Chuyện phim khá bám sát vào tứ truyện của Nguyễn Ngọc Tư, vẫn là hình ảnh người cha bị bạc tình nên trút hết nỗi căm hận lên hai đứa con thơ. Vẫn hình ảnh lang bạt của ba cha con trên chiếc ghe khắp các cánh đồng Nam Bộ với bầy vịt chạy đồng, vẫn là một cuộc giải cứu ngoạn mục cô gái điếm tên Sương đang quằn quại bởi trận đòn ghen “hội đồng” tàn bạo, vẫn những cuộc tình qua đường của người đàn ông chất đầy vị đắng chát của hận thù.
Tâm lý cực đoan của Út Võ có thể lý giải bắt nguồn từ thứ tình yêu quá cuồng nhiệt dành riêng cho một người đàn bà. Anh ta yêu vợ và đặt vợ ở vị trí tuyệt đối trong trái tim, nên khi bị phản bội, cuộc đời anh ta chỉ còn lại một màu đen, và buộc hai đứa con nhỏ của mình phải sống trong cõi u ám hoang dã của anh ta. Đó cũng là một cách trả thù, một cách tự làm đau đớn chính bản thân mình.
Nhưng đâu phải người đàn ông nào bị vợ bỏ cũng hành xử như Út Võ. Vì thế, muốn khán giả hiểu được mối hận đến nỗi đẩy một mái gia đình rơi xuống địa ngục như thế, nhất thiết tác giả phải tạo được một ấn tượng rất sâu trong lòng khán giả về mối tình mãnh liệt ấy. Bởi đó chính là nguyên nhân gây ra bi kịch, đó là cái mấu chốt quan trọng nhất để các nhà làm phim xoáy vào.
Tình yêu ấy phải dữ dội và lay động được trái tim khán giả để người ta tin rằng, khi anh mất nó, cuộc đời anh đồng nghĩa với cái chết. Nhưng tiếc thay trên phim, đó chỉ là thứ tình yêu được minh họa bằng hình ảnh theo lời kể của Nương. Những chi tiết bình thường của một mái gia đình bình thường như chuyện tặng nhẫn, hay mâm cơm gia đình không đủ sức để dung chứa cho thứ tình yêu khác thường của Út Võ.
Rõ ràng, phim đã quá lệ thuộc vào trình tự câu chuyện, mọi diễn biến cứ trôi đi, trôi đi như những cánh đồng cứ nối tiếp hiện ra trôi dạt vào cuộc sống của ba cha con. Truyện của Ngọc Tư với cách hành văn vừa gai góc vừa dân dã, có sức thu hút riêng của văn chương. Vì thế, Tư có thể kể lể theo chiều dài của thời gian, không gian, nhưng với điện ảnh mà cứ theo trình tự đều đặn qua lời kể của Nương thì những cánh đồng với nhiều góc quay đẹp cũng khó giữ được cảm xúc lâu dài trong lòng người xem.

Nương (Lan Ngọc) bắt đầu coi Sương (Hải Yến) như mẹ của mình.
Nếu như nhân vật Sương, cô gái điếm trong truyện được miêu tả như một kẻ uất hận vì tình yêu bị sỉ nhục với người cha nên đã trả hận bằng cách chiếm đoạt đứa con trai thì ở trên phim tình yêu của Sương chỉ pha lẫn chút tủi nhục, cay đắng và đầy chịu đựng. Sương không căm thù ai, cô sống dửng dưng với mọi cái ác, nhưng chỉ khi đối diện với sự lạnh giá trong trái tim Út Võ cô mới thực sự thấy sợ. Hy sinh thân mình để cứu lấy gia sản của anh ta, mà chỉ nhận được một cái nhếch môi khinh rẻ. Sương ra đi vì cô nhận ra tia nắng ấm của mình không thể làm tan chảy được khối băng độc ác trong lòng người đàn ông ấy. Nhưng cô Sương của sân khấu được nâng lên tầm cao hơn, bao dung hơn, hiền dịu hơn, đó là sự đối kháng mãnh liệt với Út Võ, là ánh sáng rót xuống tâm hồn tăm tối của anh ta...
