Vui Tết Trường Sơn nhớ chuyện ứ ứ ừ

Nhập nhoạng 30 Tết Ất Mão - 1975, đoàn nhà báo chúng tôi đến Binh trạm 10 - bên bờ sông Sê Ca Bốc. Nhận lán ở xong, tôi, Anh Ngọc, Hà Đình Cẩn ra sông tắm “tất niên” đón giao thừa. Sáng mồng một, các bãi khách trong cánh rừng xao động râm ran tiếng người, tiếng hát từ các máy thu thanh.

CHUYỆN Ứ Ứ Ừ…

Nhập nhoạng 30 Tết Ất Mão - 1975, đoàn nhà báo chúng tôi đến Binh trạm 10 - bên bờ sông Sê Ca Bốc. Nhận lán ở xong, tôi, Anh Ngọc, Hà Đình Cẩn ra sông tắm “tất niên” đón giao thừa. Sáng mồng một, các bãi khách trong cánh rừng xao động râm ran tiếng người, tiếng hát từ các máy thu thanh.

Ở sân Binh trạm, các chiến sĩ tấp nập trang trí đón xuân mới. Hai cây bằng lăng to trước nhà khách được đẽo vỏ theo chiều đứng của cây để thành hình hai câu đối. Một chiến sĩ giã lõi pin làm mực nắn nót viết dòng chữ:

“Trọn một đời diệt thù dựng nước ơn Người biển cả khôn đong
Bốn lăm năm chỉ lối đưa đường nghĩa Đảng non cao khó sánh”

Một số chiến sĩ viết bằng hồ loãng lên tấm ván thùng lương khô ghép lại rồi dùng đất đỏ, lá vàng rắc vào thành hàng chữ “Chúc mừng năm mới”. Người các bãi khách kéo đến mỗi lúc một đông. Bỗng một người đứng sững nhìn tôi rồi hỏi: “Nhà báo có nhớ tôi không?”. Tôi ngờ ngợ vì nhìn mặt thì rất quen nhưng không sao nhớ nổi tên anh. Tôi xin lỗi anh. Anh nói ngay: “Tôi ở Đồn công an nhân dân vũ trang Trà Lý - Thái Bình. Tết năm trước nhà báo về viết truyện chúng tôi rà phá bom giải phóng cửa lạch đấy. Tôi tên là Lược…”. Ôi, tôi nhớ ra rồi. Anh là đội trưởng đội công tác cơ sở của Đồn.

Anh nói với tôi rằng, một phân đội công an nhân dân vũ trang Thái Bình và Đoàn An ninh đang ăn Tết ở Binh trạm. Anh ghé sát tai tôi: “Phân đội công an nhân dân vũ trang được lệnh vào bổ sung cho An ninh Trà Vinh là tỉnh kết nghĩa nhưng nay không vào Trà Vinh nữa mà nhập với đoàn An ninh xuống bổ sung cho An ninh vũ trang khu cực Nam Trung Bộ”. Anh cười rất vui và nhún nhảy mình theo câu hát: “Thế là chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình cho chúng tôi vào ở với cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh nhưng lại không hợp duyên rồi”. “Chúng mình cùng xuống vùng cực Nam đấy”. Tôi cầm chặt tay anh và mời anh về lán chúng tôi ăn Tết.

Ở lán, anh Cẩn, anh Ngọc đã nhận hàng Tết. Binh trạm cấp 3 chiếc bánh chưng, 12 chiếc kẹo Hải Châu mềm, 6 điếu thuốc lá Tam Đảo, một ấm chè Thanh Tâm. Anh Cẩn đi mượn được hai chiếc vỏ thùng đạn kê làm bàn, 3 vỏ thùng lương khô làm ghế. Cỗ Tết chúng tôi bày trên bàn 3 chiếc bát, một bi đông nước, 3 phong lương khô loại ngon: 702 có ba viên thuốc tăng lực. Anh Cẩn bóc chiếc bánh chưng. Bánh không có nhân, ba góc hạt nếp đang còn lõi trắng… Tôi nói: “Lo cho 4000 con người ra, vào ăn Tết, nấu gần trăm thùng phi bánh chưng thì làm sao mà trọn vẹn, chả trách được anh em. Tết chiến trường mà”. Anh Ngọc vừa cầm bánh chưng ăn vừa đọc thơ vui: “Cành bành ba góc nhân không có, khép lại đôi bên nếp vẫn còn…”. Chúng tôi cười rung cả mái lán.

