Vấn đề người di tản trên thế giới năm 2015

Quả đất của loài người không còn là một hành tinh xanh với tự do ai muốn đi đâu, ở đâu thì đi thì ở, mà đã có rất nhiều biên giới - biên giới thiên nhiên, biên giới chính trị và biên giới lòng người. Năm 2015, trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các biên giới còn lộ ra rõ thêm.

Từ ngữ tiếng Pháp “immigration” có gốc tiếng La tinh “in-migrare” có nghĩa là “bước vào một nơi chốn”, ngày nay từ ngữ này chỉ những “người lạ” (les étrangers) di tản từ một nơi khác đến một nơi nào đó để tạm trú hay để định cư vĩnh viễn, trở thành những người “immigrés” được xã hội đó cho sinh sống và quản lý.

Từ thuở khai thiên lập địa, luôn có những làn sóng con người đi từ nơi này sang nơi khác để sinh sống. Cuốn tiểu thuyết Notre Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo là một luận cứ bảo vệ cuộc đời và số phận của những người di tản.

Gần đây nhất, vào giữa tháng 7-2015, có sự kiện các vị tù trưởng người da đỏ vùng Amazon, đầu đội mũ lông nhiều màu xanh trắng đỏ vàng như trong cổ tích bằng tranh, đến từ Brazil gặp Tổng thống Pháp François Hollande để yêu cầu giúp đỡ vì khu vực rừng rậm sinh sống của họ tại Brazil đang bị các thế lực kinh tế xâm chiếm, hủy hoại.

Những sự kiện khủng hoảng to lớn như chiến tranh, bom đạn, nhà cháy, làng cháy, đàn áp, bắt bớ, tù đày, tra tấn, hủy hoại kinh tế, áp bức tinh thần, những biện pháp cải tổ, cải tạo khắc nghiệt, tịch thu tài sản, khủng bố tính mạng… là những nguyên nhân chính thúc đẩy con người, dù là trong những điều kiện sẽ phải hy sinh mạng sống, vẫn phải liều mạng ra đi, chạy trốn, thoát thân.

Nhìn trên bản đồ địa lý chính trị (géopolitique) ngày hôm nay, “vòng đai lửa” kết tạo bởi tình hình khủng hoảng tại Trung Đông và khu vực biển Địa Trung Hải, châu Phi, khiến cho các nước lục địa châu Âu bị đối mặt với áp lực của làn sóng người di tản, đặc biệt từ các nước như Syria, Iraq, Afghanistan, Somalia, Eritrea, Kosovo, Albania, vùng Sub-Sahara-Africa (châu Phi hạ Sahara)…, mà mục đích của họ là vào được một trong những nước châu Âu, hay những nước giàu có khác.

Tuy nhiên, những nguyên nhân khác như sự kiện “chảy máu chất xám” của các quốc gia đang phát triển cho những quốc gia đã phát triển cũng là một nguyên nhân quan trọng trong vấn đề di tản thế giới. Đó là thành phần những người có trình độ học vấn cao đi tìm nơi “đất lành chim đậu”, vì họ không có điều kiện làm việc thích hợp, không có chỗ đứng trong xã hội hay không được trọng đãi trong xã hội gốc của họ. Việc chảy máu chất xám nặng nhất là của các nước châu Phi và Mỹ La-tinh như Guyana, Bardade, Haiti, Trinidad and Tobago, Jamaica, Tonga, Zimbabwe, Mauritius, Congo, Belize và Fidji.

Thống kê mới nhất của Liên hiệp quốc, xuất bản ngày 3, 4-10-2013 cho biết hiện nay có 232 triệu người đi di tản trên thế giới và tình hình di tản có khuynh hướng tăng. Nhưng dù thế, so với dân số thế giới hiện nay, thì con số người đi di tản chỉ chiếm có 3,2%.

Thống kê Liên hiệp quốc năm 2013 cũng liệt kê danh sách những quốc gia thu nhận người di tản nhiều nhất là nước Mỹ (45,8 triệu người), Liên bang Nga (11 triệu người), Đức (9,8 triệu người), Saudi Arabia (9,1 triệu người), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (7,8 triệu người), Anh (7,8 triệu người), Pháp (7,5 triệu người), Canada (7,3 triệu người), Úc và Tây Ban Nha (mỗi nước nhận 6,5 triệu người).

