Việt kiều chúng ta trong vấn đề xây dựng đại học và sản xuất thực tế

GS-TS NGUYỄN VĂN CHUYỂN
(ĐH Nihon Joshi, Tokyo)

ĐH muốn đóng vai trò quan trọng trong xã hội thì chương trình và nội dung không nên bất di bất dịch mà có những điều chỉnh thay đổi thích hợp, dựa trên những kinh nghiệm từ quá khứ và phân tích được chiều hướng phát triển xã hội, để đáp ứng thích hợp và kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong tương lai.

Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng ĐH ở Việt Nam cần có sự cạnh tranh giữa các trường ĐH và cải tiến ĐH theo những kinh nghiệm hữu ích từ các quốc gia phát triển trên thế giới. ĐH phải là nơi đào tạo sinh viên có chất lượng hơn là số lượng. Bằng cấp chỉ là phương tiện tạo cơ hội cho thực tài phát triển.

XÂY DỰNG ĐẠI HỌC

Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề xây dựng đại học

Nhật Bản hiện nay có khoảng 500 trường ĐH đào tạo hệ từ 4 năm, nhưng nếu kể cả những trường đoản kỳ ĐH (hệ 2 năm) con số này lên tới khoảng 900 trường. Kể từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật, mô hình các trường ĐH mới bắt đầu được xây dựng, bao gồm cả ĐH của Nhà nước lẫn tư nhân. Thời kỳ này, 7 trường ĐH nổi tiếng của Nhật gọi là trường “đế quốc ĐH” trải dài từ Hokkaido đến miền Nam Kyushu, đều thuộc sự quản lý của Nhà nước và đã đào tạo được rất nhiều nhân tài cho Nhật Bản trong đó phải kể đến đội ngũ công nhân viên nhà nước.


Học sinh làm bài tập nhóm

Trong số các trường ĐH tư thục, 2 trường có quy mô lớn nhất là ĐH Keio và Waseda, ngoài ra một số trường danh tiếng và có truyền thống lịch sử trong việc đào tạo nhân tài còn có các ĐH Doshisha, Tokyo Joshi Ika, Tsudajuku và Nihon Joshi. Đặc biệt, Tokyo Joshi Ika, Tsudajuku và Nihon Joshi là những trường chuyên đào tạo phụ nữ thành nhân tài của Nhật Bản.

Hệ thống các trường ĐH công lập và tư nhân đều trực thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Tại Nhật, chương trình sách giáo khoa từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được Bộ Giáo dục kiểm định và ban hành đồng bộ trên toàn nước Nhật, tuy nhiên đối với giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục cho các trường tự quyết định chương trình và phương pháp đào tạo.

Các trường ĐH cũng thành lập nhiều học khoa, tổ chức nhiều chuyên ngành: khoa học xã hội, khoa học nhân văn, kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, y khoa, dược, sư phạm,… Do số trường ĐH tăng nhanh chóng và chương trình đào tạo độc lập, các trường phải cạnh tranh nhau bằng cách thiết kế nội dung tốt và có đầu ra là sinh viên sau tốt nghiệp sẽ là những người có thực lực đóng góp cho xã hội. Trường nào không đạt được mục tiêu này thì không thu hút được sinh viên và thậm chí có trường phải đóng cửa.

Do việc xác định mục tiêu chính của đào tạo là đóng góp nhân tài cho xã hội Nhật, nên các ĐH ở Nhật ít khi nghĩ đến vị thế của nhà trường trong thứ bậc quốc tế. Ngay cả trường ĐH lớn nhất và danh tiếng nhất Nhật Bản là Tokyo, nếu xếp hạng thuộc trong khoảng 20 trường hàng đầu của thế giới nhưng người Nhật vẫn không quan tâm đến thứ tự đó. Cho nên, các ĐH được đánh giá cao ở Nhật là những trường mà sinh viên xuất thân từ đó có đóng góp nổi bật cho xã hội, cho guồng máy nhà nước và trong công nghiệp - sản xuất.

Đại học và xã hội

Tôi có nhiều kinh nghiệm về hệ thống ĐH của Nhật Bản và cũng có một số hiểu biết về ĐH ở Mỹ. ĐH ở Mỹ cũng chủ trương đào tạo nhân tài cho xã hội. Các trường ở Mỹ như Havard, Yale, Princeton, MIT, Stanford, UC Baley, UCLA,… đều là những trường danh tiếng trong việc đào tạo nhân tài cho xã hội Mỹ. Cho nên, chúng ta cần nhận ra là ĐH phải gắn liền với xã hội, không thể tách rời xã hội và người dân sở tại.

ĐH muốn đóng vai trò quan trọng trong xã hội thì chương trình và nội dung không nên bất di bất dịch mà có những điều chỉnh thay đổi thích hợp, dựa trên những kinh nghiệm từ quá khứ và phân tích được chiều hướng phát triển xã hội, để đáp ứng thích hợp và kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong tương lai.

Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng ĐH ở Việt Nam cần có sự cạnh tranh giữa các trường ĐH và cải tiến ĐH theo những kinh nghiệm hữu ích từ các quốc gia phát triển trên thế giới. ĐH phải là nơi đào tạo sinh viên có chất lượng hơn là số lượng. Bằng cấp chỉ là phương tiện tạo cơ hội cho thực tài phát triển.

SẢN XUẤT THỰC TẾ

Xã hội Việt Nam chúng ta quá coi trọng bằng cấp, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Tiến sĩ chẳng qua chỉ là một người đã được đào tạo và huấn luyện để có thể nghiên cứu độc lập. Tiến sĩ không phải là bến đỗ cuối cùng mà chỉ là ga bắt đầu. Người tiến sĩ nếu dùng không khéo chỉ tạo nhiều ý nghĩ viển vông không thực tế, và có thể lãng phí công sức, thời gian và tiền của cho những ý tưởng, dự án xa rời thực tế, không có giá trị kể cả cơ bản lẫn ứng dụng.


Một trường ĐH của Nhật

Ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ, bằng cấp chỉ là một tài liệu tham khảo chứ không phải là tài liệu đánh giá. Tiêu chuẩn đánh giá chính là thực tài của cá nhân ấy. Ông Ibuka là người sáng lập công ty Sony nổi tiếng thế giới như hiện nay, cũng chỉ là người tốt nghiệp kỹ sư. Ông Honda chỉ là một người thợ sửa xe, không hề tốt nghiệp ĐH nhưng xây dựng được công ty Honda tầm cỡ thế giới như hiện nay. Bill Gates - người thành lập công ty Microsoft lừng lẫy toàn cầu, hay Stevens Jobb là người sáng lập ra Macintoh và Ipod đều là những người bỏ học ĐH giữa chừng. Hay nói đến Việt Nam, thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy chỉ là người xuất thân từ gia đình nông dân, chỉ học hết lớp 4 nhưng làm được những công việc mà kỹ sư công chánh không làm được.

Cho nên, chúng ta cần chú trọng đến kiến thức, thực tài chứ không phải bằng cấp. Tôi được biết nhiều anh chị Việt kiều làm trong ĐH nhưng có kiến thức sản xuất thực tế đồng thời cũng có nhiều anh chị giữ vị trí quan trọng trong các công ty hàng đầu ở các nước phát triển. Chúng ta nên cố gắng mời những anh chị này hợp tác trong nước, vấn đề là cộng tác như thế nào. Tôi nghĩ rằng để thu hút các anh chị Việt kiều trong sản xuất thực tế, Nhà nước cần tạo nhiều cơ hội để các anh chị này cộng tác với công ty nhà nước hoặc công ty tư nhân trên cơ sở phát huy khả năng và đóng góp cho sản xuất. Vấn đề thù lao không phải là chính nhưng để công bằng, cần có biện pháp phân bổ lợi nhuận phù hợp từ doanh thu các sản phẩm cụ thể được các anh chị Việt kiều đóng góp công sức để sản xuất.

KẾT LUẬN - ĐỀ NGHỊ CỤ THỂ

Ở góc độ cá nhân, tôi xin đề nghị một số giải pháp trong việc thu hút các anh chị Việt kiều góp sức cho giáo dục ĐH như sau:

  1. Cần tổ chức những lớp học dài hạn cho những người có thể về nước cộng tác từ 6 tháng – 1 năm hoặc những lớp học ngắn hạn cho những người chỉ có thể về nước trong 1 tuần - 10 ngày.

  2. Cách đây 5 năm, tôi đã kiến nghị biện pháp lệch pha (trong đó thời gian của niên học trong nước trùng với thời gian nghỉ hè, nghỉ đông ở các nước phát triển); nhưng tiếc rằng chưa được hưởng ứng. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể tận dụng được thời gian và sức lực của các anh chị Việt kiều từ nước ngoài và cả các giáo sư người nước ngoài cộng tác tại các trường ĐH trong nước. Điều thuận lợi là hầu hết các giáo sư ở các nước phát triển đều có ngân sách cho họ dự Hội nghị quốc tế hoặc giảng bài, họ không thiếu kinh phí đi lại. Chỉ cần lo chi phí ăn ở, xe cộ; tiền bồi dưỡng là không cần thiết.

  3. Cùng với việc đào tạo sinh viên ĐH, chúng ta cũng nên tổ chức đào tạo hệ trung cấp ngắn hạn trong 2 năm để xây dựng hạ tầng cơ sở mà hiện nay ta còn yếu.

  4. Gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc học có thể chủ động và tiện lợi hơn rất nhiều nhờ các giáo trình được thu vào trong những phương tiện nghe nhìn cá nhân như băng hình, băng tiếng, đĩa CD-ROM, phần mềm vi tính, Internet. Điển hình như kỹ thuật thu DVD cũng khá đơn giản, không tốn kém và mất nhiều thời gian. Chỉ cần trang bị khoảng 30.000USD cho thiết bị và một cơ sở nho nhỏ là có thể thực hiện thu DVD được. Theo kinh nghiệm của tôi, trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ có thể hoàn tất thu 1 bài giảng, nội dung giảng nên được soạn dưới dạng powerpoint. Với biện pháp thu DVD, những kiến thức cập nhật trong bài giảng của các giáo sư nước ngoài và các anh chị Việt kiều trong những lần về nước ngắn ngủi, có thể được phát hành rộng rãi khắp đất nước, kể cả những vùng sâu vùng xa mà trước đây rất thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin, cũng như khá tiện lợi cho các sinh viên tại chức (vừa làm vừa học).

  5. Nhà nước nên có chính sách cụ thể và tích cực nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài có cơ hội giảng dạy, như là visa lưu trú ngắn hạn cũng như dài hạn cho các anh chị, sắp đặt chỗ ăn ở, xe cộ và giúp giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình để giúp các anh chị thoải mái trong công việc.