Vài năm trước, đã có hãng phim mua bản quyền “Cánh đồng bất tận” để chuyển thể thành phim. Nhưng nhùng nhằng mãi cuối cùng sân khấu đã đi trước một bước, và dưới lăng kính của một phụ nữ, đạo diễn Minh Nguyệt đã biến một “Cánh đồng bất tận” đầy hoang dã và uất hận thành một câu chuyện gia đình chan đầy tình yêu thương…
.aspx)
Sương (giữa) như vầng sáng trong nỗi cô đơn của 2 chị em Nương, Điền
Trong cuộc đời có vô khối bậc sinh thành vì thù hận kẻ bạc tình mà trút hết giận dữ lên đầu con cái. Tâm lý cực đoan của Út Vũ được Minh Nguyệt lý giải thoả đáng, đó là sự hẫng hụt đầy tuyệt vọng của tình yêu quá cuồng nhiệt dành riêng cho một người đàn bà. Anh ta yêu vợ và đặt vợ ở vị trí tuyệt đối trong trái tim, nên khi bị phản bội, cuộc đời anh chỉ còn một màu đen. Anh ta buộc hai đứa con nhỏ của mình phải sống trong cõi u ám, hoang dã của anh ta, đó cũng là một cách trả thù, một cách tự làm đau đớn chính bản thân mình.
Hận một người anh ta hận cả loài người, để trả thù một người đàn bà anh muốn trả thù tất cả phụ nữ trên thế gian. Tâm lý cực đoan ấy phải bị trả giá chứ không phải chính đứa con gái tội nghiệp của anh ta phải trả. Đó là lẽ công bằng của cuộc sống, nên việc xử lý cho Út Vũ vì bảo vệ con gái mà chết và Nương ngay từ bé đã kiên cường, mạnh mẽ hơn em trai với ngón võ học được từ cha và đã tự bảo vệ mình là một cách xử lý rất thuyết phục của vở diễn.
Nếu như nhân vật Sương, cô gái điếm trong truyện được miêu tả như một kẻ uất hận vì tình yêu bị sỉ nhục với người cha nên đã trả hận bằng cách chiếm đoạt đứa con trai mới lớn của anh ta, thì Sương của Minh Nguyệt giống như một cánh sen bát ngát. Sương đến với gia đình Út Vũ trong nỗi nhục nhã tận cùng, thân thể cô đầy thương tích và nhơ nhuốc, nhưng tâm hồn cô vẫn trong sáng, lành mạnh với cái nhìn đầy bao dung cùng cuộc đời. Nhân vật Sương là sự đối kháng mãnh liệt với Út Vũ, cô chính là ánh sáng rót xuống tâm hồn tối tăm của anh, cô yêu anh và làm tất cả để cứu lấy cái gia đình đang chết dần vì người đàn ông bệnh hoạn đầy thù hận này.

Nương, Điền trong vòng tay che chở của Sương
Sân khấu ước lệ với ba mảnh của chiếc thuyền, ba mảnh đời cùng sống trên một con thuyền mà như những mảnh vỡ, ở góc sáng này là chỗ của hai chị em Nương-Điền, còn góc tối kia là sự câm lặng của hận thù. Người cha tự giết mình qua men rượu, còn hai đứa con ngác ngơ giữa cánh đồng hoang lạnh, không hiểu sao mình không được sống cuộc sống bình thường của một con người.
Sự có mặt của điện ảnh trên sân khấu đã góp sức rất nhiều cho sự lột tả bối cảnh mà tính ước lệ của sân khấu khó thể đảm đương. Những cánh đồng nước hoang lạnh không thấy đường chân trời, vệt ráng chiều màu đỏ cam hắt lên giữa cánh đồng khô hạn, và ánh trăng vàng lạnh lẽo giữa dòng sông mênh mông… Đó là những hình ảnh trôi nhẹ như một dòng thời gian xuôi chảy theo từng diễn biến của sự kiện và dòng suy tưởng nhân vật… Cảnh trí như hoà tan vào nhân vật bởi sự chuyển đổi nhẹ nhàng của những thước phim slide trên sân khấu.
Tuy nhiên, do muốn chuyển tải nội tâm nhân vật bằng hình thức phân thân, vở kịch đã phần nào bị pha loãng bởi những lời thoại khá hoa mỹ giữa hình và bóng của Út Vũ, giữa Sương và vợ Út Vũ… Và vì thế, chất dung dị, đời thường của nhân vật bỗng trở nên quá căng cứng bởi khá nhiều tuyên ngôn vượt quá ngưỡng của nhân vật. Có cảm giác như đó chính là lời của người ngoài cuộc, là của chính đạo diễn hơn là của nhân vật… Thêm vào đó, ngoại hình của Khánh Hoàng chỉ thích hợp với hình ảnh một người nông dân bình thường mà không thể là Út Vũ. Bởi một người đàn ông tuy nghèo rớt, nhưng vẫn có sức cuốn hút làm tan nát bao nhiêu trái tim phụ nữ như thế chắc chắn phải có một sức hút đặc biệt về ngoại hình…

Thời gian hạnh phúc ngắn ngủi của Út Vũ
Chắc nhiều người từng ngợi ca cái kết của truyện “Cánh đồng bất tận” với bao nhiêu lời có cánh về “tính nhân văn” của nó sẽ thấy vô cùng thất vọng khi vở kịch được xử lý hoàn toàn khác. Cái tứ chính của truyện là thuyết nhân quả, khi người cha gieo cái ác thì chính đứa con gái sẽ phải gánh chịu hệ lụy từ hạt giống xấu đã gieo. Nên khi tác giả văn học nhận chìm cô gái xuống bùn đen trong nỗi nhục nhã ê chề, mà cô gái vẫn có thể bình tâm đọc lời thoại về niềm hy vọng và lòng vị tha thì với Minh Nguyệt, trong sự từng trải và bằng tấm lòng của một người phụ nữ, chị biết rõ ai sẽ là người phải gặt quả xấu từ sự hận thù này…
Sương không bỏ đi vì cô muốn chữa lành vết thương cho Út Vũ, dù những phương thuốc của cô chỉ được trả bằng sự miệt thị và ruồng rẫy. Nhưng cô vẫn muốn chứng minh cho anh ta thấy cuộc đời này có những tình yêu lớn hơn, trong sáng hơn cái tình yêu tăm tối của anh ta. Đó chính là lòng vị tha và bao dung. Tính nhân văn của vở kịch chính là ở đấy. Nó là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt, giữa yêu thương và thù hận để cuối cùng khi Út Vũ chết trong vòng tay cô gái điếm, anh đã hiểu thế nào là một tình yêu thực sự…
______________
- Kịch bản & Đạo diễn: Minh Nguyệt
- Diễn viên: Thanh Thủy, Khánh Hoàng, Cát Phượng, Hoàng Thành…
- Sân khấu nhỏ 5B Võ văn Tần