Vụ án Nông trường Sông Hậu: Cần đặt lên bàn cân công lý CÔNG hay TỘI?

Đại tá BÙI VĂN BỒNG

LTS. Nông trường Sông Hậu (NTSH - tên giao dịch là SOHAFARM) được thành lập ngày 20/4/1979, trên cơ sở Quyết Thắng của quân đội bàn giao cho địa phương. Hơn 30 năm qua, từ vùng hoang lầy, trên đất ngập phèn với những lung, đìa, bưng, trấp với diện tích gần 7.000ha, nay đã trở thành Trung tâm sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, với trên 3.200 hộ dân và hơn 15.000 nhân khẩu. Đây là mô hình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tập trung, rất cần phát triển hoàn chỉnh để nhân rộng, đặc biệt là khi đất nước đã gia nhập WTO.

Từ khi thành lập đến nay, Nông trường Sông Hậu đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương độc lập hạng Ba và nhiều Huân chương cao quý khác. Cá nhân hai giám đốc là ông Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) và con gái ông - Trần Ngọc Sương (Ba Sương) cũng trở thành Anh hùng Lao động.

Thế nhưng, từ tháng 3/2006 đến nay, suốt hơn 3 năm NTSH bị thanh tra, Ban giám đốc bị quy có tội đã hai lần ra hầu tòa. Mới đây, phiên tòa phúc thẩm (ngày 19/11/2009), Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ vẫn xử y án sơ thẩm: Bị cáo Trần Ngọc Sương, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên giám đốc NTSH bị xử phạt 8 năm tù giam, buộc phải bồi thường 4,3 tỉ đồng.

Ngay sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ vẫn xử y án sơ thẩm, tuyên phạt 8 năm tù giam với bị cáo Trần Ngọc Sương, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch Nước đã rất bất bình và phản đối bản án sơ thẩm, cho rằng: “Quá bất công với Ba Sương”. Tạp chí Hồn Việt giới thiệu bài viết của đại tá, nhà văn Bùi Văn Bồng xung quanh vụ án này…

ĐI LÊN TỪ VÙNG ĐẤT SÌNH LẦY

Còn nhớ, cuối năm 2005, tôi gặp chị Ba Sương đang rất khỏe mạnh tại Triển lãm thực phẩm và khách sạn Việt Nam năm 2005, lần 2, tổ chức tại Trung tâm Triển lãm quốc tế TP.HCM (HIECC), có các doanh nghiệp đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ và 8 tập đoàn triển lãm đến từ Úc, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Đài Loan và Hoa Kỳ tham gia, chị nói: “Sắp bước sang năm 2006, nông trường Sông Hậu (NTSH) sẽ còn mở hướng làm ăn trong đổi mới và hội nhập với thị trường trong và ngoài nước”.

Qua triển lãm lần ấy, NTSH đã có khoảng 50 mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến mang thương hiệu SOHAFARM được thị trường nội địa và thị trường quốc tế tin dùng.


Nông Trường Sông Hậu những năm đầu. Ảnh: CTV.

Cũng tại cuộc triển lãm này, cùng trò chuyện với chúng tôi có ông Gary Place-Chủ tịch USFI, nói: “Hàng của SOHAFARM chúng tôi rất ưa chuộng. Tập đoàn USFS đang cung cấp ra thị trường thế giới khoảng 1.500 mặt hàng thực phẩm cao cấp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ở Việt Nam có NTSH là đơn vị sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu trên. Do đó, USFI mới chọn NTSH làm đối tác của mình tại Việt Nam. Mong rằng liên doanh giữa NTSH và USFI không chỉ dừng lại ở việc tổ chức tiêu thụ thực phẩm cao cấp mà cần tiến tới việc hợp tác sản xuất thực phẩm cao cấp tại Việt Nam”.

