Xem phim "Bi, đừng sợ": Bi ơi, quá sợ!

Nhân danh dòng phim hiện thực, một dòng phim ra đời nhằm chống lại dòng phim lãng mạn nặng yếu tố hư cấu, Bi, đừng sợ đã bốc lên màn ảnh một “hiện thực” không phổ biến, hay nói đúng hơn là bịa đặt với những cảnh không phù hợp với cách sống và tâm lý người Việt.

Trong thông cáo báo chí chuẩn bị cho Bi, đừng sợ ra mắt khán giả trong nước vào ngày 18/1/2011, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: “Với tôi, điện ảnh không phải là kể những câu chuyện xung quanh những nhân vật được định hình trước một cách rõ nét, mà chính là bước vào thế giới của những con người rất đỗi bình thường để khám phá những gì bình dị nhất trong cuộc sống thường ngày của họ”.

Và, hãy xem Phan Đăng Di đã khám phá những “bình dị nhất” nào trong cuộc sống thường ngày của gia đình Bi (Phan Thành Minh), một cậu bé sáu tuổi ở Hà Nội. Gia đình ấy, ngoài Bi, còn có ông nội (NSND Trần Tiến), bố Bi (Nguyễn Hà Phong), mẹ Bi (Kiều Trinh), cô Bi (Hoa Thúy) và bà vú (Mai Châu). Bộ phim không được làm theo phương pháp kể chuyện thông thường mà “bước vào thế giới của những con người rất đỗi bình thường” nên là những mảng ghép rời rạc, không đầu, không đuôi, không có mở, không có kết.

Không khí gia đình “bình dị” này vốn chẳng vui vẻ gì, càng thêm ngột ngạt với sự có mặt của ông nội sau chuyến đi xa trở về mang theo căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bố Bi là một người đàn ông trung niên, hờ hững với mối quan hệ gia đình, chiều nào cũng lê lết ở quán bia tươi, nếu thấy bức bối thì đến “thả dê” với cô chủ tiệm gội đầu. Mẹ Bi hừng hực lửa tình, ngày ngày chăm chỉ ngồi chườm nước đá giúp bố chồng giảm cơn đau. Thỉnh thoảng, để giải tỏa cơn ẩn ức trước sự lạnh nhạt của chồng vì thích “phở” hơn “cơm”, bàn tay mơn trớn của cô con dâu cố tình “lạc chỗ”, khiến ông già gần đất xa trời bị kích dục thở gấp như sắp đứt hơi. Cô của Bi, một phụ nữ quá lứa lỡ thì, si mê một chàng trai trẻ trót một lần nhìn thấy “nguyên con” khi chàng đi vệ sinh ngoài bụi cây, vừa tự tìm sự thỏa mãn bằng cục nước đá, vừa háo hức giải tỏa “cơn khát” bằng việc phơi mình làm tình trên bãi đá giữa ban ngày với một người đàn ông quen biết. Chỉ có Bi vô tư hồn nhiên, lâu lâu lại phải mắt tròn mắt dẹt trước những “sự lạ” của người lớn, như mục sở thị một bác tắm truồng trong xưởng nước đá, hoặc thấy hai chú với trang phục Adam đủng đỉnh bước từ dưới sông lên, tồng ngồng trước một đám trẻ con đang ngồi chơi trên bãi cỏ.


Cậu bé Bi vô tư, hồn nhiên phải “mắt tròn mắt dẹt” trước việc làm “lạ lùng”
của người lớn diễn xung quanh - ảnh: H.N.

Phải chăng đây là hình ảnh trung thực về cuộc sống thường ngày của một gia đình người Việt Nam “bình dị” với “những khoảng tâm hồn vừa bi quan, vừa mệt mỏi, vừa ức chế muốn giải thoát” mà người làm phim cần “soi chiếu” (lời giới thiệu của đơn vị phát hành Galaxy)? Rõ ràng, Bi, đừng sợ chỉ chú tâm khai thác những ẩn ức của con người ở khía cạnh tình dục. Chính đạo diễn Phan Đăng Di cũng đã từng phát biểu trên một tờ báo: “Vấn đề chính của phim này là xoay quanh những bí mật trong cuộc sống của người lớn (dưới mắt Bi) mà một phần quan trọng trong đó là đời sống tình dục…”. Và để phục vụ cho chủ đề về tình dục đó, Bi, đừng sợ đã tạo ra một “gia đình VN” quá cá biệt, với những hình ảnh gợi dục thô thiển.

So với bản gốc được đưa đi tham dự các LHP quốc tế, bản phim Bi, đừng sợ được phát hành trên mạng lưới chiếu bóng ở VN, là bản đã được nhà sản xuất cắt bỏ khoảng năm, sáu phút, về một số cảnh quá gợi dục theo ý kiến đề nghị của Hội đồng duyệt quốc gia. Đạo diễn Phan Đăng Di nói rằng: “Tôi thấy tiếc lắm. Giá như phim được giữ lại những cảnh đó và quy định tuổi thích hợp được xem thì tốt hơn nhiều”.

Nhân danh dòng phim hiện thực, một dòng phim ra đời nhằm chống lại dòng phim lãng mạn nặng yếu tố hư cấu, Bi, đừng sợ đã bốc lên màn ảnh một “hiện thực” không phổ biến, hay nói đúng hơn là bịa đặt với những cảnh không phù hợp với cách sống và tâm lý người Việt, như cảnh đôi tình nhân quá lứa dắt nhau ra làm tình trên bãi đá giữa thanh thiên bạch nhật; như hai thanh niên vào lúc ban ngày ban mặt, trần truồng bước đi tự nhiên trước một đám trẻ con; như cô con dâu thọc tay vào “quậy” ông bố chồng đang bệnh nặng… Chính những hình ảnh “sáng tạo” gây phản cảm này đã phủi sạch tính tích cực của dòng phim hiện thực mà Phan Đăng Di muốn theo đuổi, bởi “cách kể của dòng phim này khác biệt so với dòng phim chính thống, mục đích nhằm để phản chiếu cuộc sống như vốn nó đang xảy ra” (trích tham luận của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Điện ảnh VN trong cuộc hội thảo Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống, tổ chức vào ngày 12/3/2011 tại TP.HCM).

Cũng thật khó lý giải vì sao những con người sống trong hoàn cảnh đó, không gian đó, thời điểm đó lại không tìm một cách văn minh hơn, có văn hóa hơn và tinh tế hơn để giải tỏa cơn ẩn ức về tình dục. Điều gì đã ngăn trở họ? Còn nhớ, ở bộ phim Rừng lạnh ngày trước, đạo diễn Trần Phương cũng đã cho các cô Thanh niên xung phong trong phim bị bệnh cà hước vì thiếu hơi đàn ông. Trong đó cũng có những cảnh rất bạo như có cô không dằn được cứ thấy anh lính trẻ là ôm chầm lấy kéo vào góc rừng chủ động làm tình, khiến người xem vừa ngạc nhiên vừa thương cảm, bởi đó chính là một chi tiết hiện thực có sức thuyết phục cao.

Trong thế giới phẳng hiện nay, điện ảnh là một kênh giao lưu và tuyên truyền văn hóa có tác động rất lớn đối với thế giới bên ngoài. Vì vậy, dù theo đuổi dòng phim nào, người làm điện ảnh VN cũng phải đặt sáng tác của mình dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc. Và dẫu phản ánh hiện thực gì, một tác phẩm điện ảnh đích thực cũng phải mang theo hơi thở ấm áp của tính nhân văn và sự hướng thượng. Khai thác một cách thô thiển theo kiểu hiện thực “bò sát” về tính dục, Bi, đừng sợ sẽ khó đem lại cho người xem “bình thường” trong nước sự cảm thông chia sẻ, nếu không muốn nói còn dễ tạo cho họ cảm giác “quá sợ” trước những con người bị “khuyết tật” về tâm hồn, buông mình sống theo bản năng tầm thường.

Theo Phụ Nữ


Bài liên quan:
CÁT VŨ