Gần hai tháng trước, từ Hà Nội, ông Mai Thúc Lân gọi điện cho tôi. Trong câu chuyện, ông nhắc đến cầu Đông Xuyên - Mai Đình và hẹn, có dịp mình sẽ đi Bắc Giang, cùng với Trần Quyển về Việt Lập - nơi sơ tán thời đánh Mỹ, rồi tới Hiệp Hòa thăm lại Trung Hòa - điểm mình chỉ đạo cải tạo đất năm xưa, rồi qua cầu Mai Đình ngắm cảnh đổi mới. Vậy mà…
Lời hẹn ấy chưa kịp thực hiện, tôi đã nhận được tin ông đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội, như bà Dương Thị Khanh - người bạn đời của ông thông báo là sẽ khó qua khỏi nên sáng 28-10, chúng tôi vội vàng đến thăm, nhìn ông nằm thở ô-xy mà thấy lòng mình se lại. Dẫu biết việc này sẽ đến nhưng sáng hôm sau (29-10), khi nhận tin qua điện thoại rằng ông đã ra đi, tôi vẫn thấy bàng hoàng.
Tôi quen biết Mai Thúc Lân vào hè năm 1967. Khi ấy, Ty Nông nghiệp Hà Bắc thời chống Mỹ sơ tán về xã Việt Lập (Tân Yên). Trong một lần vào hầm trú ẩn tránh máy bay địch, trên đường về nơi làm việc, tôi bỗng thấy có tiếng gọi phía sau. Thì ra do vô ý, tôi đánh rơi tập tài liệu, người giao lại là Mai Thúc Lân, công tác ở phòng Trồng trọt, còn tôi mới từ Ty Khai hoang nhập về, làm ở phòng Kế hoạch.
Sau này, khi cơ quan rút về thị xã Bắc Giang và cùng ở một khu, tôi và ông có điều kiện gần gũi nhau hơn bởi ngoài say mê khoa học kỹ thuật nông nghiệp, lại là lãnh đạo một phòng, nhưng Mai Thúc Lân còn rất ham thích văn chương, báo chí, trong khi tôi lại được cơ quan giao đảm nhận công việc ấy, nhất là khi Ủy ban Nông nghiệp Hà Bắc (sau này là Sở Nông nghiệp) xuất bản tập san “Nông nghiệp Hà Bắc” để động viên, hướng dẫn các hợp tác xã áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý sản xuất do Mai Thúc Lân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ty Nông nghiệp kiêm Trưởng Ban Biên tập. Gọi là Ban, nhưng thực tế chỉ có tôi làm biên tập, Mai Thúc Lân đọc lần cuối. Tuy bận nhiều việc, nhưng số bài của mỗi số tập san bảy, tám chục trang in khổ 19cm x 27cm, tôi chuyển tới ông chiều hôm trước, thì sáng hôm sau ông đã đọc xong để kịp in.
Ngoài những bài viết cho tập san nhà, Mai Thúc Lân còn là cộng tác viên của báo Hà Bắc (nay là báo Bắc Giang) và một số báo trung ương. Ông là tác giả của nhiều bài xã luận, chuyên luận sắc sảo trên báo Hà Bắc.
Là người giúp việc cho lãnh đạo của mình một thời gian dài, tôi thấy ông Mai Thúc Lân rất cẩn trọng và chu đáo trong công việc. Chẳng hạn, có lần báo Nhân dân đặt ông viết một bài về phát triển đậu tương ở Hà Bắc, song do công việc bận, ông giao cho tôi bản đề cương, nêu ý chính của từng vấn đề, bên dưới ghi: “Quyển ơi, sơ bộ tớ gợi một số ý cho bài đậu tương. Quyển tham khảo và viết cho một bài hoàn chỉnh nhé - Lân”. Vậy là tôi cứ bám vào ý tưởng ấy mà phát triển.
Năm 1980, khi Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Bắc thành lập, tôi và Mai Thúc Lân là hai trong số văn nghệ sĩ của tỉnh được kết nạp đợt đầu, mỗi hội viên phải nộp văn (1 bài) và thơ (3 bài). Khi ấy, Hội tạm ứng nhuận bút cho những ai có tác phẩm một khoản tiền. Lúc nhận số tiền này, tôi có ký lĩnh hộ Mai Thúc Lân và đưa cho “bà xã” ông. Thế nhưng, hai hôm sau đó, ông gặp tôi và bảo:
- Mình cảm thấy thơ của mình không xứng với thù lao này. Vậy Trần Quyển giúp mình hoàn lại Hội Văn nghệ đi.
Tôi nói rằng, tiền này là thực hiện theo chế độ nhuận bút thông thường. Vả lại, họ đã quyết toán rồi, nộp lại thì biết đưa vào đâu được. Nói vậy nhưng ông kiên quyết không nghe.
