Hiếm khi nào, nội dung một trò chơi điện tử lại gây xôn xao, tranh luận gay gắt trong giới trẻ như hiện nay. Đằng sau cuộc tranh luận lớn trên mạng về một trò chơi điện tử, có thể nhận thấy nhiều vấn đề về lòng yêu nước, quan điểm cá nhân về cuộc chiến tranh chống Mỹ và cả những vấn đề thời sự hiện nay của thế hệ thanh thiếu niên hiện nay, những người vốn hay bị xem là thờ ơ với lịch sử.
TỪ MỘT TRÒ CHƠI…
Call Of Duty (COD) là một trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới về đề tài chiến tranh. Được xếp vào thể loại trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS), COD đưa người chơi nhập vai những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Hai đặc điểm làm nên thành công của COD là tạo được không khí chiến tranh ác liệt với sự hủy diệt mạnh mẽ của vũ khí và tinh thần đồng đội. Đặc biệt, càng về sau dưới sự tiến bộ của công nghệ, COD ngày càng giống như thật, cuốn hút người chơi vào những trận chiến ác liệt như trong phim hành động.
Bản COD mới nhất (bản 6) đã trở thành trò chơi điện tử bán được nhiều nhất trong tuần đầu phát hành với hơn 7 triệu sản phẩm. Tại Việt Nam, đây là trò chơi bắn súng trên máy cá nhân (khác với các trò online) được nhiều người chơi nhất.
Ban đầu, nội dung của COD tập trung vào đề tài Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (CTTG 2), chiến trường trải rộng từ châu Âu, châu Phi đến châu Á. Đến bản COD 4 lại chuyển thành chiến tranh hiện đại với nội dung chống khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Phiên bản thứ 7 của trò chơi có nhan đề COD-Black Ops lại lấy đề tài chiến tranh lạnh và theo đoạn phim giới thiệu thì người chơi sẽ nhập vai từ lính biệt kích đột nhập bí mật vào phòng tuyến kẻ địch đến lính xung kích trực tiếp tham chiến trên chiến trường. Mà chiến trường đầu tiên chính là TP. Huế trong những ngày ác liệt nhất của chiến dịch Mậu Thân 1968.
Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến COD 7 trở thành trò chơi điện tử đang gây tranh luận quyết liệt nhất tại các diễn đàn dành cho người chơi ở Việt Nam hiện nay.
Người chơi sẽ nhập vai một lính Mỹ, lăm lăm khẩu súng hay điều khiển trực thăng bắn vào các chiến sĩ bộ đội Việt Nam trong trận chiến giành giật thành nội. Các đoạn phim, ảnh giới thiệu đều cho thấy hình ảnh người lính giải phóng được khắc họa rất dễ nhận biết với chiếc nón cối, khẩu AK và bộ quân phục màu xanh lá.

Ảnh dàn dựng bằng chương trình đồ họa để quảng cáo cho trò chơi.
… ĐẾN LÒNG YÊU NƯỚC
Làm sao giữa thời hòa bình lại có thể lạnh lùng cầm súng dù là trong một trò chơi để bắn vào những người lính mang hình ảnh người Việt Nam, những anh hùng đã giải phóng đất nước tiêu biểu cho thế hệ cha ông của mình?
Câu hỏi đó đã khiến cho giới trẻ vốn là những người chơi nhiều nhất hiện nay tranh luận kịch liệt. Một bên cho rằng trò chơi vẫn cứ là trò chơi. Có bạn trẻ lý luận là tại sao có thể bắn người Đức, Nhật (trong các bản game về CTTG 2) hay cả người Nga, Trung Đông, Brazil, Mỹ (trong bản COD mới nhất) tại sao lại không thể bắn người Việt?
