Văn Miếu nói gì?

Từ ngày chính sách mở cửa theo liền chính sách đổi mới, Văn Miếu Hà Thành đã trở nên một thắng cảnh văn hóa số một đối với các đoàn khách chính thức và cả với các đoàn du lịch nước ngoài.


Có nhiều bạn nước ngoài ở Thủ đô thường đến nơi đây tìm sự yên tĩnh bóng mát của cây đa, cây đề, cây muỗm, vào những ngày hè nóng nực, hay để trầm tư bên những con hạc đồng, những con rồng đá thời Lê, những bia Tiến sĩ.

Có những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu Văn Miếu – Quốc Tử Giám với người nước ngoài, coi đó là biểu tượng duy nhất của văn hóa truyền thống Việt Nam. Và nhiều khách nước ngoài cũng tin là thế.

Không phải hoàn toàn thế. Mặc dù Văn Miếu – Quốc Tử Giám có một vị trí điển hình hết sức quan trọng, nó chỉ địa diện cho một bộ phận ưu tiên về bề nổi của nền văn hóa cổ điển Việt Nam: Văn hóa bác học, và đặc biệt Khổng học trong văn hóa bác học. Dĩ nhiên là thế, vì Văn Miếu thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám dạy Khổng học.

Văn Miếu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Văn Miếu không nói rõ lên được một phần chìm, phần sâu lắng của bản sắc dân tộc và văn hóa người Việt chúng ta. Claude Palazzoli đã có một nhận định xác đáng: “Tính độc đáo của quá trình Việt Nam chính là ở chỗ này: sự hấp thụ những ảnh hưởng bên ngoài được tiến hành thông qua một công trình tinh luyện chuyển hóa làm cho chúng thích nghi những ảnh hưởng ấy, được tích lũy một cách nhuần nhuyễn trong khi những nét dân tộc chủ yếu không hề bị giản lược, những nét khiến cho đất nước đến nay vẫn giữ được bản sắc của mình, mặc dù có những cố gắng ngoại lai nhằm no dịch hóa hoặc chia cắt”(1).

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt được xây dựng từ thiên niên kỷ trước Công nguyên, với nền văn mình sông Hồng thuộc thời đại đồ đồng, trong bối cảnh Đông Nam Á. Thời đó, đế chế Trung Hoa chưa thành hình. Ông Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Có một nền văn minh Việt Nam…, nền “văn minh trống đồng” khác với nền văn minh Trung Hoa xuất hiện ở lưu vực sông Hoàng Hà với “như những chiếc vạc ba chân và bốn chân”(2).

Qua hơn nghìn năm Bắc thuộc và tiếp đó cho đến cuối thế kỷ XIX, Việt Nam đã bảo tồn được cái gốc văn hóa bản địa ấy, đồng thời tiếp tục xây dựng và làm phong phú thêm bản sắc dân tộc bằng cách tiếp thụ và chuyển hóa những yếu tố mượn của văn hóa Trung Hoa. Khổng học du nhập Việt Nam trong hoàn cảnh ấy, Khổng học ở Việt Nam cũng phải xét từ góc cạnh ấy.

Nếu sau khi tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám mà khách nước ngoài có ấn tượng là tất cả nền văn hóa truyền thống Việt Nam chỉ là Khổng học “nguyên xi”, chỉ là “cái đuôi” của văn hóa trung Hoa, thì coi như hướng dẫn viên du lịch thất bại. Dĩ nhiên, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn có giá trị tượng trưng lớn, nhưng không phải là tất cả văn hóa truyền thống Việt Nam.


(1)

Nước Việt Nam giữa hai huyền thoại – Paris, 1981.

(2)

Theo Alian Ruscio (Paris).

Trích Hà Nội của tôi, Hữu Ngọc, NXB Thanh Niên, 2010, trang 48-49.

Hữu Ngọc