Văn hóa là nền tảng của mỗi dân tộc. Trên cơ sở văn hóa mỗi dân tộc có cách sống phù hợp từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần như ăn, mặc, ở, nói năng, sách báo, nhã nhạc, mỹ thuật, kiến trúc… đến việc kinh tế, bang giao.
Việt Nam, hàng ngàn năm qua dù bị nhiều cường quốc xâm lược, đô hộ nhưng dân tộc Việt Nam vẫn bảo vệ cơ bản nền văn hóa của mình, luôn tự hào về bản sắc dân tộc thông qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ văn hóa dân tộc.
Những thập kỷ gần đây và đặc biệt trước 1975 - nhân dân miền Nam đã kiên cường chống lại những biểu hiện của văn hóa lai căng, văn hóa nô dịch đồi trụy để bảo tồn văn hóa Việt Nam. Giữa Sài Gòn, hơn 40 năm trước đã xuất hiện “Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc” với lời kêu gọi “Văn hóa còn, dân tộc còn…”
Vậy mà hôm nay, khi chúng ta đã giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, dân tộc ta lại đang đứng trước mối lo về những hiện tượng văn hóa không lành mạnh, cơ nguy cho nền văn hóa nước nhà.
Người Việt Nam vốn ăn mặc kín đáo lịch sự đang đứng trước nguy cơ du nhập lối ăn mặc hở hang trên đường phố, trên sàn diễn, trên truyền hình, trên phim ảnh. Người bình thường càng thấy “xốn mắt” bởi cảnh hở hang và những cảnh phòng the tràn lan trên mạng, trên phim ảnh... Càng lo lắng hơn khi nghe cách nói năng xưng hô dung tục, pha tiếng nước ngoài, ồn ào kệch cỡm ngoài đường và cả trên sân khấu, truyền hình.
Bên cạnh đó là những bài hát nhố nhăng, những điệu nhảy cuồng loạn, ngày càng được giới trẻ ngưỡng mộ bắt chước và quay lưng với nhạc dân tộc. Những người có trách nhiệm còn cho phục hồi những bài hát một thời phục vụ mục đích “chống cộng” rồi cho sửa lời nhạc. Chúng ta cũng sửng sốt trước việc Công ty FPT đặt lời nham nhở từ các bài hát cách mạng và sửa đổi cả Tuyên ngôn độc lập! Âm nhạc giờ đây đã xa rời những bài ca yêu nước, ca ngợi tình yêu chân chính…
Đọc sách là một nét văn hóa đáng quý của dân tộc. Sách được in ra phục vụ người đọc phải có nội dung lành mạnh, trong sáng… Vậy mà bây giờ có nhà xuất bản cho in những cuốn sách một thời đã chống lại cuộc đấu tranh của dân tộc, rồi sách khiêu dâm, tục tĩu cho thiếu nhi (như Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin và một số nhà xuất bản địa phương). Thật xấu hổ khi các “cuốn sách bẩn” lại đặt trên quầy sách trong thư viện. Thậm chí bây giờ một vài nhà xuất bản lại thích in sách khiêu dâm, sách đảo ngược lịch sử, sách bôi nhọ máu xương của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tại sao chúng ta khó chống văn hóa xấu đang xâm thực văn hóa dân tộc?
Là bởi hiện nay các cơ quan quản lý văn hóa khá lơ là trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc. Việc cho các nhà xuất bản tự thẩm định và xuất bản sách một cách vô tội vạ; cho tự do sáng tác và biểu diễn các bài hát, không thẩm định được lý lịch các bài hát một thời có hại; cơ quan quản lý xuất bản lại thiếu nghiêm khắc với việc xuất bản nhảm nhí, là khe hở để in sách gây ảnh hưởng xấu cho văn hóa dân tộc.
Một số công ty biểu diễn, một số đài truyền hình… đã thiếu trách nhiệm khi liên kết với các công ty quảng cáo, đưa ra các mẫu trang phục không phù hợp với văn hóa nước nhà và quảng bá những bài hát nhảm nhí, dung tục… mà không có cơ quan quản lý văn hóa nào “dám” góp ý, ngăn chặn!
Nhà văn Vũ Hạnh hơn 40 năm trước là Tổng thư ký “Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc” ở Sài Gòn có nói đại ý: “Ngày xưa chúng tôi chống văn hóa nô dịch, văn hóa ngoại lai khá quyết liệt và có tác động lớn vì các loại văn hóa xấu xa do những người chống lại dân tộc chủ trương đối lập với nền văn hóa dân tộc. Bây giờ, chúng ta khó chống văn hóa ngoại lai phản dân tộc vì các hiện tượng văn hóa xấu đó lại đan chen trong văn hóa dân tộc đang hiện hành. Có người xưng là nhà văn hóa cách mạng lại làm những việc phi văn hóa dân tộc”.
Phải chăng đến lúc chúng ta phải giật mình, tỉnh táo nhìn rõ sự xâm thực văn hóa dân tộc như nấm độc sau mưa. Phải khẳng định đây là cuộc chiến đấu rất khó khăn phức tạp và nhạy cảm. Song một khi đã gọi là mặt trận đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc thì phải có ranh giới rõ rệt giữa những người bảo vệ văn hóa dân tộc và những người làm ô uế văn hóa dân tộc. Từ đó, phải mài sắc “vũ khí văn hóa” để bảo vệ văn hóa dân tộc. Chúng ta luôn nhớ đến lời kêu gọi của những người bảo vệ văn hóa dân tộc ở Sài Gòn trong thập kỷ 60: “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất, dân tộc mất”.