1. Một thế giới bị phương Tây đồng hóa
Không chỉ riêng Đông Nam Á, mà cả Châu Á, phương Đông và toàn bộ phần còn lại của thế giới (ngoài châu Âu), đều phải chịu sự đồng hóa của phương Tây. Hậu quả là các nước trong mục tiêu chinh phục, hoặc bị người phương Tây đặt ách thống trị trực tiếp và phải chịu sự đồng hóa cưỡng bức, hoặc bị đồng hóa gián tiếp, trong sự ảo tưởng được giúp đỡ hay sự cần thiết phải học tập phương Tây để đuổi kịp phương Tây.
Thế nhưng, ý tưởng bắt chước cho thật giống phương Tây là một sai lầm về nhận thức luận, bởi tính đa dạng của văn hóa nhân loại được làm nên bởi sự khác biệt của mỗi nền văn hóa với những khung tiêu chí riêng, chứ không phải do “trình độ cao thấp” của các nền văn hóa đó.
Việc các đế quốc phương Tây tự cho mình có sứ mệnh “khai hóa” văn minh cho các dân tộc lạc hậu cũng chỉ nhằm biện hộ cho những mưu đồ xâm lược, thực dân hóa.
Tại một số vùng đất bị phương Tây thôn tính, người ta đã thiết lập nên những đế quốc phương Tây mới như Mỹ, Australia… trên cơ sở chiếm đoạt tài nguyên, hủy diệt chủng tộc và thủ tiêu nền văn hóa bản địa một cách tương đối triệt để.
Chỉ sau thời gian ngắn, các đế quốc đó đã trở nên hung hãn hơn bất cứ một đế quốc phương Tây “già cỗi” nào trong các cuộc thôn tính văn hóa”, (hiểu theo nghĩa toàn diện của cụm từ này).
Đối với những vùng đất còn lại, sau quá trình đấu tranh bền bỉ phải tính bằng thế kỷ của các dân tộc bị áp bức, ách đô hộ của phương Tây cuối cùng cũng bị đánh đổ, để thay vào đó là những quốc gia độc lập.
Nhưng, đó chỉ là những thắng lợi về mặt chính trị với những quyền dân tộc cơ bản, còn trên thực tế các quốc gia độc lập đó vẫn tiếp tục thất bại trước phương Tây về mặt văn hóa.
Công cuộc đồng hóa của phương Tây vẫn diễn ra một cách sâu sắc, toàn diện, với cường lực và quy mô lớn, bất chấp thái độ tiếp nhận chủ động hay khiên cưỡng của các quốc gia đó.
Các nước có nền văn hóa phát triển rực rỡ và lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Và cả những nước nhờ khôn khéo và những cơ may của lịch sử mà tránh được ách đô hộ của phương Tây như Nhật Bản, Thái Lan cũng không nằm ngoài tiến trình đồng hóa ấy.
Sự thật, văn minh phương Tây với những vũ khí lợi hại của nó như đạo Thiên Chúa, lối sống phóng túng, cùng với những phương tiện vật chất, những văn hóa phẩm luôn có tác dụng kích thích bản năng con người…, mỗi bước tiến là một sự phủ định khốc liệt văn hóa bản địa các dân tộc.
Việc truyền bá văn minh phương Tây sang phương Đông một cách ồ ạt có thể được xem như là “thành tựu” của người phương Tây, hoặc của những người hâm mộ văn minh phương Tây một cách mù quáng, song lại là vô cùng bi đát đối với phương Đông, nếu nhìn từ góc độ văn hóa.
Những gì còn lại được xem là “bản sắc” của các dân tộc phương Đông, vẫn từng ngày, từng giờ bị phương Tây đồng hóa với mức độ ác liệt, nhất là khi thế giới đã thực hiện thành công việc nối mạng internet toàn cầu.
Sức ép của văn minh phương Tây đòi giải phóng con người một cách triệt để (theo những tiêu chuẩn nhân quyền phương Tây) khỏi những tập tục văn hóa truyền thống đã dẫn đến những biểu hiện cực đoan ở một số dân tộc châu Á.
Ở Afghanistan thời Taliban, người ta đã áp dụng những đạo luật Hồi giáo cực đoan. Tệ “bài Mỹ” và nạn khủng bố nhằm vào người Mỹ và phương Tây, ở một góc độ nhất định có thể là phản ứng tiêu cực của những người đang lâm vào trạng thái tinh thần bất mãn bởi sức ép của văn hóa phương Tây.
Sự bất mãn đó đã được dồn nén từ nhiều thế kỷ nay. Bởi thế, hầu hết chính phủ các nước phương Đông đều đã gióng lên những “hồi chuông”, kêu gọi bảo vệ nền văn hóa truyền thống.
Song, thử hỏi chúng ta sẽ làm được gì khi mà sức mạnh đồng hóa của phương Tây là vô cùng mãnh liệt, trong khi hầu hết các quốc gia ở phương Đông đều tự mâu thuẫn khi vừa thực hiện chính sách mở cửa để hiện đại hóa đất nước, lại vừa nêu cao khẩu hiệu giữ gìn bản sắc dân tộc.
Tình thế đã đến lúc chúng ta không thể quay lưng lại với phương Tây, song cũng không thể đứng nhìn văn hóa của mình bị phương Tây đồng hóa. Đó chính là một thách thức lịch sử đối với các dân tộc phương Đông.
Việc cảnh báo về một làn sóng “thôn tính văn hóa” (hay xu thế đồng hóa) của phương Tây đối với phương Đông và toàn bộ phần còn lại của thế giới trong bài viết này hoàn toàn không xuất phát từ một góc nhìn chính trị hay một sự kỳ thị văn hóa nào. Lịch sử là những gì đã xảy ra và chúng ta không thể đảo ngược quá trình đó.
Hiện thực của việc văn minh phương Tây từ mấy trăm năm nay thông qua hoạt động truyền giáo, thương mại, xâm lược thực dân hóa, đầu tư tư bản, tuyên truyền văn hóa, lối sống… để xâm nhập mạnh mẽ vào các nền văn hóa phương Đông, giống như một dòng thác lũ mà chúng ta không thể nào ngăn cản nổi. Đó cũng là hiện tượng “gió Tây thổi bạt gió Đông” mà nhiều nhà nghiên cứu đã nói.
Đương nhiên, dòng thác lũ đó chưa thể cuốn trôi được hết thảy những gì mà người phương Đông đã sáng tạo ra. Những gì còn lại chính là những trầm tích văn hóa, hay những giá trị bản sắc đã được kết tinh và lắng đọng, giống như đá, sỏi ở đáy các sông, suối.
Chúng ta nhất định phải giữ gìn, bảo vệ để những giá trị bản sắc đó không bị xói mòn hơn và biến mất trong dòng thác đồng hóa của phương Tây.
Đối với Thiên chúa giáo, sự thật là nó đã để lại cho lịch sử nhân loại những vết hằn đau đớn bởi sự thủ đoạn, nghiệt ngã và những tín điều mù quáng của nó. Với nhiều dân tộc phương Đông, Thiên chúa giáo đi liền với sự hủy diệt tôn giáo và tín ngưỡng bản địa, và là kẻ đồng lõa với chủ nghĩa thực dân xâm lược.
Thiên chúa giáo đã từng vu cho người Do Thái tội giết chúa Jesus Christ (mà thực chất kẻ giết Chúa chính là bọn chủ nô La Mã), để từ đó dẫn đến một “Kỷ nguyên bài Do Thái” vô cùng tàn bạo trong lịch sử.
Thiên chúa giáo vốn là tôn giáo của những người nghèo khổ vùng Palestine, bị giới chủ nô La Mã áp bức và đô hộ. Nhưng một khi được hệ thống hóa lại để biến thành vũ khí tinh thần của người phương Tây với quyền lực tối cao đặt ở Roma thì Thiên chúa giáo cũng nhanh chóng “chịu ảnh hưởng sâu đậm tính cách cứng rắn, độc tôn của truyền thống văn hóa trọng động gốc du mục” của phương Tây [10, p560-561]; trở thành một thế lực tôn giáo, chính trị và kinh tế lớn vô cùng cực đoan và độc đoán, thậm chí đến mức tàn bạo.

Thiên chúa giáo và chủ nghĩa thực dân đã khởi đầu cho công cuộc
đồng hóa và thôn tính các dân tộc phương Đông.
Thiên chúa giáo không thừa nhận bất kỳ một tôn giáo, tín ngưỡng nào<<ừ > cuối thời trung đại, nó đã trở thành công cụ đắc lực của phương Tây trong các cuộc chiến tranh xâm lược và thôn tính văn hóa đối với các dân tộc trên thế giới.
Song, khi đã trở thành một thế lực cực đoan thì Thiên chúa giáo cũng mang tai họa đến trước hết là cho châu Âu. Đó là cả “đêm trường trung cổ” suốt nhiều thế kỷ, khi mà “bóng đêm” của nhà thờ Thiên chúa trùm lợp khắp châu Âu.
Những tội lỗi hủy diệt văn hóa của Thiên chúa giáo cả nhân loại còn nhớ, và chính Giáo Hoàng John Paul II đã phải thừa nhận trong lời kêu gọi giáo dân sám hối, nhan đề: "To Enter new millennium, pope says, church must confess" đăng trên tờ The Seattle Times ngày 15/11/1994.
Cũng từ châu Âu, chủ nghĩa thực dân, con đẻ của chủ nghĩa tư bản giàu tham vọng đã ra đời. Ngay lập tức, Thiên chúa giáo và chủ nghĩa thực dân đã nhanh chóng trở thành đồng lõa của nhau trong việc thôn tính các dân tộc. Với sự cấu kết chặt chẽ giữa hai kẻ có cùng tham vọng và nhiều thủ đoạn này, chỉ đến cuối thế kỷ 19, hầu hết các quốc gia phương Đông đã trở thành thuộc địa của phương Tây.
Trong quá trình thực dân hóa, chủ nghĩa thực dân phương Tây luôn lấy chiêu bài “khai hóa văn minh” để biện hộ cho hành vi xâm lược, còn Thiên chúa giáo thì ra sức phỉ báng và tìm mọi cách triệt phá các nền văn hóa bản địa. Như vậy, Thiên chúa giáo và chủ nghĩa thực dân đã khởi đầu cho công cuộc đồng hóa và thôn tính các dân tộc phương Đông.
Cũng như nhiều nhà khoa học trên thế giới, chúng tôi chưa bao giờ ca ngợi Columbus về cái gọi là đã “phát hiện ra” châu Mỹ của ông ta.
Châu Mỹ không cần phải phát hiện. Nó từng tồn tại từ cách nay nhiều triệu năm, và từ từng là quê hương của những nền văn minh tối cổ như văn minh Maya, văn minh Nicaragua ở vùng Trung Mỹ ra đời từ cách nay 3000 - 4000 năm; hay nền văn minh của người Inca ở khu vục Nam Mỹ (từ Colombia đến Chile) mới chỉ bị người châu Âu dập tắt cách ngày nay chưa đầy 500 năm.
Thực chất của những cuộc “phát kiến địa lý” chỉ là những cuộc tìm kiếm các vùng đất ngoài châu Âu để cướp bóc của cải, phục vụ cho việc tích lũy tư bản và thỏa mãn tham vọng về một hệ thống thuộc địa của các đế chế Tây Âu.
Bởi thế, việc Christopher Columbus rồi Amerigo Vespucci đến châu Mỹ cũng chính là sự khởi đầu của quá trình người châu Âu mang những tai họa thảm khốc đến cho châu lục này.
Cụ thể, chỉ mấy năm đầu thống trị của thực dân Tây Ban Nha, hơn một triệu cư dân bản địa trên quần đảo Antilles thuộc vùng biển Caribbean đã bị tiêu diệt gần hết.
Khi tiến đánh Mexico, thực dân Tây Ban Nha đã thẳng tay phá trụi tất cả những công trình văn hóa cổ xưa và tiêu diệt gần hết số dân trong thành Mexico [8, p544].
Ở khu vực Nam Mỹ, năm 1533, Francisco Pizarro cùng với băng đảng gồm 160 tay thợ săn kho báu người Tây Ban Nha của ông ta, bằng súng thần công và ngựa, dã dìm toàn bộ nền văn minh huy hoàng của người Inca trong biển máu.
Không chỉ chiếm đất đai, giết người, cướp của và tàn phá nền văn minh Inca, người châu Âu còn gieo rắc những căn bệnh lạ như bệnh sởi, khiến cho cộng đồng người Inca bị hủy diệt với tốc độ nhanh chóng.
Năm 1520, dân số Inca có khoảng 32 triệu người, nhưng đến năm 1548 chỉ còn khoảng 5 triệu.
Ngày nay, cái tên Inca có lẽ chỉ còn được nhắc đến như một minh chứng về sự hủy diệt các nền văn minh mà thôi.
Tại khu vực Bắc Mỹ, người châu Âu, nhất là người Anh, đã ra sức truy bức và tiêu diệt người da đỏ bản địa (mà họ gọi nhầm là người Indiens), để chiếm đất đai, lập nên các quốc gia của người da trắng.
Quốc gia châu Âu điển hình trên đất châu Mỹ chính là Mỹ. Nước Mỹ ra đời và phát triển trước hết là dựa trên sự tàn sát và cướp bóc đối với người Indiens, sau đó là đối với hầu hết các dân tộc trên thế giới.
Nền dân chủ và tự do kiểu Mỹ, thực chất là nền dân chủ và tự do của những kẻ đi tước đoạt, chứ không phải là một thành tựu của nhân loại.
Như vậy, nhờ cuộc “phát kiến địa lý” của Columbus, châu Mỹ trở thành miếng mồi khổng lồ để các đế quốc Tây Âu xâu xé, để rồi hình thành nên các thuộc địa của người da trắng, như các thuộc địa của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan…
Dĩ nhiên, giống như nước Mỹ, các thuộc địa ấy rồi cũng lần lượt giành được độc lập song đó vẫn là các quốc gia của người châu Âu da trắng trên đất đai của người da đỏ đã bị chiếm đoạt bởi những cuộc tắm máu do các thế lực thực dân gây nên.
Hệ thống thuộc địa của Tây Âu hình thành ở châu Mỹ, thì đồng thời cũng bắt đầu công cuộc săn bắt, buôn bán và cưỡng bức lao động nô lệ dã man chưa từng có trong lịch sử, kéo dài suốt các thế kỷ XVI; XVII, XVIII và đến tận đầu thế kỷ XIX.
Nạn nhân là những người da đen châu Phi. Đã có khoảng 60 triệu người da đen bị bắt mang đi, một số chết trên biển làm mồi cho cá, còn lại bị đem bán cho các hầm mỏ, đồn điền và công trường khai thác của bọn chủ da trắng ở trên đất châu Mỹ.
Giống như châu Mỹ, châu Phi cũng bị biến thành thuộc địa của thực dân châu Âu.
May mắn hơn người da đỏ châu Mỹ, người da đen châu Phi không bị hủy diệt tối đa và hiện vẫn làm chủ được phần lớn đất đai của họ. Song, lịch sử còn để lại vết hằn đau đón ở châu lục này. Di hại của hơn ba trăm năm nạn săn bắt và buôn bán nô lệ đã làm cho châu Phi kiệt quệ.
Hiện tại, châu lục này vẫn nghèo đói, dốt nát và bị bệnh tật hoành hành dữ dội nhất hành tinh. Một châu Phi điêu tàn và lạc hậu, đó mãi mãi là bản án lịch sử mà lương tri nhân loại dành cho các đế quốc phương Tây.
Số phận gần giống với châu Mỹ là châu Đại Dương. Các nhà chính trị Australia hiện thời rất thích nói rằng, tất cả những người Australia đều là dân di cư. Họ nói vậy chỉ cốt để thanh minh cho sự xâm lược của người da trắng mà đông nhất là người Anh và Ireland.
Sự thực, cũng giống như người da đỏ châu Mỹ, những người bản xứ Australia cũng vốn từ châu Á, cụ thể là từ đảo Java di cư đến, cách ngày nay đã gần 40.000 năm, khi mà châu Đại Dương còn hoang sơ. Người châu Âu mới chỉ đến từ năm 1788, trong làn sóng xâm lược thực dân hóa.
Hiện tại, cư dân Australia là một sự hợp chủng của những người di cư đến từ 140 nước, song đông nhất cũng vẫn là người châu Âu.
Giống hệt như Mỹ, Australia cũng trở thành một thứ “Melting-pot” (nồi hầm nhừ), trong đó nhào trộn nháo nhào các sắc dân từ bốn phương trời di cư đến.
Cũng như Mỹ, Australia không có bản sắc văn hóa, bởi văn hóa bản địa đã bị di xóa, còn văn hóa mới thì hỗn độn. Nhưng thật trớ trêu, Mỹ và Australia rất có thể lại là tương lai của nền văn hóa thế giới.
Văn hóa nhân loại hoặc sẽ tiếp tục bị phương Tây đồng hóa để đi tới “nhất thể hóa” theo phương Tây, hoặc cũng sẽ trở thành một thứ “Melting – Pot” trong đó nhào trộn nháo nhào văn hóa các dân tộc, để cuối cùng vẫn bị văn hóa phương Tây ăn mòn. Đó quả là một nguy cơ lớn mà tất cả các dân tộc phải gánh chịu nếu không sớm thức tỉnh.
So với châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương, số phận của châu Á may mắn hơn. Các nền văn hóa châu Á chưa bị hủy diệt triệt để.
Hiện tại, châu Á có nhiều cường quốc kinh tế có thể sánh với phương Tây như Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Song, hầu hết các quốc gia châu Á đều phải trải qua thời kỳ thuộc địa của phương Tây, trừ Nhật Bản và Thái Lan.
Vậy nhờ đâu mà các dân tộc châu Á hạn chế được sự hủy diệt văn hóa của phương Tây. Đó là bởi châu Á cũng như châu Phi, từ rất sớm đã được phương Tây biết tới như những “cựu lục địa”, với những nền văn minh khiến cho người châu Âu cũng phải kính nể, như văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ, văn minh Babylone và văn minh Ai Cập.
Bởi thế, họ không thể coi là đã “phát hiện” được các châu lục này để rồi lấy cớ mà chiếm đất và di dân từ châu Âu sang. Song, trở ngại lớn nhất mà người châu Âu gặp phải ở đây chính là trình độ tổ chức xã hội và khả năng tự vệ rất cao của người châu Á và châu Phi (ngoại trừ một số bộ tộc miền Trung và Nam Phi).
Bởi thế, khi ý đồ thực dân hóa của người châu Âu lộ rõ thì họ đã vấp phải thái độ cự tuyệt cứng rắn của các chế độ chuyên chế phương Đông còn đang tương đối hùng mạnh.
Các nền văn hóa phát triển cao của châu Á với những thành tựu rực rỡ như các hệ triết học và tôn giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, ấn Độ giáo, Islam giáo), các tư tưởng luật pháp, các học thuyết quân sự, các truyền thống đạo đức và phong tục, các biện pháp kỹ thuật - sản xuất, các hoạt động nghệ thuật… , tất cả đều khiến cho người phương Tây phải lúng túng khi sử dụng chiêu bài “khai hóa văn minh” của họ.
Còn Thiên chúa giáo thì hết sức chật vật trong việc gieo rắc niềm tin vào Thiên chúa đối với các dân tộc có nền văn hóa cao ở châu lục này.Tuy vậy, châu Á cuối cùng vẫn phải khuất phục trước làn sóng thực dân hóa và trước sự đồng hóa của phương Tây.
Vẫn là một kịch bản giống nhau mà bọn thực dân áp dụng với hầu hết các dân tộc châu Á: vừa truyền giáo vừa buôn bán, vừa thương thảo vừa gây áp lực, vừa kích động vừa gây xung đột nội bộ, vừa thực hiện sách lược “vết dầu loang”, tìm mọi cơ hội để chiếm đất.
Thủ phạm trực tiếp chính là các công ty Đông Ấn - tổ chức thương mại kết hợp sử dụng vũ lực của các đế quốc châu Âu và các đoàn truyền giáo của Vatican.
Cho đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các nước châu Á đều đã bị phương Tây đặt ách cai trị và đồng hóa trên quy mô lớn. Tuy vậy, châu Á vẫn có những ngoại lệ, đó là trương hợp Nhật Bản và Thái Lan. Đó cũng là hai trường hợp hi hữu của lịch sử toàn nhân loại đã thoát được trận cuồng phong dữ dội của chủ nghĩa thực dân phương Tây trong suốt 5 thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX và XX.
Đối với Nhật Bản, trước khi người phương Tây đến, nước này đã có một nền kinh tế công-thương khá phát triển, gắn liền với xuất cảng hàng hóa và một đội ngũ thương nhân giàu có, năng động.
Đó chính là cơ sở để Nhật Bản có thể vượt lên trên những cản trở nội tại, dễ dàng hơn khi tiếp xúc với phương Tây so với các quốc gia lục địa. Song, chính Nhật Bản đã từng đóng cửa trước phương Tây suốt hơn 200 năm (1639 - 1854) và bài Thiên chúa giáo quyết liệt.
Bởi thế, việc Nhật Bản “mở cửa” chấp nhận để văn minh phương Tây tràn vào là sự lựa chọn cay đắng đối với một dân tộc thượng võ và luôn tự hào bởi nền văn hóa đặc sắc của mình.
Thái Lan lại ở một tình thế bi đát khác. Song sự bi đát ấy lại tạo ra cơ may lịch sử và đất nước này trở thành vùng đệm giữa hai khối thuộc địa của Anh và Pháp.