Tổng số người di tản được phân tán trên tổng cộng 165 nước. Đặc biệt, sự việc di tản thường là một sự kiện nguy hiểm đến tính mạng, nhưng con số phụ nữ trong thành phần người di tản lên đến 48%, vì thường là những trường hợp đoàn tụ gia đình, đi lao động có hợp đồng, đi du học…

Mỗi quốc gia trên thế giới có một chính sách cho di tản/định cư của mình, lựa chọn người di tản theo nhiều yếu tố, theo kiểu “chấm điểm” như quốc tịch gốc, gốc tích văn hóa, trình độ học vấn, khả năng sinh ngữ, giới tính, sức khỏe, tuổi tác, tài sản đã có hay khả năng tài chính…

Theo định nghĩa quản lý hành chính trong chính sách di tản/nhập cư của các quốc gia châu Âu hiện nay thì “người di tản” (immigré) là người sinh ra ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, đến sinh sống tại một nơi nào đó; “sinh viên di tản” (étudiant immigré) là những sinh viên sinh ra ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, tuổi từ 16 đến 29, có trình độ đại học hay tối thiểu là có bằng tú tài.

Những người di tản có thể xin nhập quốc tịch của quốc gia thu nhận sau một thời gian nhất định và hội đủ những điều kiện đòi hỏi về hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, khả năng sinh ngữ, trình độ hội nhập… Cũng có những trường hợp có người có được hai hay ba quốc tịch khác nhau.

Nhưng trong đời sống thực tế và trên các thống kê, thì quốc tịch không phải là yếu tố chính để phân loại ai là người di tản, mà yếu tố phân biệt là nơi sinh, là cái gốc văn hóa, cái dòng giống chính thống, màu da và tiếng mẹ đẻ.

Người Pháp là người có cha mẹ đều là người Pháp gốc. Người có quốc tịch Pháp nhưng sinh ra ở Việt Nam, có cha mẹ là người Việt Nam là người di tản.

Thống kê mới nhất của Viện thống kê quốc gia Pháp INSEE cho năm 2013, xuất bản vào tháng 11-2014, cho biết có 5,8 triệu người di tản/nhập cư sinh sống tại Pháp, tức là 8,8% trên tổng dân số Pháp, sau khi đã trừ ra con số tử vong và con số những người đã rời nước Pháp đi sinh sống ở nơi khác.

Trong con số 8,8% này thì người di tản chiếm đa số là đến từ 27 nước thuộc khối Liên minh châu Âu, kế đến là các nước châu Phi, thứ đến là các nước châu Á và sau cùng là người di tản từ châu Mỹ và các lục địa khác.

Đặc biệt nước Pháp thừa hưởng sự kiện “chảy máu chất xám” của cả thế giới, thống kê INSEE năm 2013 cho biết tỷ lệ không có bằng cấp của người di tản sinh sống tại Pháp chỉ chiếm có 27%, 10% người di tản có bằng trung học, 24% có bằng tú tài và 38% có trình độ đại học và trên đại học. Nhưng nước Pháp có muốn sử dụng loại chất xám di tản hay không thì đó lại là chuyện khác.

Vấn đề di tản/nhập cư luôn luôn là một chủ đề “rất nóng” trên báo chí và trong dư luận dân chúng vì những nguyên nhân chính là sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo và bất mãn vì kinh tế (phải trợ cấp cho người di tản, cạnh tranh trên thị trường lao động), cũng như bất mãn vì nhiều bất an về tôn giáo, khủng bố.

Trong tháng 7-2015 có hai sự kiện chấn động báo chí và dư luận. Đó là sự kiện khoảng 5.000 người di tản tìm cách chui đường hầm Eurotunnel dài 50km, xây dưới lòng biển Manche, nối bờ biển Pháp tại Nord-Pas de Calais với bờ biển Anh tại Dove, bất chấp mọi nguy hiểm tính mạng, vì họ cho rằng nước Anh là thiên đường hạ giới cho người di tản/nhập cư, dù họ đã được chính phủ Pháp cấp phát trợ cấp, quần áo, lương thực, chăm sóc y tế, chỗ ở…

Sự kiện thứ hai là trong 6 tháng đầu năm nay đã có 173 vụ vi phạm hình sự được các cơ quan cảnh sát Đức ghi nhận như đốt nhà, đốt trại người nhập cư, tấn công đánh đập nhục mạ người nhập cư tại Đức. Những tờ báo đứng đắn của Đức cho rằng các phát biểu của một số chính khách, những bài báo hâm nóng việc chống di tản/nhập cư đã khích động dân chúng biến thành hành động hình sự. Nước Đức như đã quên hẳn rằng, sau thế chiến thứ hai (1939-1945), nếu không có những người di tản/nhập cư lao động rẻ đến từ các nước như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Yugoslavia thì những ai đã góp phần xây dựng tạo nên giai đoạn “Kinh tế thần kỳ” trong suốt hai, ba thập niên 1950-1970 của Đức?

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)