Nhìn lại đất nước trải qua thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, tức cũng là trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX và lần thứ X, mọi người dân Việt Nam đều nhận rõ tiến bộ lớn nhất và khuyết điểm lớn nhất của Đảng ta.
Tiến bộ lớn nhất là với công cuộc đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo dân ta thực hiện một sự phát triển kinh tế phải nói là ngoạn mục. Không những vượt qua tình trạng khủng hoảng hậu chiến cuối thế kỷ XX mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển với nhịp độ tăng trưởng hàng năm khá cao, tạo điều kiện để cải thiện và nâng cao đáng kể đời sống vật chất của nhân dân, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển.
Một thành tựu lớn của công cuộc đổi mới kinh tế của chúng ta là đã trụ vững được trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 cho đến hiện nay. Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất kèm theo đó là sự phát triển kinh tế đó chưa đem lại những hiệu ứng tốt đẹp trong đời sống xã hội và con người. Cùng với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội còn bị ô nhiễm nặng nề, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày một tăng thêm, dù chính sách xóa đói giảm nghèo có đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các tệ nạn xã hội cũng tăng thêm ngày càng đáng lo ngại.
Chúng ta đã bước đầu ra khỏi được khủng hoảng kinh tế song vẫn còn tiếp tục bị vướng mắc trong cuộc khủng hoảng xã hội. Ở đây, các nguy cơ nhiều hơn các thời cơ, các nguy cơ đó thậm chí đe dọa kéo chúng ta vào cuộc khủng hoảng mới, gây tổn hại thậm chí triệt tiêu các thành tựu đã đạt được, trong đó có sự ổn định chính trị mà chúng ta đã giữ vững được trong bao năm với khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được mở rộng và củng cố.
Nói tóm lại, trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của đất nước, chúng ta cũng đã dần dần nghiệm thấy và thấm thía quan điểm phát triển bền vững và toàn diện, hài hòa và cân đối giữa kinh tế với tự nhiên và xã hội. Nói đến tự nhiên là nói đến môi trường, nói đến xã hội là nói đến văn hóa. Kinh nghiệm lãnh đạo phát triển đất nước đã cho Đảng ta thấy rõ sự phát triển và tăng trường kinh tế phải gắn liền với công bằng và an sinh xã hội. Đó là sự phát triển vì con người chứ không phải vì lợi nhuận. Phát triển vì lợi nhuận tối đa là phát triển Tư bản chủ nghĩa.
Phát triển xã hội chủ nghĩa không thể coi thường lợi nhuận song lợi nhuận ở đây luôn luôn nhằm vào lợi ích của con người, của toàn dân. Khái niệm xã hội rộng hơn khái niệm kinh tế trong công thức kinh tế - xã hội.
Nói đến xã hội là nói đến con người và các quan hệ giữa người với người, trong đó có quan hệ về kinh tế tức là về đời sống vật chất. Quan hệ này trong chế độ phong kiến và tư bản chưa bao giờ thực hiện được sự công bằng, từ đó mà sinh ra mọi tệ nạn tiêu cực lớn nhỏ trong xã hội, gây nên mâu thuẫn và xung đột, bóc lột và áp bức, cướp đoạt và chiến tranh. Thực hiện công bằng xã hội là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, là quá trình cách mạng và xây dựng tự giác chứ không để cho các quá trình tự phát “tự do” phát triển. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa cần thiết là vì vậy.
Mười năm cuối thế kỷ XX rồi mười năm đầu thế kỷ XXI (1990-2010) do hậu quả của 30 năm chiến tranh, do tình trạng khó khăn về đời sống thời hậu chiến, Đảng ta phải tập trung lãnh đạo sự chuyển hướng và đổi mới về kinh tế, xem phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong bước đi đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đến năm 2010, phải nói rằng, chúng ta đã hoàn thành được nhiệm vụ trung tâm, song nhiệm vụ then chốt thì còn quá nhiều bất cập. Sự bất cập ở nhiệm vụ thứ hai đã tác động xấu đến nhiệm vụ thứ nhất. Lấy ví dụ tiêu biểu nhất là sự kiện Vinashin. Ở một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước có vị trí lớn trong nền kinh tế quốc dân, sự đổ vỡ gây tác động nghiêm trọng đến như vậy, nguyên nhân chủ yếu là ở đâu? Có thể thấy ngay là ở việc xây dựng Đảng ở đây đã thất bại. Nói rộng hơn, đây là thất bại của sự xây dựng con người. Thất bại là do con người kém cỏi về năng lực và về phẩm chất. Giao việc lớn cho những con người kém và xấu thì nhất định sẽ hỏng việc.
Vinashin thuộc khu vực kinh tế nhà nước, tức là kinh tế xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ nói “Muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Với những đảng viên, những con người như ở Vinashin thì làm thế nào xây dựng được kinh tế xã hội chủ nghĩa làm cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội? Đảng viên như thế thì làng nước theo làm sao được? Suy rộng ra, không chỉ ở Vinashin mà ở mọi khu vực kinh tế - xã hội khác của chúng ta đều có tình trạng như vậy.
Chúng ta chỉ lo phát triển kinh tế mà không lo xây dựng con người, đến lúc thất bại thì không những mất của mà còn mất người và mất người còn đau hơn mất của. Đến lúc mất bò mới lo làm chuồng thì đã muộn. Bài học Vinashin nên xem là bài học về chiến lược: chiến lược con người hay chiến lược kinh tế? Chiến lược con người trong chiến lược kinh tế và trong chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung.
Nói cho công bằng, trong nhận thức lý luận, không phải Đảng ta không thấy vấn đề này. Gần 20 năm nay, chúng ta đã từng nói đến “chiến lược con người”. “quốc sách giáo dục”, nhất là cuộc vận động lớn “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” song bao giờ cũng vậy, nhận thức lý luận mà không có bài học thực tiễn, nhất là những bài học thất bại đau đớn thì không thể “tỉnh ngộ” ra được.
Thời điểm “tỉnh ngộ” ra được chân lý trong tư tưởng của Hồ Chí Minh “Muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa” có lẽ là lúc này chăng? Đó là thời điểm chuyển đổi sang thập niên 2011-2020 đánh dấu bằng nhiều sự kiện lịch sử vĩ đại, trước hết là Đại hội Đảng lần thứ XI và Cương lĩnh mới của Đảng trong thế kỷ XXI.
Cần điều chỉnh và bổ sung phương châm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm” thành “Phát triển bền vững và hài hòa kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện công bằng và an sinh xã hội.”
Cần điều chỉnh và bổ sung phương châm: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thành “Xây dựng Đảng, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ then chốt, đưa nhiệm vụ xây dựng con người thành nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020”.
Từ kinh nghiệm thành công và thất bại 10 năm qua, sự chuyển hướng phương châm chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế - xã hội, chính trị - pháp quyền, tư tưởng - văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế - dân sinh, giáo dục - đào tạo... nhất định sẽ đưa đến một trình độ mới và chất lượng mới cho sự phát triển của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 9 năm 2010
Bài liên quan: