Đây là vở kịch được xem là phá cách với cách nhìn hoàn toàn khác về người anh hùng. Tác giả không muốn đi vào lối cũ, không muốn thể hiện một Lý Thường Kiệt uy nghiêm với những chiến công lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam: Phạt Tống, bình Chiêm.
Nhưng danh tướng lừng lẫy, chưa bao giờ nếm mùi thất bại ấy, lại xuất thân là một hoạn quan?! Đọc lại trang sử xưa, chỉ lạnh lùng mấy dòng chữ: “Năm 20 tuổi Ngô Tuấn được đưa vào làm hoạn quan trong cung vua, 22 tuổi giữ chức Hoàng môn chi hậu trong quân túc vệ…”(*). Không có một dòng giải thích, vì sao mà một trang anh tuấn với vẻ mặt tươi đẹp(*) lại chịu tịnh thân để vào làm thái giám hầu vua?

Lý Thường Kiệt trong tâm trạng mang nặng tình cảm cá nhân
và trách nhiệm với đất nước.
Gần 1000 năm trôi qua, bí mật ấy chưa bao giờ được vén lên, bởi các sử gia nước Đại Việt hiếm có người chép sử bước vào thế giới nội tâm của từng con người cùng trong mối quan hệ tương tác để giải mã những biến động trong từng giai đoạn lịch sử như Tư Mã Thiên đã làm.
Và vì thế, suốt ngàn năm qua, khi nhắc đến tên ông, Lý Thường Kiệt, người thời sau chỉ biết đến những chiến công lẫy lừng của ông mà không có ai dừng lại để đi sâu vào nỗi đau tột cùng của chính ông. Nỗi đau ấy, dường như đã bị chìm khuất sau ánh hào quang chói lọi của một danh tướng, của một đại công thần.
Vì sao Lý Thường Kiệt phải tịnh thân để trở thành Thái giám? Cách giải thích duy nhất là vì chí lớn, vì muốn thi thố tài năng, nên việc trở thành Thái giám là con đường ngắn nhất để ông nhanh chóng thực hiện hoài bão của mình. Bởi vì chế độ thi cử chuẩn mực để tuyển dụng nhân tài chỉ bắt đầu thực hiện nghiêm túc vào đời Trần.
Đời nhà Lý vấn đề tuyển dụng người tài ra làm quan hãy còn mang chất cảm tính, thường chỉ là người trong hoàng tộc. Ở một xã hội mà muốn cống hiến tài năng cho đất nước, người anh hùng phải chọn cách tự hủy hoại thân thể mình như thế há chẳng phải là một bi kịch ư?
Thực sự, nếu khai thác sâu ở mặt này, nếu đi được vào nỗi dằn vặt dữ dội trong sự lựa chọn sinh tử này, chắc chắn tầm vóc nhân vật Lý Thường Kiệt sẽ lớn hơn nhiều. Một hành động tưởng chừng như bé mọn cầu vinh nhưng lại chính là cái vĩ đại của một anh hùng.
Chính bi kịch lớn ấy sẽ cho ta thấu hiểu hơn sự tàn bạo của xã hội phong kiến ngày xưa, dù đấy là thời thịnh trị…

Thành Lộc (Lý Thường Kiệt) và Hữu Châu (Lý Đạo Thành)
trong vở kịch Ngàn năm tình sử.
Nhưng với Ngàn năm tình sử, tác giả đã không muốn đi vào con đường mà các anh hùng đã đi, không muốn giải thích theo logic vốn có của nó mà đi vào con đường bằng phẳng dễ đi nhất: Đó là chuyện tình yêu. Tình yêu là chuyện của muôn đời, không bao giờ xưa cũ, người anh hùng cũng là một con người, đương nhiên cũng biết yêu, nhưng người anh hùng sở dĩ lớn hơn người bình thường chính vì họ biết kiềm nén bản thân mình, biết đặt chí lớn và trọng trách quốc gia lên trên tình riêng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện của riêng đất nước Việt Nam mà là một thực tế của cả nhân loại, không loại trừ quốc gia nào.
Vì vậy, khi để cho Lý Thường Kiệt gào khóc khi mất Thuận Khanh, uống rượu bét nhè và mắng chửi nhà vua lấy vợ mình rồi cuối cùng xin được tịnh thân làm Thái giám chỉ để được một lần nhìn thấy Thuận Khanh nơi cung cấm là hoàn toàn khiên cưỡng với tính cách của một anh hùng.
Muốn có cái nhìn khác, không có nghĩa là mặc chiếc áo của chính mình vào cho anh hùng rồi tha hồ thổ lộ, tha hồ hư cấu bằng sự tưởng tượng có mùi vị của những trang tiểu thuyết diễm tình.

Cảnh vũ đạo trong vở kịch.
Một danh tướng dũng lược văn võ song toàn, từng viết bài Hịch đánh Tống (Phạt Tống Lộ Bố văn); để phòng vệ đất nước, đã tấn công quân địch trước và triệt hạ cả 3 châu: châu Khâm, châu Liêm và châu Ung (Quảng Tây) làm quân Tống phải run sợ.
Và với bài hịch đanh thép khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt buộc quân Tống phải từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta trong suốt 200 năm sau, đâu thể chỉ biết hàng đêm ngồi thổi sáo với mối tình vô vọng nơi cung cấm như cái cách mà tác giả đã gán ghép cho Lý Thường Kiệt trong Ngàn năm tình sử.
Anh hùng không phải không biết si tình, nhưng cái cách si tình đến nỗi phải tự hủy thân mình như Lý Thường Kiệt trong vở kịch chỉ làm cho người xem thấy thương hại và khó chịu hơn là sự đồng cảm…
Nên nhớ Lý Thường Kiệt không phải chỉ là võ tướng mà còn là một nhà chính trị. Sử chép rằng: “Sau chiến thắng, Lý Thường Kiệt lo nội trị, tu bổ đê điều, sửa đổi bộ máy hành chánh trong cả nước”(*). Vì thế, ở cảnh cuối cùng của vở kịch, để diễn tả nỗi cô đơn tột cùng của một danh tướng khi tuổi xế bóng, tác giả đã tạo nên một bi kịch tiếp theo cho bản thân ông bằng một màn hoạt cảnh giống như Chuyện tình Lan và Điệp.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt giữa Lý Thường Kiệt và Thuận Khanh
ở cửa chùa.
Thuận Khanh được tự do, nhưng họ không thể nên duyên… nên nàng phải gửi thân nơi cửa Phật! Và lại thêm nhiều giọt nước mắt cho một bi kịch được thấy trước của một hoạn quan khi gặp lại người yêu! Nhưng khi tạo dựng cảnh cô đơn, tịch mịch của một danh tướng về già, tác giả đã quên rằng Lý Thường Kiệt không hề có thời gian dừng lại để ngơi nghỉ.
Bởi vì cả đời ông cống hiến toàn tâm, toàn lực cho đất nước: “Những năm cuối đời, ông còn cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu (1103), dẹp giặc Chiêm quấy nhiễu ở Bố Chánh (1104) và tổ chức lại bộ máy quân đội, duyệt đổi các đơn vị từ cấm binh đến dân binh”(*). Năm 1105, ông mất, thọ 87 tuổi, nghĩa là chỉ một năm sau khi dẹp tan giặc Chiêm…
Có thể thấy được tâm huyết của đạo diễn khi quyết tâm làm mới kịch lịch sử. Thành Lộc sau thành công của Bí mật vườn Lệ Chi đã không muốn lặp lại mình, vì thế Ngàn năm tình sử đã được thể hiện như một vở ca vũ kịch với một mạch sáng tạo đầy phóng túng khi hòa trộn các ca khúc nhạc pop đương đại với ca trù, quan họ xen lẫn những đoạn đồng ca mang hơi hướng nhạc cổ điển Tây phương.
Lý Thường Kiệt hát Nắng có còn xuân hay Có một chút của Đức Trí nghe khá lạ lẫm, nhưng cũng có thể chấp nhận được, bởi đạo diễn đã khẳng định đây là vở giải trí nhẹ nhàng và đó là cách để hấp dẫn giới trẻ đến với kịch lịch sử. Và có lẽ chính cái chất diễm tình này mới là cái đích của sân khấu IDECAF khi quyết định dàn dựng vở.
Bởi vì khi một sân khấu tư nhân bỏ ra 400 triệu hoàn toàn khác với sân khấu Nhà nước bỏ ra cả tỷ. Sử dụng tiền Nhà nước anh có thể công diễn vài ba suất diễn để báo cáo mà không cần ưu tư xem có thu lại vốn hay không? Nhưng với tư nhân thì đó là một thách thức lớn, anh phải bằng mọi cách để kéo khán giả vào rạp.
Được dàn dựng công phu với những màn vũ đạo đẹp mắt, tin rằng Ngàn năm tình sử sẽ làm nên chuyện trong doanh thu. Chỉ tiếc rằng tác giả đã quá sa đà vào chuyện yêu đương, sa đà vào nước mắt và bi thương, nên đã làm một tài năng quân sự kiệt xuất bị chìm lẫn đi trước nỗi vật vã, trong mối tình cuồng si đầy nước mắt của nhân vật…
(*) Trích dẫn từ Đại Việt Sử ký toàn thư, quyển II, Kỷ nhà Lý của Ngô Sĩ Liên và Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn…
Bài liên quan: