Vĩnh biệt chú Mai Thúc Lân, người lãnh đạo có tâm hồn nghệ sĩ

Nhà nội tôi có năm người con trai. Cha tôi- Mai Thúc Luân là lớn, rồi lần lượt là các chú Mai Thúc Long, Mai Thúc Lân, Mai Quốc Liên và chú út Mai Thành Bang. Sau năm 1954, cha tôi và các chú đều tập kết ra miền Bắc. Chỉ có chú Bang ở lại miền Nam, tham gia phong trào yêu nước ở Sài gòn, bị bắt và bị đày ra Côn đảo hơn 12 năm và chỉ được thả sau ngày 30-4-1975. Cha tôi, chú Long, chú Liên đều theo các nghề văn chương, văn nghệ. Cha tôi học báo chí tại trường Lomonoxop và cả đời làm điện ảnh; khi về hưu là tổng biên tập báo Văn Hóa Nghệ Thuật. Chú Mai Thúc Long cũng làm báo mà là báo nói, khi về hưu chú là phó tổng biên tập Đài Tiếng Nói Việt Nam. Chú Mai Quốc Liên là giáo sư văn học và hiện vẫn làm văn, làm báo dù đã nghỉ hưu. Chỉ có chú Mai Thúc Lân là không theo truyền thống gia đình, mà theo phân công của tổ chức đi học nông nghiệp, rồi đảm nhiệm nhiều chức vụ quản lý lãnh đạo. Trong nhà, chú Lân là người điềm tĩnh nhất, dù nhiều người vẫn nhắc đến chú như một nhà lãnh đạo quyết đoán và quyết liệt. Là cháu gái lớn trong nhà, tôi khá gần gũi cô chú và các em, và cũng thường xuyên được chú hỏi han, quan tâm về công việc. Đối với tôi, một trong những kỷ niệm không thể nào quên về chú là những ngày còn nhỏ, theo mẹ sơ tán về vùng quê Yên Dũng - Hà Bắc, thỉnh thoảng lại thấy cô chú đạp xe lên thăm. Đèo theo xe đạp khi là nải chuối, khi là cân lạc. Dáng người nhỏ bé, nhưng giọng nói vang vang của chú luôn để lại ấn tượng khó phai mờ trong ký ức tuổi thơ tôi. Sau này theo cha mẹ vào TP.Hồ Chí Minh, đến trước khi đi học Liên xô, thỉnh thoảng tôi mới được gặp chú những khi chú vào công tác ghé thăm bà nội, các anh em và các cháu. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, vẫn giọng nói vang vang, nhưng chú ưu tư hơn, lo toan hơn, chắc có lẽ do những công việc càng ngày càng nặng nề mà chú được giao phó. Một thời gian chú và chú Long được cử đi làm chuyên gia bên Campuchia. Đây có lẽ là khoảng thời gian khó khăn gian khổ nhất của chú, của cô và các em tôi. Chính thời gian này có thể chú đã vướng phải căn bệnh viêm gan, là căn nguyên cho chứng bệnh nan y của chú sau này.

Tôi và các em con chú, cũng như các anh chị em trong họ tộc rất kính nể chú về đầu óc phân tích sắc bén, trí tuệ uyên thâm; yêu quý chú vì chú rất tình cảm, thương yêu, quan tâm con cháu. Chú là người được chị em tôi tin cậy hỏi ý kiến nhiều nhất về mọi vấn đề của công việc và cuộc sống. Chú Lân có một cách xử lý mà tôi nghĩ nhiều người phải suy ngẫm. Đó là không khi nào thấy chú chê trách, phàn nàn ai, dẫu là người trong nhà, con cháu hay người ngoài. Chú cũng không bao giờ nói một điều gì làm tổn thương người đối diện. Tôi nghĩ đây chính là văn hóa. Và có lẽ vì thế chú luôn được mọi người trong nhà tin tưởng và trao gửi. Nhận xét về một vấn đề chú luôn gợi mở để mọi người đối thoại cùng suy nghĩ và đưa ý kiến. Có những vấn đề có thể chú đã có chủ ý, nhưng khi nghe xong ý kiến phản biện chú cũng sẵn sàng tiếp nhận không chút cố chấp. Những vấn đề nào không có ý kiến phản biện xác đáng, chú sẽ kiên định bảo vệ và thực hiện đến cùng. Ở chú luôn toát lên một nhân cách lớn. Là một nhà lãnh đạo, chú nắm bắt chắc chắn nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực, âu đó cũng là lẽ bình thường. Nhưng nhiều lần sau khi nói chuyện với chú, tôi tự hỏi một người làm quản lý như chú bằng cách nào, vào lúc nào chú có thể nắm bắt những vấn đề văn hóa, văn nghệ một cách tường tận như vậy. Chú có những cái nhìn rất nhân văn, đầy tính văn nghệ và rất văn hóa. Chỉ có người thực sự quan tâm đến văn hóa, coi trọng văn hóa mới có thể xử lý các vấn đề của kinh tế, của chính trị, của quản lý một cách đầy văn hóa, đậm chất nhân văn như vậy.

