Năm nay Thượng Quan Đỉnh, nhà tiểu thuyết võ hiệp Đài Loan tái xuất giang hồ bằng tiểu thuyết Vương đạo kiếm sau 46 năm gác bút. Thượng Quan Đỉnh vốn là bút danh của ba anh em Lưu Triệu Lê, Lưu Triệu Huyền, Lưu Triệu Khải. Thượng Quan là họ kép, còn Đỉnh có ba chân, chỉ ba anh em. Những năm 60 thế kỷ XX, truyện võ hiệp rất thịnh ở Đài Loan, vốn ham đọc truyện, lại thấy truyện cũng không khó viết, ở tuổi 19, 17 và 14, ba anh em hưởng ứng lời mời gọi của nhà xuất bản, vả lại cũng muốn tự kiếm tiền mua súng hơi cho mình, đã cùng nhau sáng tác. Người anh viết về tình cảm nam nữ, cậu em viết về đánh võ, còn Lưu Triệu Huyền là người viết chính, lắp ghép lại thành tác phẩm hoàn chỉnh. Họ đã viết 10 truyện là Hà Lạc nhất kiếm, Trường Can hành, Trầm sa cốc, Thiết kỵ lệnh, Phong Nguyên mông hiệp truyện, Thập bộ can qua, Bình tung vạn lý lục, Hiệp cốt quan, Kim đao đình, Kiếm độc Mai Hương (Lưu Triệu Huyền viết thay Cổ Long). Kim Dung từng khen ngợi, trong số tác giả truyện võ hiệp rất đông ở Đài Loan, ông đánh giá cao hai người là Cổ Long và Lưu Triệu Huyền.
Năm 1968, Thượng Quan Đỉnh tuyên bố rửa tay gác bút, cả ba ra nước ngoài theo học môn lý, hóa và giành học vị tiến sĩ. Riêng Lưu Triệu Huyền sau khi về Đài Loan, lần lượt nhận chức hiệu trưởng hai trường đại học Thanh Hoa, Đông Ngô rồi được cử làm viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan (tương đương chức thủ tướng); năm 2009 từ chức. Lần này, tuy Vương đạo kiếm lấy tên Thượng Quan Đỉnh nhưng chỉ một mình Lưu Triệu Huyền chấp bút.
Ngày 31 tháng 8 vừa qua, trong buổi họp ra mắt Vương đạo kiếm tại Thư viện Bắc Kinh, Lưu Triệu Huyền và Dịch Trung Thiên, giáo sư khoa Văn trường Đại học Hạ Môn, nổi tiếng nhờ bình giảng Tam quốc rất hay trên đài truyền hình trung ương, đã trao đổi về bộ truyện và vương đạo.
Lưu Triệu Huyền: Thông thường theo quy củ của võ lâm, nếu không có lý do quan trọng đặc biệt ma ̀tái xuất giang hồ sau khi đã tuyên bố rửa tay gác kiếm thì người trong giới ắt coi rẻ. Tôi nghĩ mọi người sẽ thông cảm với lý do của tôi: một là, tôi viết truyện này để kỷ niệm người bạn học chí thiết. Anh có mời tôi tham gia công ty khoa học kỹ thuật của anh ở Phúc Kiến, tôi chưa kịp sang thì anh mất; hai là, năm 2012, thực hiện lời hứa với bạn, tôi sang Phúc Kiến, tình cờ nghe mấy cán bộ văn, sử ở đây kể về tung tích của vua Kiến Văn đế đời Minh, khiến tôi lại có hứng thú tái sáng tác.
(Kiến Văn đế tên Chu Doãn Văn, con người con trai thứ hai Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương, lên ngôi năm 1399. Kiến Văn đế đọc kinh điển Nho gia từ nhỏ, tính nết ôn hòa, khi còn là hoàng thái tôn đã xin ông nội cho sửa 73 điều quá nghiêm khắc trong Đại Minh luật nên được lòng dân. Sau khi lên ngôi lại thi hành chính sách trừ bỏ phiên trấn cát cứ, phế truất Chu vương, Tề vương. Thấy vậy, Yên vương Chu Lệ ra tay trước, phát động chiến dịch Tĩnh Nạn, đem quân đánh Kinh đô. Cung vua bị đốt, hoàng hậu chết cháy, vua mất tích. Chu Lệ lên ngôi lấy hiệu là Minh Thành tổ. Chú thích của P.T.C)
Bộ truyện của tôi có ba trục giao nhau. Một là lịch sử, phần nào liên quan đến lịch sử, tôi dốc sức trung thành. Đoạn lịch sử này rất thú vị vì có nhiều khoảng trống cần phải bổ sung. Ai cũng muốn biết rốt cuộc Kiến Văn đế đi đâu. Chính vì có nhiều khoảng trống nên tôi mới có đất để viết, nếu không đã biến thành viết sử rồi.
Hai là vua mất tích sau khi bị chú ruột đánh bại. Vị vua nho nhã, sức yếu ấy muốn bỏ trốn màkhông có nghĩa sĩ tài giỏi giúp đỡ ắt không thể được. Cho nên đây là cái cầu thông với võ hiệp, võ hiệp hòa vào để thành tiểu thuyết võ hiệp lịch sử. Tôi hy vọng truyện này làm nổi bật được những chỗ khác với truyện trước kia, ví như võ công phải học từ một quyển bí kíp nào đó, hoặc được dội từ đỉnh đầu xuống trong năm sáu chục năm. Tôi mong nghĩa sĩ có tư chất, có tu dưỡng, tự mình tích góp từng chút một để rồi tự phát triển, cuối cùng biến thành sức mạnh của mình. Tôi thấy quá trình đó rất đáng viết vì có tác dụng gợi mở cho bạn đọc.
Ba là vương đạo. Ở đây có một cách nghĩ rất cơ bản, vua thật ra phải là“nội lực ngoại vương”. Nếu vua không có một lực lượng rất mạnh chống đỡ ở bên trong thì vương đạo chỉ là lời nói. Chúng ta hãy xem Mạnh Tử gặp Tề Tuyên vương, Lương Huệ vương, lần nào ông cũng thuyết phục họ thi hành vương đạo. Nhưng thời bấy giờ, tất cả những vị vua sở dĩ xưng vương được là nhờ họ ngày nào cũng làm những việc trái ngược với lời khuyên của Mạnh Tử. Lời Mạnh Tử không lọt được vào tai họ cho nên thời ấy, vương đạo chỉ có trong lời nói, vĩnh viễn không có cách gì thực sự thực hiện trong đời. Bởi thế, về cơ bản, bên trong con người cần có một lực rất mạnh chống đỡ, không phải chỉ cần học võ mà là phải có võ công.
Thật ra, vương đạo có quan hệ nhất định với làm người, làm việc, học tập, tôi muốn hòa cả ba vào truyện. Chúng ta đã nói về vương đạo trong rất nhiều trường hợp, ở rất nhiều nơi trên thế giới. Trong lớp, khi tôi giảng về vương đạo, học trò đều lấy điện thoại ra xem, chẳng ai chịu lắng nghe. Nhưng khi sách tôi viết xuất bản ở Đài Loan, rất nhiều người muốn thảo luận với tôi về vương đạo. Tôi nghĩ mình nên đổi sang phương pháp khác, bọc vương đạo bằng văn học vànghệ thuật thì sức lan tỏa của vấn đề sẽ mạnh hơn nhiều. Đó là ý nghĩ của tôi, còn như có đạt được mục đích như tôi dự đoán hay không, phải nghe ý kiến của bạn đọc.
Dịch Trung Thiên: Trong các loại tiểu thuyết võ hiệp trước đây, các tông phái võ lâm thật ra thay mặt cho Phật gia, Đạo gia vàMặc gia giải thích về hiệp nghĩa vàcông nghĩa, rất ít giải thích tinh thần võ hiệp trên cơ sở tinh thần Nho gia. Bộ truyện mới xuất bản của Thượng Quan Đỉnh chính là một thử nghiệm đáng quý về khía cạnh ấy. Trong truyện, sau chiến dịch Tĩnh Nạn, nhân vật chính cùng nhân sĩ giang hồ dốc sức cứu người thay mặt cho tinh thần Nho gia, có tấm lòng của vua thánh là Kiến Văn đế, đối kháng với Vĩnh Lạc đế bạo ngược, bất nhân, lòng họ luôn hướng về nhân ái và tinh thần gánh vác của Nho gia.
Lưu Triệu Huyền: Đúng thế. Tiểu thuyết võ hiệp trước đây hầu như thiên viết về Đạo giáo và Phật giáo, cho nên tinh thần Nho gia, nhất là tư tưởng vương đạo vẫn có không ít không gian để nhà văn phát triển. Võ có lẽ là giáo cụ, thủ đoạn, cái nó biểu đạt thật ra là hiệp, mà hiệp thì không chỉ là bá đạo, còn bao gồm rất nhiều tinh thần nhân nghĩa tương quan mật thiết với tư tưởng Nho gia. Điều này càng có nội hàm đặc biệt đối với việc xây dựng văn hóa Trung Hoa. Tôi mong khai thác sâu hơn nữa qua lần sáng tác này.
