Ai từng sống ở trung tâm thủ đô Hà Nội vào những năm trước Cách mạng tháng Tám hẳn còn nhớ mỗi sáng có một ông Tây, to béo, cao lớn, vui tính, với khuôn mặt phúc hậu, tay xách cặp bước ra từ chiếc cửa quay của khách sạn Metropole (nay là khách sạn Sofitel Metropole) rồi đi thong thả đến Viện Viễn Đông Bác Cổ trên đường Carô (Carreau), nay là trụ sở của Viện Thông tin Khoa học Xã hội ở 26 Lý Thường Kiệt. Những bạn đồng nghiệp cả Pháp lẫn Việt Nam làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ hồi đó quen gọi ông bằng cái tên Pháp là ngài Gôlu (Golou). Nhưng tên thật của ông là Viktor Golubev, nhà khoa học Pháp gốc Nga đầu tiên đặt chân đến Hà Nội vào năm 1920, một nhà Đông phương học nổi tiếng đã có nhiều đóng góp quý báu vào việc nghiên cứu văn hoá phương Đông nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng.
Hơn thế, ông đã sống trọn một phần tư thế kỷ ở Hà Nội và đã trút hơi thở cuối cùng tại thành phố này, vốn rất đỗi thân thuộc với ông, vào ngày 19/4/1945, bốn tháng trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám.

Ông V. Golubev (người cầm mũ) cùng với các đồng nghiệp tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội.
Viktor Golubev sinh ngày 30 tháng 1 năm 1878 tại kinh thành Peterburg trong một gia đình quý tộc. Thuở nhỏ ông học tại trường trung học Carmai, từ năm 1896 đến 1900 là sinh viên Khoa toán lý của trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia Peterburg. Tại đó, trong giới sinh viên khoa học, ông đã bắt đầu say mê nền văn hoá phương Đông, đồng thời cũng nghiên cứu cả hội họa lẫn âm nhạc. Ông vẽ giỏi, chơi đàn violon cùng với các nghệ sĩ điêu luyện của kinh thành Peterburg.
Sau đó ông xuất ngoại, tiếp tục theo học tại trường Đại học Tổng hợp Heidenberg ở Đức, nơi ông tốt nghiệp, bảo vệ luận án và được phong học vị Tiến sĩ ngữ văn, chuyên về nghệ thuật và khảo cổ học. Có vốn kiến thức rộng rãi lại thông thạo 4 ngoại ngữ, Anh, Ý, Đức, Pháp, Golubev đã đi du lịch đến nhiều nước trên thế giới.
Năm 1904 chàng thanh niên 26 tuổi Golubev đến Paris rồi từ đó làm một chuyến viễn du dài ngày sang các nước phương Đông. Đáng kể hơn cả là cuộc khảo sát ở Ấn Độ và từ xứ sở có nền văn hoá lâu đời ấy, ông đã đem về một bộ sưu tập phong phú gồm các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh.
Sau chuyến đi ấy, ông nhận giảng dạy nghệ thuật Ấn Độ tại một Trung tâm Đông phương học lớn nhất châu Âu là trường các ngôn ngữ phương Đông trực thuộc Đại học Sorbonne.
Trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) Viktor Golubev với quân hàm đại tá được bổ nhiệm làm tuỳ viên quân sự của Đại sứ quán Nga tại Paris, đã xây dựng gia đình ở đó. Từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Golubev không trở về Nga nữa, mặc dầu ông vẫn chăm chú theo dõi những gì đang xảy ra ở quê hương.
Như chúng ta đã biết, Golubev lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1920 với tư cách là nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (gọi tắt là EFEO) ông đã tổ chức những cuộc khai quật khảo cổ ở một số địa điểm của những làng cổ. Kết quả của những tìm kiếm của ông ở tỉnh Thanh Hoá đã gây chấn động cả dư luận, những công trình của ông về đồ đồng ở Bắc Kỳ đã mở ra một hướng mới trong khoa học.
Ngoài ra, năm 1927, ông đã cho xuất bản một loạt sách về nghệ thuật châu Á. Cùng với người bạn của mình Auguste Rodin (1840-1917), ông cho xuất bản cuốn chuyên khảo lớn về điêu khắc Ấn Độ. Đối với ông, những năm 20 là thời kỳ làm việc rất có hiệu quả. Golubev là người chủ biên bộ sách “Nghệ thuật cổ điển của phương Đông” mà trong đó ông cũng tham gia với tư cách là một họa sĩ. Ông đã minh họa cho cuốn sách viết về sân khấu Tây Tạng.
Từ năm 1927 ông đến Hà Nội ở hẳn, thuê mấy phòng trên tầng 2 của khách sạn Metropole. Golubev là vị khách quý của tất cả các phòng khách quý tộc và các câu lạc bộ của Hà Nội vào thời gian đó. Năm 1931 toàn quyền Đông Dương là Pasquier đề nghị ông giữ chức Giám đốc cố định của Viện Viễn Đông Bác Cổ, nhưng Golubev đã từ chối vì ông thích công tác khoa học hơn là việc quản lý. Ông được mời giảng lý thuyết về hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, những sinh viên tốt nghiệp khoa đầu tiên vẫn còn nhớ những bài giảng của ông.
Golubev được coi là một trong số những nhà khảo cổ hàng đầu của Đông Dương. Lần đầu tiên ông đã tiến hành việc chụp ảnh hàng không đối với bán đảo này. Ông đã đưa ra cách phân loại khoa học về các thời kỳ lịch sử của các dân tộc sống ở khu vực này. Những công trình nghiên cứu của ông về quần thể kiến trúc Ăng-co, Campuchia cùng với các học giả khác của Pháp đã được đông đảo giới khoa học thừa nhận.
Năm 1935 Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã tặng ông giải thưởng Gilia vì những công trình trong lĩnh vực khảo cổ và nghệ thuật phương Đông. Theo sự xác nhận của những người đương thời, Goluve rất yêu mến Việt Nam, lịch sử và văn hoá của đất nước này và có cảm tình đặc biệt với thủ đô Hà Nội. Có lần người ta đề nghị ông rời Hà Nội về phụ trách Viện Bảo tàng hải ngoại của Pháp, nhưng ông đã từ chối và quyết định ở lại Việt Nam cho đến cuối đời.
Trong những năm đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939-1945), đặc biệt trong Cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức (1941-1945), từ Hà Nội ông đã theo dõi những hành động quân sự của bọn Đức ở mặt trận phía Đông và phấn khởi đón chào chiến thắng oanh liệt của Hồng quân Liên Xô đối với bọn phát xít xâm lược.

Bệnh viện Xanh Pôn - nơi ông Gôlu qua đời
Viktor Golubev qua đời tại bệnh viện Xanh Pôn (Saint Paul) ngày 19 tháng 4 năm 1945 trong thời kỳ quân Nhật chiếm đóng, do bị đau thận nặng, hưởng thọ 67 tuổi. Trong tình hình căng thẳng lúc bấy giờ (bọn Hiến binh Nhật ra lệnh thiết quân luật, cấm tụ họp đông người) chỉ có ba bạn đồng nghiệp của Golubev ở Viện Viễn Đông Bác Cổ là Giám đốc George Sedet, Paul Lévi và Nguyễn Văn Tố đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hà Nội dành cho người Pháp gần Thư viện Quốc gia ngày nay.
Vào những năm 50, hài cốt của Golubev cũng như của nhiều người Pháp mất tại Hà Nội đã được đưa về Pháp để cải táng. Song hình ảnh đẹp đẽ của Golubev với tư cách là nhà bác học uyên thâm và là công dân của ba nước Nga - Pháp - Việt, cũng như những cống hiến lớn lao của ông vào sự phát triển văn hoá Đông Dương sẽ mãi mãi được lưu giữ trong ký ức của người Hà Nội và được chúng ta mãi kính trọng.