Sau này sự tìm hiểu của tôi được ba tôi và chú Liên cho biết, chú là người đặc biệt yêu mến, ham thích văn học - nghệ thuật, báo chí, tư tưởng… Từ bé, ở quê nhà Quảng Nam, chú đã đọc toàn bộ kho sách về Tự Lực văn đoàn, Phổ thông bán nguyệt san, Phong Hóa, Ngày Nay,… các tiểu thuyết của Phú Đức, Hồ Biểu Chánh in ở Sài Gòn. Lớn lên, chú đọc hầu như tất cả các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Việt Nam mới. Và bên cạnh đó là văn học Nga, văn học Pháp, văn hóa thế giới, các tác giả cổ điển. Lúc còn đi học, chú đã ham thích sáng tác, truyện ngắn Trái tim đỏ của chú được giải thưởng ở trường trung học Tam Kỳ (Quảng Nam).

Sau này khi tham gia công tác, với công việc là một kỹ sư nông nghiệp, rồi giữ các trọng trách quản lý lãnh đạo Nhà nước, chú vẫn không bỏ được thói quen “nghiện” các tác phẩm văn học – nghệ thuật. Còn báo chí thì chú đọc thường xuyên, và không bỏ qua một ý kiến, một tin quan trọng nào. Ngay cả khi đã nằm trên giường bệnh, trên tay chú luôn là một tờ báo hoặc một quyển sách.

Với đúng truyền thống gia đình, chú Lân làm thơ, viết bút ký, và đã viết 2 tập văn: Hành trình và cảm nhận (NXB Đà Nẵng, năm 2001) và một tập hồi ký Chuyện đời ấm lạnh buồn vui (NXB Văn hóa - Thông tin, năm 2010). Tất nhiên chú Mai Thúc Lân không phải nhà văn. Chú chỉ yêu thích chứ không làm văn. Dù vậy, chắc chắn kiến thức về văn, tức là về con người, về xã hội, về thế giới bên trong của con người đã giúp chú trong việc lãnh đạo quản lý, làm cho các quyết định, các ý kiến xuất phát từ một chủ nghĩa nhân văn sâu đậm, tin yêu và bảo vệ con người, bảo vệ chân lý…

Trong các nhà văn, chú Mai Thúc Lân đặc biệt thích và thân thương với nhà văn Nguyên Hồng. Vì hồi đó, chú là chủ tịch tỉnh Hà Bắc, còn Nguyên Hồng là “cư dân” của thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc, nên chú hay đi thăm Nguyên Hồng. Ngày còn thơ, chú Mai Thúc Lân đã đọc Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu,… của Nguyên Hồng và rất yêu ông. Khi gặp tác giả, thì cảm tình của chú với Nguyên Hồng tăng bội, vì Nguyên Hồng là một người rất nhân tình, rất đáng yêu, hay khóc…, và nghèo. Nguyên Hồng quý chú, bảo: nếu cho bầu chủ tịch Hội Văn nghệ thì tôi bầu cho ông Lân….

Những lần cô chú vào TP.Hồ Chí Minh, các gia đình sum họp, chú Lân sang sảng nói về văn học, nghệ thuật, về các văn nghệ sĩ mà chú yêu quý và cũng yêu quý chú. Chú luôn có những nhận xét sâu sắc và chân thành mà những người trong nghề như cha tôi và chú Liên cũng thấy bất ngờ.

* * *

Có lẽ nhờ nếp nhà, nhờ giáo dục gia đình, nhờ đọc sách và sự giáo dục của tổ chức cách mạng, chú Mai Thúc Lân nổi tiếng liêm khiết. Hồi chú làm chủ tịch tỉnh Hà Bắc, có nhóm tham nhũng bị phát hiện, chúng biết là nguy, đến “thương lượng” với chú không được, chúng bèn mua lựu đạn ném vào nhà. May mắn cô chú và các em không hề hấn gì.

