Về một câu thơ trong "Chí thành thông thánh" của Phan Châu Trinh

Ông K.W. Taylor, trong diễn từ nhận giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, sau cái câu: “Phan Châu Trinh phản đối mọi hình thức bạo lực…”, lại có câu: “Trong Chí thành thông thánh, Phan Châu Trinh viết: Giang sơn vô lệ khấp anh hùng”, cố ý hiểu câu thơ này theo ý của mình về bạo lực, hàm ý xuyên tạc, cắt câu thơ ra khỏi văn mạch bài thơ.

Dưới đây xin đăng lại nguyên văn bài thơ.

至 誠 通 聖

世事回頭已一空

江山無淚泣英雄

萬家奴隸強權下

八古文章睡夢中

長此百年甘唾罵

更知何日出牢籠

諸君未必無心血

試向斯文看一通

Phiên âm:

Chí thành thông thánh

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,

Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.

Vạn gia nô lệ cường quyền hạ,

Bát cổ văn chương thụy mộng trung.

Trường thử bách niên cam thóa mạ,

Cánh tri hà nhật xuất lao lung.

Chư quân vị tất vô tâm huyết,

Thí hướng tư văn khán nhất thông.

Dịch nghĩa:

Lòng chí thành cảm đến cả thần thánh

Quay đầu lại nhìn việc đời thấy đã là không,

Núi sông không còn nước mắt để khóc các bậc anh hùng.

Muôn nhà là nô lệ dưới ách cường quyền,

(Trong khi đó các vị nho sĩ) chìm trong giấc ngủ của văn chương trường ốc (tám vế).

Trăm năm dài cam chịu người chửi mắng,

Chẳng biết ngày nào mới thoát cũi lồng.

Các anh chưa hẳn đã là người không tâm huyết,

Thử đọc bài thơ này từ đầu đến cuối.

Dịch thơ:

Lòng chí thành cảm đến cả thần thánh

Việc đời ngoảnh lại hết trông mong,

Vắng mặt anh hùng, tủi núi sông.

Tám vế văn chương mê mệt ngủ,

Muôn nhà tôi tớ xót xa trông.

Cứ cam chịu mãi người mắng nhiếc,

Biết tới ngày nào thoát cũi lồng?

Thử hỏi ai người bầu máu nóng,

Văn này xem hết, nghĩ sao không?

(Nguyễn Văn Dương dịch thơ - Trích từ Tuyển tập Phan Châu Trinh, tr.96, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2006)

Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đến Bình Định. Ở đó đang diễn ra một kỳ thi khảo hạch. Ba ông làm bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn lương ngọc. Vì vậy, đối tượng đọc bài thơ là các sĩ tử. Các ông có ý dùng bài thơ này để kêu gọi lòng yêu nước của các sĩ tử.

Cho nên câu 2 của bài thơ: “Giang sơn vô lệ khấp anh hùng”, không dính gì đến chuyện không bạo lực. Chỉ có ý than cho đời, cho Tổ quốc ngày nay không còn ai biết khóc thương cho các bậc anh hùng. Thế thôi.

VŨ HẠC TRÌ