Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) - Giải thể hay tái cơ cấu?

Những ngày tháng 6, tháng 7 vừa qua, cùng với thời tiết mùa hè, tại CHLB Nga một vấn đề trọng đại được đưa lên hàng đầu trong các phiên họp của Duma Quốc gia đang làm dư luận xã hội “nóng” lên từng ngày. Đó là vấn đề liệu có nên giải thể Viện Hàn lâm Khoa học Nga (ảnh) hay không và nếu không, thì sẽ phải cải tổ và tái cơ cấu cơ quan khoa học này như thế nào?

Ngày 28-6-2013, Dự thảo Luật “Về Viện Hàn lâm khoa học Nga, tái cơ cấu các Viện Hàn lâm Nhà nước và đưa một số điều chỉnh bổ sung vào một vài điều luật Liên bang Nga” đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga Dmitri Livanov và Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Olga Gorodets, thay mặt Hội đồng Chính phủ, trình bày trong phiên họp Duma. Dự luật này đã được phiên họp Hội đồng Bộ trưởng Nga cuối tháng 6-2013 phê duyệt. Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã không được mời tham dự vào việc soạn thảo dự luật.

Tuy các ý tưởng và các mục chính trong Dự thảo luật này đã được thảo luận nhiều lần, trên nhiều diễn đàn, ở nhiều cấp và đã được Hội đồng Chính phủ duyệt, nhưng văn bản cuối cùng của Dự thảo luật đưa trình Duma vẫn làm các đại biểu rất bất ngờ, gây chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ các đại biểu. Tại phiên họp này đã diễn ra cuộc thảo luận Dự thảo luật, có thể nói, hết sức sôi sục, điều ít thấy trong hoạt động của Duma. Kết quả Dự thảo luật đã được thông qua trong cuộc bỏ phiếu vòng một diễn ra sau đó với 234 phiếu thuận, 153 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Duma cũng đề nghị các chuyên viên hoàn thiện tiếp tục nội dung Dự thảo luật, chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu vòng hai trong phiên họp tiếp theo của Duma.

Theo thông tin của hãng thông tấn Nga RIA “Novosti”, ngày 5-7-2013, trong phiên họp Duma (Hạ viện) Quốc gia Nga trước kỳ nghỉ hè, các đại biểu Duma đã bỏ phiếu vòng hai bản Dự thảo Luật về cải tổ tái cơ cấu Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Dự thảo luật này dự kiến hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học Nga với các Viện Hàn lâm Y học và Viện Hàn lâm Nông nghiệp. So với nội dung Dự thảo Luật về cải tổ Viện Hàn lâm Khoa học Nga mà Duma đã thông qua ngày 28-6-2013 trong cuộc bỏ phiếu vòng một, trong Dự thảo luật được thông qua lần này có một sửa đổi quan trọng: Duma đã bác bỏ đề xuất về khả năng giải thể Viện Hàn lâm. Nếu trong văn bản của Dự thảo luật được thông qua ở vòng một có câu “Viện Hàn lâm Khoa học Nga có thể tái cơ cấu hoặc giải thể”, thì hiện nay từ “giải thể” đã chính thức được loại bỏ. Nghĩa là trong bất cứ trường hợp nào Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng chỉ có thể bị “tái cơ cấu”. Và lý do tái cơ cấu Viện Hàn lâm chủ yếu do hệ thống điều hành các Viện Hàn lâm nhà nước Nga “hình thành từ những năm 30-40 thế kỷ trước đã không còn phù hợp với các nhiệm vụ phát triển nước Nga đương đại” - Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nhận định.

Dự thảo luật đã được thông qua với 344 phiếu thuận, không có phiếu chống và 1 phiếu trắng (số phiếu thuận tối thiểu cần thiết để thông qua các dự luật loại này là 226 phiếu). Những đại biểu Duma đã bỏ phiếu thông qua dự luật này thuộc về các phái ở Duma của đảng “Nước Nga thống nhất”, “Dân chủ Tự do Nga” và “Nước Nga chính nghĩa”. Các đại biểu thuộc phái Đảng Cộng sản Nga ở Duma đã rời khỏi phiên họp từ trước khi bỏ phiếu.

Trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp Duma Quốc gia Nga để thảo luận và thông qua Dự thảo luật này, và cả sau khi Dự thảo luật được Duma thông qua vòng hai, tại thủ đô Moskova và nhiều nơi khác ở Nga đã diễn ra một số cuộc tuần hành của giới khoa học, học thuật Nga phản đối nội dung và cách thức đưa ra và thông qua Dự thảo luật này ở Duma Quốc gia. Tuy nhiên, mọi hoạt động đã diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.

Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev hoan nghênh việc Duma thông qua Dự thảo luật, ông tuyên bố: “Duma Quốc gia đã bỏ phiếu vòng hai thông qua Luật về tái cơ cấu Viện Hàn lâm khoa học của chúng ta với số phiếu thuận tuyệt đối. Đây là một sự kiện chúng ta mong đợi từ lâu”.

Mặt khác, về phía mình, Viện sĩVladimir Fortov, Chủ tịch mới được bầu của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, trong cuộc gặp Tổng thống Nga Putin trước khi Duma xét duyệt Dự thảo Luật về cải tổ Viện Hàn lâm đã đề nghị hoãn việc xét duyệt Dự thảo luật này đến mùa thu. Ông yêu cầu: “Hãy cho tôi một năm, nếu không giải quyết được, hãy cách chức”.

Tuy nhiên, Putin đã không đồng ý, giải thích rằng Chính phủ đã đưa Dự thảo luật ra trình Duma Quốc gia. “Đôi khi tốt nhất là ra quyết định và sau đó hoàn tất, hơn là dẫm chân tại chỗ” - Putin khẳng định.

Hồn Việt: “Trông người lại ngẫm đến ta”

(Truyn Kiu)

Tâm Anh (lược thuật từ các báo Nga)