Sinh ngày 17/9/1920, ông đỗ thạc sĩ năm 1949 và tiến sĩ sử học năm 1983 với luận án Cuộc chinh phục Trung Kỳ và Bắc Kỳ 1885-1896 (La conquête de l’Annam et du Tonkin 1885-1896). Phần lớn thời gian được ông dành để nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại. Ông đã viết nhiều sách như: Trung Kỳ - Bắc Kỳ 1885-1896: Sĩ phu và nông dân Việt Nam đối đầu với cuộc chinh phục thực dân (Annam - Tonkin 1885-1896: Lettrés et paysans viêtnamiens face à la conquête coloniale ) (1989); Việt Nam: Sự thống trị thuộc địa và cuộc kháng chiến dân tộc 1858-1914 (Vietnam: domination coloniale et résistance nationale 1858-1914) (2002).
*
TS. PHAN VĂN HOÀNG (Nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh)
Một đồng nghiệp của báo L’Humanité (cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp) báo tin buồn: Giáo sư Charles Fourniau, một người bạn lớn của Việt Nam, qua đời ngày 21/4/2010 ở tuổi 90 tại Paris và được an táng ngày 29/4/2010 tại nghĩa trang La Chaise.

Nhà sử học Charles Fourniau. Nguồn: Internet.
Sinh ngày 17/9/1920, ông đỗ thạc sĩ năm 1949 và tiến sĩ sử học năm 1983 với luận án Cuộc chinh phục Trung Kỳ và Bắc Kỳ 1885-1896 (La conquête de l’Annam et du Tonkin 1885-1896). Phần lớn thời gian được ông dành để nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại. Ông đã viết nhiều sách như: Trung Kỳ - Bắc Kỳ 1885-1896: Sĩ phu và nông dân Việt Nam đối đầu với cuộc chinh phục thực dân (Annam - Tonkin 1885-1896: Lettrés et paysans viêtnamiens face à la conquête coloniale ) (1989); Việt Nam: Sự thống trị thuộc địa và cuộc kháng chiến dân tộc 1858-1914 (Vietnam: domination coloniale et résistance nationale 1858-1914) (2002).
Ông từng chủ trì cuộc hội thảo về lịch sử chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam (tổ chức tại Đại học Provence).
Dưới sự hướng dẫn khoa học của ông, nhiều sinh viên đã trở thành những nhà Việt Nam học có uy tín.
Không chỉ là một nhà sử học uyên thâm, ông còn là một chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình.
Là đảng viên Đảng cộng sản Pháp, ông phản đối mãnh liệt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” (la sale guerre) mà thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam ra đời không bao lâu, ông là một trong những người sáng lập Hội hữu nghị Pháp - Việt (Association d’amitié Franco-Viêtnamienne) (1961), từng làm Tổng thư ký và Chủ tịch của Hội. Năm 1962, Hội xuất bản cuốn Vấn đề Nam Việt Nam (La question du Sud-Vietnam) giúp nhân dân Pháp và thế giới hiểu được cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Miền Nam.
Từ tháng 10/1963 đến tháng 7/1965, ông được báo L’Humanité cử làm phóng viên thường trú ở Hà Nội. Ông tận mắt chứng kiến những trận ném bom dã man của Mỹ và cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, ông nhận thức được truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua hàng nghìn năm, nên trong những bài báo gửi về Paris, ông khẳng định: Nhân dân Việt Nam cuối cùng sẽ thắng.
Vào thời điểm 1965, nhiều người trên thế giới lo ngại cho một nước nhỏ và nghèo như Việt Nam trước sự tàn phá khủng khiếp của Không lực Hoa Kỳ, nên không phải ai cũng nghĩ như ông. Hiệp định Paris 27/1/1973 và chiến thắng 30/4/1975 cho thấy dự đoán của ông hoàn toàn chính xác.
Ông nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông là người phương Tây cuối cùng phỏng vấn Bác Hồ hai tuần lễ trước khi Người qua đời (1969). Năm sau, ông cùng Léo Figuères biên tập cuốn Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta (Hô Chi Minh, notre commarade).
Sau ngày Việt Nam hòa bình và thống nhất, Hội hữu nghị Pháp - Việt tiếp tục hoạt động cho sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Ở tuổi 83, ông cho xuất bản cuốn hồi ký Việt Nam mà tôi đã thấy 1960-2000 (Le Viêtnam que j’ai vu 1960-2000).

Bìa quyển sách Việt Nam mà tôi đã thấy 1960-2000
(Vietnam: domination coloniale et résistance nationale 1858-1914).
Charles Fourniau qua đời, nhân dân Việt Nam mất một người bạn thủy chung, giới sử học Việt Nam mất một đồng nghiệp khả kính.