Theo mô hình khép kín: sản xuất, chế biến, kinh doanh, NTSH đã thành lập 14 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm; đồng thời xây dựng 3 khu Trung tâm: Trung tâm sản xuất giống bị sữa và bị thịt; Trung tâm sản xuất giống thủy sản sạch, và Trung tâm sản xuất giống gỗ rừng trồng bằng phương pháp mô, hom. Gạo của NTSH cũng đã nhiều năm xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ. Thực phẩm đông lạnh: xuất khẩu sang Nhật, EU, Mỹ. Hàng nông sản sang Nga, Nhật, Mỹ. Lâm sản chế biến sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…

Vẫn nhớ, năm 2002 chị được bà con nông trường viên đón tiếp rất chân tình và cảm động khi từ Singapore trở về mang theo danh hiệu: “Người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” trong lĩnh vực kinh doanh. Chọn lọc từ 11 nước, với 15 phụ nữ xuất sắc nhất vào vòng chung kết, chị đạt được “Vương miện tài năng”, đem lại vinh quang không cho riêng chị, cho nông trường mà còn cho đất nước. 10.000 USD tiền thưởng cho danh hiệu cao quý này, chị dành tặng cho những phụ nữ và trẻ em nghèo ở Cần Thơ.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nông trường Sông Hậu khi còn là nhà lá, nhưng năng suất trồng lúa đã dẫn đầu cả nước. Ảnh: CTV.

Chị là thế, luôn luôn quan tâm đến người lao động, nhất là người nghèo. Biết đến chị, ai cũng phải công nhận là con người của đổi mới, của công việc, ít nghĩ cho riêng mình. Chị là một phụ nữ giàu nghị lực, nhiều ước mơ và có tính cách độc đáo. Chị không vừa lòng với lối đi có sẵn, mà luôn luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, miễn sao đó là việc chung, có lợi cho bà con, cho nông trường.

Trong hội thảo khoa học “Sông Hậu - mô hình phát triển theo định hướng XHCN”, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, đã nói: “Trong thời buổi nông nghiệp, cả nước ta đang tiến quá chậm, lợi ích của người nông dân tăng quá ít vì vướng vào tình trạng khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là thị trường đầu ra, NTSH đã nổi lên thành mô hình khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, đời sống đến chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa - quả là một Tổng công ty lớn đi lên từ đất đai và lao động ở nông thôn. Đây cũng là hình mẫu khoán sản phẩm trong nông nghiệp đi trước cả nước, là nơi xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, chất lượng cao”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, thành công của NTSH là hiểu rõ các yếu tố tự nhiên và xã hội, coi trọng yếu tố con người để tập hợp, tổ chức, quản lý, phát huy nhân lực, có quy hoạch và tổ chức sản xuất tốt phù hợp điều kiện, khả năng thực tế, xây dựng cấu trúc hạ tầng, tăng chất lượng sản phẩm, sớm biết gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm và luôn luôn năng động tìm kiếm thị trường mới, quan tâm đến lợi ích và chất lượng cuộc sống của người lao động.

NTSH được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động lần thứ 1 vào năm 1985, lần thứ 2 năm 1999. Giám đốc NTSH, kỹ sư nông nghiệp Trần Ngọc Sương được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1989-1999).


Nguyên GĐ NTSH Trần Ngọc Sương, Anh hùng lao động.

ĐOẠN CUỐI CỦA ANH HÙNG THỜI ĐỔI MỚI…

Nhìn lại, suốt 24 năm (1979-2003), NTSH đã làm thay Nhà nước việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội (điện, đường, trường, trạm...) và các hoạt động văn hóa, xã hội, các đoàn thể mà không được cấp ngân sách.

Đến năm 2004, xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) được thành lập với 100% diện tích đất và số dân là của NTSH. Như vậy, cùng một mảnh đất rộng 6.981 ha và số dân là các hộ viên với 13.017 nhân khẩu của NTSH mà cả nông trường và xã mới “dẫm chân lên nhau” để nắm giữ.


Mô hình đa canh (ruộng, rẫy, vườn-ao-chuồng…)
có hiệu quả kinh tế cao ở Nông trường Sông Hậu. Ảnh TL

Khi ấy, một số bất đồng đã nảy sinh giữa NTSH với xã Thới Hưng. Nông trường đã bàn giao các công trình phúc lợi về cho địa phương, nhưng đến năm 2006 vẫn chưa nhận được tiền bồi hoàn của địa phương (khoảng trên 42,676 tỷ đồng) để có thể trả cho ngân hàng và trả cho phần huy động của công nhân – viên chức.

Nguyên giám đốc Trần Ngọc Hoằng đã nói rằng, không được Nhà nước cấp vốn, chúng tôi phải “thở bằng lỗ mũi của ngân hàng”. Hiện tài sản nông trường gần 400 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chỉ gần 264 tỷ đồng (trong đó có các khoản Nhà nước phải trả như nói ở trên). Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, năm 2004 lãi gần 3,6 tỷ đồng, năm 2005 hơn 5 tỷ đồng.

Theo chị Ba Sương, các nông, lâm trường khác trong cả nước đều được đầu tư cơ bản ngay từ khi mới thành lập với các mức độ khác nhau. Riêng NTSH phải tự lực ngay từ những ngày đầu, với vốn vay ngân hàng 100%. Sau 7 năm thành lập, NTSH mới được Nhà nước cấp cho một phần nhưng rất nhỏ, tính ra chỉ khoảng 8% tổng số vốn.

Đầu mùa mưa năm 2006, lo việc đê bao ngăn lũ cho các thửa lúa chất lượng cao xong, chị lên TP.HCM để ký kết các hợp đồng làm ăn mới. Việc chưa xong trong chuyến công tác đầy kỳ vọng tốt đẹp ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chị bị “triệu về” để giải quyết vụ việc. Về, chị mới vỡ lẽ là có đoàn thanh tra của thành phố Cần Thơ đang chờ chị về để chất vấn và giải bày với thanh tra viên. Lúc đó chị mới biết, ngày 21/3/2006 Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ quyết định thành lập Đoàn thanh tra tại NTSH. Chị nói với những người trong đoàn thanh tra: “Quyết định thanh tra thì cũng phải thông báo trước cho chúng tôi lo ở nhà tiếp các ông các bà. Đằng này, “ào ào như nước sôi”, gây bất ngờ cho tôi quá”. Nhưng dù vậy, chị và các cán bộ chuyên trách ở Nông trường vẫn lo chu đáo, cung cấp đầy đủ các hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của thanh tra.

Sau 7 tháng thanh tra, ông Nguyễn Thanh Sơn trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ vào ngày 22/11/2006: “Chưa có quyết định chính thức nào về những sai phạm của NTSH. NTSH đang gặp khó khăn do chuyển đổi cơ chế, tuy nhiên làm ăn vẫn hiệu quả. Khó khăn chủ yếu do sử dụng vốn vay ngắn hạn đầu tư các công trình dài hạn và bởi quá trình dài nông trường phải lo công tác xã hội quá nặng nề”.

Đúng thế, bằng nguồn vốn vay ngân hàng để xây dựng, phát triển, các khoản chi ở NTSH ngày càng nhiều. NTSH đã tự lực huy động vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng cho việc xây trường, việc dạy và học của hàng nghìn con em nông trrường viên. Trường cấp 3 do nông trường xây dựng là sự tự thân đi lên từ không đến có, từ mái lá đơn sơ đến nhà cao tầng.

Đồng thời, nông trường đã thực hiện các chính sách khuyến học, nâng cao dân trí, bồi dưỡng tri thức cho cán bộ, xã viên. Mỗi năm cũng chi ra từ 2,5 tỉ đến hơn 3 tỉ đồng cho việc khuyến học cho con em ở NTSH, bồi dưỡng và nuôi đội ngũ giáo viên, học bổng cho học sinh nghèo…

Các chính sách nâng cao đời sống giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất dạy và học, thành lập hội khuyến học, đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi cán bộ, công nhân viên của nông trường.

Nông trường đang “làm ăn phà phà”, nhiều hứa hẹn đi lên vững chắc thì bị thanh tra đi thanh tra lại nhiều lần suốt hơn 3 năm. Điều đó cũng làm đình trệ sản xuất, kinh doanh, thêm khó khăn cho đời sống của hàng chục nghìn người đang sống và làm ăn tại nông trường.

Ngày 20/3/2008, Văn phòng Thành ủy Cần Thơ có Thông báo kết luận của đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008. Đây là cuộc họp Thường trực Thành ủy nghe Thanh tra TP. Cần Thơ báo cáo xin ý kiến chuyển một số nội dung kết luận thanh tra NTSH sang cơ quan điều tra. Thông báo viết: “Sau khi xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Phạm Thanh Vận kết luận: (...) Trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. (Tiền Phong. 25/11/2009)

Ngày 14/4/2008, Công an TP. Cần Thơ họp báo công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” xảy ra ở NTSH. Khi các nhà báo hỏi: Vì sao kết luận thanh tra công bố đã lâu mà nay mới chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT thì những người chủ trì họp báo không giải thích.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ là người thừa hành chỉ đạo của ông Phạm Thanh Vận, Phó bí thư thường trực thành ủy, vừa ký quyết định chuyển hồ sơ từ Thanh tra sang Cơ quan CSĐT, ông Sơn giải thích: “Do lãnh đạo không đồng ý với các nội dung của kết luận thanh tra, không giải quyết được những vấn đề sau thanh tra, nên phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT”.

Có điều lạ, các văn bản chỉ đạo khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” với con số bị coi là thiệt hại nêu lên ban đầu đến hơn 26 tỉ đồng, nhưng bà Ba Sương cùng 4 bị cáo liên quan lại bị đưa ra xét xử với tội danh “Lập quỹ trái phép” (!?)


Anh hùng Trần Ngọc Hoằng (chân đất) và con gái - Anh hùng Trần Ngọc Sương trong lần đón TBT Đỗ Mười về thăm.

Vụ án được giao cho TAND huyện Cờ Đỏ xét xử sơ thẩm từ ngày 11 đến ngày 15/8/2009. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sương nói: “Trong những năm chuyển đổi, do cơ chế khó khăn nên chị em chúng tôi tìm cách xoay trở với mong muốn đưa NTSH đi lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu tôi tham lam tôi đã giàu rồi chứ không như bây giờ”.

Nói đến đây bị cáo Sương nghẹn ngào khóc: “Hơn 30 năm cống hiến cho NTSH, giờ tôi không có một căn nhà để ở, nhà ở TP.HCM mà tôi đang ở thuộc sở hữu của nông trường cho tôi thuê. Hiện nay ban giám đốc mới của nông trường đang đòi lại nên tôi phải đi tìm chỗ khác thuê. Cha tôi được Nhà nước bán hóa giá một căn nhà, hiện do đứa cháu đích tôn ở để thờ tự, cũng bị coi là tài sản có được do phạm pháp”.

Theo bản án hình sự sơ thẩm số 25 của Tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), bà Trần Ngọc Sương (nguyên Giám đốc NTSH) bị cáo buộc vai trò “chủ mưu” lập quỹ, bị tuyên phạt 8 năm tù giam và phải bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng.

Các bị cáo khác trong vụ án gồm bà Trương Hồng Nhung (nguyên Phó GĐ NTSH) bị tuyên phạt 6 năm tù giam; ông Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên kế toán NTSH) bị tuyên phạt 4 năm tù giam; ông Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ NTSH) bị tuyên phạt 3 năm tù giam; bà Hoàng Thị Bình (nguyên kế toán NTSH) bị tuyên phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 36 tháng.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, 323 hộ viên ở NTSH đã ký vào Đơn kiến nghị gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và các cấp, ngành chức năng, đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm trên cơ sở pháp luật và có tình, có lý để tránh oan sai, bởi “Các cô chú lãnh đạo của NTSH, trong đó có Giám đốc Ba Sương, đã làm mọi việc nhằm đưa NTSH vượt qua khó khăn và phát triển đi lên, chứ không ai có động cơ tư túi riêng. Và, cũng nhờ thế mà hơn 3.000 hộ nông dân lúc vào đây nghèo khó, nay đa số có của ăn của để và con cái được học hành. Cái gọi là quỹ trái phép thực chất là tiền tăng gia sản xuất tận dụng đất bờ kênh, bờ ruộng, làm lợi cho nông trường và người lao động…”.

Sau phiên sơ thẩm, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có văn bản 4309/MTTW-BTT (ngày 15/9/2009) do Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim ký. gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, về việc “kiến nghị xem xét bản án”.

Văn bản của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ: “Đề nghị các đồng chí chỉ đạo công tác điều tra, truy tố, xét xử cần hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, tránh làm oan người vô tội.

Quá trình xử lý vụ việc cũng cần tính đến sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay; nhiều qui định có thể không phù hợp với sự vận hành của một quốc doanh vừa có tính chất của một doanh nghiệp Nhà nước lại vừa có tính chất như một hợp tác xã.

Mặt khác, quá trình xử lý cũng cần cân nhắc thận trọng đến hiệu ứng của dư luận đối với kết quả bản án; nhân thân cũng như những đóng góp của cá nhân bà Trần Ngọc Sương đối với sự phát triển của đất nước, của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua”.

Được biết, Đoàn Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo Ban Chính sách - Pháp luật kiến nghị theo thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Trần Ngọc Sương.

Tại phiên tòa phúc thẩm, có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Sương. Sau đây, chúng tôi tóm lược ý kiến của các luật sư trước khi xét xử và trong phiên tòa xét xử: “Quan điểm của tôi trong vụ án này là “không có căn cứ pháp lý vững chắc để xác định bà Ba Sương phạm tội lập quỹ trái phép” bởi các lẽ:

Thứ nhất, Quỹ này đã có từ trước khi bà Ba Sương làm giám đốc và vào thời điểm đó (năm 1981 pháp luật cho phép thành lập quỹ này);

Thứ hai, việc xác định có hay không hậu quả xảy ra, hậu quả gây thiệt hại cho ai, ngân sách nhà nước, tập thể người lao động, hay… chưa được làm rõ;

Thứ ba, NTSH là một mô hình kinh tế đặc thù trong nông nghiệp vừa làm sản xuất kinh doanh, nhưng lại vừa làm công tác phúc lợi xã hội. Do đó, những khoản thu chi không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước do công sức lao động tập thể làm thêm là những khoản thu chi hợp pháp, hợp lệ”.

Cũng sau phiên tòa sơ thẩm, bốn bị cáo: Trần Ngọc Sương, Trương Hồng Nhung, Đặng Thế Quốc Hưng, Nguyễn Văn Sơn đã làm đơn kháng cáo. Ngày 19/8/2009, bà Trần Ngọc Sương có bản kháng cáo gửi lên Tòa phúc thẩm, TAND TP. Cần Thơ, ngày 29/8 bà Sương gửi bản kháng cáo bổ sung lần 1, và ngày 24/10 gửi bản kháng cáo bổ sung lần 2.

Trong nội dung kháng cáo bổ sung lần 2, bà Trần Ngọc Sương đề nghị tòa phúc thẩm hủy bỏ Quyết định số 01/2009/HSST.QĐ của Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ. Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ đã vi phạm một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, áp dụng không đúng quy định tại điều 104, Bộ luật tố tụng hình sự, đặc biệt các vấn đề trong công tác giám định, thu thập chứng cứ, trình tự thủ tục tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm… cần phải được xem xét một cách đầy đủ và khách quan.

Việc áp dụng Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự của Hội đồng xét xử TAND huyện Cờ Đỏ để ban hành Quyết định yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cũng không bảo đảm tính hợp pháp.

Sáng 12/11, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Cần Thơ đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại NTSH (hoãn lần thứ 2), do bị cáo Trần Ngọc Sương bệnh nặng không thể rời giường bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chánh án Nguyễn Thanh Thiên nói với các nhà báo rằng tòa sẽ xem xét đến đơn kháng cáo của bị cáo Sương mới được gửi cho tòa phúc thẩm vài tuần gần đây.

Trong đơn kháng cáo, theo ông Nguyễn Trường Thành - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Sương có đề cập đến việc trưng cầu giám định viên vì trước đó giám định viên đã là người tham gia thanh tra NTSH với vai trò là tổ trưởng tổ thanh tra tài chính. Như thế khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do đó, trong trường hợp này tòa phúc thẩm phải triệu tập giám định viên tham gia phiên tòa phúc thẩm.

Trước đó tòa sơ thẩm đã bác bỏ yêu cầu của các luật sư và các bị cáo về việc triệu tập giám định viên đã tham gia giám định tài chính trong vụ án này. Tuy nhiên đến phiên tòa phúc thẩm (ngày 19/11), Hội đồng xét xử vẫn không triệu tập giám định viên để đối chất với các bị cáo và các luật sư bào chữa.

Sáng 19/11, sau 2 lần tạm hoãn, TAND thành phố Cần Thơ đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Lập quỹ trái phép” ở NTSH. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Trinh; kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoàng Mai, đại diện Viện KSND thành phố Cần Thơ giữ quyền công tố.

Sau phần trả lời thẩm vấn trước tòa của 4 bị cáo có đơn kháng cáo chủ tọa Hội đồng xét xử (HĐXX) mời công tố viên công khai quan điểm truy tố đối với các bị cáo. Tranh tụng tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), luật sư Nguyễn Trường Thành và luật sư Bùi Quang Nhơn đều nêu rõ quan điểm trong quá trình tranh tụng: Từ quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” với con số gây thiệt hại trên 266 tỉ đồng, nay lại xét xử tội danh “Lập quỹ trái phép” với 4,3 tỉ đồng, là “khởi” một đằng, “truy” một nẻo.

Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ đã vi phạm một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, áp dụng không đúng quy định tại điều 104, Bộ luật tố tụng hình sự, đặc biệt các vấn đề trong công tác giám định, thu thập chứng cứ, trình tự thủ tục tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm… cần phải được xem xét một cách đầy đủ và khách quan.

Việc áp dụng Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự của Hội đồng xét xử TAND huyện Cờ Đỏ để ban hành Quyết định yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cũng không bảo đảm tính hợp pháp.

Nguyên giám đốc Trần ngọc Sương chưa hết bệnh, nhưng vẫn phải ra hầu tòa phúc thẩm. Chị đi không vững, phải có người dìu. Trong quá trình xét xử, chị được chủ tọa phiên tòa cho ngồi ghế sau vành móng ngựa. Chị nói: “Vì vụ này tôi bị hành hơn 3 năm rồi, phát bệnh nặng rồi, 4 lần đã phải cấp cứu, không thể đứng trước vành móng ngựa để trả lời thẩm vấn của HĐXX”.

Cũng tại phiên tòa xử phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Trường Thành đã đọc “Đơn xin ở tù thay” của 110 người dân ở NTSH, gửi Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND, Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện KSND TP. Cần Thơ.

Đơn cho biết, họ sống ở đây từ 15 đến gần 30 năm: “Nếu quan tòa quyết đưa cô Ba Sương vào tù, mỗi người chúng tôi xin ở thay cô Ba Sương một tháng. Trong giai đoạn này, tội của cô Ba Sương là tội chỉ lo cho mọi người, chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân”.

Và Luật sư Nguyễn Đăng Trừng cảnh báo: “Mong HĐXX xem xét đến tính lịch sử, quá trình lịch sử khi xem xét phán quyết vụ án này. Một đơn vị như NTSH 2 lần Anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là Anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là Anh hùng. Cha con đều là Anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì chính chúng ta hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ. Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Đây là một quá khứ đã được Tôn vinh”. (Vietnamnet, ngày 20/11/2009)

Một phiên tòa phúc thẩm xử liên tục 5 tiếng rưỡi đồng hồ, không giải lao, không ăn trưa, ai cũng mệt nhoài.

Đến 15 giờ cùng ngày, bất chấp sự vắng mặt của bà Trần Ngọc Sương vì lý do sức khỏe; bất chấp những phân tích pháp lý vững chắc của các luật sư, thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Văn Trinh, thay mặt HĐXX đã đọc lời tuyên án.

Theo đó, HĐXX vẫn tuyên y án sơ thấm: Bà Trần Ngọc Sương mức hình phạt 8 năm tù và bồi thường 4,3 tỷ đồng. Bị cáo Đặng Thế Quốc Hưng y án (nguyên kế toán trưởng), y án sơ thẩm 4 năm tù giam. Riêng bị cáo Trương Hồng Nhung (Phó giám đốc) được giảm 1 năm so với án sơ thẩm, còn 5 năm tù, Nguyễn Văn Sơn 3 năm được giảm còn 2 năm.

Tôi không thể quên được khi thấy chị được người khác dìu vào phòng xử án. Cái dáng nhanh nhẹn, hoạt bát, sôi nổi và đầy tự tin hồi nào nay không còn nữa. Còn đây một vóc dáng nhỏ thó của một phụ nữ đã xế bóng, không chồng không con, gầy yếu, đen đúa… Ôi! Anh hùng một thời mà có đoạn kết như thế, vì đâu và vì ai nên nỗi?


Bài liên quan: