Với "niềm tin và hy vọng" (trích)

…Kể ra tôi cũng khá là lớn tật! Chuyên nghề âm nhạc lại cứ hay tạt vào vườn thơ. Không khéo lại mang tiếng là lấn sân, leo rào, chơi trội cũng nên!

Các bạn nhà thơ của tôi ơi, hãy cảm thông cho tôi nhé!

Tôi sinh ra bên bờ sông Hậu

Tên làng Bình Đức, tên tỉnh Long Xuyên.

Băm mốt: năm sinh, gia đình trí thức

Cháu nội đích tôn, đành lòng chịu cực

Xa cha xa mẹ, ở với ông bà

Chẳng sợ đòn roi, cũng chẳng sợ ma

Sớm biết tìm mo cau bó đít!

Sáu tuổi tròn bắt đầu đi học

Tiểu học: quê nhà, trung học: xứ xa

Bát-xắc, Nam Hưng, Cô-le đủ cả

Tây đô thơ mộng nhớ ông nhớ bà,

Mỏi mồm mỏi miệng bởi tiếng Lang sa.

Rồi mùa thu Tháng Tám vụt bay qua

Cuốn áo học sinh, tung cờ cách mạng:

Biệt động nội thành, bộ binh kháng chiến

Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên,

Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên,

Sáu tỉnh miền Tây thảy đều có mặt.

Kháng chiến gian nan chưa hề chạy xịt!

Đến ngày tập kết, cất súng, xuống tàu

Chắc Băng chia tay, nói lời tạm biệt:

“Bằng hai năm nữa trở về

Nam Bắc đề huề, má gả Út cưng”.

- Nhớ lời má dặn quá chừng

Hai mươi năm, chẳng đặng đừng, má ơi!

Khảy đàn con hát, con chơi,

Út cưng má gả về nơi nào rồi?

Chuyện xưa nhắc lại, bùi ngùi…

Vậy là tôi đã tắt ngang được quãng đường vòng. Rõ ràng là đỡ tốn nhiều công. Chư vị nhà thơ có thấy không?

Sáng đi hỏi vợ, tối rền tiếng bom

Tự do và tình yêu

Cả hai tôi đều cần

Vì tình yêu, tôi hy sinh cuộc sống

Vì tự do, tôi hy sinh tình yêu

(Petöfi Sándor, nhà thơ lớn Hungary - Phan Nhân dịch từ nguyên văn tiếng Hungary)

Tôi bươn bả về với Hà Nội sau khi đã hoàn thành trọn vẹn chương trình tu nghiệp ở nước bạn Hungary, mang theo trong lòng lời thơ cháy bỏng của Petöfi. Tôi cũng đã lưu luyến chia tay từ biệt dòng sông Danube xanh trong, thơ mộng để về lại với sông Hồng thắm đỏ phù sa, và nhanh chóng hòa nhập vào nếp sống thủ đô thời chiến “tự nhiên như người Hà Nội”.

Còn đúng một tuần lễ nữa là đến Noël 1972. Lại thêm một mùa Giáng sinh thời chiến. Hà Nội rét ngọt và ngạt ngào hương hoa sữa. Lại có một sự kiện khá đặc biệt vừa xảy ra chắc ít người biết đến: Tôi vừa đi hỏi vợ ngay sáng hôm nay, 18 tháng 12. Tất nhiên không phải hỏi cho tôi, mà là hỏi vợ cho anh bạn nhạc sĩ thương binh Triều Dâng. Họ nhà trai ủy quyền và họ nhà gái cũng dễ dàng chấp nhận. Kể ra, tôi cũng thuộc hạng có duyên mai mối đấy chứ, xin chớ có coi thường! Vậy là lễ cưới sẽ được tiến hành ngay tháng tới lúc vừa sang năm mới. Đều xuất thân từ con nhà lính nên mọi việc cần phải khẩn trương. Đã nói là làm! Ông bà xưa vốn đã dạy rằng:

Cưới vợ thì cưới liền tay

Chớ để lâu ngày lắm chuyện rối ren!

Như mọi bữa, cơm chiều xong xuôi, thành phố cũng vừa lên đèn, tôi ung dung đạp xe 4 cây số từ nhà ở khu lao động Mai Hương chợ Mơ lên chơi với anh bạn Triều Dâng cư ngụ ngay trong khuôn viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ. Lát sau, Cao Việt Bách cũng từ khu tập thể Đại La, Bạch Mai lọc cọc đạp xe đến. Bách tốt nghiệp chỉ huy giao hưởng ở Liên Xô về nước ngót nghét đã mười năm, vẫn còn độc thân, sau này là tác giả một ca khúc nổi tiếng từ Bắc chí Nam, bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người mở đầu bằng câu: “Từ thành phố này Người đã ra đi…”.

Tối hôm nay chú rể tương lai Triều Dâng bỗng nổi cơn hưng phấn bèn kể chuyện tiếu lâm Nam Bộ (nghe cho đỡ nhớ quê nhà). Chuyện kể rất có duyên về hai ông bà lão, có cô con gái xinh đẹp vừa đến tuổi cập kê và một con ngựa có nước phi thần tốc, đang chiêu hiền kén rể. Ôi chàng rể tương lai đang khiến bọn tôi cười rung cả bụng vì câu trả lời quá ư xuất sắc của anh chàng ứng cử rể thứ ba trong chuyện kể. Hơi tục nên không tiện chép vào đây. Đành hiểu ngầm vậy… Căn buồng chật ních tiếng đàn tiếng hát, tiếng cười tiếng hét, tiếng đập chân rầm rầm muốn sụm cả giường bởi hai anh chàng nhạc sĩ độc thân chưa hề có vợ lần nào. Bỗng… đúng vào lúc ấy, những ánh chớp chói lòa cả một vùng trời Hà Nội. Rền rền, âm vang những tiếng nổ liên hồi, Rực hồng như đám cháy xăng dầu. Còi hụ. Đèn vụt tắt. Tiếng hát, tiếng đàn cũng đột nhiên im bặt. Có tiếng máy bay rền rĩ nặng nề. Đèn chớp từ trên cao nhiều nghìn mét. Hàng bầy máy bay Mỹ. Các cỡ pháo đan chéo như thoi đưa trên nền trời Hà Nội. Chớp lóe ùng oàng. Mịt mùng lửa khói. Hàng loạt tiếng bom rền dậy đất. Đích thị là B.52. Hà Nội đang kiên cường giáng trả. Tôi nhìn đồng hồ: 19g40. Lần đầu tiên đụng độ với B.52 quả tình cũng ớn!

Bất chấp sự cản ngăn của tự vệ cơ quan, tôi chụp vội lên đầu chiếc mũ sắt Liên Xô vẫn mang theo bên mình, vọt ra khỏi hầm trú ẩn, chạy vụt lên sân thượng lầu 4 ngôi nhà cao nhất 58 Quán Sứ, lòng đầy xúc động trước cuộc chiến quyết liệt và hào hùng. Hà Nội đỏ trời đạn bom. Miểng đạn đan vèo vèo. Bất chấp! Tôi phải tận mắt nhìn Hà Nội chiến đấu từ trên cao. Hầm trú ẩn thì an toàn nhưng quá ngột ngạt đối với tôi. Tôi thích có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Từ trước tới nay tôi vẫn thế. Bao phen suýt “hy sanh” mà tôi cóc sợ!

Tôi là người trong cuộc, tôi phải tận mắt nghe nhìn để viết. Không phải để coi chơi. Hà Nội mến yêu của tôi! Của chúng ta mà cũng là của riêng tôi!

Thoáng nghĩ: mấy tay cameraman truyền hình coi vậy mà sướng! Được ở trên cao lại có cả máy quay phim, thu hình trong tay. Mình thì chỉ ghi lại được âm thanh và màu sắc bằng mắt và bằng tai. Thủ công quá cỡ! Rủi bị thương hoặc bị hy sinh chẳng những không được biểu dương khen thưởng mà còn bị thi hành kỷ luật là đằng khác. Bởi chỗ đứng của tôi hiện tại không phải ở trên này mà là ở dưới kia, dưới hầm trú ẩn kia. Mặc kệ! Làm cách mạng đôi khi cũng phải liều mạng. Miễn là vì lợi ích của cách mạng, Bom chưa chắc trúng, trúng chưa chắc chết. Vậy là tôi đang ở trên cao. Hạnh phúc biết dường nào!

Những mảnh vụn B.52 cháy rực, lả tả rơi như mời như gọi tôi. Nhất định mấy thằng phi công Mỹ phải tung dù. Tôi chưa được tận tay bắt được thằng giặc lái nào kể từ đầu chiến tranh phá hoại của Mỹ đến nay. Đi nhiều nơi, đến nhiều nơi, toàn là việc đã rồi.

Tôi muốn tụt ngay xuống đất cũng nhanh nhẹn như lúc lên và băng ra đường. Nhưng rồi lại tiếc, sợ xuống đất rồi không nhìn thấy được rộng, được xa cuộc chiến đêm nay. Cơ hội nghìn năm có một. Kìa kìa, một hình ảnh thật hùng tráng: cột ăng ten truyền hình 50 mét hiện rõ trên nền một máy bay Mỹ cháy đỏ đang rơi giữa trời Hà Nội. Ôi, Hà Nội mến yêu của ta! Không có máy ảnh trong tay lúc này thật là quá dở! Dở, quá xá dở!

B.52 điên cuồng đánh phá Hà Nội thực sự là cơn hấp hối giãy giụa của kẻ chiến bại, tôi tự nghĩ như vậy. Và tiếp tục ở lại trên cao quay phim bằng mắt, ghi âm bằng tai và nghĩ về mặt nước hồ Gươm chiều nay hãy còn lung linh, yên ả. Tôi nhủ thầm trong lòng, nếu còn nguyên vẹn đến sáng mai nhất định sẽ đạp quanh hồ Gươm một vòng xe đạp. Để coi sự đời ra sao?

Nhiều đêm sau, trong suốt 12 ngày đêm mùa đông tháng chạp năm 1972, tôi cứ thích được ở trên cao trong tiếng bom đạn gào rú. Chỉ chui xuống tầng nhà hầm mong manh để viết và để ngủ.

Với phong thái ung dung đĩnh đạc cùng với niềm vui tất thắng, quân và dân Hà Nội đã thực sự “dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền”. Trận “Điện Biên Phủ trên không” lúc mở đầu thì “tiếng bom át tiếng hát” còn khi kết cuộc thì “tiếng hát át tiếng bom”.

Và tôi đã viết Hà Nội - niềm tin và hy vọng riêng cho giọng ca Trần Khánh!

* * *

Các bạn Hungary thân mến chắc không đến nỗi hoài công nuôi tôi ăn học. Và xin cũng đừng trách tôi quá nặng tình với sông Hồng và sông Cửu Long.

Dòng sông Danube xanh trong vẫn đang tiếp sức cho tôi. Lời thơ nồng ấm của Petöfi vẫn vang vọng trong tôi!

1987

PHAN NHÂN