Được sự hướng dẫn của Minh Thuận, con gái nhà văn Vũ Hạnh, chúng tôi đã đến và thắp nhang trên mộ ông(*). Nén nhang tạ lỗi cùng ông vì đã không thể đến vĩnh biệt ông trong ngày ông ra đi… Đó là ngày 15-8-2021, ngày đỉnh điểm của dịch COVID-19 ở TP.Hồ Chí Minh, thành phố đã buồn lặng lẽ tiễn ông đi… Và biết bao dòng nước mắt của bạn bè đồng chí chỉ biết hướng vọng về linh cữu ông trên con đường vắng lặng xuôi về Nghĩa trang Củ Chi…
Dường như tôi đã biết ông từ lúc còn là một nữ sinh 15-16 tuổi, đọc truyện ông trên tạp chí Bách khoa, ngưỡng mộ Bút máu của ông, và từng đọc những bài bút chiến nảy lửa của ông với Chu Tử, kẻ gieo rắc chủ nghĩa Hiện sinh, thác loạn kiểu Mỹ với 3 quyển tiểu thuyết Yêu, Sống, Loạn kéo theo một lớp trẻ sống bất cần đời, sa đọa trụy lạc trong vũ trường… Nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ ngưỡng vọng về ông như một thần tượng vừa rất xa, mà cũng rất gần bởi mỗi lần được tin ông đi tù vì có tư tưởng cộng sản, tôi lại có cảm giác ông như người thân của mình. Vì thời gian ấy tôi cũng hằng tuần xách giỏ nuôi dì và em trong tù với tội danh là Việt cộng…
Và lần đầu tiên tôi phỏng vấn ông, cũng cách đây hơn 20 năm. Đó là lúc tôi đã đọc rất nhiều và hiểu khá nhiều về ông. Tôi biết câu chuyện cuộc đời ông dài theo những năm tháng máu lửa của chiến trường miền Nam. Chuyện một ngòi bút tả xung hữu đột trên mặt trận bảo vệ văn hóa dân tộc giữa lòng đô thị miền Nam trước giải phóng. Người đọc thời đó đọc ông cứ bị ngắt quãng mà cũng không lấy làm ngạc nhiên vì đã quen với những lần tù tội của ông. Báo đưa tin, thế là không còn thấy tên ông vài năm. Rồi lại thấy ông xuất hiện, ngòi bút lại sung sức, vẫy vùng như ngày nào…
Tháng 8 năm 1966, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, bí mật tổ chức cơ sở ngôn luận là tờ báo Tin văn, Nguyễn Ngọc Lương làm Chủ bút và Vũ Hạnh làm Tổng thư ký. Nội dung, đường lối, phương thức hoạt động của lực lượng hết sức rõ ràng: “Nhấn mạnh đến các phẩm chất tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam, nhiệm vụ cụ thể mà lực lượng phải thực hiện, kêu gọi phát huy một niềm tự hào dân tộc chính đáng, dựa vào sức mạnh và sự tự vệ của giống nòi trong cơn sóng to gió lớn đang đe dọa cuộc đời dân tộc”. Lực lượng khẳng định quyết tâm “trên lập trường dân tộc, những gì phù hợp với văn hóa dân tộc, tất phải được đón nhận, những gì phá hoại, tất phải được bài trừ”. Điểm qua một chút về Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc cách đây hơn nửa thế kỷ và đọc lại những bài viết nảy lửa của ông thời bấy giờ mới thấy rõ cuộc chiến đấu bảo vệ văn hóa dân tộc của ông là một cuộc trường chinh không mệt mỏi. Trong bài thuyết trình tại trụ sở Trung tâm Văn bút ngày 25-7-1971, ông đã bày tỏ quan điểm của mình: “Thái độ chúng ta đối với văn hóa Hoa Kỳ thật là rõ rệt: Chống đối lại chủ trương văn hóa nhằm lũng đoạn tinh thần văn hóa dân tộc chúng ta do chính phủ Hoa Kỳ đề ra, nhưng chúng ta vẫn biết rằng dân tộc Hoa Kỳ có những truyền thống văn hóa tốt đẹp và nhiều công trình văn hóa lớn lao. Chúng ta chỉ muốn giải tỏa khỏi áp lực của Hoa Kỳ để được giao tiếp bình đẳng với văn hóa ấy… Tóm lại, nhận bừa văn hóa nước ngoài mà không được quyền phê phán là một trạng chứng nô lệ, là xác nhận rằng chúng ta không có quyền tự quyết nào…” Càng đọc lại những trang viết chiến đấu ngày xưa, càng thấy dường như chuyện xưa và nay dù cách nhau cả nửa thế kỷ, nhưng quan điểm văn hóa dân tộc của ông vẫn không có gì khác. Đó là nỗi đau của những người yêu nước khi nhìn thấy làn sóng văn hóa ngoại lai tràn ngập lấn át văn hóa truyền thống dân tộc. Nhưng sự lo ngại ấy không hề cực đoan, mà là có sự phân biệt giữa tốt và xấu, phân biệt để tiếp thụ văn hóa đỉnh cao của nhân loại và biết chủ động loại trừ những trò nhảm nhí, rác rưởi. Chỉ tiếc thay, không phải ai cũng có thể nhìn nhận rõ điều đó, nhất là giới trẻ. Người trẻ rất dễ tiếp thụ cái mới, nhưng để nhận diện được cái nào nên tiếp thụ, cái nào nên loại trừ hoàn toàn không dễ. Nhiệm vụ của Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc chính là phải làm sạch môi trường, phát những quả pháo vào những mảng tha hóa xã hội, lay động lớp trẻ đưa họ về với dân tộc.