Xin chúc ông an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
*
TS ALAIN RUSCIO (Nhà Việt Nam học của Pháp)
Charles Fourniau là một nhà sử học được nhiều đồng nghiệp biết tên tuổi, nhưng ông còn là một người có niềm tin vững chắc, là nhà sáng lập Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) mà ông từng giữ chức vụ Tổng thư ký trong một thời gian dài. Ông vừa qua đời ở tuổi 89, để lại một khoảng trống mà với thời gian, chúng ta sẽ ngày càng thấm thía.
Trong cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, ông là một chiến sĩ của phong trào Hòa bình, bắt đầu dấn thân vào việc bảo vệ dân tộc Việt Nam dũng cảm. Sau đó, trong cuộc chiến tranh của Mỹ - màn thứ hai của cuộc xâm lược từ phương Tây, ông sang Việt Nam lần đầu tiên. Khi trở về Pháp, ông đã bị dân tộc Việt Nam chinh phục: ông đã có một sự lựa chọn dứt khoát cho cả đời mình.

Bìa quyển sách Trung Kỳ - Bắc Kỳ 1885-1896: Sĩ phu và nông dân Việt Nam đối đầu với cuộc chinh phục thực dân (Annam - Tonkin 1885-1896: Lettrés et paysans viêtnamiens face à la conquête coloniale).
Hai năm sau, ông trở lại đất nước này với tư cách là một nhà báo. Tờ L’ Humanité (cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp) yêu cầu ông sang đó làm phóng viên thường trú của báo. Ở đó, ông tự hào được gần gũi các nhà lãnh đạo của nước này, được tiếp xúc với Hồ Chí Minh, trở thành một người thân cận của Người và là người nước ngoài cuối cùng được gặp Người (trước khi Người qua đời).
Ông là một trong những người đầu tiên chứng kiến tận mắt việc Mỹ leo thang chiến tranh. Ông thường kể lại bài báo đầu tiên ông gửi về cho báo L’ Humanité năm 1965 sau những trận ném bom ồ ạt của Mỹ. Trong bài báo ấy, ông dự đoán rằng cuối cùng Việt Nam sẽ chiến thắng. Lúc đó, sự chênh lệch về lực lượng (giữa Việt Nam và Mỹ) quá lớn khiến tòa soạn ở Paris phải do dự một lúc trước khi cho đăng. Mười năm sau, Việt Nam thống nhất và độc lập. Chính kiến thức của một nhà sử học đã giúp ông nhìn xa hơn những gì đang diễn ra trước mắt.
Charles Fourniau là một trong những người đầu tiên tự hỏi về nguồn gốc của sức đề kháng độc đáo của dân tộc này (ông rất ghét gọi nước này là một nước “nhỏ”). Và ông đã tìm thấy câu trả lời từ trong lịch sử Việt Nam, chẳng hạn khái niệm “chiến tranh toàn dân” đã bén rễ từ nhiều thế kỷ qua trong tâm trí người Việt Nam, từ nhà vua đến người làm ruộng, trong vô số những cuộc chiến tranh tự vệ chống lại người Trung Quốc, rồi trong cuộc kháng chiến chống lại sự chinh phục của thực dân Pháp (mà ông lấy làm đề tài cho luận án tiến sĩ của ông). Ông giải thích: rốt cuộc, ở thế kỷ XX, tướng Giáp chỉ đơn giản sử dụng lại những truyền thống cổ xưa này, đồng thời thêm vào đó nét thiên tài của chính ông.
Ông có một đức tính đặc biệt mà những người ở gần ông đều biết rất rõ: ông là một người truyền đạt kiến thức giỏi, một ông thầy dạy hay. Ông hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên. Họ nghe ông giảng, chia sẻ nhiệt tình của ông và sau đó trở thành những nhà Việt Nam học có tên tuổi.
“Trong nhiều năm, tên tuổi của ông đã gắn liền với cuộc đấu tranh vì tự do của nhân dân Việt Nam” Marie - George Buffet, Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp |
Nhà khoa học này là một người dấn thân. Ông là một nhà thông thái, đồng thời cũng là một nhà tranh đấu. Tất cả ở ông là sự kết hợp hài hòa hai từ này mà ông không muốn tách rời nhau. Ông có thể đọc một bản tham luận xuất sắc tại một cuộc hội thảo quốc tế và ngay trong tuần lễ đó, nhân dân Hội Hữu nghị Pháp - Việt mà ông quý mến, ông đi dự một cuộc họp mặt của làng hay của khu phố.
Là một trí thức cộng sản, ông có những xác tín cơ bản - mà có người cho là quá thẳng - song ông không tìm cách che giấu rằng trong đó có những vấn đề và những hoài nghi mang tính phê phán gay gắt. Có lẽ ông có cả hai nét này nhờ ông hiểu một cách sâu sắc cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.
Mong bà Paulette và năm người con của ông - mà trước đây ông đã đưa sang Việt Nam cùng ông - cùng các cháu mà ông yêu quý, hãy nhận những lời phân ưu chân thành của tất cả những người yêu mến Charles của họ mà cũng là một phần của chúng tôi.