Trong điều kiện đó, người Thái Lan, đứng đầu là các vua Rama V, Rama VI đã đủ thông minh để chớp lấy thời cơ tiến hành cải cách và từng bước cắt bỏ những điều khoản bị phương Tây ràng buộc.
Tuy vậy, sự khôn khéo của Nhật Bản và Thái Lan chỉ đủ để giữ nền độc lập về chính trị mà không tránh được “thảm họa” đồng hóa của phương Tây, nhất là khi hai nước ấy lại sử dụng chính những thành tựu của văn minh phương Tây để hiện đại hóa đất nước.
Lịch sử thôn tính và đồng hóa của phương Tây đối với thế giới đã trải qua 5 thế kỷ. Qua 5 thế kỷ ấy, châu Mỹ và châu Đại Dương đã bị phương Tây thôn tính và đồng hóa toàn bộ.
Châu Phi sau cơn ác mộng bị săn bắt nô lệ dường như không gượng dậy được. Tình trạng bi đát đó chính là cơ hội tốt để phương Tây đồng hóa nốt những gì được coi là bản sắc văn hóa còn lại của châu lục này.
Một châu lục luôn phải nhận viện trợ nhân đạo, vay tiền và nhờ phương Tây can thiệp để hòa giải xung đột… thì khó có thể chống lại sự đồng hóa toàn diện và triệt để của thế lực này.
Như vậy, chỉ còn lại châu Á, với những nền văn hóa khả dĩ còn bảo tồn được những giá trị truyền thống, mới có thể đối trọng với phương Tây. Mặc dù
vẫn bị phương Tây đồng hóa ráo riết và phải trả giá đắt cho những bài học của quá khứ, song châu Á có nhiều khả năng trở thành một châu lục hùng mạnh, có thể đối phó được với phương Tây và giúp đỡ các dân tộc châu Phi, những người bạn cùng cảnh ngộ thắng được đói nghèo và lạc hậu.
Vậy nếu không có văn minh phương Tây, liệu người phương Đông có thể đạt được những thành tựu như hôm nay không?
Nên nhớ, người phương Đông đã phát minh ra thuốc súng, la bàn, giấy viết kỹ thuật in, chữ số Ả rập (Arabian)… mà người phương Tây phải học tập. Những tri thức về thiên văn học, toán học, những kiểu dáng đền tháp của người Ai Cập; nghệ thuật tạc tượng, điêu khắc của người Assyrie; hệ thống chữ cái của người Phenicie đã được người phương Tây cổ đại tiếp thu [8, p33].
Các nền văn minh phương Đông cổ đại như Ai Cập, Babylone, Ấn Độ, Trung Hoa đều ra đời trước văn minh Hy Lạp - La Mã và đã đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ “khi mà hầu khắp châu Âu còn bị những cánh rừng rậm rạp bao phủ, dân cư thưa thớt và đang sống trong tình trạng thị tộc, bộ lạc…” [8, p5].
Theo nhận thức thông thường, phương Đông từ chỗ luôn đi trước phương Tây, nhưng từ sau thế kỷ 15 đã dần dần “tụt hậu” so với phương Tây. Sự thay đổi vị trí này, như cách nói của Grant Evans, là một sự “rủi ro của lịch sử”, chứ không phải bởi kết quả của “tính thượng đẳng chủng tộc” mà người châu Âu muốn khẳng định ở họ.
Cũng từ đó, người châu Âu bắt đầu “dạy dỗ” người châu Á về các giá trị mà họ cho là của riêng họ như tính dân chủ, tính duy lý khoa học, tính năng động kinh tế - xã hội… và sự "tiến bộ" - cái khẩu hiệu mà từ thế kỷ 19, họ luôn nêu cao.
Tất cả đều nhằm biện hộ cho mưu đồ bành trướng thuộc địa dưới danh nghĩa “khai sáng văn minh” của người châu Âu; nhằm “che dấu đi sự bạo lực, tính tàn bạo và lối ngạo mạn văn hóa trắng trợn đi kèm theo nhiều mưu toan thực dân cũ và mới" [4, p18,19].
Và, trong cơn phẫn nộ của toàn thế giới ngày nay về sự dã man của những kẻ buôn bán ma túy quốc tế, tưởng cũng nên nhớ lại hai cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa thế kỷ 19 (1840-1841 và 1857-1860) ở Trung Hoa, do bọn lái buôn Anh, Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan gây ra.
Bọn người phương Tây ấy đã tự cho mình cái quyền được mang thuốc phiện đến đầu độc dân tộc Trung Hoa, làm cho họ trở nên nghiện ngập, suy đồi, mất sức đề kháng trước sự xâm lược từ bên ngoài. Đó chính là cơ hội tốt để chúng thả sức cướp đoạt của cải và tàn phá một nền văn hóa vĩ đại của phương Đông.
Những lập luận trên đây hoàn toàn không thể hiện tư tưởng bài Tây cực đoan, mà chỉ là sự phân tích những hiện thực lịch sử để chúng ta không ngộ nhận về những gì mà người phương Tây đã mang đến; đồng thời nhận ra tình trạng thảm hại của nền văn hóa hiện nay của chúng ta - một nền văn hóa đang bị “ô nhiễm” và “phân rã” nặng nề bởi văn minh phương Tây, đang rất cần được “làm sạch” để có thể cứu vãn những gì thuộc về bản sắc, mang nguồn cội châu Á phương Đông.
2. Số phận của những giá trị bản sắc Đông Nam Á
Trong số các dân tộc châu Á, hình như các dân tộc Đông Nam Á dễ bị văn minh phương Tây “đồng hóa” hơn cả.
Đó không phải là nhận xét phiến diện mà xuất phát từ góc nhìn lịch sử, khi mà các dân tộc Đông Nam Á đều không tự sinh ra được một hệ thống triết học hay tôn giáo bản địa, mà luôn dễ dàng tiếp nhận những hệ thống tư tưởng và văn hóa bên ngoài. Chúng ta dễ dàng “hòa nhập”, nhưng cũng vì thế mà rất dễ bị “hòa tan”.
Chính sự pha tạp một cách sâu đậm những yếu tố Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây trong cơ thể văn hóa Đông Nam Á đã khẳng định điều ấy.
Đông Nam Á từng giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ trước, và đang say sưa với những thành công về phát triển kinh tế trong mấy thập niên gần đây. Nhưng chính Đông Nam Á lại thất bại lớn nhất về mặt văn hóa trước phương Tây, so với các khu vục Đông Á, Tây Á và Nam Á.
Thực tế, các khu vực đó cũng phải chịu sức ép đồng hóa của phương Tây không kém gì Đông Nam Á, nhưng vốn là những cái nôi của những nền văn hóa vĩ đại, với những hệ tư tưởng và tôn giáo lớn, lại biết sử dụng chúng như những vũ khí văn hóa lợi hại, nên ít nhiều đã hạn chế được sức mạnh đồng hóa của phương Tây.
Trong khi đó, người Đông Nam Á gần như chỉ có những tập tục, những truyền thống văn hóa không có khả năng tích tụ thành những dòng chảy tư tưởng, và một thói quen vay mượn hay tiếp nhận văn hóa ngoại nhập phần nhiều mang tính thụ động.
Bởi thế, người Đông Nam Á chẳng thể làm được gì nhiều hơn so với quá khứ lịch sử của mình trong tình thế phải đối diện với phương Tây.
Song, cũng phải nói rằng, Đông Nam Á là một khu vục, một chỉnh thể với những nét riêng, và người ta mới chỉ dần dần nhận thấy điều đó từ khoảng một nửa thế kỷ nay.
Trước khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, người Đông Nam Á đã có những nền tảng văn hóa riêng biệt, phi Ấn, phi Hoa (khác ấn, khác Hoa) với những thành tựu khá phong phú và rực rỡ, chứ không phải như Anthony Christie (học giả Anh) trong Dawn of Civilisation cho rằng: Đông Nam Á chẳng có gì sáng tạo đáng kể..., ngoài trống đồng và có thể kể thêm cái nơm úp cá (!) [11, p53].
Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh tính chất phong phú, lâu đời và rực rỡ của văn hóa truyền thống Đông Nam Á. Theo G. Cordès trong Histoire ancienne des Etats hindouisés d’Extrême Orient (Hà Nội, 1948), đó là một phức thể với những nét đặc trưng là:
“Về phương diện vật chất: làm ruộng cấy lúa, nuôi trâu bò, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền.
Về phương diện xã hội: địa vị quan trọng của phụ nữ huyết tộc mẫu hệ, tổ chức xã hội theo nhu cầu tưới nước ruộng. Về phương diện tôn giáo: thuyết vạn vật hữu tình, thờ phụng tổ tiên và thờ thần đất, đặt đền thờ ở những chỗ cao, chôn người chết trong các chum vại hay các trác thạch (quan tài đá).
Về phương diện thần thoại: đối lập vũ trụ luận giữa núi và biển, giữa loài phi cầm với loài thủy tộc, giữa người thượng du với người hạ bạn.
Về phương diện ngôn ngữ dùng những ngôn ngữ đơn âm với năng lực dồi dào về phát triển từ…" [10, p68-69].
Thật ra, như thế cũng chưa phải khái quát đầy đủ về văn hóa Đông Nam Á, bởi còn thiếu những đặc điểm về văn hóa vật chất như ăn, ở, mặc… mang đậm tính chất thực vật; về đời sống tín ngưỡng như tục thờ các nữ thần, tín ngưỡng phồn thực (Cult of Fecundity); về truyền thống ứng xử hòa hợp với tự nhiên, hòa hiếu, mềm mỏng trong quan hệ xã hội, đặc biệt là thái độ ứng xử với bên ngoài…
Dĩ nhiên, trên hành trình lịch sử, các dân tộc Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhiều nhà nghiên cứu người Đông Nam Á đã cố gắng chứng minh cho sự sống mãnh liệt và khả năng bản địa hóa các yếu tố ngoại nhập của văn hóa Đông Nam Á.
Điều đó dĩ nhiên là không sai, nhưng rõ ràng là văn hóa Đông Nam Á đã ngày càng rời xa nền tảng bản địa của mình, để rồi trước khi tiếp xúc với phương Tây, trong “cơ thể” văn hóa Đông Nam Á đã chứa đầy những yếu tố văn hóa Ấn và Hoa.
Đó là số phận của những nền văn hóa dân tộc nhỏ, dù đã cố gắng chứng minh bản lĩnh văn hóa, song cũng không thể giấu hết sự bất lực của mình trước sự đồng hóa của những nền văn hóa lớn hơn.
Quá khứ trên đây khiến chúng ta phải suy nghĩ, song nhờ thế mà chúng ta nhận thức được một hiện thực lịch sử còn đau đớn hơn, đó là văn hóa Đông Nam Á từ mấy thế kỷ nay lại bị cuốn vào một làn sóng đồng hóa mới, vô cùng mạnh mẽ và nguy hại, đó là sự đồng hóa của phương Tây.
Quá trình thực hiện mưu đồ thực dân hóa của phương Tây đối với châu Á nói chung và với Đông Nam Á nói riêng diễn ra ngay từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Cùng với quá trình thực dân hóa là quá trình truyền bá đạo Thiên chúa.
Tài liệu lịch sử cho biết, năm 1571, đạo Thiên chúa bắt dầu được truyền bá vào Philippines bởi giáo sĩ Andres de Urdaneta. ở Majapahit, Công giáo (Catholicism) xuất hiện vào thế kỷ XVI, còn đạo Tin lành (Protestanism) được người Hà Lan đưa vào từ thế kỷ XVII.
Công giáo còn theo chân thực dân Bồ Đào Nha đến Indonesia, lúc đầu là Sumatra, sau đến Java và các đảo khác. Sau đó, người Anh đã hất cẳng người Bồ Đào Nha, phổ biến đạo Tin lành rộng rãi hơn [3, p62].
Công giáo và Tin lành, về bản chất không có gì khác nhau, có chăng chỉ là sự khác biệt giữa một con cá sấu lớn và một con cá sấu nhỏ. Thế kỷ XVI cũng là niên đại sớm nhất của Thiên chúa giáo ở Campuchia và Việt Nam.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Philippines là nơi văn hóa truyền thống bị Thiên chúa giáo thôn tính mạnh mẽ nhất. Sự hoạt động rất riêng rẽ của các tôn giáo truyền thống nơi đây chính là cơ hội tốt để Thiên chúa giáo thôn tính từng bước.
Bởi thế, sau 432 năm truyền bá, đến nay Thiên chúa giáo đã ngự trị một cách vững chắc ở Philippines, với số giáo dân chiếm tới 88,9% trong tổng dân số 80 triệu người của đất nước này (trong đó Công giáo: 84,l%; Tin lành: 3,5%; Giáo hội Philippines: l,3%).
Việt Nam cũng là nước mà Thiên chúa giáo du nhập sớm và có vị thế tương đối vững chắc. Sau 470 năm truyền bá (1533 - 2003), Thiên chúa giáo Việt Nam đã có hơn 5 triệu tín đồ Công giáo và gần nửa triệu tín đồ Tin lành, chiếm khoảng 7,4% dân số cả nước.
Tại các nước Đông Nam Á khác, tỉ lệ giáo dân (so với dân số mỗi nước) như sau: Brunei-8,0%, Indonesia-ll% (Công giáo: 2,7%, Tin lành: 4,8%, các dòng Thiên chúa khác: 3,5%), Lào-2,0%, Malaysia-6,2% (Công giáo: 2,8%, Tin lành: 1,4%, các dòng Thiên chúa khác: 2,0%), Myanmar-5,6%, Singapore-7,9% (Công giáo: 4,0%, Tin lành: 2,6%, các dòng Thiên chúa khác: 1,3%) [3, p133-135].
Thái Lan và Campuchia là những nước có tỷ lệ giáo dân Thiên chúa thấp nhất, bởi đó là những quốc gia Phật giáo.
Tại Thái Lan, 97% dân số theo Phật giáo, 2% theo Islam giáo, nên số giáo dân chỉ có thể chiếm chưa đầy 1% dân số.
Như vậy, tại các nước Đông Nam Á cũng như châu Á nói chung, trừ Phihppines, Hàn Quốc (giáo dân chiếm 17% dân số, trong đó hơn 80% theo đạo Tin lành), thế lực của Thiên chúa giáo còn rất hạn chế.
Tại các nước khác, tỉ lệ giáo dân so với dân số không đáng kể (Ấn Độ-l%, Nhật Bản - 0,7%, Trung Hoa- 4/1000).
Sở dĩ Thiên chúa giáo không thành công trong việc bành trướng thế lực ở châu Á, đó là bởi đã gặp ở đây những nền văn hóa tôn giáo lớn, vượt xa văn hóa Thiên chúa giáo về mọi phương diện: tâm linh, luân lý, đạo đức.
Mặc dầu vậy, vấn đề cần nói ở đây là mức độ tàn phá của Thiên chúa giáo, cùng với các mũi tiến công khác của phương Tây đối với văn hóa bản địa Đông Nam Á.
Như đã trình bày, Thiên chúa giáo không chấp nhận các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Bởi thế, ở đâu Thiên chúa giáo ngự trị thì ở đó các giá trị văn hóa có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng khác (Nho giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo (Hinduism), Đạo giáo, Islam giáo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng phồn thực, tục thờ Mẫu, thờ thần Thành hoàng, thờ các thế lực tự nhiên…) đều bị hủy diệt.
Thiên chúa giáo không chấp nhận khái niệm “Tổ quốc” vốn rất thiêng liêng đối với người châu Á, và đòi hỏi phải thay thế bàn thờ gia tiên trong các gia đình bằng bàn thờ Thiên chúa.
Các sinh hoạt lễ hội truyền thống bị thay thế bởi các lễ hội Thiên chúa giáo. Các tập tục có liên quan đến tín ngưỡng bản địa đều bị di xóa triệt để, cột chặt niềm tin của các tín đồ vào nhà thờ.
Được các giáo sĩ Thiên chúa giáo dẫn đường và hỗ trợ, công cuộc xâm lược thực dân hóa của phương Tây tại Đông Nam Á tiến triển hết sức nhanh chóng.
Về cơ bản, cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tất cả các quốc gia Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đều rơi vào nanh vuốt của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Trong quá trình xâm lược, các thế lực phương Tây đã tranh giành, thôn tính thuộc địa của nhau, rồi lại thương lượng, thỏa hiệp lẫn nhau, để cuối cùng số phận các nước Đông Nam Á được định đoạt như sau:
Indonesia trở thành thuộc địa của Hà Lan (1814), Brunei và toàn bộ vùng Borneo trở thành thuộc địa của Anh (1888), Philippines lại hoàn toàn rơi vào tay Mỹ (1902), Malaysia chịu chung số phận với Brunei, bị Anh đặt ách cai trị (1909).
Trên bán đảo Trung - Ấn, Miến Điện trở thành thuộc địa của Anh (1885), còn ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cho đến cuối thế kỷ XIX cũng lần lượt trở thành thuộc địa của Pháp.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu viết về công cuộc xâm lược, đô hộ của phương Tây đối với châu Á và Đông Nam Á. Hầu hết các công trình đó đều vạch rõ sự câu kết chặt chẽ giữa chủ nghĩa thực dân và các cha cố trong mưu đồ thôn tính các dân tộc Đông Nam Á cũng như sự giả dối của khẩu hiệu “khai hóa văn minh” mà phương Tây thường trưng lên.
Thế nhưng, không ít các công trình nghiên cứu sau đó lại quay ra ca ngợi những thành tựu mà chế độ thuộc địa phương Tây mang đến cho các nước Đông Nam Á như sự xuất hiện các đô thị hiện đại, các nhà máy, xí nghiệp và các trung tâm công nghiệp lớn; sự ra đời các viện nghiên cứu, các bệnh viện;
Sự thay thế hệ thống chữ viết truyền thống bằng hệ thống chữ viết mới theo mẫu tự Latin; sự thanh toán hệ thống giáo dục truyền thống bằng hệ thống giáo dục Tây học; sự biến đổi thói quen, lối sống, trang phục, ăn, ở, di lại; sự ra đời của báo chí và văn học hiện đại, sự xuất hiện các công trình kiến trúc và các loại hình nghệ thuật mới (sân khấu, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình) kiểu châu Âu và sự cải biên các loại hình nghệ thuật truyền thống theo hướng kết hợp Đông - Tây…
Tóm lại, họ cho đấy là những thành tựu của sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, kết quả của quá trình Âu hóa và Tây hóa một cách tích cực.
Hiện tượng trên đây phản ánh những mâu thuẫn trong nhận thức của không ít các học giả. Nếu đó là thành tựu mà chế độ thuộc địa đã đạt được thì người châu Á và Đông Nam Á phải cảm ơn chủ nghĩa thực dân phương Tây mới phải chứ, và cái khẩu hiệu “khai hóa văn minh” kia đâu có phải là giả dối (?).
Như vậy thì sự xâm lược và chế độ thuộc địa của phương Tây lại là “mùa xuân” đối với các quốc gia châu Á và Đông Nam Á sao? Một số học giả tỉnh táo hơn thì cho đó chỉ là hệ quả của chính sách khai thác thuộc địa, và là những gì ngoài ý muốn của phương Tây (giống như sự ra đời của giai cấp vô sản, sự du nhập những tư tưởng cách mạng từ phương Tây…).
Song, chính người phương Tây lại nhận thức rất rõ về những gì sẽ được tạo ra từ chế độ thuộc địa của họ, và coi đấy là những thắng lợi thực sự của công cuộc đồng hóa của phương Tây đối với phương Đông.

Người Đông Nam Á đang từ bỏ rất nhanh những tiêu chí thẩm mỹ truyền thống
để chạy theo tiêu chí thẩm mỹ của phương Tây.
Người phương Tây cũng toan tính rằng, nếu các chế độ thuộc địa sụp đổ thì những “thành tựu” đó chính là cái để họ “ra đi mà ở lại mãi mãi” tại các nước đã từng bị họ đô hộ.
Lịch sử mấy trăm năm chịu ảnh hưởng của phương Tây cho thấy rằng, văn minh phương Tây càng phổ biến rộng rãi và sâu sắc bao nhiêu thì văn hóa Đông Nam Á càng bị thu hẹp, bị bào mòn và băng hoại bấy nhiêu.
Lẽ đương nhiên, chúng ta không thù địch văn minh phương Tây, bởi đó cũng là thành tựu của chung nhân loại.
Chúng ta cũng không thể rũ bỏ những gì đã được tạo nên bởi những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong đời sống xã hội Đông Nam Á. Thế nhưng, chúng ta cần nhận thức được rằng, không thể để cho phương Tây nhân danh văn minh mà tiêu diệt văn hóa của các dân tộc phương Đông. Không thể để cho văn hóa nhân loại đi tới bi kịch của sự “nhất thể hóa” dưới ảnh hương duy nhất của phương Tây.
Bởi nếu như nhân loại đi tới “nhất thể hóa” văn hóa, và tiến tới “sinh sản vô tính”, thì khi đó không hiểu thế giới sẽ ra sao đây? Chúng ta hi vọng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng muốn vậy thì phải tỉnh táo ngăn chặn xu hướng ấy.
Cũng có thể đặt giả thiết, rằng nếu như không có chế độ thực dân ở châu Á, và không có những gì được tạo nên bởi ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thì liệu có thể có một châu Á hiện đại và phát triển như hôm nay không? Thưa rằng, lịch sử sẽ có một sự lựa chọn khác, và châu Á vẫn có thể hiện đại bởi sự phát triển tự thân nó trong mối quan hệ giao lưu tích cực với bên ngoài.
Thực tế lịch sử thế giới là lịch sử của sự đối chọi, tranh giành ảnh hưởng giữa hai bộ phận nhân loại: châu Âu và châu Á.
Người châu Á từ cách nay 40 nghìn năm đã chiếm lĩnh châu Đại Dương, và từ cách đây 25 nghìn năm đã chiếm lĩnh châu Mỹ. Rồi đến lượt người châu Âu từ cách đây 500 năm đã chiếm lại châu Mỹ, và từ cách đây 200 năm đã chiếm lại châu Đại Dương.
Điều khác nhau là người châu Á đã đến châu Đại Dương, châu Mỹ từ rất sớm, không chiếm đoạt của ai cả mà chỉ là sự phân bố giống người cho các châu lục hoang vắng, để xây lên ở đó những nền văn hóa và văn minh.
Những người châu Á di cư đó đã trở thành lớp cư dân bản địa của các châu lục, nơi định cư mới của họ. Người châu Âu đến quá muộn khi các châu lục trên đã có chủ nhân; là kẻ đi chiếm đoạt đất đai và hủy diệt các nền văn hóa bản địa, thực chất là các nền văn hóa của nhũng người gốc châu Á. Dĩ nhiên lịch sử cần có tranh đua, đối chọi để phát triển, nhưng không có nghĩa là tàn phá và hủy diệt.
Chúng ta quyết không để cho người châu Âu chiếm nốt cả châu Á, miền đất gốc của chúng ta. Bởi nếu điều đó xảy ra, cũng đồng nghĩa với việc người châu Âu thôn tính và đồng hóa tuyệt đối thế giới này.
Cũng phải thừa nhận rằng, châu Âu cũng có nhiều học giả đã lên án sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với các nền văn hóa phương Đông. Họ cũng không chỉ than khóc trên đống đổ nát của di sản văn hóa quá khứ, mà đã thực sự bắt tay vào việc nghiên cứu, phục hồi các giá trị văn hóa của các dân tộc phương Đông đã bị hủy hoại. Nhờ đó, các viện bảo tàng cổ vật, viện sử học, khảo cổ học, dân tộc học, Viễn Đông bác cổ (Đông phương học)… đã ra đời, với vai trò trước hết thuộc về các học giả châu Âu.
Tuy vậy, những cố gắng của họ chỉ là thu nhặt những mảnh vỡ của các nền văn hóa bản địa đã bị tàn phá bởi các thế lực thực dân đế quốc, những kẻ đồng hương của họ.
Cũng phải ghi nhận cống hiến của nhiều nhà Đông Nam Á học về các công trình nghiên cứu đã được xuất bản, hoặc đã công bố tại các hội nghị khoa học quốc tế về văn hóa Đông Nam Á, như Hội nghị Cultures in ASEAN and the 21st Century tổ chức tại Singapore tháng 8 năm 1995.
Những công trình nghiên cứu đó ít nhất cũng mang ý nghĩa như một sự đánh giá toàn bộ kho tàng vốn cổ, làm tiền đề cho công cuộc phục hồi văn hóa truyền thống Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong khi các nhà khoa học của chúng ta đang say sưa trình bày về những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của các dân tộc Đông Nam Á, thì trong thực tế, những giá trị ấy đã biến mất, hoặc đang trong quá trình tan rã trước sự xâm thực của văn hóa phương Tây.
Sự biến mất hoặc tan rã các giá trị bản sắc đó, trước đây do chế độ thực dân đô hộ gây nên, còn ngày nay lại do chính người châu Á gây nên, bởi sự lầm lẫn của các chính phủ trong các chính sách hiện đại hóa đất nước và bởi muôn vàn những kẽ hở của thời kỳ mở cửa, cũng như xu hướng đòi giải phóng cá nhân, chạy theo ham muốn bản năng của con người thời đại ngày nay.
Có thể nhận thấy tình trạng phân rã và mất mát các giá trị truyền thống trong mọi khía cạnh của văn hóa Đông Nam Á, như việc duy trì các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội và tập tục; trong quan hệ gia đình; trong quan niệm về hôn nhân, lối sống, hoạt động giải trí; trong vấn đề lịch pháp và triết lý về thời gian; trong đời sống văn hóa vật chất (ăn, ở, mặc, đi lại); trong các hoạt động kinh tế và lĩnh vực đo lường; trong đời sống văn học; trong việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết; trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trong hoạt động luật pháp; trong lĩnh vục kiến trúc, mỹ thuật (hội họa, điêu khắc) và nghệ thuật biểu diễn; trong những quan niệm về giá trị…
Có thể nói, người Đông Nam Á đang từ bỏ rất nhanh những tiêu chí thẩm mỹ truyền thống để chạy theo tiêu chí thẩm mỹ của phương Tây.
Tóm lại, giống như một thứ “vi khuẩn” hay một chất “ăn mòn” nguy hiểm, văn hóa phương Tây đang từng ngày, từng giờ làm băng hoại các giá trị truyền thống Đông Nam Á.
Và nhìn chung, giữa đô thị và nông thôn thì đô thị bị đồng hóa nhanh hơn, trong khi nông thôn “bảo thủ và lạc hậu” với những tàn dư của cơ cấu xã hội và lề thói cũ, lại có khả năng đề kháng tốt hơn đối với sự “ăn mòn” của văn hóa phương Tây.
Tuy vậy, trong khi xu thế đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn ở Đông Nam Á đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay, thì các làng quê dân dã ấy liệu có đứng vững và bảo lưu được những giá trị bản sắc của văn hóa truyền thống hay không?
3. Đông Nam Á đến lúc cần phải thức tỉnh
Có thể nói, một sự đổ vỡ văn hóa truyền thống đang diễn ra ở Đông Nam Á (và đương nhiên là cả với châu Á) trên qui mô lớn.
Đã đến lúc chúng ta phải “thức tỉnh” để suy nghĩ nhiều hơn cho số phận nền văn hóa khu vực. Và không chỉ suy nghĩ, mà phải có những hành động thực tiễn, thực sự có hiệu quả nhằm cứu vãn nền văn hóa đó.
Chúng tôi không có tham vọng đưa ra sáng kiến cho việc cứu vãn nền văn hóa truyền thống Đông Nam Á. Song, chúng tôi cần được chia sẻ về những luận điểm mà chúng tôi đã trình bày.
Và nếu có nhiều nhà khoa học Đông Nam Á cùng nhận thức được nguy cơ biến mất nền văn hóa truyền thống đầy bản sắc của chúng ta, thì khi đó nhất định chúng ta sẽ tìm ra lời giải cho tình huống bi đát đó.
Mặc dầu vậy, tình trạng nền văn hóa Đông Nam Á chưa phải đến mức tuyệt vọng. Hiện tại, Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực kinh tế năng động và phát triển. Đó chính là cơ sở đảm bảo cho chúng ta có thể đầu tư cho việc bảo tồn và vực dậy nền văn hóa truyền thống.
Đông Nam Á vẫn còn xung quanh mình những vành đai bảo vệ, đó là những “tảng băng văn hóa” Trung Hoa và Ấn Độ, những nền văn hóa châu Á có bản lĩnh vững chắc hơn và có chung “trận địa” với chúng ta trong cuộc đối chọi với phương Tây.
Người Đông Nam Á còn có bài học từ Nhật Bản và Thái Lan. Mặc dù cũng bị phương Tây đồng hóa dữ dội, song ít nhất đây là hai quốc gia chưa từng bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, và đều có tỷ lệ dân cư theo đạo Thiên chúa thấp nhất trên châu lục.
