Viên kim cương của Bảo tàng LOUVRE – món quà tình yêu của Tổng thống Pháp

Nằm trong dự án đại trùng tu khu bảo tàng Louvre do vị Tổng thống mới nhậm chức François Mitterrand đề xướng, mục đích xây dựng Kim Tự Tháp được tuyên bố chính thức là để mở phòng vé, và điểm nối giữa các tòa nhà rộng mênh mông của Viện bảo tàng lộng lẫy này. Đây là một trong những dấu ấn của thời kỳ cầm quyền mà Tổng thống Mitterrand muốn để lại muôn đời cho nước Pháp và cho nhân loại.

TỪ Ý TƯỞNG TRÙNG TU BẢO TÀNG LOUVRE…

Hồi phục và củng cố các Viện bảo tàng, các công trình kiến trúc cổ và nâng cao chế độ đài thọ cho những nhà nghiên cứu và chuyên gia về bảo tồn bảo tàng văn hóa và mỹ thuật quốc gia là một trong những “công trường” lớn được đề ra vào tháng 9 năm 1981, trong chương trình làm việc nhiệm kỳ đầu của vị Tổng thống đảng Xã Hội này.


Viên kim cương của Bảo tàng Louvre.

Trong đó, chương trình trùng tu Bảo tàng Louvre thì không gặp trở ngại gì, nhưng ý đồ xây dựng một Kim Tự Tháp rất hiện đại bằng kính giữa khu lâu đài kiến trúc cổ kính của những thế kỷ trước, đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ khắp mọi phía: các đảng phái chính trị đối lập, những người “bảo thủ”, họ cho đấy là một ý tưởng điên rồ và ngông cuồng của “mauvais gout” - sở thích thẩm mỹ kém.

Trong đó, một trong những kháng cự lớn nhất đến từ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, người phải ký giấy phép cấp kinh phí: ngoài vấn đề phải đầu tư vào đó một ngân sách lớn chưa từng có, còn một lý do nữa là trụ sở của Bộ Tài chính Pháp lúc ấy đang đóng “nhờ” trong dãy nhà cánh trái của Viện bảo tàng. Để sửa chữa và xây dựng trong khu nhà, Bộ Tài chính buộc phải dời đi.

Nhưng Mitterrand đã không để một cản trở nào làm lung lay ý đồ của mình. Ông đã cho dựng đề án của 2 ý đồ này, cái nọ trong cái kia, khéo léo đến nỗi Hội đồng quốc gia bao gồm các thành phần xã hội và các nhà trí thức về văn hóa kinh tế, được lập ra để xem xét việc này đã không biết làm thế nào để tách rời 2 công trình ra được: Không xây Kim Tự Tháp thì cũng không sửa được Viện bảo tàng, sửa Viện bảo tàng thì phải xây Kim Tự Tháp…

Người ta chờ đợi ý kiến của Thị trưởng Paris, kẻ đối địch chính trị có một không hai của Tổng thống Mitterrand là Jacques Chirac.

Là đối thủ về chính trị, nhưng lại rất khâm phục tầm cỡ trí thức và văn hóa của Tổng thống Mitterrand, Jacques Chirac yêu cầu sử dụng dây cáp chăng lên theo đúng bản thiết kế, để ông có thể hình dung Kim Tự Tháp tương lai “hiển hiện” như thế nào giữa Louvre.

Ý đồ xây dựng mà nhiều người cho là điên rồ ấy đã quyến rũ Thị trưởng thành phố. Hội đồng Quốc gia thông qua với chỉ số suýt soát. Sau hơn 2 năm kể từ ngày François Mitterrand công bố ý định táo bạo của mình, mới khởi công xây Kim Tự Tháp.

Quan tâm đặc biệt đến sự phát triển và bảo tồn văn hóa Pháp là lý do chính thức thúc đẩy François Mitterrand thực hiện kế hoạch củng cố hệ thống bảo tàng Pháp và cải thiện chế độ lương bổng cho những người làm công tác này.

Nhưng còn một lý do nữa, không được tuyên bố công khai, nhưng lại là động lực mạnh mẽ để ông không dừng bước trước bất cứ trở ngại nào, đó là tình yêu! Ông muốn có một món quà xứng đáng với người phụ nữ mà ông yêu không công khai từ mấy năm trời, Anne Pingeot.