(Bài đăng trên website
http://www.humanite.fr
V.H. dịch)
*
GS NGUYỄN VĂN HOÀN
Tôi quen Fourniau từ năm 1963, năm ông sang Hà Nội làm việc. Tôi quen toàn bộ gia đình, cả vợ và con Fourniau. Sau này, lần nào qua Ý, tôi cũng ghé ở nhà ông ấy. Khi Fourniau về hưu, có một hội nghị khoa học về ông, tôi có viết bài.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Nhà sử học Charles Fourniau (người ngồi bên phải) tại nhà riêng. Ảnh: Nguyễn Văn Kự.
Đó là một con người làm việc nghiêm túc, đến nơi đến chốn, một người Pháp thân tình thực sự với Việt Nam. Một lần, ông đến Vân Kiều, một vùng dân tộc thiểu số ở Vĩnh Linh, họ rất ngạc nhiên thấy một “ông Tây” hiền và tốt đến như vậy. Tôi nói với ông điều đó, và ông, với vẻ mặt buồn buồn, nói: “Nếu tôi có thể gây một ấn tượng tốt cho người Việt Nam (khác với những người Pháp thực dân) thì tôi rất hạnh phúc”.
Tại đại hội Đảng bộ Vĩnh Linh, một đại biểu người Vân Kiều nói: “Ngày xưa, gặp một người Kinh ở trong rừng thôi, tôi đã bỏ chạy. Nay ngồi cạnh một ông Tây mà tôi rất an tâm, tự hào, vì tôi tin tưởng ở Bác Hồ.” Cả hội trường vỗ tay như sấm. Fourniau sung sướng khi nghe dịch lại.
Từ thời sinh viên cho đến lúc mất, Fourniau là một người bạn chí tình của Việt Nam. Từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng… đều có “biệt nhỡn” đối với ông. Giới học giả như Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều… đều gặp và nói chuyện trực tiếp với ông bằng tiếng Pháp. Ông cũng thân thiết với Võ Nguyên Giáp. Ông thường đến thăm Võ Nguyên Giáp, nói chuyện bằng tiếng Pháp với Võ Nguyên Giáp.
Những tác phẩm sử học của ông rất nghiêm túc về công tác tư liệu. Khi làm phóng viên tại Hà Nội, ông đã tìm các tư liệu về lịch sử cận đại Việt Nam và tôi đã giúp ông tìm các tư liệu lịch sử chưa in như Gia phả Nguyễn Quang Bích và Ngọ Phong thi tập. Sau đó, ông nhờ Cao Xuân Huy, Phạm Thiều giảng lại từng câu. Ông vào thăm chiến khu Ba Đình - Thanh Hóa và ghi âm bài vè Ba Đình rồi dịch toàn văn ra tiếng Pháp. Trung tâm lưu trữ ở Aix en Provence coi ông như người nhà, và ông đã giới thiệu tôi đến đó đọc tư liệu và photocoppy miễn phí.

Bìa quyển sách Việt Nam: Sự thống trị thuộc địa và cuộc kháng chiến dân tộc 1858-1914 (Vietnam: domination coloniale et résistance nationale 1858-1914)
Suốt đời ông gắn bó với Hội hữu nghị Việt - Pháp, từ cương vị Tổng thư kí đến cương vị Chủ tịch đại diện lúc cuối đời. Ông thuộc diện người Pháp hết lòng với Việt Nam. Như Henry Martin, Raymon Dienne, Madelain Rifaud…, những người bị bọn xấu cho là cuồng tín. Ông sống suốt đời vì Việt Nam với trái tim chân thành, công khai chống lại cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Việt Nam.
Ông là một trong nhóm phóng viên nước ngoài chịu đựng cuộc ném bom của Mỹ xuống Đồng Hới ngày 11/2/1965. Ông đã ở đó cùng với đứa con trai lớn nhất của mình 11 tuổi. Nhóm phóng viên đó, trong đó có phóng viên Liên Xô, gửi về sứ quán Liên Xô rồi từ đó gửi về Mạc Tư Khoa rồi gửi về Pháp một bức điện: “Chúng tôi đã chứng kiến cảnh Mỹ ném bom Đồng Hới tại Việt Nam, một máy bay Mỹ bị bắn hạ và một phi công Mỹ đã bị bắt”. Vợ ông ở Paris đọc tin ấy phát hoảng: “Ông muốn làm gì thì làm, nhưng ông hãy trả con về cho tôi”. Và ông đã gửi con về Paris qua ngã Praha. Đó là một người “dấn thân” vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Một hôm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả nhà ông đến ăn cơm, một lát thì Bác Hồ xuất hiện. Cô con gái lớn của ông xúc động, xin phép hôn Bác Hồ. “Khi Hồ Chí Minh vào phòng, con có cảm tưởng cả phòng sáng rực lên”. Từ đó, cả nhà gọi Bác Hồ là L’oncle Hồ. Ông cũng là người vinh dự được Bác Hồ tiếp trước khi Bác mất một tuần. Đó là điều vừa tự hào vừa đau buồn sâu sắc đối với ông.