Chú ăn uống đạm bạc, giản dị, sống và đối xử chân thành, đối với ai ai cũng chân tình quý mến. Chú thân thương với cán bộ cơ sở tập kết ra Bắc ở cùng địa phương như người nhà, và họ cũng xem chú như người trong nhóm bạn, vui buồn có nhau. Đối với anh em, bà con, xóm giềng, bè bạn, chú chân tình, quan tâm, ai đến với chú cũng nhận được sự động viên, thân ái, tình người…

Trong gia đình, với người mẹ là con gái một nhà Nho trong vùng, ông nội và bác ruột là những nhà khoa bảng tham gia phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, truyền thống đó, nếp nhà đó, sự tu dưỡng bản thân, sự giáo dục theo truyền thống cách mạng – Bác Hồ… đã un đúc nên một con người không những chỉ có tài năng quản lý, lãnh đạo, lo được việc nước mà còn là một con người đẹp, một con người của một thời đáng nhớ,…

Chú Mai Thúc Lân là người ủng hộ cái mới, ủng hộ đổi mới, chống tham nhũng. Khi làm chủ tịch tỉnh Hà Bắc, chú kiên quyết chủ trương và thực hiện khoán hộ cho nông dân. Chú trăn trở với những trì trệ, tụt hậu, có cái “nát” của bộ máy, của tình hình. Khi làm bí thư tỉnh Quảng Nam – Đà nẵng, chú chú trọng bồi dưỡng và kiên quyết đưa các đồng chí trẻ có năng lực, phẩm hạnh lên làm kế thừa, dù có ý kiến phản đối; Khi làm Quốc hội, chú cũng thẳng thắn góp ý, phản biện đối với các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Phát biểu với báo chí, trong đó có thanh niên, chú bảo rằng chú đứng về cái chân chính, cái chân lý, lẽ phải, thẳng thắn, rạch ròi,… Đau đáu với công việc của đất nước, chú Lân quan tâm đến những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng của ngừời dân. Trao đổi với tôi về giáo dục, chú luôn nhắc nhở giáo dục của ta phải đảm bảo cho người nghèo, nhưng có tài có cơ hội được học hành, thăng tiến. Giáo dục là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi gia đình và vì thế phải được giải quyết một cách thận trọng và toàn diện. Bàn bạc về pháp luật chú cũng rất rõ ràng. Chú bảo luật pháp phải nghiêm minh, ban hành và thi hành phải đồng bộ, tránh đưa lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ngành vào các văn bản luật. Từ nhiều năm trước chú Lân đã lo về lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ngành trong hoạt động lập pháp, sau này Đảng và Nhà nước ta đã rất chú ý và có nhiều giải pháp để ngăn chặn và xử lý nguy cơ này.

Những lần ra thăm chú, tôi luôn thấy người dân, cán bộ và lãnh đạo các tỉnh chú đã từng là người đứng đầu như Quảng Nam, Hà Bắc, đến thăm và thể hiện sự yêu quý, kính trọng chú. Có lẽ mọi người yêu kính chú vì chú không “hô hào”. Lúc vào tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng làm Bí thư, đi chỉ có một va-li quần áo cũ, thì lúc ra Hà Nội cũng chỉ là cái va-li ấy xách về… Ngày ở Hà Bắc khó khăn, bom đạn, nhà nghèo, đông con,… chú khoai sắn cùng nhân dân, cho nên bây giờ nhiều người còn nhớ, còn nhắc đến chú, thân thiết và nhiều người cứ lễ, tết,… là đến thăm chú. Tình cảm đó, sự gắn bó thân thiết đó, là cái đáng quý hơn mọi thứ trên đời!

Những ngày cuối cùng, nhìn chú trên giường bệnh, thật sự tôi không thể nén được cảm xúc đau đớn và bất lực. Đau đớn nghĩ đến lúc chú ra đi, đây thực sự là mất mát và hụt hẫng. Chú đã luôn là tấm gương, là điểm tựa tinh thần của nhiều người. Bất lực vì không thể làm gì để một người, một nhân cách như chú có thể tiếp tục ở lại mà đem đến thêm những điều tốt đẹp cho cuộc đời này. Nhưng thôi, hãy để chú ra đi thanh thản và tin rằng những điều chú trăn trở sẽ được nhiều người – những người đồng chí, học trò; những người tin tưởng chú và được chú tin tưởng sẽ làm tốt và ngày càng tốt hơn. Vĩnh biệt chú và xin hứa sẽ noi gương chú!

 

--------------------

* GS-TS, Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM

MAI HỒNG QUỲ*