Anh Lược mời chúng tôi ra bãi khách ăn Tết với các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang. Lán các anh ở bên con suối nhỏ. Không khí Tết thật rộn ràng. Một đống lửa to cháy rừng rực. Ba hòn đá to như ba chiếc ba lô làm đầu rau, một thùng phi trăm lít đang sôi sùng sục. Anh Thái - Đoàn trưởng tiếp chúng tôi: “Ấy, các nhà báo đừng bất ngờ nhé. Chúng tôi đang mang cả quê hương ra trận đấy. - Anh cười - Cả tháng hành quân chỉ ăn cơm nắm với ruốc thịt, anh em háo và xót ruột lắm, nên chúng tôi bàn nhau Tết này ăn cháo vừa mát ruột vừa để nhớ quê nhà”.

Thế là người chùi rửa sạch thùng phi, người tìm củi nhóm bếp rồi đổ cả yến gạo vào nấu cháo… Một anh chặt cây tre già, lấy một đoạn chẻ đôi làm đũa cả. Anh vừa cật lực khuấy đảo thùng cháo vừa cười nói: “Nhà báo ơi, thế mới đúng là cả quê hương cùng ra trận với chúng tôi đấy. Nhà báo ở lại ăn Tết thưởng thức món đặc sản xem có ngon hơn sản phẩm “Nhà máy cháo quê tôi không nhé”. Tôi hiểu rồi. Những năm trước ở miền Bắc chỉ có Cửa hàng ăn uống Cầu Bo - Thái Bình bán các món cháo đặc sản: cháo gà, cháo cá, cháo lòng, cháo sườn, cháo trai … Năm hào một bát “ô tô” ăn no và ngon. Ăn buổi sáng mong chóng đến buổi chiều vào ăn nữa. Thời ấy, ai đến vùng quê năm tấn cũng vào thăm “nhà máy”. Và cụm từ vui “Nhà máy cháo cầu Bo” lan truyền khắp miền Bắc.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cháo được múc ra các hăng gô, các “bát B52” (bát sắt to cấp cho người đi chiến trường) bằng “cái muôi” làm từ vỏ hộp đựng 5 ký bột trứng to bằng chiếc gàu tra cán dài như chiếc gáo. Món cháo Tết được bày san sát trên sàn nứa, trên bãi đá bên suối. Vừa ăn cháo các anh vừa kể những kỷ niệm vui Tết các vùng quê Thái Bình.

Anh Lược kể chuyện Tết năm 1970, anh trong đội rà phá thủy lôi, bom từ trường ở cửa sông Trà Lý. Ngày 30 và mồng một Tết năm ấy, anh chèo chiếc thuyền nhỏ kéo sợi dây dài buộc cánh bom rà sát đáy sông “làm mồi”, nếu gặp thủy lôi, bom từ trường thì nổ để thuyền dân ra vào được an toàn. Anh nói rằng, nguy hiểm lắm nhưng rất vui. Những kỷ niệm ngày Tết ấy ào ạt dồn về, anh cất lên làn điệu chèo tứ quý nghe rộn vang, tưng bừng giữa đại ngàn Trường Sơn làm mọi người nao lòng nhớ Tết quê nhà. “Cửa Trà hai lạch đã thông, Xuân nay xin cứ thong dong cánh buồm”.

Một chiến sĩ trẻ, tự giới thiệu tên mình là Quynh. Quynh có giọng nói rất duyên và nụ cười tươi tắn. “Em xin góp một chuyện ở quê em. Ngày Tết ông bà em thường kể cho chúng em nghe chuyện từ xa xưa các cụ lưu truyền lại. Quê em có nhiều đặc sản quý hiếm mà các nơi không có như: có vùng quê nuôi gà ngon thịt; có vùng quê nuôi lợn béo, lòng ngon; có nơi giáp cửa sông dân làm nghề vó bè bắt được nhiều tôm, cá; có những làng làm nghề dệt vải, con gái ngồi trong nhà tay chân mũm mĩm, da trắng nõn nà; có vùng đất tốt trồng cam chín vàng, ngọt lịm.

