ĐOÀN HUY TRIỂN
(Kiến Xương – Thái Bình)
Tôi đã đọc tất cả các bài về GS Nguyễn Mạnh Tường trên Hồn Việt, kể cả một số bài về ông trên báo điện tử nước ngoài. Chúng tôi trân trọng tình cảm yêu nước của giáo sư, kiến thức văn học văn hóa phương Tây uyên bác của giáo sư, và hết lòng thông cảm với những khó khăn mà lẽ ra, nếu như bây giờ, thì nó đã không xảy ra với giáo sư rồi.
Tiếc rằng, chuyện đã xảy ra rồi, chuyện lịch sử, thì khó mà nói “giá như”. Trong câu chuyện đó, tôi nghĩ có hai việc cần làm rõ.
Một là, giáo sư Tường vốn được đào tạo từ “trường Tây”, “văn hóa Tây phương”…, đã tiếp nhận nguyên vẹn những “nguyên lý” của nó, mà không hiểu hoàn cảnh cụ thể của dân tộc mình, nhất là một dân tộc đang chống giặc ngoại xâm.
Hồi 55-56, giáo sư đòi “dân chủ” như kiểu Tây, mà ở ta, thì miền Nam Mỹ và Diệm đang lê máy chém giết hại hàng triệu người yêu nước. Còn ở miền Bắc thì đang ở trạng thái thời chiến, đang “thiết quân luật” để chiến tranh chống Mỹ. Cho nên, những điều mà giáo sư nghĩ và làm nó quá xa thực tế, và nó dễ đổ vỡ.
Hai là, giáo sư cũng quá “tự phụ” về cái tài của mình. Thực ra thì đậu được hai bằng Tiến sĩ, giỏi tiếng Tây là rất quý…; nhưng chúng ta xem Nguyễn An Ninh lỗi lạc là thế đã hành động như thế nào! Cái quan trọng là phải dùng được cái tài ấy vào đại nghiệp của dân tộc thì nó mới phát huy hết tác dụng.
Hồi xưa, vì quá nhiều lý do mà một thời chiến tranh lạnh - chiến tranh nóng, người ta đã đối xử quá khắc nghiệt với Cụ. Đại diện cho Đảng là ông Đỗ Mười đã đến thăm Cụ, và bằng cử chỉ đó, Đảng đã thấy ra vấn đề. Lại cũng bố trí công tác để Cụ cống hiến, rõ nhất là viết ra mấy cuốn sách ở Nhà xuất bản Giáo Dục. Do đó, khi đi Pháp, có người “kích” “kéo” thì Cụ không theo.
Ngày nay, ta đã đổi mới sâu sắc, nhắc lại việc cũ, ta nên nhìn nhận cho công bằng, cho có trước có sau, không nên một chiều vì lịch sử vốn dĩ không một chiều. Cốt là làm sao cho có lợi cho sự đoàn kết, xây dựng. Đó là thiển ý của tôi.