Người Nhật Bản cũng từng có tham vọng về một “Khối Đại Đông Á thịnh vượng chung" (Daitoa kyoeiken) thời Chiến tranh thế giới II (1939-1945) với một “chính sách văn hóa” nhằm khuyến khích các dân tộc châu Á cho một “cuộc chiến thần thánh” để giải phóng các dân tộc này khỏi sự thống trị của phương Tây.
Cuộc chiến này như người Nhật tuyên bố nhằm chống lại “chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vật chất thuần túy”, phương Tây và với mục đích cuối cùng là châu Á phải thuộc về người châu Á. Cuộc chiến cũng nhằm thay thế các định hướng “giá trị xấu xa phương Tây” bằng các “giá trị phương Đông cao cả” [6,p 283, 286].
Phải thừa nhận rằng, sự có mặt của người Nhật đã làm cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Đông Nam Á bước sang một giai đoạn mới rất thuận lợi.
Ách thống trị của phương Tây đã bị xóa bỏ nhanh chóng, thay vào đó là bộ máy thống trị Nhật Bản. Sự thay thế đó đã tạo ra “khoảng trống quyền lực” và cơ hội cho các lực lượng dân tộc ở Đông Nam Á tiến hành cuộc cách mạng giải phóng đất nước.
Tư tưởng phủ định những “giá trị xấu phương Tây”, và phục hưng những “giá trị phương Đông cao cả” của người Nhật không chỉ gây nên những rung động đáng kể đối với các dân tộc châu Á lúc đó, mà còn để lại âm hưởng của nó đối với toàn bộ lịch sử hiện đại Đông Nam Á. [6,p 286].
Lẽ đương nhiên, tư tưởng “Đại Đông Á” nói trên được xây dựng trên nền tảng tư tưởng “Chauvin” (tư tưởng dân tộc hẹp hòi), đề cao văn hóa Nhật Bản và phục vụ cho mục tiêu giành quyền thống trị tuyệt đối toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản.
Một xuất phát điểm như vậy đương nhiên dẫn đến kết cục là sự chiếm đóng của Nhật Bản đã bị người Đông Nam Á phủ định, những gì mà người Nhật đã làm đáng được coi là một sự “thức tỉnh” cho các dân tộc châu Á sau hàng trăm năm bị phương Tây đồng hóa.
Sau sự tan vỡ của khối “Đại Đông Á thịnh vượng chung”, người châu Á vẫn không ngừng chứng tỏ sự hiện diện đầy sức thuyết phục của họ bằng sự vươn dậy đầy tham vọng của “người khổng lồ” Trung Hoa, sự “thức tỉnh Ấn Độ” và sự xuất hiện của “bốn con rồng nhỏ”: Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hong Kong.
Người Nhật một lần nữa làm cho thế giới kinh ngạc bởi sự “thần kỳ Nhật Bản” khi họ trở thành một trong ba trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất thế giới (Mỹ, Tây âu và Nhật Bản) bằng con đường riêng, khiến phương Tây phải suy nghĩ về một kiểu “Chủ nghĩa Tư bản Khổng giáo”, hay “Chủ nghĩa Tư bản Nhân bản” đầy bản sắc Nhật.
Và, mặc dù cây lúa mới chỉ được đưa từ Đông Nam Á vào Nhật Bản khá muộn (trước Công nguyên không lâu), song người Nhật vẫn cho rằng: “Tính dân tộc của Nhật Bản được bồi đắp nhờ công việc trồng lúa" [7,p 98-101]. Điều đó khiến cho các dân tộc Đông Nam Á, những người đã gây tạo ra cây lúa nước từ cách đây khoảng 8.000 đến 10.000 năm, phải suy nghĩ nhiều hơn. [10, p 83-84].
Hiện tại, Đông Nam Á đã hợp đủ được mười quốc gia trong một hiệp hội khả dĩ nhất của lịch sử khu vực - ASEAN.
Người Đông Nam Á cũng từng có sáng kiến về một “Ủy ban Kinh tế khu vực Đông Nam Á, (sáng kiến của Thủ tướng Malaysia Mahathir năm 1990), và hiện đã lôi kéo được Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc vào chung một diễn đàn Đông Nam Á, Đông Á (ASEAN+3)…
Tuy nhiên, hình như người Đông Nam Á vẫn thiên về mục đích kinh tế mà chưa nhận thấy nguy cơ biến mất nền văn hóa truyền thống của các dân tộc trước sự đồng hóa ráo riết của phương Tây.
Đành rằng lợi ích kinh tế là vô cùng cần thiết cho sự phục hung văn hóa, nhưng nếu coi đó là tất cả thì sẽ có tình trạng một hay một vài quốc gia trong khối sẽ có những toan tính riêng, sẵn sàng rời bỏ cộng đồng khu vực để liên kết với phương Tây.
Khi đó, mọi cố gắng sẽ tiêu tan và “Đông Nam Á” sẽ là một “trận địa tan tác” giống như tình trạng các nước cộng hòa khu vực Tây Á hiện nay.
Các nước ASEAN cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về khái niệm “hợp tác toàn diện”, mà trên thực tế, nó chưa có chỗ xứng đáng cho sự hợp tác văn hóa. Hợp tác văn hóa giữa các nước trong khối hiện nay còn rất lỏng lẻo, thiếu chiều sâu và chưa có hiệu quả thực tiễn.
Tóm lại, chúng ta cần phải “nung nấu” nhiều hơn cho số phận nền văn hóa khu vực và cần phải hợp tác có chất lượng hơn cho mục tiêu “phục hồi các giá trị bản sắc Đông Nam Á”. Công việc đó, phi các chính phủ, không ai có thể làm được. Tuy vậy, các nhà khoa học sẽ đóng vai trò những người dẫn đường.
Tài liệu tham khảo:
1 Nguyễn Văn Ánh: Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây ở Nhật Bản (thời kỳ 1543 - 1867). Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đông Á- Đông Nam Á, những vấn đề lịch sử và hiện tại”. Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam), tháng 3-2003.
2. Jean Chevalier: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Nhà xuất bản Đà Nẵng (Việt Nam), 1997.
3. Mai Ngọc Chừ: Văn hóa Đông Nam Á. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
4. Grant Evans: Bức khảm văn hóa Châu Á (tiếp cận nhân học). Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội (Việt Nam), 2001.
5. Hall D.G.E: Lịch sử Đông Nam Á. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội (Việt Nam), 1997.
6. Phạm Quang Minh: Nhật Bản và Đông Nam Á: Từ khối “Đại Đông Á thịnh vượng chung” trong chiến tranh thế giới thứ II đến "Ủy ban kinh tế khu vực Đông Á" sau chiến tranh lạnh. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đông Á - Đông Nam Á, những vấn đề lịch sử và hiện tại. Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam), tháng 3-2003.
7. Nhật Bản, tăng cường hiểu biết và hợp tác. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1995-1996.
8. Lương Ninh (chủ biên): Lịch sử văn hóa thế giới (cổ-trung đại). Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (Việt Nam), 1998.
9. Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng: Lịch sử thế giới cận đại. Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội (Việt Nam), 1999.
10. Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (Discovering the identity of Vietnamese culture). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), 1996.
11. Trần Quốc Vượng (chủ biên): Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (Việt Nam), 1998.