Vụ án Nông trường Sông Hậu: Cần giải tỏa nỗi bức xúc của nhân dân

Vụ án Nông trường Sông Hậu (NTSH) khép lại với y án 8 năm tù bà Trần Ngọc Sương. Người quan tâm đến vụ án không khỏi kinh ngạc; và bị một cú “sốc”.

Vì đây là một vụ án đặc biệt. Cả nước, và cả ở nước ngoài, người biết tiếng NTSH và bà Trần Ngọc Sương rất nhiều. Đây là nông trường được phong danh hiệu Anh hùng Lao động của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; và hai đời Giám đốc của nó (cha và con) cũng là Anh hùng. Đây là danh hiệu cao quý bậc nhất của đất nước, của chế độ. Hơn nữa, bà Sương còn được tặng danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng của châu Á – Thái Bình Dương”. Cống hiến của bà trên danh nghĩa và trên thực tế là rất lớn, nên mọi người kính trọng, thương mến bà cũng là lẽ thường. Xử một người như vậy, gần như xử một “công thần khai quốc” đầy chiến công.


Anh hùng Trần Ngọc Hoằng (chân đất) và con gái - Anh hùng Trần Ngọc Sương trong lần đón TBT Đỗ Mười về thăm.

Hơn nữa, bà lại là một phụ nữ, một phụ nữ không có hạnh phúc riêng, chỉ toàn tâm lo cho mọi người. Phương Tây có câu: “Không nên đánh một phụ nữ, dù là đánh bằng một nhành hoa”.

Đã đành rằng có công thì thưởng, có tội thì trừng; nhưng phải đầy đủ lý lẽ, bằng chứng, phải thuyết phục (trong trường hợp này thì đúng là phải có đến 2 lần lý lẽ và bằng chứng), vì đó không chỉ là một con người bình thường, mà còn là một biểu tượng có tính chất quốc gia. Chạm vào biểu tượng đó, cần phải rất thận trọng và tinh tế. Vì lợi ích của quốc gia.

Vì danh dự của nhiều người, trong đó có những người và tổ chức đã tấn phong và tôn vinh bà; những người yêu quý bà dù chưa một lần giáp mặt – chạm vào đó là chạm vào không chỉ một cá nhân, mà là chạm vào cả một cộng đồng. K.Marx có nói: “Sự phát triển tự do của mỗi một cá nhân là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. F.Engels xem câu đó là câu tiêu biểu cho toàn bộ của chủ nghĩa Marx. Tự do của một người cũng là tự do của tất cả, và mọi người sẽ không đành lòng vô cảm đứng ngoài cuộc.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc – một trong những cột trụ của chế độ: Đảng, Chính quyền, Mặt trận – trong công văn lời nghiêm, là chánh, thấu lý đạt tình (xin xem toàn văn trong số này) đã nói lên đầy đủ tất cả chân lý, tâm nguyện của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó chủ tịch nước, người phụ nữ được toàn thế giới biết tiếng về đức tính trung thực cũng đã lên tiếng. Bà cho rằng đó không phải là “quỹ đen”, mà là “quỹ đời sống” - trong cơ chế của thời bấy giờ (xin xem toàn văn trong số này).

Bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, cũng đã có những lời đầy trách nhiệm. Bỏ qua tiếng nói nghiêm túc đó, bỏ qua phản ứng của dư luận thể hiện một phần qua báo chí, những vị cầm quyền ở Cần Thơ vẫn không mảy may động tâm.


Bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội.

Trả lời của ông Phạm Thanh Vận, Phó bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ (xem Tuổi trẻ, 21/11/2009) đã nói lên quan điểm của quý vị. Án xử theo luật, Thành ủy không can thiệp, Thành ủy vô can. Ông Vận đang đề cao pháp quyền Xã hội chủ nghĩa chăng? Liệu có thành thật hay không đây? (xem Tiền Phong, 25/11/2009)

Đảng ta là một Đảng cầm quyền, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh – Di chúc). Là một Đảng cầm quyền, và là Đảng duy nhất cầm quyền, nó cần hết sức minh bạch trong mọi việc.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc Hội, trong phát biểu về chất vấn của Quốc Hội hôm rồi, có nhắc đến một luận điểm của Lênin “minh bạch là một thanh bảo kiếm”. Phải minh bạch, công khai, trong sáng… mới tránh được lạm quyền trong cầm quyền, bởi vì quyền lực rất dễ đi đôi với tha hóa.

Thế mà mọi người theo dõi vụ án chưa thấy được “tâm phục, khẩu phục”, chưa thấy được tính công minh của vụ án. Người ta tự hỏi: đằng sau vụ án NTSH này là gì? Có cần phải có một vụ án như thế không giữa lúc này - giữa lúc chúng ta, mặc dù có bao nhiêu thành tựu vẫn đang phải đối phó với bao nhiêu thách thức gay gắt, hiểm nghèo, cả trong lẫn ngoài, và đang cần đến sự ổn định nhân tâm, sự yên dân. Vì “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, như lời đại hiền - anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Xưa nay, án oan án giả không thiếu. Nhưng ở thời đại ngày nay, thời đại của dân chủ và thông tin, việc xảy ra ở Cần Thơ làm dấy lên sự suy nghĩ, bức xúc của hàng triệu người. Ý kiến của Mặt trận, của bà Nguyễn Thị Bình, của bà Lê Thị Thu Ba… tiêu biểu cho ý nguyện của nhân dân cần được tính đến trên lợi ích toàn cục.

Là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu…, chúng tôi quan tâm tha thiết đến vận nước và chúng tôi xin bày tỏ sự lo lắng của mình trước một sự việc điển hình: vụ “kỳ án” NTSH - một vụ “án ngờ lòa mây” như lời đại thi hào Nguyễn Du viết.

Kính đề nghị Trung ương cho di lý vụ án ra Trung ương, xử giám đốc thẩm ở Tòa án tối cao theo một trình tự pháp lý chuẩn mực, để giải tỏa nỗi bức xúc của mọi người.

HỒN VIỆT


Bài liên quan: