Tết nào tôi cũng về làng Quảng Lượng từ sáng mùng một. Trước hết, bởi đó là quê ngoại của tôi, và sau nữa là nơi có võ đường mình từng theo học. Quê ngoại nằm gọn giữa cánh đồng lúa, nghề nghiệp chính là canh nông. Rồi mùa đàn ông đi làm thợ xây hoặc thợ đụng (đụng đâu làm đó), đàn bà ở nhà trồng rau cải hoa màu. Cuộc sống giản dị, bình thường, lo bữa ăn còn khó. Thế nhưng sự học không hề còm cõi, năm vừa rồi có mười em đi thi đại học thì đỗ hết chín. Tôi luôn nghĩ quê ngoại là miền đất nghèo hiếu học, cả chữ nghĩa và võ nghệ, bởi nơi đây có một võ đường nhỏ nhưng quy tụ rất đông môn sinh trong vùng đến luyện tập.
Căn nhà của thầy tôi nằm khuất sau một rặng tre, hai bên lối vào uôm kín bởi những tán cây rậm. Đi qua lối hẹp ấy sẽ tới ngay sân nhà, chính là bãi tập luyện của võ sinh. Dường như cái vị thế kín đáo ấy cũng là một sự sắp đặt đầy ẩn ý, xưa nay võ học vốn khước từ sự khoe khoang phô trương. Người "cầm chịch" võ đường là huấn luyện viên Võ Văn Hùng, một người con của làng Quảng Lượng. Thời trẻ thầy vào Nam túc nghiệp đồng thời theo học môn phái Long Phi, đầu thập niên 1990 thầy lại về quê, hành trang mang theo là những kiến thức, bộ pháp, và chuẩn y hồng đai tứ đẳng (huấn luyện viên cao cấp theo hệ màu đai cũ).
Trên chuyến xe hồi hương, người huấn luyện viên trẻ ôm theo hành lý và cả ôm ấp ý định sẽ khai sinh võ đường tại quê nhà. Đến khi chạm chân lên đất làng thì ngại ngần vì lúc bấy giờ thanh niên ở nông thôn nhàn rỗi nhiều, buổi tối thường túm tụm kéo nhau đi phá phách gây gổ. Biết đâu mở lớp dạy võ lại kích thích thêm sự hiếu động của thanh niên? Chợt nhớ câu tâm niệm của môn phái, rằng luyện võ là luyện tâm, dùng võ lực để dẹp bạo lực, lấy sức mạnh nung khởi tình thương. Thế là thầy Hùng quyết định mở lớp.
Môn phái Thiếu Lâm Long Phi có mặt ở Quảng Trị kể từ đấy.
Long Phi hiểu đơn giản là chú rồng bay, một cái tên sang trọng, thanh thoát. Võ Thiếu Lâm nói chung và phái Long Phi nói riêng đều lấy động tác làm nội pháp, lấy sức khỏe làm chí hướng và tôn chỉ là giúp đời. Bởi thế nên nó gần gũi với cuộc sống của con người, như thể võ học là bộ môn rèn luyện sức khỏe, kỹ thuật và điêu luyện hơn thể dục một ít chứ không phải là thần quyền pháp hóa.
|
Một thế "rồng bay" của môn sinh phái Long Phi |
Thời gian tập luyện ở võ đường là lúc chiều tối nhằm tạo điều kiện cho các môn sinh. Đây là lúc rảnh rỗi của người nhà quê, thầy thì hết buổi làm đồng trở về, trò thì đã tan trường. Bất kể mùa nóng mùa lạnh lớp tập luyện vẫn tiến hành, nếu trời mưa thì vào trong nhà học luật, học kiến thức võ thuật. Các môn sinh đi học đều đặn, học quen rồi nghỉ một buổi là tiếc. Trước khi đi tập võ chỉ nên ăn nhẹ để lót dạ, trong lúc tập luyện thì không được hút thuốc. Dù võ đường mở tại nhà, chỗ tập luyện là sân đất dành để phơi lúa, nhưng những quy tắc kỷ luật học trò phải chấp hành nghiêm chỉnh. Trang phục võ học màu đen. Môn sinh mới vào được thắt huyền đai, cùng với màu áo. Ba tháng sau, khi đã vượt qua những thử thách đầu tiên, học những bộ pháp căn bản thì được chuẩn đệ nhất cấp, may thêm một gạch xanh.
Mỗi buổi học chừng bốn tiếng đồng hồ, người tập phải ôn bài để huấn luyện viên kiểm tra, sau đó mới được học tiếp bài mới gồm quyền pháp và các tư thế song đấu. Quyền pháp là những bài đi liên tục theo một đồ hình, mục đích là rèn luyện sự dẻo dai nhanh nhẹn, dịch động liên hoàn. Kết thúc bài quyền, người đi phải trở lại vị trí cũ và cúi chào theo hướng lúc mới đi. Như vậy, quyền pháp còn giúp người ta định hướng. Các bài quyền đều có trên dưới hai mươi câu thiệu, tức là những câu Hán Việt ngắn gọn được đặt tên theo bộ pháp. Có một số bài quyền những câu thiệu được ghép thành thể thơ lục bát cho võ sinh dễ nhớ. Người tập bắt buộc phải thuộc thiệu, vừa đánh quyền vừa nhẩm thầm lời thiệu. Quyền có hai loại là quyền bộ (đánh tay không) và quyền binh khí. Trong quyền bộ lại có những bài nương theo thế của con vật, như Hầu quyền phải nhanh nhẹn như chú khỉ, Xà quyền thì uốn dẻo như rắn, Long quyền biến hoá như rồng…

Một lớp huấn luyện võ tại đường Long Phi
Quyền binh khí gồm trường côn có tên là Ngũ Môn, bài luyện kiếm có tên Bạch Nhật Kiếm, luyện đao thì có Hắc Long Đao, quyền đánh nhị khúc là Hắc Long Đột Phá Lôi Trận quyền… Nguyên tắc của đánh quyền binh khí là không để rơi binh khí và không được chọc mũi đao, mũi kiếm xuống đất. Nói chung quyền binh khí khó đi hơn và buộc phải thận trọng. Ngoài ra, còn một số bài quyền đồng đội, tức là gồm nhiều người đi cùng lúc và nhất quán, chẳng hạn bài Thiền Sư Vạn Tự Quyền thì các võ sinh xếp theo đồ hình chữ Vạn.
Các thế song đấu thì hai võ sinh đứng đối diện nhau, người này ra thế và người kia giải thế. Mục đích là để phòng vệ trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng đến võ lực. Thầy Hùng luôn căn dặn học trò là hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các đòn song đấu khi ra ngoài. Bởi không thể dùng những gì đã tôi luyện để gây gổ đánh nhau, ỷ mình có chút võ nghệ là huênh hoang tự đắc. Có một lần thầy hỏi đám môn sinh rằng học võ để làm gì? Một môn đệ trả lời học võ để tự vệ cho bản thân. Thầy cười nói bữa nay có công an rồi, tự vệ làm gì. Rồi thầy dạy cho các học trò rằng luyện võ trước nhất để có sức khoẻ, xả bỏ tham dục, tạo lối sống lành mạnh, nuôi dưỡng sự từ tâm. Đấy mới chính là mục đích quan trọng của võ học.
Trên ngực áo của võ sinh có phù hiệu con rồng màu vàng. Rồng là huyền thoại nhưng võ rồng không hề hão huyền hư vô mà rất đời thường, thực tế. Đồng thời, theo học Long Phi luyện cho con người tính cao thượng như rồng. Thầy vẫn gọi vui lũ học trò chúng tôi là những chú rồng con. Nhiều môn sinh lúc mới đến võ đường tính khí ngang bướng nhưng tập một thời gian thì chuyển hoá hẳn, đằm trong điệu bộ, nhã nhặn trong ăn nói và xử sự rất lịch thiệp. Có thể nói võ thuật là một bộ môn của Đạo đức học.

Một lớp huấn luyện võ tại đường Long Phi (thầy Võ Văn Hùng đứng bìa trái) |
Từ khi vào đại học, vì xa quê nên tôi không còn theo tập luyện ở võ đường nữa. Nhưng mỗi năm cứ đến dịp hè, tôi lại về trong ngày giỗ tổ sư khai sáng phái Long Phi. Lại ngồi với thầy Hùng và các môn sinh, cảm giác ấm áp như một gia đình. Lần nào về thăm tôi vẫn thấy căn nhà của thầy Hùng chẳng có gì thay đổi, vách gạch cũ kỹ, mái ngói rêu xưa, những lối cửa tuềnh toàng đến thương. Chỉ có khung treo huy chương thành tích của đám môn đệ là nhiều thêm, những màu kim sáng lên cùng bộ binh khí chân truyền. Thầy tôi nghèo, những năm tháng mở võ đường thầy chỉ thu tiền qua quýt chủ yếu để trả tiền điện hoặc dành dụm để đưa học trò đi thi đấu. Ai đến tập luyện không nộp học phí cũng chả sao. Thầy luôn giữ tâm thanh sạch và mục đích dạy học trò là để mở rộng võ phái Long Phi mà thôi. Tất cả những lứa môn đệ ở võ đường ngày nào dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì đều nhớ lời tôn chỉ chép trong cẩm nang võ phái: "Phải để lại những giọt mồ hôi thấm tận lòng đất, và những giọt mồ hôi ấy sẽ thay bằng những hạt giống tình thương gieo rắc quê hương. Mãi cho đến bao giờ Việt Nam còn thì môn võ Thiếu Lâm còn, nhằm đáp báo ơn sư và rạng danh cho môn phái".
Buổi chiều tôi ra đứng nơi bãi đất tập luyện của võ đường, những áng mây cuộn tròn trên bầu trời trong. Cứ ngỡ rồng thiêng đang doãi thế bay oai hùng giữa miền quê nghèo, điều đó làm tôi yên tâm về sự trường tồn của Long Phi võ phái.