Văn hóa chửi

Chửi thuộc về khẩu phát ra từ cái lưỡi do cảm xúc sân si từ bên trong thúc đẩy. Cái lưỡi không xương trăm đường lắc léo, cho nên có nhiều cách chửi khó liệt kê đầy đủ lắm.

Tôi từ nhỏ đến già có nghe và có bị người ta chửi, nhưng vốn lành tính ít muốn cà khịa, không muốn đụng chạm với ai nên chủ quan mà xét tôi chưa hề lớn lối chửi rủa ai bao giờ.

Cho nên, khi muốn liệt kê tất cả các kiểu chửi trên đời để ghi lại thành văn tôi thấy lực bất tòng tâm. Nếu được bạn đọc góp ý thêm thật là quý biết bao, vì chửi cũng thuộc về lĩnh vực văn hóa (cho dù là âm) vì nó giúp ta nghiên cứu tâm địa con người.

Có những cách chửi sau đây:

- Chửi thẳng (có chỉ mặt nêu đích danh) - Chửi xéo (ai có tịch thì nhúc nhích) - Chửi bới (chửi dữ dội) - Chửi rủa (nói xấu lăng mạ) - Chửi mạt sát (dùng lời nói hung dữ để hạ thấp giá trị con người) - Chửi tục (cho ăn, cho bú, cho uống đủ thứ bẩn của sinh dục) - Chửi khinh (thất học, vô giáo dục, mất dạy) - Chửi gộp (đào mồ cuốc mả cả dòng họ, cả làng, cả địa phương giống nòi nhà nó) - Chửi leo, chửi trèo (truy lý lịch của tiền nhân ra mà chửi)…

- Chửi ví (ví như loài cầm thú nơi hoang dã, loài gia súc trong nhà) - Chửi trù ẻo (phải gió, mắc dịch, điên dại tàn tật) - Chửi thề (quỷ tha ma bắt, trời đánh thánh đâm, chết xuống âm phủ, không chỗ đầu thai, làm cô hồn các đảng) - Chửi tranh (bất tận, không ai nghe ai, không ai chịu thua một lời)…

- Chửi nhân vật (Trương Sỹ Mỹ, Chí Phèo, Bùi Kiệm, mặt mốc râu rìa…) - Chửi tính cách (quân đạo tặc, đồ quan tham, nát rượu, kẻ gắp lửa bỏ tay người, nói dối, bịa đặt…) - Chửi đổng (chửi to tiếng vu vơ không đích danh, bất mãn với đời, với cảnh ngộ, thậm chí với cả ông trời và cả với chính mình) - Chửi chữ (lăng mạ gián tiếp bằng cách ám chỉ, bằng thơ ca, châm ngôn, bằng trí tuệ sâu sắc).


Đánh ghen - tranh dân gian Đông Hồ.

Chuyện xảy ra ở Chùa Phật Đá Đồng Tháp Mười.

Khi giặc Mỹ - Ngụy đến đóng đồn xây ấp chiến lược. Khi chúng dựng rào kẽm gai lấn vào đất Chùa. Nhà sư trụ trì ra can ngăn bảo đây là đất Chùa, tên sếp đồn nói bổ bả bất kính: “Ông nói ở đâu cũng là đất Phật vậy thiên hạ người ta ỉa ở đâu?”. Nhà sư đáp trả ngay: “Mô Phật! Ở đâu có hương khói thờ cúng, người ta không ỉa ở đó…”, tên sếp đồn tắc tỵ ngay.

Mỗi lời nhiều ý mỗi ý nhiều ẩn ý, trả cái mùi hôi thối lại mồm kẻ chửi bậy.

- Chửi lén, chửi sau lưng, chửi đâm bị thóc chọc bị gạo, chửi thơ nặc danh (đều là tư cách của kẻ hèn, không ra người quân tử) - Chửi cạnh khóe (để ám chỉ) - Chửi hùa (ăn theo, mượn gió bẻ măng) - Chửi bịa, chửi tiểu phẩm, chửi châm chích chọc - Chửi móc họng - Chửi thuê, chửi mướn (Bịa là tưởng tượng ra chuyện để mà chửi.

Đó là sáng tạo có tính nghệ thuật? sáng tác thành chuyện là bịa nhưng là bịa thật vì tác giả đã trải nghiệm qua hiện thực đời sống…)

- Chửi lạnh (phớt tỉnh Ăng-Lê, không thèm nhìn mặt, quay lưng hướng khác, bỏ đũa đứng dậy, cúp máy bất ngờ, nhổ nước bọt, một mình không vỗ tay, đưa lưng ra quay mặt vào vách, hất tay xuống chiếu …)

Hai nhà láng giềng, ở liền thổ với nhau, có tranh chấp gì đó? Một bên có máu nóng, bên kia có máu lạnh. Sáng nào chờ mặt trời lên có nắng xiên khoai, bà máu nóng mở loa phóng thanh miệng chửi xéo chửi dậy làng xóm.

Bà máu lạnh chẳng những không chửi trả mà còn bình thản lo việc nhà nhặt rau nấu cơm cho chồng con. Chờ đến khi bà máu nóng, khản tiếng giảm âm lượng, bà máu lạnh mới chêm cho một câu: “Mệt rồi à! Sao không hát nữa nghe chơi”.

Bà máu nóng lại sôi máu ong óng lên chửi nữa, sức vọng ngữ có bao nhiêu lại hét tướng lên, chờ đến lúc bà ấy cạn tiếng lần nữa bà hàng xóm lại chêm thêm một câu: “Đói rồi à? Sao không ca nữa cho đây đỡ ngứa lỗ tai”.

Bà kia lại ong óng gào lên, bà này cứ thế khi thì “hái lá me đất ăn đi” khi thì “viêm họng rồi à!!”… cho đến trưa bà máu lạnh càng khoái chí vì biết đối phương mắc lõm vì cái thuật bất chiến tự nhiên thành của ông Lão Tử.

- Chửi phủ đầu ra oai, chửi chụp mũ - chửi hâm dọa răn đe, đòi giết qua điện thoại - Chủ đòi nợ xiết nợ - chửi chợ búa (hàng cá hàng tôm) - Chửi lên giọng đại ca sếp lớn. Chửi tranh phải quấy (chối tôi, đổ lỗi ngoài đường khi va quẹt giao thông) - Chửi thua (thua trận, thua bóng đá, thua cá độ, thua xổ số, thua bạc, thua chứng khoán) - Chửi thất (thất bại làm ăn, thất tình, thất thế, thất cử) - Chửi oán - chửi hận - Chửi xuyên lục địa, chửi bất đồng chính kiến - Chửi lén…

Thật là thiếu sót nếu dừng bút ở đây mà không liệt kê thêm một cách chửi nữa là “chửi yêu” như khi bà mắng yêu cục cưng của bà: “Thằng bố mày!”.

TRẦN KIM TRẮC