước và công trạng của 5 danh tướng:

- Nguyễn Xuân, người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

- Phạm Văn Điển, người huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

- Lê Văn Đức, người huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long.

- Trần Văn Trí, người huyện Tân Long, tỉnh Gia Định.

- Người cuối cùng bị xóa tên.

Ở dòng cuối của hai tấm bia “Võ Công tả bi” và “Võ Công hữu bi” đều ghi cùng một thời điểm như tấm “Võ Công bi ký”: “Minh Mạng nhị thập niên thập nhất nguyệt sơ nhị nhật” (tức là ngày 7/12/1839), nhưng lại kết thúc bằng hai chữ “phụng soạn” ở tấm bia thứ nhất (?). (19)

Một nghi vấn đáng nêu ra ở đây để tìm cách giải đáp: nhân vật cuối cùng bị đục tên là ai? Tại sao? Bị đục tên vào thời điểm nào?

Cách đây vài năm, một chuyên viên Hán Nôm về thơ văn triều Nguyễn thế kỷ 19 là Nguyễn Văn Huyền, khi dịch thuật nội dung 3 tấm bia Võ Công ấy, đã chú thích rằng bia bỏ trống một đoạn ngắn. Có lẽ lúc đầu định chọn mười người, song không rõ vì sao không chọn được đủ mà chỉ lấy chín, vì thế bỏ trống (20).

Thật ra không phải “bỏ trống”, mà bị xóa tên.

Sử sách triều Nguyễn có ghi chép cả về công trạng lẫn tội trạng của người thứ 10 ấy: Tôn Thất Bật.

Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết rằng vào năm 1837, sau khi được vua Minh Mạng giao công việc “bàn lập bia Võ Công của công thần", Bộ Binh đã dâng lên một danh sách gồm 20 người. Nhưng nhà vua quyết định chọn 1/2 trong số đó, vì xét thấy “mười viên ấy đều có võ công đáng ghi... , đều cho khắc vào đá rắn..., bày đặt ở hai bên tả hữu trước sân Võ Miếu, về bên tả thì lấy Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm... cộng 5 viên khắc làm một bia. Bên hữu thì lấy Nguyễn Xuân, Phạm Văn Điển, Lê Văn Đức, Trần Văn Trí, Tôn Thất Bật, cộng 5 viên khắc làm một bia, đều ghi rõ quan hàm, họ tên và sự trạng” (21).

Riêng về vị võ tướng thứ 10 ấy, nhà vua đã nhận định như sau:

“Chưởng vệ, Thự Hà Ninh đề đốc, quyền hộ Ninh Thái tổng đốc quan phòng, Võ Khê nam là Tôn Thất Bật, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) do chức phó Vệ úy Tiền bảo nhị, đem biền binh tỉnh Sơn [sic] tiến đánh thổ phỉ. Từ khi nhân bọn đầu sỏ giặc trốn tránh. Ở các hạt Bắc Kỳ kết đảng với tên giặc [Nông văn] Vân, viên ấy liền cùng với Thự Lãnh binh Hà Nội là Võ Đình Quang chia đường tiến đánh, bắt chém bè lũ giặc và thu được khí giới rất nhiều, bọn giặc phải nín thở. (22)

Như vậy, “quan hàm, họ tên và sự trạng” của Tôn Thất Bật đã từng được khắc vào tấm bia “Võ Công hữu bi” đó là sự thật.

Hơn nữa, ngày nay, nếu khảo sát kỹ tấm bia đá ấy, chúng ta sẽ thấy ở những dòng chữ cuối để dành khắc về Tôn Thất Bật ngày xưa đã trở thành một khoảng trống, vì đã bị mài một lớp mỏng rất “khéo tay”, thật khó nhận ra. Ở tấm bia đá thứ nhất (Võ Công bi ký), ba chữ Tôn Thất Bật nằm giữa nhóm từ “Thủ Trương Minh Giảng chí Tôn Thất Bật, đẳng thập nhân”! (Trước hết là Trương Minh Giảng đến Tôn Thất Bật cả thảy 10 người) cũng đã bị mài bỏ một cách khéo léo, hầu như chẳng để lại dấu vết gì, phải tinh mắt lắm mới nhận ra một lớp đá rất mỏng đã bị mài đi ở diện tích bé nhỏ ấy (16 bis).

Dưới thời Minh Mạng, Tôn Thất Bật đã được vinh danh như trên đã thấy, nhưng đến thời Tự Đức thì ông lại bị triều đình buộc tội “dự mưu” phản nghịch.