ĐẾN TÌNH YÊU MÃNH LIỆT DÀNH CHO ANNE PINGEOT…

Mặc dù đã có vợ là bà Danièle Mitterrand, mẹ của 2 con trai ông, Mitterrand đã yêu Anne Pingeot trước cả thời gian ông ra tranh cử. Anne Pingeot chỉ hơn con trai đầu của Mitterrand 3 tuổi, thông minh, tự trọng, và sau này trở thành một chuyên gia bảo tàng có uy tín.

Bà yêu ông một cách kín đáo nhưng mãnh liệt hàng năm ròng, không bao giờ than thở và đòi hỏi bất cứ một điều gì, tôn trọng sự nghiệp chính trị và cuộc sống của ông với gia đình chính thức. Ngay cả khi có con với ông, bà cũng làm khai sinh cho con gái bằng họ của mình.

Quan hệ với bà, Tổng thống đã chứng kiến tình trạng xuống cấp đến lo ngại về mọi mặt của hệ thống bảo tàng Pháp, về đời sống vật chất và điều kiện làm việc của các chuyên gia ngành bảo tàng.

Khi nhậm chức, Mitterrand muốn làm một việc gì đó để cảm ơn người bạn tình khiêm tốn và chung thủy, ông hiểu rằng tất cả mọi quà cáp và danh vọng sẽ bị bà từ chối vì lòng tự trọng.

Món quà mà bà không thể từ chối được, vì nó không chỉ cho riêng bà mà còn dành cho tất cả mọi người. Đó chính là chương trình trùng tu các viện bảo tàng lớn của Pháp, trong đó có Louvre, xây Kim Tự Tháp, nâng cao lương bổng và điều kiện hoạt động chuyên môn của các chuyên gia ngành bảo tàng!

Bằng mọi cách, Tổng thống Mitterrand đã thực hiện điều mong muốn nóng bỏng ấy.

Trong giai đoạn chuẩn bị và thi công công trình Kim Tự Tháp, François Mitterrand đã đem mô hình đó về căn hộ ở Phủ Tổng thống. Rất thường xuyên, buổi tối, khi Văn phòng Tổng thống đã vắng người, Anne Pingeot đạp xe tới đó và hai người cùng dành ra khoảng 15 phút để bàn bạc, thảo luận và mơ mộng cùng nhau về công trình ấy, dù bận rộn thế nào đi chăng nữa. Chính Mitterrand đứng ra lựa chọn các chất liệu và vật liệu xây dựng và thường xuyên đi thăm công trường…

Khi thiết kế Kim Tự Tháp (với chiều cao 20,6m trên một đáy vuông có cạnh là 35m, được cấu trúc bằng 603 hình thoi và 70 tam giác bằng kính, liên kết bằng khung kim loại), người ta cho rằng kiến trúc sư Ieoh Ching Pei đã biết đến một ý đồ xây một Kim Tự Tháp cũng chính ở Louvre, đã có từ cuối thế kỷ thứ 18.

(Năm1809, thời Napoléon đệ I, người ta đã xuất bản một tài liệu trong đó có phác thảo công trình một Kim Tự Tháp, tác giả của tài liệu này không phải ai khác mà chính là Bernard François Balssa, cha của đại văn hào Honoré de Balzac. Đây là một trong những ý tưởng tham gia vào cuộc thi xây tượng đài kỷ niệm Cách mạng Pháp và những chiến thắng của Napoléon. Nhưng họ đã lựa chọn ý tưởng Khải Hoàn Môn).


Bà Anne Pingeot và Tổng thống Pháp Mitterrand.

Nhờ sự nỗ lực vì nghệ thuật và tình yêu mà ý tưởng của Tổng thống Mitterrand đã thành hiện thực: ngày 4 tháng 3 năm 1988, Kim Tự Tháp của Viện bảo tàng Louvre được khánh thành.

Đêm trước ngày khai trương chính thức, Tổng thống Mitterrand đã tổ chức một cuộc viếng thăm chỉ có ông với bà Anne Pingeot và con gái của hai người là Mazarine, rất riêng và thơ mộng.

Xa cách với tất cả sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống ngoài kia, trái tim của hai người yêu nhau cùng nhịp đập dưới ánh sáng lung linh như một viên kim cương khổng lồ của Kim Tự Tháp, có lẽ không một phụ nữ nào trên trần gian này có thể hạnh phúc hơn bà Anne Pingeot trong giây phút ấy!

CẨM THƠ (Paris)