Văn hóa trách nhiệm của người làm báo

Khi bài báo này lên khuôn thì vụ việc liên quan đến “cô Lượm” nói dối đã tạm lắng xuống. Tuy nhiên, còn đó những băn khoăn, day dứt về trách nhiệm khi đưa thông tin đến độc giả và thái độ cùng cách xử lý khi xảy ra sai sót của người làm báo.

Đối với người làm báo, việc xác minh hay thẩm định thông tin trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng khi hành nghề, dẫu người phát ngôn phải chịu trách nhiệm về những gì họ nói hay chứng cứ họ cung cấp (trừ trường hợp việc thẩm tra nằm ngoài tầm tay của người viết hay người phát ngôn không cung cấp đủ điều kiện để thẩm tra...).

Trong trường hợp thông tin đăng tải sai sự thật (được chứng minh bằng các bằng chứng rõ ràng) thì việc đưa thông tin xác thực đến độc giả là việc phải làm và nhiều báo đã làm như vậy cùng với lời xin lỗi tới độc giả và người hay việc bị thông tin sai. Trường hợp thông tin đó gây ảnh hưởng và thiệt hại cho người khác mà họ yêu cầu bồi thường thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn theo quy định.

Vậy mà chương trình Người xây tổ ấm (NXTÂ) lấy lý do “tin tưởng vào bản cam kết của Lượm với ban tổ chức cuộc thi là câu chuyện này phải hoàn toàn có thật và Lượm là công dân 28 tuổi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin mà mình đưa ra” để chỉ nói một cách… nhẹ nhàng “chúng tôi lấy làm tiếc khi để xảy ra sơ suất này…”.

Trong khi đó, việc chọn nhân vật nào, thực hiện với quy mô ra sao, khai thác ở mức độ nào… hoàn toàn thuộc về NXTÂ chứ không thể đổ lỗi cho ai khác. Chỉ một việc đơn giản là xem chứng minh thư của Lượm hay liên lạc với chính quyền địa phương để xác định nhân thân của Lượm trước khi quyết định tổ chức chương trình nhưng NXTÂ đã không làm. Mà việc này nằm trong tầm tay của VTV. Vì vậy, khá nhiều độc giả trên các diễn đàn đặt dấu hỏi, với kiểu làm chương trình như vậy, cần phải xem lại các nhân vật và các phóng sự NXTÂ đã thực hiện xem mức độ trung thực ra sao. Nghi ngờ này của độc giả không phải không có căn cứ.

Một vụ sai sót khác không hẳn thuộc về nghiệp vụ, cũng không phải do khách quan, mà có lẽ xuất phát từ cung cách làm nghề của đạo diễn phim tài liệu Linh hồn Việt cộng. Bộ phim này phát sóng trên VTV1 nhân ngày 27/7/2008, gây xúc động mạnh. Nhưng sự thật trớ trêu được các đồng nghiệp làm truyền hình ở Gia Lai cùng nhiều người khác phát hiện ra: hài cốt liệt sĩ đã di chuyển về quê của liệt sĩ Đảm không phải là hài cốt liệt sĩ Đảm, như các nhà làm phim đã dựng lên. Chiếc bình pênixilin được ghi hình trong phim cùng những thông tin trên mảnh giấy trong chiếc bình đó đều không thật…


Ứng xử vụ "cô Lượm" cho thấy văn hóa trách nhiệm của người "nhà đài".

Sai sót khi tác nghiệp báo chí, kể cả những việc như cô Lượm, không phải chưa từng xảy ra với báo viết, nhưng chưa nhà báo hay tòa báo nào “lên án mạnh mẽ” nhân vật như NXTÂ đối với “cô Lượm”, dù có khi nhân vật cung cấp thông tin không xác thực khiến cả người viết và quý báo… lao đao. Trong khi đó, Lượm đã gửi bức thư dài 7 trang xin lỗi thì đến lượt mình, “nhà đài” lại tiết kiệm một lời xin lỗi đến vậy. Không nhận lỗi về mình vì không biết mình có lỗi hay vì nghĩ mình “to” nên nhận lỗi sẽ mất thể diện? Nói ra từ “xin lỗi” khó khăn đến thế sao mà phải nói “lấy làm tiếc”?

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông cho báo giới biết, Cục PTTH-TTĐT cùng Thanh tra Bộ sẽ có công văn yêu cầu phía VTV giải trình. “Nếu VTV tự giải quyết được trong nội bộ thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ còn phải xử lý về mặt nội dung chứ không phải yêu cầu xử lý về con người. Có thể khẳng định trường hợp này là cơ quan báo chí đã đưa thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, đó là thông tin lừa dối hàng chục triệu khán giả xem truyền hình. Nếu muốn khán giả hoàn toàn có thể kiện được, tuy nhiên đây là việc chưa có ai làm”, ông Lượng nói.

Nhưng ngay cả khi chỉ mong được nghe câu “lấy làm tiếc” thì “nhà đài” vẫn im bặt. Theo báo Tiền Phong, ngày 11/2 vừa qua, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên án tù chung thân đối với Nguyễn Đình Chiến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Nguyễn Đức Chi phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” bị tuyên phạt 4 năm tù giam…

Hai cái tên được nhắc đến ở đây từng được chọn trở thành nhân vật Người đương thời phát sóng trên VTV3. Thế nhưng, khi họ phải lĩnh án vào tù, không thấy nhà đài hay chương trình đưa ra một thông tin phản hồi nào về các nhân vật từng được tôn vinh này… Dẫu rằng, khi công trạng các nhân vật được ngợi ca thì không thể đòi hỏi VTV xác minh hành vi làm ăn của họ nhưng khi nhân vật bị tuyên phạm tội vì chính những “công trạng” mà “nhà đài” đã ngợi ca thì cũng nên có đôi lời nói lại với khán giả.

Trở lại vụ việc “cô Lượm”, thời gian từ lúc phát sóng chương trình đến khi báo chí phản ứng rất ngắn. Thử hỏi, một vài năm sau vụ việc mới được phát hiện thì “nhà đài” có còn nói gì đến nữa hay lại… im lặng? Thái độ im lặng của “nhà đài” có phần coi thường khán giả.

Ngoài những quy định được ghi rõ trong các văn bản về quyền hạn và trách nhiệm của người làm nghề, một số nghề nghiệp cụ thể, do đặc thù riêng nên có những luật điều chỉnh cụ thể. Trách nhiệm ở đây được nhìn nhận dưới khía cạnh văn hóa là văn hóa chịu trách nhiệm trước những việc đã làm hay đúng hơn - thái độ dũng cảm đối diện với sự thật, với những lỗi lầm của mình.

Ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng ứng xử văn minh là phải nhận ra được lỗi của mình và sửa chữa.

HOÀNG ĐĂNG