Thưa bạn đọc,
Kể ra trường hợp Phạm Quỳnh cũng là một trường hợp hơi lạ. Nó đã rõ ràng đến thế rồi, mà có người vẫn muốn “chiêu tuyết” (có “tuyết” đâu mà “chiêu”). “Chiêu tuyết người xưa, động viên người nay” (GS Đinh Xuân Lâm), là một nguyên tắc sử học kỳ lạ! Sử học thì phải dựa trên sự thật, trên sử liệu đã được kiểm nghiệm chắc chắn, trên quan điểm đúng, chứ đâu phải theo kiểu cảm tính, cảm tính tùy hứng như thế! Thực ra, đây là một thái độ chính trị, một sự thay đổi màu sắc chính trị. Lợi dụng trào lưu “đổi mới”, “vinh danh” những người có tội, và như thế còn đâu người có “công”. Tội chuyển thành công và công chuyển thành tội, và họ cho như vậy mới là “công bằng lịch sử”. Nếu theo Pháp, phục vụ Pháp… để “cứu nước, cứu dân”, thì còn kháng chiến, chống Tây chống Mỹ làm gì cho cực, cho hy sinh xương máu hàng triệu đồng bào, chiến sĩ. Thế thì hóa ra kháng chiến là sai, là có “tội”.
Ngày nay, nhiều người nói ra hẳn điều đó. Như có người đề cao đường lối Pháp – Việt đề huề (của cụ Phan Châu Trinh, đề huề nghĩa là “anh Pháp dìu dắt em An Nam”!) là nhất, là hơn đường lối Cụ Hồ!
Cho nên, buộc lòng chúng tôi phải nói lại. Có cả hàng đống tư liệu, mà có ngắn gọn thì cũng phải hàng chục số báo mới đăng hết. Nhưng chúng tôi sợ làm bạn đọc nản lòng. Thực ra, nếu vấn đề Phạm Quỳnh không trở thành vấn đề chính trị quan trọng của đương thời, có ẩn ý sâu xa bên trong, thì nó đã chết chìm cùng với lịch sử, khơi lại làm chi cho tốn giấy mực!
Nhưng có người sẽ nói: Phạm Quỳnh là kẻ có tội với nhân dân, với đất nước về mặt chính trị thì rõ rồi, nhưng còn về mặt văn hóa, nếu xét theo hoàn cảnh đương thời, thì ông ta có công đấy chứ! Xin thưa: nhận tiền của Toàn quyền Albert Sarraut, trùm mật thám L. Marty làm báo, thì bọn trùm thực dân là những tên cáo già, nghiên cứu sâu rộng và quá hiểu thuộc địa, lẽ đâu chúng lại ngu ngốc để cho Phạm Quỳnh dùng văn hóa để tuyên truyền lòng yêu nước? Làm gì có chuyện hoang đường như thế? Chẳng qua là Phạm Quỳnh đóng kịch khôn ngoan, lừa được Tây ta chút xíu, như cụ Đặng Thai Mai từng nói: “Phạm Quỳnh đủ chữ Tây để lừa ta, đủ chữ Hán để lừa Tây!”. Những câu nói “ái quốc”, “văn hóa” của ông ta, người thức giả chả ai tin. Người nào văn nấy, văn tức là người, đã nhận tiền làm bồi thì tất đánh đĩ ngòi bút (như cụ Nghè Ngô Đức Kế đã mắng “cái con đĩ Kiều” – kỳ thực là mắng Phạm tiên sinh!). Ngày nay, mà muốn tâng bốc thứ văn chương ấy lên hàng quốc bảo, thì tức là muốn hạ bệ văn chương yêu nước, văn chương cách mạng thế kỷ XIX-XX…
Cái câu: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” mà ngày nay nhiều kẻ cứ nhắc lại như “sấm Phạm Quỳnh”, thực ra cũng là câu lừa mị, đảo điên! Làm gì có cái logic lạ đời như thế! Thế là chỉ nhờ có Kiều mà nước ta còn! Cụ Nguyễn Du mà nghe thấy, cũng lấy làm thẹn, làm giận. Đã đành văn hóa là quan trọng nhưng muốn cứu nước phải có chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao…, có cả một chiến lược tổng thể…, đâu phải chỉ có Truyện Kiều, có tiếng Việt? Người trung trực thời đó phải nổi giận là vì thế!
Thời Phạm Quỳnh, Truyện Kiều còn, tiếng ta còn mà nước mất! Phải bao nhiêu xương máu, hy sinh, phải có Điện Biên, phải có chiến thắng 30/4 mới giành lại được độc lập, giành lại nước! Cho nên, có bạn đọc viết thư cho chúng tôi nói: nước ta còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì Truyện Kiều còn, mới là đúng lẽ! Luận điệu của Phạm Quỳnh về Truyện Kiều đã được ông Nghè Ngô Đức Kế biện thuyết trong Luận về chánh học cùng tà thuyết, một trong những bài văn nghị luận hay nhất đầu thế kỷ XX. Đến nay, thế kỷ XXI rồi, đọc lại vẫn thấy sướng!
**
*
Còn một câu chuyện nữa cũng xin thưa. Ấy là chuyện đối với Nhạc sĩ Phạm Tuyên và Bác sĩ Phạm Khuê.
Đối với hai anh, chúng tôi vô cùng quý mến, hết lòng kính trọng. Hoàn cảnh gia đình như thế, mà các anh đã một lòng, đã hết lòng theo kháng chiến, Cách mạng, tận tụy một đời, lập nên công lớn. Anh Phạm Tuyên từng cộng tác với Hồn Việt, và khi anh được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi phát biểu ý kiến với nơi xem xét, nhiệt liệt ủng hộ. Vì tác phẩm anh ấy, cũng là vì “vấn đề Phạm Quỳnh”. Ta nên hóa giải, làm lành vết thương quá khứ. Bác sĩ lão khoa Phạm Khuê, chúng tôi cũng đã đăng bài về anh, về chị ấy của nhà văn Thanh Hương kèm theo bài thơ rất hay, rất lạ của chị nhớ thương anh ấy.
Chuyện cha là chuyện của cha, chuyện của con là chuyện của con, làm thế nào thay đổi được, làm thế nào chọn cửa sinh ra.
Có người nói: nếu nói về công của Phạm Quỳnh, thì có lẽ công là ở chỗ đã sinh ra hai anh con như thế. Lấy con mà luận về cha, thì cũng có điều đáng nghĩ. Ông Phạm Quỳnh đã dấn thân vào chốn quan trường, dấn thân vào phục vụ cho Nhà nước bảo hộ, đó là định mệnh của ông ấy (và cũng là của một số không ít người). Ngày nay, lịch sử đã giở sang trang. Chúng ta cũng không muốn nhắc lại làm gì cho rối việc, cho đau lòng. Nhưng nếu số phận cá nhân đã gắn với vấn đề lịch sử của cả dân tộc, thì phải đặt nó trên bình diện dân tộc mà xem xét.
Cũng từ số này, Hồn Việt xin phép được kết thúc vấn đề để có trang đề cập các vấn đề khác. Xin cám ơn bạn đọc đã theo dõi và ủng hộ.