Mai Thúc Lân là người rất coi trọng văn hóa - tư tưởng, văn học - nghệ thuật. Hàng quý, ông chỉ đạo chúng tôi mời các diễn giả có tầm cỡ về nói chuyện với câu lạc bộ cơ quan, trong số đó phải kể đến Nhà văn Nguyên Hồng, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nghiên cứu văn học, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Phó Tiến sĩ Vật lý Đinh Ngọc Lân, Nhà văn Quỳnh Cư - tác giả nhiều tập sách “Những vì sao đất nước”…
Dịp nghỉ phép trước khi được cử đi làm chuyên gia tại Campuchia, Mai Thúc Lân rủ tôi đi thăm một số huyện và các đơn vị trong ngành nông nghiệp, rồi lên ấp Cầu Đen thăm Nhà văn Nguyên Hồng. Tác giả “Bỉ vỏ” cùng vợ tiếp đón, chuyện trò với chúng tôi rất cởi mở, thân tình như người nhà. Ông kể lại những kỷ niệm trong đời viết văn, nhất là khi thấy bàn viết của ông là cái… chõng tre, ngồi trên chiếu một, phía sau có cái gối khi nào mỏi thì ngả lưng. Lúc ra về, tôi đi trước, Nguyên Hồng và Mai Thúc Lân đi sau, vẫn vai sát vai chuyện trò. Tôi đã chụp được vài kiểu ảnh rất có hồn. Khi nhà văn lặng lẽ ra đi, tôi đã gửi tấm ảnh này sang Campuchia cho Mai Thúc Lân. Sau này, tấm ảnh ấy được in minh họa trong tập hồi ký của ông.
Cứ như vậy, sau khi hoàn tất nhiệm vụ của người Đoàn trưởng chuyên gia tại Bat-đom-boong Campuchia trở về Hà Bắc làm Chủ tịch UBND tỉnh, rồi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (khi chia tách thành TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), rồi trở lại Hà Nội tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tới khi nghỉ hưu cho đến sau này, Mai Thúc Lân cùng gia đình ông và gia đình tôi vẫn có mối quan hệ thân thiết như bạn bè, chứ không phải cấp trên cấp dưới. Ngoài việc hỏi thăm nhau qua điện thoại, mỗi năm tôi và ông gặp nhau một vài lần tại nhà tôi ở Bắc Giang hoặc nhà ông ở Hà Nội.
Mai Thúc Lân có gửi cho tôi bài thơ “Về hưu”, như lời ông nói là họa theo bài thơ cùng tên của Lê Đình Cánh. Đọc, tôi thấy một bên là trách cứ, phàn nàn, còn một bên vẫn cởi mở, lạc quan như Mai Thúc Lân đã viết: “Về hưu thanh thản tuổi già/ Sáng tập thể dục chiều ra ngắm vườn…/ Đồng lương dẫu có giảm đi/ Nhưng biết tiết kiệm vẫn y nếp nhà/ Bạn bè, đồng chí gần xa/ Gặp nhau vẫn cứ mặn mà như xưa…/ Cuộc đời như thế là tươi/ Quanh ta còn biết bao người khó khăn…”
Đầu năm 2008, Mai Thúc Lân lên nhà chơi và đưa cho tôi tập bản thảo hồi ký do chính ông viết, đánh vi tính. Ông bảo tôi đọc và góp ý. Khoảng một tuần sau, ông gọi điện lên hỏi, tôi nói:
- Đọc văn anh, tôi chẳng thể góp ý được gì. Tuy nhiên cái tên “Từ ấu thơ đến bạc đầu” nghe “cứng” quá, anh có thể đặt tên khác đi.
Chỉ vài ngày sau, ông cho biết cái tên mới của tập hồi ký sẽ là “Chuyện đời ấm lạnh buồn vui”, nghe mềm mại làm sao, để rồi năm 2009, tập Hồi ký do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành ra mắt bạn đọc, Nhà báo Hữu Thọ viết lời tựa. Tập hồi ký có độ dày 430 trang.
Mấy chục năm qua, được làm việc cùng ông, trong tôi chứa đựng đầy ắp những kỷ niệm về con người nhân hậu này. Nay phải vĩnh biệt ông, tôi kể với bạn đọc báo Bắc Giang vài ký ức, thay cho nén tâm nhang tiễn ông về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, nhưng vẫn mang theo hình ảnh một vùng quê ông từng sống gần suốt đời mình, trong đó có những câu thơ ông viết khi còn ở trên đất bạn:
Ôi bỗng nhớ một chiều thu Hà Bắc
Nhớ một cánh đồng lúa sớm đã lên bông
Và sông Thương chiều nay còn nước lũ
Giờ tan tầm phố xá có thêm đông
TRẦN QUYỂN