.jpeg)
Nói về truyền thống dân tộc, ông cũng không ngần ngại lên án những giai điệu rên xiết, cô đơn, lạc loài làm nên những bài hát lâm ly với “thân phận da vàng, nỗi buồn nhược tiểu”. Chính những bản nhạc này đã kéo theo một lớp trẻ bơ vơ, đầy mặc cảm thấp kém về đất nước mình. Ông viết như một tiếng chuông đánh động lương tri con người: “…Việt Nam ta có gì phải kêu than áo não như thế? Nhược tiểu như chúng ta đây đâu có kém hèn? Tình tự dân tộc không phải là những tình tự đượm màu sướt mướt, bi thương, bởi sự kiên cường bất khuất mới là bản chất của giống nòi ta. Đến cái da vàng cũng chẳng có thân phận gì, có gì đáng để xót xa. Nhật Bản, Trung Hoa chẳng bao giờ mang mặc cảm về màu da của mình, còn Việt Nam ta với truyền thống oai hùng chống đuổi xâm lăng, đang được nói đến như là một niềm kiêu hãnh hơn là sầu muộn…”.
Cũng với tư tưởng đó, ông hé lộ quan điểm rất cách mạng, và có lẽ chính quan điểm này ông đã để lộ “tông tích” của mình. Ông lên án thẳng thừng câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài Gia tài của mẹ: “Khi người ca sĩ với giọng thanh tao hát vang ‘Hai mươi năm nội chiến từng giờ’ đã làm nhiều người buồn phiền không ít. Người Việt chúng ta hy sinh xương máu đánh đuổi thực dân, đến cả thế giới đều thán phục, lẽ đâu người dân trong nước nỡ lòng hạ thấp sự nghiệp đánh đuổi đế quốc thành trò nội chiến tối tăm?”. Cũng cần phải biết, Trịnh Công Sơn lúc ấy mới dấy lên phong trào phản chiến với ca khúc da vàng và được đa số lớp trẻ ngưỡng mộ như một thần tượng. Nên việc phê phán thẳng thừng vào dòng nhạc này là một sự đối đầu dũng cảm. Sau này, khi hòa bình chính ông đã từng trả lời phỏng vấn báo chí rằng ông được giao nhiệm vụ là một người quốc gia chân chính tiến bộ, nhưng đôi lúc ông không làm chủ được mình nên vượt quá ranh giới và đã để hé lộ là một cán bộ nằm vùng nên bị bắt. Đúng, chính quan điểm bác bỏ hai từ nội chiến này đã cho thấy rõ ông không phải đơn thuần là một người quốc gia tiến bộ kiểu như giáo sư Lý Chánh Trung hay bà Ngô Bá Thành. Ông đã vào tù 5 lần trong suốt thời gian hoạt động, nhưng do ông chỉ hoạt động đơn tuyến nên địch không có bằng cớ gì ngoài những bài báo, những buổi diễn thuyết lộ rõ quan điểm cách mạng nên đành phải thả. Sau này, nhà văn hóa Trần Bạch Đằng, Bí thư Đặc khu ủy lúc đó, người lãnh đạo trực tiếp ông cũng đã từng nói ông hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó trên mức yêu cầu, và chính cái trên mức yêu cầu lại là khuyết điểm vì đã để lộ mình…
Bởi vì tất cả những điều ông đã làm không phải chỉ vì được nhận nhiệm vụ cấp trên giao mà là từ trong tâm thức của một con người thiết tha yêu nước, thiết tha với văn hóa dân tộc. Những điều diễn ra trước mắt không thể làm ngơ, không thể không nói, không thể không chiến đấu để giành lại chân lý cho dân tộc. Trước mắt ông lúc ấy là kẻ thù, rõ ràng, và cuộc đấu tranh này không thể khoan nhượng. Bên cạnh ông là những bạn bè đồng chí, những người thực sự yêu nước, nhưng chưa hẳn là đồng chí của ông. Hành trang của ông chính là bản lĩnh của một người Việt Nam yêu nước, là gia tài văn hóa của đất nước mình. Đó chính là hồn của nước, là tất cả những tinh hoa tồn đọng nghìn năm trong trái tim của mỗi công dân, là sự gắn kết của cội nguồn.
.jpeg)
Bên mộ nhà văn Vũ Hạnh. Từ trái sang: tác giả, nguyên Chủ tịch
TPHCM Lê Hoàng Quân, Lê Tú Lệ, Minh Thuận, Bùi Anh Tấn
Ảnh: NGUYỄN QUANG TRUNG
.jpeg)
Đốt nén tâm nhang tưởng niệm
.jpeg)
Tác giả và Minh Thuận, con gái nhà văn Vũ Hạnh
Tìm hiểu những bài bút chiến từ trước giải phóng của ông để hiểu nỗi đau của ông 45 năm sau, khi đất nước đã hòa bình. Ông đã từng vào tù ra khám để bảo vệ Văn hóa dân tộc, nhưng khi đất nước mở cửa, chạm với cánh cửa thị trường thì than ôi, những điều ông đã từng phê phán ngày xưa dường như đang đội mồ sống lại từng ngày, từng giờ mà còn ở cấp số nhân nhiều lần… Năm 2000, trong một bài tham luận ở cuộc Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu tâm lý dân tộc tổ chức, ông đã viết về tâm lý vọng ngoại như là di chứng của nô lệ. Một sự nô lệ tự nguyện, dù đất nước đã hoàn toàn độc lập: “Ai cũng dễ dàng nhìn thấy tâm lý vọng ngoại thể hiện tràn đầy trong cuộc sống thường ngày. Mặc dù nhà nước đã từng kêu gọi, và cả ra lệnh cho những bảng hiệu không nên dùng toàn ngoại ngữ, nhưng điều ấy chưa được tuân hành. Không chỉ còn những bảng hiệu chứa toàn ngoại ngữ… mà nhiều danh thiếp, thiệp mừng năm mới, Giáng sinh, sinh nhật… vẫn dùng toàn ngoại ngữ, hẳn người dùng không hề thấy xúc phạm tinh thần dân tộc… Tâm lý vọng ngoại - vốn là di chứng của một tinh thần nô lệ mãn tính - không chỉ thể hiện qua sự thích xài ngoại ngữ, thích lấy chồng ngoại, thích làm thuê cho ngoại quốc, thích được du học để mong ở lại xứ người… mà còn thể hiện qua nhiều trạng thái khác nữa, có thể nhìn rõ trong sinh hoạt hằng ngày…”.
Có thể hiểu được tâm trạng đau đớn của ông hiện nay. Bởi vì cuộc chiến đấu của ông không còn trực diện với kẻ thù mà chính là với những đồng chí ngày hôm qua của mình. Ngày trước ông phê phán việc cổ xúy lối sống đồi trụy, yêu cuồng sống vội trong sách Chu Tử, nhưng bây giờ thì những hiện tượng này trong văn học càng kinh khủng hơn gấp nhiều lần… Ngày trước ông phê phán nhạc rên rỉ, thất tình lôi kéo thanh niên chỉ còn biết lẩn quẩn trong những chuyện tình đẫm nước mắt thì bây giờ nhạc não tình ra rả khắp chốn… Ngày trước ông phê phán hiện tượng vọng ngoại rập khuôn theo Mỹ của một số người thì bây giờ tư tưởng vọng ngoại trở thành vấn nạn của đất nước, ngôn ngữ tiếng Việt đang bị méo mó vì sự pha tạp tiếng Anh theo kiểu: “She makes me sắp điên vì love her…” hay “Wow, no problem…”. Nghĩa là tất cả những gì ông đã từng đấu tranh cho nền văn hóa lành mạnh của dân tộc nửa thế kỷ trước, bây giờ đã trở lại như một cơn lốc dữ dội trút xuống đất nước đã hòa bình độc lập của chúng ta.
Tôi nhớ mãi dáng cao gầy rắn rỏi của ông khi tới tòa soạn Hồn Việt, áo luôn bỏ vào quần và phong cách vô cùng lịch sự nhẹ nhàng với tất cả mọi người, cả với các cháu tuổi chỉ trạc cháu nội ông… Nhớ mãi nỗi buồn của ông khi đọc một trang báo pha đầy tiếng nước ngoài, sự bực dọc khi từ Tuổi teen trở nên thông dụng trên mặt báo… mà không phải là Tuổi ô mai, Tuổi hồng như trước đây báo chí miền Nam vẫn dùng… Tôi lại nghĩ, cũng may là ông đã mất trước khi tiết mục “Cô gái Gen Z” của ban nhạc Team Han Sara phá nát bài hát cách mạng nổi tiếng “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao trên sóng truyền hình với hình ảnh những cô gái mặc quần áo hở hang nhảy nhót như điên trên sân khấu. Vậy mà cả Ban giám khảo cũng đứng dậy múa may theo?!
Ông ra đi mà trong lòng vẫn trĩu nặng nỗi niềm, vẫn đau đáu vì cái cảm giác bất lực của tuổi già trước thế sự… Bởi vì ông, suốt 60 năm vẫn kiên trì với lý tưởng của mình, cuộc đời ông đã trải qua gần 1 thế kỷ, ông vẫn là ông, một Vũ Hạnh kiên cường của ngày nào, nhưng những điều trông thấy… làm sao cho khỏi đau đớn lòng…♦
_____
(*) Do chị Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM tổ chức đến viếng mộ nhà văn Vũ Hạnh cùng với nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, anh Nguyễn Quang Trung và nhà văn Bùi Anh Tấn.