Ngày Tết người tứ xứ đổ về như trẩy hội mua lợn, gà, cam, cá... ăn Tết. Bởi thế mới có câu nói vần vè dễ nhớ. Em nói để các anh nghe. Nhưng - Quynh cười, lưỡng lự - nhưng có một tiếng hơi tục. Em nói rõ ra sợ các anh đánh giá em thiếu văn hóa hoặc mồng một Tết mà dám nhắc đến cái thứ “quý hiếm” ấy sẽ rông cả năm. Nên cái tiếng “húy” ấy thì em ứ ứ ừ, các anh tự luận ra vậy. Em bắt đầu nói: gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn; ứ ứ ừ… Cổ Am, cam Bích Thuận…”. Tất cả cười ồ lên làm rung nghiêng sàn nứa. Vậy là cái “ứ ứ ừ” của Quynh đã làm mất toi mấy hăng-gô cháo Tết.

CÁNH VÕNG HẠNH PHÚC

Ăn cỗ Tết xong, anh lính trẻ hóm hỉnh cười nói có duyên ấy dẫn đường đưa chúng tôi ra bãi khách số 2. Quynh nói ở đó đang có một chuyện rất đặc biệt còn trên tài chuyện “ứ ứ ừ”. Chúng tôi đến góc rừng ấy, đoàn Y tế đang ăn Tết. Và đúng là có một chuyện rất đặc biệt ở cái Tết binh trạm Trường Sơn này. Đó là chuyện một đôi vợ chồng trẻ đều là bác sĩ Trường Đại học Y Thái Bình. Anh tên là Thắng, quê Hà Tĩnh. Chị tên là Bế, quê Thái Bình. Anh chị tổ chức lễ cưới hôm 23/12/1974 thì ngày 28/12 mang ba lô hành quân vào chiến trường.


Mai trắng. Ảnh: Jesuismal.

“Cánh võng hạnh phúc” của đôi vợ chồng trẻ cũng rất đặc biệt. Hai chiếc võng vải bạt lồng vào nhau. Mỗi đầu võng hai sợi dây dù cũng bện xoắn vào nhau buộc vào hai thân cây bằng lăng. Trên võng hai chiếc gối in những bông hồng đỏ thắm đặt song song. “Mái tăng hạnh phúc” màu trời xanh được che thấp mép xuống. Tôi nhìn mà cứ bâng khuâng như cả khoảng trời mùa xuân Trường Sơn đang che chở cho hạnh phúc của anh chị. Và, sợi dây giăng bên cánh võng phơi hai chiếc khăn mặt, quần áo… trông ấm cúng như trong gian phòng nhỏ của một gia đình. Hai chiếc bánh chưng và mấy chiếc kẹo vừa nhận về để trên hai chiếc ba lô xếp vuông vắn. Đó là bàn tiếp khách của đôi vợ chồng trẻ.

Anh Thắng tươi cười nói với chúng tôi, giọng anh sôi nổi, vô tư: “Nếu có con, chúng em sẽ đặt tên cháu là Nguyễn Chiến Trường…”. Chị Bế ngồi trên võng mở tập ảnh cưới ra xem, tủm tỉm cười. Đôi má chị bừng lên như điểm phấn hồng: “Mồng một Tết chắc bố mẹ em nhắc nhiều, em nóng ruột lắm và nháy mắt luôn. Nhưng được cái anh Thắng cứ luôn mồm như khướu: Đường ra trận xuân này vui lắm, võng Trường Sơn có anh và có em. Nên em cũng khuây khỏa đi nhiều…”.

Nhìn ra phía bờ suối thấy có cây trổ hoa, tôi đi nhanh đến, trèo lên bẻ hai cành. Màu hoa trắng ngà có phơn phớt tím nhạt gần giống như hoa dâu da và hương thơm thoang thoảng. Anh Ngọc xé tờ giấy trong cuốn sổ rồi cùng với tôi và Cẩn viết mấy câu: “Mừng cánh võng hạnh phúc. Nhành hoa Xuân Trường Sơn. Đường dốc đèo mưa nắng. Tình yêu nồng thắm hơn. Hẹn ngày mai chiến thắng. Vui Tết trên quê nhà. Kể con nghe “huyền thoại”. Võng hạnh phúc rừng xa”.

Chúng tôi đặt nhành hoa và bài thơ lên hai chiếc gối trên võng. Hà Đình Cẩn đứng tần ngần, băn khoăn như thấy còn thiếu một thứ gì nữa. Bất ngờ anh mở túi đeo bên thắt lưng rút ra gói... “thuốc tăng lực” làm quà mừng đặt thêm lên đó. Chúng tôi và cả đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau cười giòn, rung cả cây rừng Binh trạm - Các anh ơi, siêu bằng chuyện Tết ứ ứ ừ của em là chắc - Từ nãy tới giờ Quynh đứng im, nay anh nói như reo lên.

TRẦN HỮU TÒNG