Người nông dân ở đó chỉ cười khi nghe bàn chuyện thực hiện chủ trương của Chính phủ bảo đảm cho nông dân trồng lúa có lãi 30%. Ở đó nông dân đang lãi trên 160% và họ đang tính cách để nâng mức lãi lên 200%.
Cũng người nông dân ở đó đang bắt tay vào làm cái việc mà các chuyên gia nông nghiệp dự báo phải đến năm 2020 mới có ở Việt Nam, đó là: Hình thành những cánh đồng không có bờ, cơ giới hoá 100%, hộ nông dân góp “cổ phần ruộng” vào Cty cổ phần trồng lúa...
Từ TP.HCM, dù đi theo cách nào (theo QL1A qua An Hữu - Tiền Giang hay theo tuyến biên giới qua Tân Hưng - Long An) cũng đều mất hơn 200 cây số để đến huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi chọn cách đi băng ngang vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) qua Tân Hưng để đến Tam Nông. ĐTM đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân, nhưng ở Tam Nông bà con đã thu hoạch xong từ lâu, đang chuẩn bị cho vụ hè thu. Hầu hết các cánh đồng ở Tam Nông đều khô rang, trơ gốc rạ, nhưng vụ lúa hè thu tới thì đã nhộn nhịp trong mỗi gia đình.

Thị trấn Tràm Chim được xây dựng khang trang.
Một vốn hai lời
Dù là ngày nghỉ (thứ bảy, 12.3), nhưng ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Nông - vẫn dành thời gian để tiếp chúng tôi. Ông Hồng cho biết, Tam Nông vốn là huyện nghèo thuần nông thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt tam nông) như làn gió mát thổi đến Tam Nông, giúp vùng đất này chuyển biến nhanh chóng. Anh Hồng chỉ trao đổi với chúng tôi tình hình chung, rồi khuyên: “Các anh muốn hình dung chuyện tam nông ở đây ra sao, hãy đến xã Phú Cường để xem nông dân trồng lúa và đến xã Phú Thành B để xem họ nuôi tôm càng xanh”.
Rời thị trấn Tràm Chim, chúng tôi đến xã Phú Cường. Cách nay khoảng 5 năm, tôi đã có dịp đến Tam Nông, khi ấy nhiều xã trong huyện chưa có đường ôtô, mùa lũ xe gắn máy cũng không chạy được, đi lại chủ yếu bằng xuồng. Nay các con đường về xã đều được nhựa hoá cao ráo, xe hơi chạy phăng phăng. Chúng tôi đến ấp Tân Cường - nơi có HTX nông nghiệp cùng tên đang ăn nên làm ra. Bộ ba gồm chủ nhiệm HTX - trưởng ấp - cán bộ nông nghiệp xã đang bàn bạc kế hoạch sản xuất vụ hè thu tại nhà Trưởng ấp Nguyễn Hùng Cường. Họ vừa bàn bạc và thống nhất, vụ lúa tới tiếp tục gieo sạ duy nhất giống lúa jasmin 85, xuống giống đồng loạt trong 3 ngày từ 29 đến 31.3. Họ cũng trao đổi, trước mắt không nhận thêm ruộng vào HTX dù rất nhiều người đang xin vào, mà cần tập trung ổn định mô hình sản xuất hiện đại, tăng hiệu quả sản xuất.
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Trải không cần mở sổ vẫn thuộc lòng nhiều con số của HTX: Tổng diện tích lúa 600ha (450ha thuộc ấp Tân Cường, 150ha thuộc ấp A) của 246 hộ xã viên; vốn điều lệ 650 triệu đồng; vốn hoạt động 5,5 tỉ đồng; 10 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, 6 máy gieo sạ... Vụ đông xuân vừa qua đạt năng suất 7,8 tấn/ha, chi phí sản xuất (gồm chi phí vật tư và chi phí công lao động) gần 20 triệu đồng/ha, tiền bán lúa hơn 50 triệu đồng/ha, lãi hơn 30 triệu đồng/ha.
Ông Trải tiếc rẻ nói: “Năm rồi lũ kiệt, không có phù sa, không có nước lũ làm sạch đồng ruộng khiến năng suất vụ đông xuân giảm (chỉ còn 7,8 tấn/ha thay vì 8,05 tấn/ha), chi phí sản xuất tăng, chứ nếu không lãi ròng cho 1ha lúa có thể đạt 35,4 triệu đồng, tức “một vốn hai lời”. Với kỳ tích ấy, ông Trải đã nhận được nhiều bằng khen từ cấp huyện, tỉnh tới Bộ NNPTNT. Ông cũng vừa trúng cử vào Ban Chấp hành Liên minh HTX VN.

Thu hoạch lúa ở Tam Nông. Ảnh: P.Đ
Theo mô hình hiện đại
Theo ông Lê Văn Khen - cán bộ nông nghiệp xã Phú Cường - trong xã có 3 HTX sản xuất lúa, nhưng HTX Tân Cường là hiệu quả nhất nhờ áp dụng triệt để mô hình sản xuất hiện đại nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, bán giá cao. Trong nhiều năm qua, toàn bộ diện tích của HTX đều gieo sạ duy nhất giống lúa jasmin 85. Cả 600ha được gieo sạ đồng loạt trong vòng 2 - 3 ngày. Toàn bộ quy trình sản xuất từ làm đất, gieo sạ, bơm nước, bón phân, phun thuốc, gặt đập... đều tuân theo mô hình sản xuất hiện đại. Điều đó giúp cho sản phẩm của HTX có tính hàng hóa cao, được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lâu dài. Kết quả cuối cùng: Chi phí sản xuất giảm khoảng 10% so với bình thường, năng suất lúa cao hơn (7,8 tấn/ha so với trung bình toàn huyện 6,8 tấn/ha trong vụ đông xuân), giá bán cao hơn khoảng 200đ/kg so với lúa cùng chủng loại bên ngoài.
Trưởng ấp Tân Cường - ông Nguyễn Hùng Cường - cho biết, vào năm 2000, chính quyền đã rất vất vả vận động được hơn 100 xã viên vào HTX. Ngày ấy xã viên dè dặt góp tiền được tổng cộng 32 triệu đồng (trên tổng số vốn điều lệ 325 triệu đồng). Nhưng chỉ sau vài mùa, bằng kết quả sản xuất ngày càng cao, bà con ùn ùn xin vào HTX, nay vốn hoạt động của HTX đã tăng lên 5,5 tỉ đồng. Ông Cường cũng cho biết, hiện mới có 50% số hộ trong ấp được vào HTX. Những hộ còn lại đang tiếp tục xin vào, nhưng Ban chủ nhiệm HTX chủ trương không vội mở rộng quy mô, mà phải tập trung hoàn thiện mô hình sản xuất hiện đại, sau đó mới mở rộng. Theo lộ trình đã định, đến năm 2015 HTX Tân Cường sẽ “phủ kín” toàn bộ đất trồng lúa ấp Tân Cường, cùng lúc tất cả diện tích lúa trong xã Phú Cường cũng sẽ đưa vào sản xuất theo mô hình hiện đại.
Rời Phú Cường, chúng tôi đến xã Phú Thành B để thăm “kiện tướng” tôm càng xanh Hứa Văn Điển (Ba Điển). Trước anh Ba Điển, ở Tam Nông chưa có ai nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Vào năm 2004, sau một lớp tập huấn kỹ thuật ở Cần Thơ, anh đã “liều mạng” (theo cách nói của bà con ở Phú Thành B) đầu tư hơn 100 triệu đồng nuôi 2ha tôm thay cho vụ lúa hè thu. Kết thúc vụ nuôi, anh lời 140 triệu đồng, gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Vụ sau, toàn bộ 7ha ruộng của gia đình được anh Ba Điển chuyển hết qua nuôi tôm xen canh. Mỗi năm anh lời khoảng nửa tỉ đồng từ nuôi tôm.
Năm rồi anh thuê thêm 6ha để nuôi. Thế nhưng, do nuôi nhiều, việc quản lý con giống đầu vào không chặt chẽ, xử lý nước không đến nơi đến chốn, nên năm rồi không hiệu quả. Năm 2011, anh Ba Điển trả hết ruộng thuê, chỉ nuôi xen canh 7ha ruộng nhà. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Nông - từ 2ha đầu tiên của anh Ba Điển, đến năm 2010 đã có 701ha đất lúa ở Tam Nông chuyển sang nuôi tôm xen canh. Năm 2011, diện tích nuôi tôm càng tăng lên 1.000ha, con số đó vào năm 2015 sẽ là 3.000ha. Việc phát triển nóng ấy đòi hỏi lãnh đạo huyện phải tính toán chủ động con giống và bảo đảm môi trường nước nhằm tránh rủi ro đến với nông dân, duy trì phát triển bền vững.
Ruộng không còn bờ
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, huyện Tam Nông vừa triển khai mô hình Cty cổ phần nông nghiệp (xã Phú Thọ) theo hướng sản xuất lớn, hiện đại. Các cổ đông của Cty sẽ là những nông dân có đất trong vùng dự án, họ góp cổ phần bằng đất sản xuất để hình thành nên tài sản của Cty. Chủ những thửa đất ấy sẽ trở thành công nhân của Cty (nếu muốn) và được trả lương sòng phẳng. Hằng năm, hiệu quả sản xuất sẽ được chia cổ tức tùy theo số vốn đất góp vào. Toàn bộ ruộng trong Cty (ban đầu khoảng 600ha) sẽ được san bằng không còn bờ, chỉ riêng việc ấy diện tích canh tác sẽ tăng thêm 5 - 10%.
Bằng kỹ thuật xác định độ cao bằng tia laser, toàn bộ mặt ruộng sẽ được san phẳng để có độ cao chênh lệch không quá 1cm. Với cách ấy, chi phí bơm nước sẽ giảm khoảng 50%. Với thửa ruộng lớn như thế, tất cả các chi phí sản xuất khác như gieo sạ, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch... cũng đều giảm. Tiến thêm một bước, Cty sẽ đầu tư chế biến, hợp đồng xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm ra tận nước ngoài. Dự kiến đến năm 2015, trên đồng ruộng Tam Nông sẽ có những “cánh đồng như mơ” như thế. Không chỉ cây lúa, mà những sản phẩm chủ lực khác của Tam Nông như tôm càng, hạt sen, đậu... cũng được khuyến khích đầu tư theo mô hình hiện đại ấy.
Giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Tam Nông sau 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Văn Công thuộc lòng từng cánh đồng trong huyện có thể trồng cây gì cho hiệu quả cao nhất. Ông nói: “Huyện Tam Nông có điểm xuất phát thấp vì là huyện nông nghiệp nghèo vùng ĐTM. Nghị quyết về tam nông ra đời đã đi vào cuộc sống nơi đây rất tự nhiên và nhanh chóng cho hiệu quả”. Một nền nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao, khó bị thương tổn đang ló dạng ở một góc ĐTM. Nông thôn CNH-HĐH đang được những “hai Lúa” miền Tây bắt tay xây dựng!
Theo Lao Động