Văn học Việt “xuất ngoại”: Tự “bơi” là chính

Dòng chảy ngược những tác phẩm văn học Việt Nam (VHVN) ra thế giới không phải là “sự kiện” mới, vẫn âm thầm trong nhiều năm qua nhưng đến nay, thay vì chờ đợi nhà xuất bản (NXB) các nước tìm đến đặt hàng và mua bản quyền như trước đây, các NXB trong nước đã chủ động hơn với nhiều kế hoạch đưa VHVN “xuất ngoại”.

Âm thầm một dòng chảy

Được xem là đơn vị đầu tiên đưa sách ra nước ngoài, cách đây hơn 10 năm, NXB Kim Đồng xác định đối tượng độc giả chính là con em người Việt ở nước ngoài. Vì vậy, các loại sách được chọn “xuất khẩu” tập trung vào thể loại truyện cổ tích, lịch sử Việt Nam, xuất bản dưới hình thức song ngữ Anh - Việt hoặc Pháp - Việt: Sự tích Hồ Gươm, Từ Thức gặp tiên, Cây tre trăm đốt, Năm hũ vàng, Tìm mẹ... Hiện khoảng 10 tựa sách của NXB Kim Đồng như Dế mèn phiêu lưu ký, Sự tích trầu cau, Tấm Cám… đang có mặt ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan… với các ngôn ngữ Anh, Nhật, Hoa, Hàn. Mỗi tựa sách được in từ 1.000 đến 2.000 bản tại mỗi nước. Trong năm nay, NXB Kim Đồng tập trung vào kế hoạch quảng bá, đầu tư cho khâu dịch thuật để giới thiệu những tác phẩm văn học của các tác giả trẻ VN cho độc giả thế giới.

Nhằm giới thiệu với bạn đọc Nhật những tác phẩm có những nét vẽ khác lạ so với manga, đầu tháng 2/2011, Công ty Phan Thị cũng đang thực hiện kế hoạch chuyển ngữ một số tác phẩm nằm trong loạt truyện tranh danh tác Việt Nam: Chí Phèo (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Giông tố (Vũ Trọng Phụng) và bộ truyện tranh Orange (Phong Dương). Dự kiến các tác phẩm truyện tranh VN phiên bản tiếng Nhật sẽ được giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc Nhật Bản vào Lễ hội Comiket diễn ra vào tháng 8/2011 tại thủ đô Tokyo.

Sau khi tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được NXB Dasan Book của Hàn Quốc chuyển ngữ sang tiếng Hàn, NXB Trẻ cũng đã chủ động đưa 1.000 bản tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm Vừa nhắm mắt - vừa mở cửa sổ của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần do dịch giả Trương Tiếp Trương chuyển ngữ với tên gọi Open the window, eyes closed ra thị trường thế giới. Đối tượng độc giả đầu tiên được NXB Trẻ tiếp thị sẽ là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Open the window, eyes closed cũng được giới thiệu trên mạng chuyên về sách www.amazon.com, www.barnesandnoble.com và các hội chợ sách quốc tế sắp tới. Đây được coi là bước thử nghiệm đầu tiên cho việc đưa VHVN đến với thế giới của NXB Trẻ.


Dù còn nhiều khó khăn, nhưng một số tác phẩm văn học Việt
vẫn chủ động tìm đường "xuất ngoại".

Nỗi lo dịch giả

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc đưa VHVN xuất ngoại là vấn đề chuyển ngữ. Bà Quỳnh Liên (Trưởng phòng Bản quyền - NXB Kim Đồng) cho biết, NXB Kim Đồng từng có những giao dịch bất thành không phải vì chất lượng các tác phẩm mà vì không thể tìm được người chuyển ngữ có đủ khả năng chuyển tải được nội dung tác phẩm. Khó khăn này càng tăng gấp bội với việc chuyển ngữ sang tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với NXB Trẻ với một số tựa sách của nhà văn Sơn Nam.

Ở Công ty Phan Thị, đội ngũ dịch giả chính của bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam là những giảng viên người Nhật đang giảng dạy tại các trường ĐH Hà Nội và TP.HCM. Nếu không có đội ngũ dịch giả này, có lẽ kế hoạch “xuất ngoại” của bộ Danh tác Việt Nam không thể khả thi.

Hiện nay, các NXB vẫn chỉ trông chờ vào đội ngũ dịch giả là cộng tác viên và luôn rơi vào tình thế bị động. Ngay như NXB Kim Đồng, việc chuyển ngữ và đưa sách xuất ngoại không phải chỉ mới ngày một ngày hai, nhưng khi muốn chuyển ngữ một tựa sách mới vẫn phải đăng thông tin tìm dịch giả. Tìm được dịch giả rồi cũng chưa chắc việc chuyển ngữ đã thành công. Nếu không có sự say mê và vốn liếng về văn học, thiếu sự thấu hiểu về văn hóa, bản dịch sẽ kém sinh động, không đủ sức thuyết phục người đọc. Tại các hội chợ sách quốc tế, từng xảy ra trường hợp các đối tác muốn tìm hiểu một số tựa sách của Việt Nam, nhưng tiếc là các NXB Việt Nam lại không đủ những tư liệu được chuẩn bị bằng tiếng Anh để có thể thuyết phục được họ.

Gánh nặng chi phí

So với biên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, chi phí chuyển ngữ từ tiếng Việt sang một ngôn ngữ khác cao hơn từ ba – bốn lần. Chưa kể đến các khoản phí tiếp thị, hiệu đính từ các chuyên gia… đã khiến kinh phí để xuất bản một tựa sách chuyển ngữ từ tiếng Việt đội lên cao hơn từ 5 đến 10 lần so với chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Chi phí cao, thực hiện chuyển ngữ khó khăn, nhưng để tìm được một đối tác chịu mua bản quyền lại cũng không dễ. Trong vòng sáu năm, NXB Kim Đồng vẫn mới chỉ cho “xuất ngoại” được khoảng mười tựa sách nhưng vẫn được xem là NXB dẫn đầu. Điều này lại càng khiến các NXB trong nước ít “mặn mà” với việc đưa sách Việt ra thế giới.

Theo bà Quỳnh Liên và ông Phạm Sĩ Sáu (Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch tác quyền NXB Trẻ), vấn đề quảng cáo, tuyên truyền với các NXB và độc giả nước ngoài vẫn chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Tại các hội chợ sách quốc tế, trong khi các nước tham gia hội chợ chuẩn bị cho khâu quảng bá từ trước ngày khai mạc cả tháng, thì Việt Nam thường vẫn chỉ tham gia theo kiểu tham quan, học hỏi là chính.

Những cuộc khảo sát gần đây của các NXB cho thấy, nhu cầu được tìm hiểu văn hóa hiện đại Việt Nam qua văn học của độc giả các nước là có thật. Việc còn lại là làm sao để có những tác phẩm hay và các NXB trong nước phải làm thế nào để chinh phục được những NXB nước ngoài. Quan trọng hơn, cần một sự hỗ trợ về chính sách, bởi việc đưa sách "xuất ngoại" cũng là cách quảng bá văn hóa Việt, quảng bá hình ảnh của đất nước.

Theo Phụ Nữ

THẢO VÂN