Phe phản đối đáp lời: “Bởi vì chúng ta là người Việt Nam, giết đồng bào và hơn nữa là chính cha anh mình dù dưới hình thức nào cũng không bao giờ có thể xem như là một trò giải trí”. Đó là chưa kể những người lính mà ta nổ súng vào còn là đại diện của một thế hệ anh hùng, sống chiến đấu vì lý tưởng cao cả, vì mục tiêu mang đến thống nhất và hòa bình cho tổ quốc.
Tiếp theo sau trò chơi COD của Activision, đến lượt EA hãng sản xuất trò chơi lớn nhất thế giới hiện nay cũng bắt đầu làm game về đề tài chiến tranh Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên là bản mở rộng của trò chơi Battlefield: Bad Company 2 có nhan đề Battlefield: Bad Company 2: Vietnam. Trong game, người chơi có thể nhập vai thủy quân lục chiến Mỹ hoặc bộ đội giải phóng Việt Nam để chiến đấu cho lý tưởng của từng bên. Họ sẽ khám phá và giao tranh trên 4 bản đồ có dạng sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc trong rừng rậm nhiệt đới của dãy Trường Sơn. Người chơi còn được điều khiển các loại xe cơ giới, trực thăng, xe tăng... |
Cuộc tranh luận về COD 7 đã mở ra một thế giới trong giới trẻ, nó đã phản ánh tư tưởng của giới trẻ hôm nay về lòng yêu nước, về tinh thần dân tộc. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa ngoại lai thông qua các sản phẩm giải trí nước ngoài nhưng giới trẻ vẫn có được sự tự giác giữ gìn những giá trị thiêng liêng nhất trong trái tim.
Một người chơi có nickname JK Devil kể lại: “Hồi xưa tôi có chơi cái trò Battlefield Việt Nam, từ đầu đến cuối chỉ gia nhập phe mình bắn, rồi có lần thử chuyển sang phe Mỹ bắn xem sao, nhớ mãi có 1 cảnh dùng súng trường ngắm headshot (nhắm vào 1 chiến sỹ Việt Nam, trước khi bóp cò 1 tích tắc vẫn còn kịp nghe câu “anh em tiến lên”, sau phát súng đấy tôi đã bần thần suốt, và sau đó tôi đã thoát ra và xóa trò chơi ngay lập tức”.
Mở cửa hội nhập, làn sóng văn hóa bên ngoài tràn vào, bên cạnh những giá trị tích cực nhận được, đất nước còn phải đón cả những sản phẩm văn hóa độc hại. Điều đáng nói là thành phần tiếp nhận đầu tiên lại chính là giới trẻ. Sự kiện tranh luận về COD 7 hiện nay cho thấy giới trẻ Việt Nam đang tự vật lộn giữ gìn những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất.
Điều đáng tiếc là cũng giống như nhiều lĩnh vực văn hóa khác, việc giáo dục, hướng dẫn các bạn trẻ cách nhìn nhận đúng đắn, cách đánh giá khách quan các sản phẩm văn hóa bên ngoài hầu như vẫn chưa được chú ý, vẫn còn đó những bạn trẻ đánh mất tinh thần dân tộc, lạnh lùng vô cảm với những hình ảnh phản cảm với đất nước.
Nhưng điều quan trọng hơn là, mặc dù trò chơi đã xâm nhập khá rộng vào giới trẻ và đã gây xôn xao với những cuộc tranh luận trên mạng, nhưng các cơ quan chức năng dường như chưa nắm bắt được.
Khi được hỏi về vấn đề này, Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông TP.HCM đã trả lời: Chúng tôi chưa có thông tin gì về các trò chơi này vì chúng không được đưa chính thức vào Việt Nam mà theo các con đường bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu phát hiện, Sở sẽ tịch thu và tiến hành xử phạt theo luật định. Còn với các trò chơi điện tử được phát hành chính thức, Sở đều có kiểm tra để tránh việc xuất hiện các trò chơi ảnh hưởng xấu đến tâm hồn của thanh thiếu niên.