LTS: Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, một nhà cách mạng lão thành, đồng thời là một nhà nghiên cứu về học thuyết Mác-Lênin. Đồng chí đã có nhiều bài báo nghiên cứu, trao đổi ý kiến về những vấn đề căn bản của học thuyết Mác. Bài viết dưới đây đặt lại một vấn đề mà lâu nay giới nghiên cứu, lý luận đã trích dẫn, bình luận nhiều và chân thành tin rằng, đó chính là phát biểu của Nguyễn Ái Quốc. Quả thật đây là một vấn đề rất lý thú và đáng nghiên cứu, thảo luận. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi.
Ít lâu nay, trên một số báo, đài… đã trích dẫn câu: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Theo ghi chú của các bài báo đó, câu đó được trích ở Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr. 465. Cũng có bài ghi xuất xứ là đã trích từ Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Matxcơva, 1924), in ở phần Phụ lục của tập I, Hồ Chí Minh toàn tập.
Từ đây có hai vấn đề đặt ra:
- Một là, phải chăng Mác đã xây dựng học thuyết của mình chỉ trên một triết lý lịch sử châu Âu?
- Hai là Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Matxcơva, 1924) có đúng là của Nguyễn Ái Quốc hay không?
Về vấn đề thứ nhất, cho rằng, học thuyết của Mác chỉ dựa trên lịch sử châu Âu, theo tôi, nhận định như vậy là không đúng. Học thuyết của Mác có 3 phần cơ bản: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Về triết học, Mác-Ăngghen đã nghiên cứu từ lịch sử triết học cổ đại của Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, đến lịch sử triết học cận đại của Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Nga…
Để có nhận định khoa học về kinh tế hàng hóa, Mác đã nghiên cứu từ sự ra đời của hàng hóa giản đơn đến hàng hóa tư bản chủ nghĩa, xây dựng nên học thuyết về sự bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản hiện đại đối với giai cấp vô sản công nghiệp làm thuê và dự báo về nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa. Chỉ để xác định sự xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp trong lịch sử thành văn, Mác- Ăngghen đã nghiên cứu về chế độ ruộng đất ở Nga, về các bộ lạc ở Đức, về công xã nông thôn với chế độ sở hữu ruộng đất từ Ấn Độ đến Ai-rơ-len. Mác là người đầu tiên đề khái niệm về phương thức sản xuất châu Á.
Trong lời tựa tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, xuất bản năm 1859. Mác coi phương thức sản xuất châu Á cùng với cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế xã hội. Mác đã cùng Ăngghen nghiên cứu lịch sử phương Đông thời trước chủ nghĩa thực dân và phát hiện nhiều đặc điểm quan trọng của xã hội phương Đông như vai trò của thủy lợi trong phát triển nông nghiệp và hình thành Nhà nước, sự bảo tồn lâu dài của công xã nông thôn kiểu Á châu... Rõ ràng, học thuyết Mác là sự kế thừa có chọn lọc, bổ sung và phát triển những di sản tư tưởng lý luận nổi tiếng của nhân loại chứ không phải “chỉ dựa trên triết lý lịch sử châu Âu”.
Về vấn đề thứ hai là Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Matxcơva, 1924) có đúng là của Nguyễn Ái Quốc hay không? Theo tôi hiểu, tác giả bản báo cáo đó không phải là Nguyễn Ái Quốc.
Bản báo cáo này, nguyên văn bằng chữ Pháp, không ký tên, lưu tại Viện Mác-Lênin, Matxcơva (nay là kho lưu trữ Nhà nước, Cộng hòa Liên Bang Nga). Bản vi phim lưu ở thư viện Mác-xít, cuộn số 7, loại 70, của Ban thuộc địa trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Bản này được in trong cuốn sách Pháp: “Hồ Chí Minh, những bài viết từ 1914 đến 1969” do Alain Ruscio, nhà sử học Pháp biên soạn, được xuất bản ở Paris năm 1990, từ trang 69 đến trang 74.
Về bài này, Alain Ruscio đã phán đoán rằng: “Căn cứ vào nội dung và hoàn cảnh lịch sử đầu những năm 1920, chúng tôi cho rằng tác giả của bản báo cáo trước hết phải là một người Việt Nam, một người am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác và thực tế lịch sử Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, một người có quan niệm về Việt Nam như một thực thể thống nhất chứ không phải Đông Dương, một thực thể thuộc địa và người đó theo chúng tôi không thể là ai khác ngoài Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam duy nhất lúc đó sống ở Matxcơva”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngồi ngoài cùng, bìa trái) với một số đại biểu
dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5. Ảnh: TL.
Hội đồng xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập mà tôi là một thành viên, có nhận định về bài này và đã quyết định không in vào phần chính của tập I mà chỉ in vào phần phụ lục. Trong lời giới thiệu bộ Hồ Chí Minh toàn tập cũng như trong lời giới thiệu về tập I, không đề cập đến bài này. Hội đồng đã cho rằng, bài này chưa có cơ sở đảm bảo chắc chắn là của Nguyễn Ái Quốc vì rằng:
- Một là, bài này không có chữ ký, không có bút tích của Nguyễn Ái Quốc, không đề ngày tháng, không ghi nơi gửi như thường thấy ở các bản báo cáo của Bác.
- Hai là, Bác thường rất thận trọng. Không thể nào, chưa đọc được nhiều sách của Mác mà Bác đã có nhận xét phê phán học thuyết Mác. Cuối năm 1923, Bác đến Liên Xô tham dự Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ 5, nhân lúc Lênin ốm nặng, Đại hội phải hoãn. Tranh thủ thời gian này, Bác xin vào học lớp ngắn hạn của trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (gọi tắt là trường Đại học Phương Đông) tại Matxcơva (1).
Học một lớp ngắn hạn thì không thể đọc được nhiều sách của Mác và không thể có ý kiến phê phán Mác. Đến tháng 10/1934, Nguyễn Ái Quốc mới vào học trường quốc tế Lênin niên khóa 1934-1935 (2) là trường bồi dưỡng lý luận dành riêng cho cán bộ của các Đảng anh em. Ở trường này, Nguyễn Ái Quốc mới học được các bộ môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin.
- Ba là, trong Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Matxcơva, 1924) có câu “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông, đó chính là nhiệm vụ mà các xô viết đảm nhiệm (Ban thuộc địa của chúng tôi vừa nhận được thư mời chúng tôi tham gia công tác này).
Như nêu ở đây, thì người viết báo cáo năm 1924 là người đang công tác ở Ban thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc có tham gia ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp được thành lập năm 1922, là trường tiểu ban Đông Dương, nhưng trước ngày 13 tháng 6 năm 1923 Nguyễn Ái Quốc đã viết thư từ biệt các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Paris đi qua Liên Xô (3).
Ngày 11/12/1923, Nguyễn Ái Quốc đã thuộc biên chế Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản với khoản tiền phụ cấp hàng tháng từ 50 đến 60 rúp (4). Như vậy “Ban thuộc địa của chúng tôi...” viết trong bản báo cáo vào năm 1924 không phải của Nguyễn Ái Quốc.
Trong Tạp chí Tuyên Giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương số tháng 7/2008 có bài Phát hiện toàn văn Bản báo cáo Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả là Chu Đức Tính và Phạm Thị Lai. Đề bài thì nêu như vậy nhưng đọc kỹ, các tác giả này lại ghi rằng: “Bản báo cáo Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ mới sưu tầm được... cũng không ghi rõ ai là tác giả”. Bản báo cáo đó cũng “không ký tên” và cũng “chưa tìm thấy bản viết tay của Nguyễn Ái Quốc”.
Tác giả các bài báo đã đăng trên báo Người Lao Động và trên Tạp chí Cộng Sản như nêu trên có thiện chí là ca ngợi Bác Hồ. Nhưng đáng tiếc là khi trích dẫn từ tập I, Hồ Chí Minh toàn tập, đã không chú ý Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Matxcơva, 1924) chỉ đăng ở phần phụ lục và trong bài giới thiệu Hồ Chí Minh toàn tập và bài giới thiệu về tập I, hoàn toàn không đề cập đến bản báo cáo này.
Trong Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ có điểm đúng có điểm sai, nhưng đúng hay sai đều không phải của Nguyễn Ái Quốc.
Viết bài này, tôi mong được góp phần đính chính lại hai vấn đề lớn đã bị ngộ nhận: ngộ nhận về học thuyết của Mác và ngộ nhận về Bác Hồ. Tôi cũng mong được góp phần làm cho sự ngộ nhận này không loang rộng ra thêm, cho những ai khi viết và nói về học thuyết Mác, về Bác Hồ, người đã được UNESCO tôn vinh là một danh nhân văn hóa thế giới.
Việc đính chính này càng rất cần thiết khi Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.
(1) | Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, tập I, trang 178, NXB Chính Trị Quốc Gia. |
(2) | Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, tập II, trang 46, NXB Chính Trị Quốc Gia. |
(3) | Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, tập I, trang 160, NXB Chính Trị Quốc Gia. |
(4) | Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, tập I, trang 176, NXB Chính Trị Quốc Gia. |