Câu chuyện về ông có một cái gì đó uẩn khúc, khó hiểu, vì mãi đến đầu thời Tự Đức, ông vẫn được nhà vua trọng dụng.

Vào tháng 4/1851, với chức vụ Tổng đốc Nam - Ngãi, khi về Kinh dự lễ tế Nam Giao và lễ Thanh Minh, Tôn Thất Bật đã từng được vua Tự Đức tiếp kiến và ân cần dặn dò về những điều liên quan đến việc trị an tại địa phương ông nhậm chức.(23)

Khi ông chết vì bệnh vào tháng 10/1852, vua Tự Đức vẫn “cho Bật là người bầy tôi cũ có công, chuẩn cho chiếu phẩm cấp tiền tuất; lại cấp thêm: gấm (3 tấm), sa (2 tấm), lụa (5 tấm), vải (10 tấm), tiền (800 quan). Đến ngày an táng sai quan đến tế một tuần, để tỏ ra hậu đãi với người thân quyến”(24).

 Nhưng, đến khoảng tháng 2/1854, nghĩa là sau khi mồ yên mả đẹp gần một năm rưỡi, thì ông bị truy tội. Sử triều Nguyễn ghi rằng bấy giờ (1854), “An phong công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch, rồi tự thắt cổ ở nơi giam; con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là viên đã chết là Tôn Thất Bật, đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân;... Vua ra lệnh bắt đổi Bảo là họ Đinh và Bật đổi là họ Phan (đều là theo họ của mẹ)”. Ngoài ra, “các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc”(25).

Chắc hẳn tên họ của Tôn Thất Bật trên bia Võ Công đã bị triều đình Tự Đức cho xóa bỏ ngay sau khi xử xong vụ án ấy vào năm 1854 (26).

Hai tấm bia Tiến sĩ Võ: hiện nay, nếu 3 tấm bia Võ Công nằm ở những vị trí gần trước mặt Miếu chính ngày xưa hơn thì hai tấm bia Tiến sĩ Võ nằm ở những vị trí gần đường cái hơn. Cũng bằng đá thanh, nhưng so với 3 tấm bia kia thì hai tấm này tương đối nhỏ. Bia cũng khắc bằng chữ chân phương trên một mặt.

Sử sách cho biết rằng dưới triều Nguyễn đã tổ chức khá nhiều khoa thi Tiến sĩ Võ nhưng chẳng hiểu vì sao hiện nay ở sân Võ Miếu chỉ thấy có hai tấm bia Tiến sĩ Võ khắc kết quả của 3 khoa thi dưới thời Tự Đức.

1. Tấm thứ nhất: hiện nằm ở phần sân bên trái, tính từ phía Miếu chính ngày xưa nhìn ra, kích thước bệ bia: 70cm x 45cm x 19cm.

Bia cao 1,05m, rộng 52cm, dày 11,5cm. Đầu bia chạm hình lưỡng long cách điệu chầu lưỡng nghi. Chung quanh thân bia trang trí hình hoa dây, chính giữa diềm trên khắc mặt hổ phù. Còn đủ hai cặp tai bia (trên và dưới). Bia còn khá tất, nhưng một số chữ đã bị mưa gió bào mòn, không đọc được. Bệ bia bị sứt một số mảnh.

Nội dung ghi đại khái: tên tuổi, quê quán của hai Tiến sĩ đậu khoa Ất Sửu (Tự Đức thứ 18, tức là năm 1865) là Võ Văn Đức (người huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và Võ Văn Lương (người huyện Đăng Xương, đạo Quảng Trị). Bia đá khắc vào tháng 6 năm Tự Đức thứ 18, tức là tháng 8/1865.

2. Tấm thứ hai: hiện tọa lạc tại phần sân bên phải của khuôn viên Võ Miếu ngày xưa, kích thước bệ bia: 80cm x 53cm x 25cm.

Bia cao 1,08m, rộng 52cm, dày 11,5cm. Giữa đầu bia chạm một đóa hoa cúc lớn mãn khai; phần còn lại và các diềm bia trang trí hoa dây. Bia còn khá tốt, nhưng một số chữ đã bị mòn không đọc được. Còn đủ hai tai trên và hai tai dưới, nhưng ở diềm bia và bệ bia bị sứt một số mảnh nhỏ.

Nội dung khắc ghi kết quả hai khoa thi Tiến sĩ Võ vào đầu năm Mậu Thìn (năm Tự Đức thứ 21, tức là năm 1868) và năm Kỷ Tỵ (năm Tự Đức thứ 22, tức là năm 1869).

- Khoa Mậu Thìn (1868) lấy 5 ngươi đậu Tiến sĩ, là Nguyễn Văn Vận (người huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên), Phạm Học (người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Văn Tứ (người huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), Dương Viết Thiệu (người huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên) và Đỗ Văn Kiệt (người huyện Đăng Xương, đạo Quảng Trị).

- Khoa Kỷ Tỵ (1869) lấy 3 người đậu Tiến sĩ Võ là Đặng Đức Tuấn (người huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), Trần Văn Hiển (người huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên) và Lê Văn Trực (người huyện Minh Chính, tỉnh Quảng Bình).

Ba tấm bia Võ Công và hai tấm bia Tiến sĩ Võ nói trên đều đã được Trường Viễn Đông bác cổ cho dập vào khoảng thập niên 1920. Năm bản dập này hiện đang được lưu trữ cùng với hàng vạn bản dập khác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), với 5 ký hiệu số 5685, 5686, 5687, 5688, 5689. Tất nhiên, nét chữ và hoa văn trên những bản dập này rõ ràng hơn trên bia đá hiện nay.

Mười cái bài vị: như đã thấy trên, vào khoảng năm 1947, khi Võ Miếu bị quân đội Pháp chiếm đóng, một số đồ thờ trong Miếu đã được chuyển về gửi tạm ở chùa Thiên Mụ. Đến năm 1990, trong một dịp đến viếng chùa, chúng tôi được đại đức Thích Trí Tựu, bấy giờ đang lo việc quản lý chùa, cho biết thông tin vừa nói. Nhà sư còn đề nghị nên đưa các đồ tự khí ấy về Bảo tàng cổ tích để bảo quản.

Ngay sau đó, một số cán bộ của Công ty Quản lý di tích lịch sử và văn hóa Huế lên chùa xin tiếp nhận. Khi soạn các hiện vật ra xem để giao nhận, chúng tôi thấy có gần 20 cái bài vị bằng gỗ, trong đó có một số đã được thờ ở Công thần Miếu, số còn lại đã được thờ ở Võ Miếu.

Sau khi đọc kỹ các dòng chữ trên những bài vị ấy, chúng tôi thấy có 10 cái đã từng thờ ở Võ Miếu. Đa số các bài vị này đều còn tương đối tốt, chỉ trừ phần chân và đế là bị hư hỏng nặng. Trong 10 bài vị ấy, chỉ còn một cái là còn đế.

Hiện nay, 10 bài vị này đang được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, Thành Nội).

Trong số 12 danh tướng Trung Hoa và 6 danh tướng Việt Nam đã được thờ ở Võ Miếu ngày xưa, như đã nêu ở trên, hiện nay chúng ta có thể đọc được phần lớn chức tước, họ tên của 10 bài vị ấy, gồm 5 nhân vật Trung Hoa và 5 nhân vật Việt Nam.

Ở 5 bài vị thờ 5 vị tướng Trung Hoa, chúng ta có thể đọc được rất rõ 5 dòng chữ sau đây:

1. Tể Tướng quốc Quản Trọng chi vị.

2. Hán Lưu hầu Trương Lương chi vị.

3. Hán Thừa tướng Gia Cát Lượng chi vị.

4. Đương Thái úy Lý Thạnh chi vị.

5. Đường Trung thư lệnh Quách Tử Nghi chi vị.

Ở 5 bài vị thờ 5 vị tướng Việt Nam, có thể đọc được như sau:

1 . . . . Trần Thái sư Thượng Quốc công Trần Quốc Tuấn. . . chi vị .

2. Bản triều Khai quốc Công thần Thái bảo Anh Quốc công Nguyễn Hữu Tiến chi vị.

3. Bản triều Khai quốc Công thần Thái phó Tĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Dật chi vị.

4. Bản triều Tả vận Tôn thần Tôn Nhơn phủ Tả Tôn chánh Lạng Giang Quận công Tôn Thất Hội chi vị.

5. Bản triều Tả vận Công thần Thái bảo Đoàn hùng Quận công Nguyễn Văn Trương chi vị.

Về mặt hình thức, có thể chia 10 bài vị ấy ra làm hai loại: loại bài vị các nhân vật Trung Quốc và loại bài vị các nhân vật Việt Nam. Hai loại khác nhau cả về kích thước lẫn về trang trí.

Về kích thước, 5 cái loại thứ nhất đều cùng một cỡ. Trừ phần đế và chân, loại bài vị này đo được như sau: cao 52,5cm, rộng 12,6cm, dày 2,3cm.

Tất cả 5 bài vị đều được sơn son và được thếp vàng ở các dòng chữ và ở các hoa văn trang trí. Ở ô vuông (kích thước 12,6cm x 12,6cm) trên đầu bài vị, người ta trang trí đề tài “ngũ phúc” (phú, thọ khang ninh, du hảo đúc, khảo chung mệnh) cách điệu hóa thành 4 cành lá biểu tượng 4 con dơi ở 4 góc và một chùm lá biểu tượng chữ "thọ" với dạng hình thoi chiếm phần lớn diện tích ở giữa.

Ở trung tâm điểm của hình thoi này là một hình tròn khoét sâu với đường kính 3,5cm, dường như ngày xưa đã dùng để gắn vào đó một tấm kính tròn mà ngày nay đã mất hết, chỉ còn một ít vết tích của keo dính cũ.

Đế của mỗi một trong năm bài vị này cũng đều đã mất.

Loại bài vị thứ hai, nhìn chung đơn giản hơn nhiều. Bài vị cũng có hình khối chữ nhật. Kích thước từng cái đọc được như sau:

- Bài vị Trần Quốc Tuấn: 47cm x 12,6cm x 2,7cm.

- Bài vị Nguyễn Hữu Tiến: 48cm x 12,8cm x 2,9cm.

- Bài vị Nguyễn Hữu Dật: 48cm x 13cm x 2,9cm.

- Bài vị Tôn Thất Hội: 47cm x 12,8cm x 2,7cm.

- Bài vị Nguyễn Văn Trương: 47,8cm x 12,8cm x 2,8cm.

Bài vị cuối cùng này là bài vị duy nhất còn được cái đế với kích thước mặt bằng 23cm x 23,5cm.

Ngày xưa, 5 bài vị này, kể cả đế, đều sơn son không thếp vàng và cũng chẳng trang trí hình ảnh gì. Ở giữa mặt trước của mỗi bài vị chỉ có một khung hình chữ nhật chạy theo chiều thẳng đứng được sơn bằng sơn trắng. Chính trên nền trắng ấy, người ta viết dòng chữ Hán bằng sơn màu đen để ghi chức tước và họ tên của từng nhân vật được thờ.

Gỗ dùng để làm 10 bài vị nói trên và các bài vị của triều Nguyễn nói chung là một loại gỗ tốt, mềm, dễ đục đẽo, chịu bền bỉ; có người cho rằng đó là gỗ hoàng đàn, có người cho là gỗ đổi.

Qua kích thước và hình thức trang trí của hai loại bài vị như vừa mô tả trên đây, chúng ta thấy các danh tướng Trung Hoa đã được trọng vọng hơn các danh tuống Việt Nam.

4. Kết luận và kiến nghị

Nhìn lại sự nghiệp dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm nay, các thế hệ Việt Nam luôn luôn có tinh thần thượng võ. Thượng võ là một nét đẹp của tổng thể diện mạo văn hóa nước nhà.

Dưới các triều đại quân chủ, nhất là triều Lê và triều Nguyễn, cơ cấu tổ chức nhà nước bao giờ cũng gồm hai ban: văn ban và võ ban. Các triều đại cũng đã tổ chức thi cử để lấy Cử nhân Võ, Tiến sĩ Võ, tương tự như bên Văn.


Cảnh Võ Miếu hoang tàn ngày nay.

Ngày nay, sẽ thật không phải đạo nếu chúng ta chỉ trân trọng Văn Miếu mà chẳng quan tâm đến chuyện bảo tồn Võ Miếu, nhất là khi Việt Nam đã có được những binh thư nổi tiếng, những võ phái lừng danh, những chiến công hiển hách. Và ngày nay, các bộ môn võ thuật truyền thống cũng đang phát triển.

Sự thiết lập Võ Miếu của triều Nguyễn ở Huế có một ý nghĩa tích cực, là đề cao các vị danh tướng tài ba để nuôi dưỡng và khích lệ tinh thần thượng võ, là tiếp tục phát huy nền võ học nhằm tạo ra những con nhà võ hữu ích cho đất nước (27).

Hơn nữa, Võ Miếu ở Huế là di tích duy nhất còn lại thuộc loại này ở Việt Nam. Mặc dù dấu vết kiến trúc và hiện vật còn lại không nhiều trên thực địa, nhưng, nếu căn cứ vào các tư liệu hình thành văn qua sử sách, chúng ta cũng có thể tái hiện phần lớn diện mạo của nó (xem tranh vẽ kèm theo).

Do đó, chúng tôi đề nghị:

- Trong hoàn cảnh hiện nay, việc cần làm trước mắt là quy tập 5 tấm bia đá nằm rải rác trong sân lại một chỗ, rồi làm một nhà bia để che chở tạm thời cho chúng. Có lẽ nên chọn vị trí giữa khuôn viên Võ Miếu. Cần che chắn như thế để cho các tấm bia đỡ bị mòn thêm và để chứng tỏ thế hệ chúng ta biết quý trọng di tích quý báu của tiền nhân để lại.

Đồng thời, cũng cần phải quy tập tất cả các viên đá tảng lại và đặt ở chung quanh cụm bia ấy. Mặt khác, cần thiết lập hồ sơ để pháp lý hóa cho khu di tích Võ Miếu càng sớm càng tốt, và để có cơ sở pháp lý hầu tính chuyện lâu dài.

- Trong tương lai lâu dài, cần thương lượng để chuyển trường lớp của Tỉnh hội phụ nữ đi nơi khác. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế nên tiếp quản khu vực này, rồi từng bước tôn tạo sân vườn và khi nào có đủ điều kiện kinh phí thì phục hồi cụm di tích ấy.


(1)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, bản dịch của viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập XVIII, 1966, trang 139; 142 ố 143.

(2)

Như trên

(3)

Phan Huy Chú, “Lịch triều hiến chương loại chí”, bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tập 1, trang 505.

(4)

“Đại Nam thực lục”, tập đã dẫn, trang 139.

(5)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí” thời Duy Tân, quyển nhất, Kinh sư, tờ 18ab.

(6)

Nội các triều Nguyễn, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, bản dịch của viện Sử học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 3, trang 82-83.

(7)

“Đại Nam thực lục”, tập đã dẫn, trang 139.

(8)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969, tập 1, trang 32.

(9)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí” thời Duy Tân, quyển nhất, Kinh sư, tờ 18ab.

(10)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí” thời Duy Tân, quyển nhất, Kinh sư, bản dịch của Nguyễn Tạo, Nha văn hóa Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, trang 40.

(11)

“Đại Nam thực lục”, tập đã dẫn, trang 139.

(12)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969, tập 1, trang 32.

(13)

Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí” thời Duy Tân, quyển nhất, Kinh sư, tờ 18ab.

(14)

Thái Văn Kiểm, “Cố đô Huế”, Nha Văn hóa Bộ quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn, 1960, trang 82.

(15)

Thái Văn Kiểm, “Cố đô Huế”, Nha Văn hóa Bộ quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn, 1960, trang 82.

(16)

“Đại Nam thực lục”, tập đã dẫn, trang 139 ố 146.

(17)

“Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, bản dịch đã dẫn, tập 6, trang 444.

(18)

Khi đề cập đến “Võ công bi ký”, các tác giả của sách “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam” vì xử lý tư liệu bản dập không cẩn thận, cho nên đã viết rằng bia “Võ công bi ký” để khắc cả hai mặt. Xem “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam" do Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, trang 939.

(19)

Về hai nhóm từ “phụng soạn” và “phụng sắc kiến”, chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của chúng. Chúng tôi nghĩ rằng “phụng soạn” là kính vâng lệnh vua mà biên soạn nội dung bài văn bia, còn “phụng sắc kiến” là kính vâng sắc chỉ của vua mà lập bia. Có lẽ, hai động tác đó diễn ra vào hai thời điểm khác nhau. Nhưng ở cả ba tấm bia đều ghi vào cùng một thời điểm. Chẳng hiểu vì sao?

(20)

“Bia Võ Công”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 11, năm 1995, Huế, trang 67. Xem thêm “Ba tấm bia Võ Công ở Võ Thánh”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, số 2, 1995, trang 126.

(21)

Nội các triều Nguyễn, sách đã dẫn, tập 10, trang 180-183.

(22)

”Đem biền binh tỉnh Sơn tiến đánh thổ phỉ”: được dịch ra từ nguyên văn chữ

(23)

Nội các triều Nguyễn, sách đã dẫn, tập 10, trang 180 - 183.

(24)

Huỳnh Đình Kết, “Cụm bi ký Võ Miếu Huế”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 13, 1995, trang 52 - 53

(25)

“Đại Nam thực lục”, tập XXVII, trang 275.

(26)

Sách vừa dẫn, trang 355.

(27)

Sách vừa dẫn, tập XXVIII, trang 9 - 10.

PHAN THUẬN AN