Ở đoạn kết, trên sân khấu kịch đạo diễn Minh Nguyệt đã xử lý hoàn toàn khác đi, bởi vì với chị, chính tâm lý cực đoan thù hận ấy phải bị trả giá chứ không phải đứa con gái tội nghiệp của anh ta phải trả. Nên việc xử lý cho Út Võ vì bảo vệ con gái mà chết và Nương ngay từ bé đã kiên cường, mạnh mẽ hơn em trai với ngón võ học được từ cha và đã tự bảo vệ được mình là một cách xử lý thuyết phục của vở diễn.
Nếu như Sương của vở kịch Cánh đồng bất tận không bỏ đi là vì cô muốn chữa lành vết thương cho Út Võ. Cô muốn chứng minh cho anh thấy cuộc đời còn có thứ tình yêu lớn hơn, trong sáng hơn thứ tình yêu tăm tối của anh. Tính nhân văn của vở kịch là ở đó. Nó là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt, giữa yêu thương và hận thù và khi cuối cùng Út Võ chết trong vòng tay cô gái điếm, anh mới hiểu thế nào là tình yêu thực sự.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã tuyên bố anh có cái kết phim nhẹ nhàng, tươi sáng hơn truyện. Nhưng xem phim mới thấy cái kết này không xa với truyện là mấy. Ngọc Tư cho nhận chìm Nương xuống bùn nhơ, cô gái 17 tuổi bị hiếp hội đồng, vậy mà trong lúc tột cùng của sự khổ đau cô lại có thể nhìn lên bầu trời xanh để đọc lời thoại về niềm hy vọng và sự vị tha (?!) thì ở phim cô gái cũng bị hiếp tàn bạo giữa đồng trước sự chứng kiến của cha cô. Vậy mà kỳ lạ thay, con người đầy thù hận cuộc đời chỉ vì bị vợ phụ tình ấy khi thực sự đối mặt với cái ác, bị vùi dập tơi bời bởi cái ác thì bỗng dưng trở nên bao dung, tha thứ.

Hai cha con Út Võ (Dustin Nguyễn) và Nương sau khi bị bọn côn đồ đánh đạp
và làm nhục.
Sau tai nạn của Nương, Út Võ bỏ nghề chăn vịt, trở lại cuộc sống bình thường và sống hạnh phúc với công việc mỗi ngày đưa bọn trẻ đến trường, còn Nương, cô gái 17 tuổi ôm cái hoang thai với niềm hy vọng và sự thứ tha (?!). Có phải chăng đó là một thông điệp mới mẻ về “tính nhân văn”? Chúng ta hiểu sự tha thứ và lòng bao dung như thế nào đối với những cái ác còn lộng hành trong xã hội. Kẻ làm ác vẫn nhởn nhơ tồn tại mà không bị ai trừng trị, còn kẻ bị làm nhục, bị vùi dập đến bùn đen thì lại cao giọng nói về lòng bao dung? Tâm lý bình thường của con người làm sao có thể chấp nhận được điều đó? Chúng ta đứng ở quan điểm nào để bao dung cho cái ác một cách tiêu cực như thế?
Thật ra, bốn diễn viên chính của phim đã góp phần rất lớn trong một số trường đoạn làm lay động trái tim người xem. Dustin Nguyễn với ngoại hình và cách diễn đầy nội tâm đã vào vai Út Võ đúng như sự hình dung của khán giả; Sương của Hải Yến tiết chế tình cảm đúng mức đã tạo dựng được một cô gái ăn sương vừa đủ sự từng trải vừa nhẫn nại trước sự sỉ nhục của người đàn ông cô yêu; Điền của Thanh Hòa mạnh mẽ hơn trong truyện nhiều, tính cách này sẽ là tiền đề cho sự quyết liệt ra đi của cậu bé. Nhân vật Nương của Lan Ngọc là một phát hiện của đạo diễn, với gương mặt đầy biểu cảm và đôi mắt biết nói, Lan Ngọc chắc chắn sẽ là gương mặt triển vọng của điện ảnh Việt Nam…
Bài liên quan: