Vì sao trẻ em cảm thấy sợ hãi khi đến trường?

TRỊNH HỮU THỊNH

Khi bước vào năm học mới, ngày đầu đi học, con bạn có thể gặp một số vấn đề như sợ hãi không muốn đến trường, không chịu vào lớp, tay bám chặt lấy bố mẹ, khóc đòi về. Việc này không chỉ diễn ra ở vùng quê hoặc miền núi, mà ngay ở các thành phố cũng xảy ra. Bạn phải làm gì để giúp trẻ?

Sở dĩ, trẻ có tâm lý như trên vì khi tìm hiểu kỹ về nguyên nhân có thể lý giải là do trẻ nhận thức không đúng về trường học, nhất là đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học. Với trẻ còn ở độ tuổi này, cha mẹ nên cho con từng bước làm quen với trường lớp, như đưa trẻ đi tham quan trường, làm quen với cô giáo và bạn bè cùng tuổi với trẻ trước khi chính thức cho trẻ đến lớp học.

Hãy nói cặn kẽ cho trẻ biết lớp học là nơi cô giáo sẽ dạy con nhiều điều thú vị, mới mẻ, ở lớp lại có nhiều bạn bè để chơi… Đây là cách giúp trẻ hình thành nhận thức đúng đắn về trường lớp, cách nhìn nhận tích cực với trường học.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không thích đến trường, có thể là do trường học khác với trí tưởng tượng của trẻ, hay trẻ chỉ quen ở nhà, được chăm sóc và được cưng chiều, thậm chí đôi khi người lớn trong gia đình còn lấy trường học để “dọa” trẻ; cũng có thể ở trường trẻ gặp phải những bất lợi nào đó nên tạo cảm giác thất bại khiến trẻ sợ hãi.

Khi con bạn lần đầu tiên vào lớp 1, trẻ sẽ rất bỡ ngỡ. Lúc này, cha mẹ và thầy cô phải dịu dàng từng bước giúp trẻ làm quen với trường lớp mới. Nếu con đến lớp thì bố mẹ không nên đánh mắng, dọa nạt, xử phạt đòn roi với trẻ, mà nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng trò chuyện với trẻ để tìm ra nguyên nhân khiến trẻ sợ trường lớp.

Khi trẻ sợ bố mẹ trách mắng vì bị điểm kém, hay viết chữ xấu, trẻ sẽ mất niềm tin vào việc học và sẽ chán học, từ đó trẻ sợ hãi không muốn đến trường nữa. Lúc này, cha mẹ cần phối hợp với thầy cô giáo động viên, khích lệ tinh thần để trẻ lấy lại sự tự tin. Khi trẻ có tiến bộ, dù rất nhỏ, bố mẹ nên biểu dương trẻ kịp thời, nên thưởng cho con những món quà nhỏ mà thường ngày trẻ em yêu thích để động viên trẻ.

Khi ở nhà được bố mẹ nuông chiều, chăm sóc và bao bọc quá kỹ thì con bạn sẽ rất khó hòa nhập với môi trường lạ khi không có bố mẹ hoặc người thân bên cạnh. Như vậy, con bạn sẽ quen ỷ lại nên trẻ sẽ không tự biết làm gì.

Khi trẻ đến trường, bị chia tách với cha mẹ nên dễ cảm thấy sợ hãi, bơ vơ, rất khó hòa nhập. Cho nên, bạn cần tập cho con mình hình thành tính tự lập ngay từ nhỏ. Cần cho con tích cực tham gia vào những hoạt động tập thể ở trường, lớp để trẻ nhanh chóng hòa nhập với bạn bè và tăng cường sự tự chủ của bản thân.

Tham gia vào những hoạt động tập thể cũng là cách giúp con bạn có được những giờ phút nghỉ ngơi vui khỏe, có ích, con bạn sẽ có thêm những người bạn mới, những mối quan tâm mới… Với cộng đồng mới, bạn bè mới sẽ giúp trẻ nhanh chóng khắc phục, loại bỏ được tính nhút nhát, dần dần trẻ thích đến trường để được chơi đùa với bạn bè.

Bố mẹ cần giúp trẻ nhận thức, học là một hoạt động đầy hứng thú. Từ những bài học trên lớp, trẻ sẽ học được rất nhiều điều thú vị khác. Bố mẹ cần giúp trẻ mở rộng hứng thú đối với việc học như cho trẻ cùng đọc truyện tranh, tô màu tranh vẽ, tìm hiểu thế giới xung quanh và cùng trẻ trả lời những câu hỏi “tại sao”… Phải giúp trẻ có cảm giác thỏa mái khi học tập thì mới có thể học tập tốt được.

Cần tăng cường khả năng chịu đựng khi trẻ gặp khó khăn ở trường học, như bị điểm kém thì cũng không nên quá buồn phiền, mà nên tìm ra nguyên nhân vì sao để lần sau đạt kết quả tốt hơn. Giúp trẻ gần gũi, làm quen với bạn bè trong lớp, nhất là những bạn học hành tốt, vui tính, năng động và hay giúp đỡ bạn khác. Tạo thói quen hòa đồng để giúp trẻ tự tin hơn, giảm bớt sự ỷ lại vào bố mẹ và người thân. Đặc biệt, động viên khích lệ trẻ cảm nhận niềm vui trong học tập.

Dù bận trăm công nghìn việc thì bố mẹ cũng không bao giờ chểnh mảng, lãng quên con trẻ, nhất là khi trẻ bắt đầu tuổi đến trường.