Diễn ra từ 17 - 21/10 tại Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (Vietnam Iternational Film Festival- VNIFF, Cục Điện ảnh và Công ty BHD tổ chức) không những hứa hẹn trở thành một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn được kỳ vọng tạo dựng một “thương hiệu” và mở thêm những cánh cửa cho điện ảnh VN trên con đường hòa nhập thế giới.
• KÍCH CẦU THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA…
Các hoạt động chính của một LHP thường gồm việc trình chiếu các phim dự thi, chấm giải và trao giải. Tuy nhiên, lần đầu tổ chức, số phim dự thi còn khiêm tốn và chưa có nhiều những tên tuổi nổi bật nên VNIFF khá quan tâm đến các sự kiện bên lề với mong muốn góp phần làm phong phú nội dung chương trình bên cạnh lễ khai mạc và bế mạc đều được truyền hình trực tiếp trên VTV3.
Hội thảo, triển lãm và giao lưu vẫn là những hoạt động chính bên cạnh chương trình chiếu phim ngoài trời (tại Nhà Kèn) và trong nhà (số phim trình chiếu này có nhiều bộ phim của bạn bè quốc tế mang đến giao lưu chứ không phải phim dự thi). Điều này cho thấy các nhà tổ chức mong muốn thu hút khán giả và những người trong giới điện ảnh đến với sự kiện tầm cỡ quốc tế này, vừa giúp khán giả hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật này và qua đó kỳ vọng thu hút thêm khán giả đến với phim ảnh.
Dù không có sự hiện diện của các minh tinh màn bạc quốc tế nhưng các vị trong ban giáo khảo (BGK) thể loại phim truyện nhựa đều có tên tuổi ở tầm quốc tế: Chủ tịch BGK Phillip Noyce (đạo diễn Người Mỹ trầm lặng, Salt…) và các thành viên BGK: ông François Cantonne (nhà quay phim đoạt giải Cesar với phim Đông Dương), ông Marco Mueller (Giám đốc LHP Quốc tế Venice), bà Aruna Vasudev - chủ tịch NetPac (Tổ chức thúc đẩy điện ảnh châu Á), bà Kangsu Yeon (nữ tài tử điện ảnh Hàn Quốc) và đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh. Họ, cùng với kết quả chấm giải, chính là yếu tố quan trọng khẳng định uy tín của VNFFI.

Cô Cầm và Nguyễn Du trong phim Long thành cầm giả ca, một trong hai
bộ phim dự liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: N.L.
Khoảng 500 khách mời tham dự VNIFF, trong đó 140 khách quốc tế và 30 NSND của điện ảnh VN cũng sẽ trở thành những điểm nhấn cần thiết cùng với các hoạt động bên lề có thể giúp cho VNIFF càng thêm đông vui.
BGK phía VN còn có NSND Bùi Đình Hạc (phim tài liệu), nhà phê bình phim Ngô Phương Lan (phim dự thi ở hạng mục NetPac). Ban chuyên gia tư vấn giới thiệu phim cho VNIFF gồm các thành viên đang làm việc cho LHP Venice, Hawaii, Toronto… Ban cố vấn danh dự của LHP có Giám đốc chương trình LHP Busan Kim Ji Seok, Giám đốc nghệ thuật LHP quốc tế Cannes Christian Jeune, Giám đốc tổ chức các sự kiện đặc biệt Viện Hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ Hellen Harrington, Giám đốc Unifrance (tổ chức quảng bá điện ảnh Pháp ra toàn thế giới) Regine Hatchondo… Điều này càng cho thấy các nhà tổ chức đang cố gắng gây dựng “thương hiệu” VNFFI cho những lần LHP sau quy mô và chất lượng hơn nữa…
• KHÓ KHĂN VÀ… CẬP RẬP
Ai cũng biết, với nhiều người làm phim chuyên nghiệp trên thế giới thì điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất xa lạ. Trong khi đó, như đã nói ở trên, để tổ chức được LHP quốc tế thì ngoài việc thu hút tác phẩm của các nhà làm phim quốc tế tham gia, còn phải có yếu tố quốc tế ở rất nhiều hoạt động khác trong LHP.
Việc có được tác phẩm dự thi, có lẽ đó là khó khăn và nỗi lo ngại nhất của những người tổ chức. Việt Nam có hai phim dự thi là: Long thành cầm giả ca (ĐD Đào Bá Sơn) và Trung úy (ĐD Hà Sơn), nhưng cách ngày khai mạc hai tuần mà BTC vẫn chưa chốt được danh sách tác phẩm dự thi. Vì sao vậy? “LHP càng danh giá thì số lượng phim gửi đến dự thi càng nhiều, sự tuyển lựa càng khó khăn (phim được tuyển chọn phải vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ phim từ các nước gửi đến). Ngược lại, các LHP nhỏ thì việc mời gọi phim gửi đến tham dự lại là điều không dễ”, chia sẻ của TS Ngô Phương Lan (Cục Điện ảnh) - người ngồi ghế giám khảo khá nhiều LHP quốc tế - phần nào cho thấy việc chọn lựa tác phẩm theo đúng tiêu chí LHP quốc tế nào đâu có... dễ.

Cảnh trong phim Trung úy (đạo diễn Hà Sơn). Nguồn: TGĐA.
Cũng vì lẽ đó mà tiêu chí đầu tiên của VNFFI lần này là “Tôn vinh điện ảnh châu Á”. Trong bối cảnh LHP châu Á - Thái Bình Dương có năm đứt quãng và gần đây tỏ ra khá chật vật trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để tổ chức hay một số LHP trong khu vực cũng mới chỉ loanh quanh ở việc thu hút các phim châu Á thì để tôn vinh được điện ảnh châu Á cũng sẽ ghi nhận nỗ lực của các nhà tổ chức ở VN lần này.
Vậy nên việc để có phim mới “lần đầu công chiếu ở nước ngoài hoặc chưa từng công chiếu tại châu Á (trước 21/10/2010), chưa được chiếu trên kênh truyền hình nào cũng như chưa được phân phối trên mạng Internet cho bất kỳ đối tượng khán giả nào” càng không dễ. Ngay đến BHD, đơn vị đồng tổ chức LHP và là nhà sản xuất bộ phim Cánh đồng bất tận cũng không ghi danh phim này trong hạng mục tranh giải.
Còn một nỗi lo nữa là sự hưởng ứng và tham gia của công chúng với sự kiện VNFFI. Người xem phim ở Hà Nội không đông đảo bằng TP.HCM nhưng có lẽ vẫn là một ẩn số chờ đợi sự “kích thích” từ các hoạt động của LHP hơn là tự giác đến với sự kiện mang quy mô quốc tế này…