Trong truyện, Chu Nguyên Chương diệt Minh giáo, người sống sót là Phương Ký căm thù đến tận xương, nhưng sau đó, ông ta gạt bỏ thù hận, cứu cháu của Chu Nguyên Chương là Kiến Văn đế. Tiểu thuyết võ hiệp trước kia bao giờ cũng là“quân tử báo thù mười năm không muộn”, thù hận không bao giờ hóa giải được. Trong Vương đạo kiếm thì không như thế. Điều tôi muốn biểu đạt là dùng tư tưởng vương đạo của Nho gia sáng tạo nên một thế giới vĩnh viễn phát triển, đại đạo sẽ đến, chinh phục bằng đức.
Vương đạo kiếm thể hiện những suy nghĩ của tôi qua nhiều năm về văn hóa Nho, Thích, Đạo và về tinh thần hiệp nghĩa của Trung Quốc. Lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc là quá trình vương đạo cọ sát, phân tranh và hòa nhập với bá đạo. Nhất là trong tình hình trật tự thế giới băng hoại như ngày nay, càng cần lấy tinh thần nhân ái của vương đạo trong văn hóa truyền thống Trung Quốc để điều hòa thế giới hiện đại đang ngày càng tàn bạo, nặng về công lợi, để phản đối sự áp chế, không tự do dưới mọi hình thức.
Dịch Trung Thiên: Tôi tán đồng vương đạo là đạo nhân nghĩa. Người đứng đầu bậc vương giả cũng đứng đầu về nhân ái. Bản thân kiếm làđồ dùng của người quân tử, bậc đại hiệp cũng đều dùng kiếm. Tôi cũng đồng ý cách định vị cho tiểu thuyết võ hiệp lịch sử. Tiểu thuyết võ hiệp lịch sử có hai loại, Xạ điêu anh hùng truyện của Kim Dung lấy lịch sử làm bối cảnh là một loại; cũng có thể đổi sang lịch sử một triều đại khác, song vẫn là ân oán giang hồ, tranh quyền đoạt lợi. Loại thứ hai là loại của Thượng Quan Đỉnh, lịch sử chiếm một lượng lớn trong tiểu thuyết. Hai loại này có cao thấp, sang hèn, nhưng vẫn là tiểu thuyết chứ không phải lịch sử. Hiệp trong tiểu thuyết võ hiệp trước đây có thể là nhà sư, là đạo sĩ, là ăn mày. Ăn mày thể hiện tư tưởng Mặc gia, sau đó Hán Vũ đế độc tôn Nho gia, Mặc gia rút vào bí mật, trở thành giang hồ. Rất ít người xây dựng nhân vật hiệp Nho, lần này có hiệp Nho trong truyện của Thượng Quan Đỉnh, đó là cảm xúc rất sâu sắc của ông.
Có điều, từ Hán Vũ đế đến Chu Nguyên Chương đều mượn danh vương đạo để thực hành bá đạo, làm gì có vương đạo? Triều đình không thực hành vương đạo thì để giang hồ thực hiện vậy. Nhưng giang hồ lại không có đủ lực lượng để thực hiện, vì thế trong lịch sử hàng mấy nghìn năm của Trung Quốc, vương đạo vĩnh viễn chỉ làgiấc mộng.
Lưu Triệu Huyền: Thật ra, vương đạo cũng như toàn bộ đạo lý Nho gia trước đây đều khác hẳn với võ hiệp, võ thuật va ̀triết lý của võ hiệp. Nhưng mấy năm nay tôi để tâm suy nghĩ về vương đạo, giảng về vương đạo ở nhiều nơi, tôi cảm thấy đôi bên có liên quan với nhau. Từ năm 2000 đến nay, người ta nói nhiều về vương đạo nhưng chưa thật sựthực hiện được trong thế giới hiện thực. Tại sao? Tại vương đạo thiếu hậu thuẫn lớn mạnh. Nếu bề trong không có “lực” thì bề ngoài không cách gì hình thành được “vương”, muốn đạt được mục đích đành phải dùng “bá”. “Lực” ấy đương nhiên theo nhìn nhận hiện nay không nhất thiết làvũ lực màcó thể làsức mạnh kinh tế, sức mạnh văn hóa, sức mạnh tổng hợp. Tôi tin rằng trong thế kỷ XXI, mọi người đều có nhận thức chung, không còn dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề. Trung Quốc quật khởi về kinh tế, ít nhất một nước lớn quật khởi như thế mong rằng là lần đầu tiên không phải nhờ chiến tranh tạo nên.
(Tổng thuật từ mạng Tân lãng, báo Quan Sát Kinh tế, báo Bắc Kinh Buổi sáng)