Về sự sầm uất của thơ Đường trên các chiếu thơ đại chúng

Ngót hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới cách quản lý đất nước đã tạo thuận lợi cho sản xuất, sáng tạo. Trong lĩnh vực văn chương có một hiện tượng mà đến nay chắc ai cũng thấy: ấy là sự bùng nổ một phong trào làm thơ nghiệp dư. Các Câu lạc bộ thơ được thành lập khắp nơi: đồng bằng, miền núi, kẻ chợ, kẻ biển…

Làm thơ trở thành một thú chơi dân gian tao nhã, giúp cho các bậc cao niên di dưỡng tinh thần. Tôi nói các bậc cao niên vì thực tế phong trào này gần như chỉ cuốn hút những người cao tuổi.

Ở tuổi hưu, con cái đã phương trưởng, các cụ mới có thời gian và mới có đủ tĩnh tâm mà ngẫm nghĩ việc đời, tìm tòi chữ nghĩa, thưởng thức ý vị của văn chương.

Phong trào tự phát, kinh phí tự túc mà đã có những cuộc hội ngộ toàn quốc tại Hà Nội của những người yêu thơ, làm thơ nghiệp dư, thành lập Câu lạc bộ thơ Việt Nam, bước đầu đã có ngay vài ngàn "thi huynh thi hữu" hội viên.

Một tập san mang tên Hương Việt Nam ra đời, ngay số đầu đã in tới hai ngàn bài thơ của một ngàn ba trăm tác giả. Quả là khổng lồ so với những tập san đã có ở nước ta. Chưa dám đòi hỏi nhiều về chất lượng, cố nhiên. Riêng số lượng thôi, quả là chưa từng có trong nền thơ nước nhà.

Tác phẩm từ cơn say thơ khổng lồ ấy của công chúng phần lớn lại là thơ Đường luật. Cũng là cái lạ. Nhưng khảo sát vào thực tiễn thì lại hiểu ra tính tiện lợi và ma lực của giai điệu vần luật Đường thi.

Thơ luật Đường là sản phẩm cự phách của đời nhà Đường bên Trung Hoa. Họ còn lưu giữ được tới ba vạn bài của ngót ba trăm năm thịnh vượng Đường thi thời ấy (620 - 905).

Trong đó có tới ngàn bài được công chúng thơ trên toàn thế giới trong mọi thế kỷ say mê. Tên tuổi của những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… thành niềm tự hào của thơ ca nhân loại.

Nước Việt ta có ngôn ngữ đơn âm như người Trung Hoa, lại chịu nhiều ảnh hưởng chính trị, xã hội của thể chế phong kiến nước họ, nên thơ luật Đường đã nhập vào hồn thi sĩ Việt.

 

Từ triều Lý, Trần, Lê… cho đến Nguyễn, cha ông ta làm thơ phần lớn dựa vào niêm luật của Đường thi.

Ban đầu viết luôn bằng chữ Trung Hoa, đọc theo giọng Việt như thơ của các thiền sư đời Lý hay của các vua quan, nho sỹ đời Trần, đời Lê. Sau rồi viết bằng chữ Nôm, đọc thẳng ra tiếng Việt như thơ của bà Thanh Quan, bà Hồ Xuân Hương, ông Nguyễn Khuyến, ông Tú Xương.

Nếu chỉ xét trong thơ ngắn thì thơ Nôm luật Đường đã thâu tóm những thành tựu chính yếu của thơ cổ điển Việt Nam ta. Còn thơ dài thì nó phải lùi sau lục bát Truyện Kiều và song thất lục bát Chinh Phụ Ngâm.

Sang thế kỷ mười chín, chế độ phong kiến suy tàn, đất nước bị phương Tây xâm lược. Đời sống đổi thay, tập tục đổi thay, cái vui buồn của lòng người từng bền vững ngót mười thế kỷ, cũng đổi thay.

Khuôn khổ thơ Đường không còn chứa được hết nỗi lòng dân nước của đương thời. Một nhà thơ tài năng, tài năng cả trong các bài luật Đường, như Tản Đà, đã phải kêu trời, đòi phá cách vứt điệu luật, để tung tẩy cho hả cái hồn đang nẩy nhiều phức tạp của mình trong chữ trong câu.

Tản Đà đã làm biến dạng cái khuôn thơ Đường, ông dãn nó ra để ôm lấy tình đời cho rộng. Nhưng thoát hẳn khỏi luật khỏi niêm của thơ Đường thì phải đợi đến phong trào Thơ Mới, nảy sinh từ thập niên thứ tư của thế kỷ hai mươi.

Thơ Mới kéo dài chỉ mười năm nhưng là thành tựu chói sáng của tiến trình thơ Việt và là đặc điểm lớn nhất của thơ thế kỷ hai mươi.

Trên thi đàn, thơ luật Đường dần dần vắng bóng. Nó bị dồn vào những trang phụ của báo chương, tạp chí, và chịu chấp nhận tung hoành trong mảnh đất hẹp trào phúng, thơ vui. Người đẹp vận xiêm y triều chính ngỡ đã về bảo tàng…ngủ giấc ngủ kiêu hãnh và bình yên.

Ấy thế mà thập niên cuối thế kỷ hai mươi, cơn gió đổi mới dấy lên làm các nàng tỉnh dậy.

Ở Trung Hoa chính quốc thì Đường thi vẫn yên ắng thâm nghiêm mà ở nước Nam ta bỗng dưng náo nhiệt, Đường thi thức giấc, xuống đường, chen vào các sân chơi bình dân phổ cập.

Nhan sắc Đường thi đã qua nghìn năm tuổi, xiêm y sau giấc ngủ dài cũng lắm phai tàn và khá nhiều xộc xệch. Nhưng được cái đông vui và tự tin hồn nhiên lắm lắm.

Hiện các nàng đang còn ở phòng nhỏ chiếu con nhưng cái chí tiến ra quảng trường, hội chợ, để chen vai với các cô tân thời, thậm chí với các nàng váy ngắn, thì xem ra có khí thế lắm.

 

Lạ là lạ như vậy. Chỉ có thể giải thích là cái giai điệu có sẵn với bằng bằng trắc trắc, và công thức gieo vần của Đường thi giúp cho người nhập môn chỉ cần phổ lời vào là đã có vóc dáng bài thơ.

Ai cũng có thể làm thơ và luật xuất bản lại giúp cho ai có tiền cũng có thể in thơ, tạo nên một không khí thơ ca sầm uất. Đó là việc vui.

Sao lại không vui? Người làm thơ Đường hôm nay vốn là những người không nuôi cao vọng văn chương. Họ đến với thơ hồn nhiên sau khi đã đến với mọi nghề: nghề giáo, nghề kỹ sư, bác sỹ, nghề cán bộ, bộ đội, thợ thủ công, người làm ruộng, quan chức, doanh nhân…

Chữ nghĩa, vần điệu… có người mới ở bước đầu tập dượt nhưng trong lòng họ thì đều đã sâu nặng chuyện đời. Họ đến với thơ chỉ để lại kinh nghiệm sống, gửi gắm những vui buồn đã trải.

Thơ giúp họ sống lại, sống kỹ hơn, thấm thía hơn những chặng đời đã sống. Như thế tưởng đã là quý lắm, đáng hoan nghênh lắm. Có điều, nên coi việc làm thơ của họ như một cách di dưỡng tinh thần, một thú chơi sang trọng, chơi chữ nghĩa, chơi tâm hồn.

Thật tình tôi hơi ngần ngại trước ý kiến của tiến sĩ ĐCV khi ông coi bây giờ, với các bài thơ Đường từ các "chiếu thơ" kia, là thời "thơ Đường luật Việt đang hồi sinh tiến tới thịnh đạt”.

Thịnh đạt với hồi sinh kia ư? To chuyện quá! Đừng nâng lên bình diện ấy, khó cho người viết, khó cho cả lời khen. Khó lắm. Không đơn giản thế đâu. Tiến sĩ định so sánh ai xưa với ai bây giờ để bảo thơ Đường đang hồi sinh và thịnh đạt.

Chúng ta vui là vui cái việc làm thơ xưa nay cao vời, chỉ đến với một số ít người, bỗng thành việc của muôn nhà, bình dân, dân chủ, tự do nữa. Vui là vui thấy bà con ta được nếm trên lưỡi mình cái vị ngọt bùi kỳ ảo của việc sáng tạo tinh thần…

Vui là vui "dân trí thơ" được nâng cao. Chứ cao hứng mà đẩy nhau lên quá. So thơ Đường của cán bộ hưu ta với thơ các tác giả Lý Trần Lê Nguyễn đã được thời gian gạn lọc, rồi khen vống nhau lên, vu tài năng kiệt xuất cho nhau, như có lần ở sân Văn Miếu, tiến sĩ so sánh phong trào làm thơ Đường ở ta bây giờ với Thịnh Đường Trung Hoa (713-765) là đẩy nhau vào hoang tưởng thì phúc lại thành họa. Khổ gia đình vợ con, chồng con người ta. Sướng một người khổ muôn người, lãng phí xã hội lắm lắm. Mà hậu quả cũng khó lường. Có khi lại làm bạn đọc lảng xa thơ.

VŨ QUẦN PHƯƠNG