Đọc Phiếm luận về chuyện làm từ thiện (Hồn Việt số 70, tháng 6-2013), kể ra đã là “Phiếm” thì cũng chẳng nên nói gì nữa. Song, tác giả Huỳnh Kim Bản so sánh việc làm của người mang chí lớn, mà sau này là vĩ nhân, lãnh tụ của dân tộc ta, so sánh việc một quan chức cấp cao, bán ngôi nhà của nhà nước cấp cho, mua nhà khác, dôi ra ngàn lạng vàng hiến vào quỹ từ thiện... với việc một đại gia tu sửa chùa Phnôđung (Trà Vinh) và một đại gia lập chùa Bái Đính (Ninh Bình) là không thỏa đáng.
Lời bàn của Tuệ Quang (phần cuối bài): “chùa to đâu có dính gì đến Phật...”. Vậy thì ta cứ nói chuyện: sửa chùa, lập chùa là “chuyện thế tục”. Từ xưa đến nay, con người làm việc gì trước hết là vì mình và phấn đấu “bằng anh bằng em”, cái ý ấy đã là chuyện ganh đua. Rồi từng việc ở từng hoàn cảnh được “những người có chữ” dùng mỹ từ có cánh ca ngợi động viên - nào là thế này, nào là thế kia. Nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là sự háo danh đơn thuần.
Hiện nay một đoàn thể hay một đơn vị nào đấy có giao một ngôi nhà tình nghĩa, một ngôi nhà đại đoàn kết có diện tích 25m2 với kinh phí 30-40 triệu đồng, còn tổ chức đóng biển trước cửa nhà, quay phim chụp ảnh có mặt các vị chức sắc đưa lên truyền hình, phát thanh tuyên truyền rầm rộ.
Vậy thì những cá nhân bỏ ra tiền tỉ của mình tu sửa những công trình kiến trúc bị xuống cấp, mong nó được tồn tại với thời gian; hoặc có người xây dựng mới những ngôi chùa là công trình kiến trúc đồ sộ dâng hiến cho hôm nay và mai sau... thì cái sự háo danh của họ có gì là quá lắm đâu! Nếu so sánh họ với những kẻ làm thất thoát tiền tỉ của quốc gia, hoặc những kẻ có tiền chỉ lo ăn chơi trác táng, cờ bạc, mang tiền gửi ra ngân hàng nước ngoài, thì cái sự háo danh của những người dám bỏ tiền xây dựng để lại cho đời những công trình kiến trúc càng đáng trân trọng.
Còn chuyện “tượng phật nhận tên người - tướng tinh nhập vào cốt tượng...”, như Tuệ Quang đã bàn mà suy ra thì tượng và người có gì dính với nhau đâu.
Theo “người có chữ” thì mỗi loại tượng đều phục vụ cho một mục đích nhất định. Còn người dân lao động: Dù tượng làm bằng vật liệu gì, to hay nhỏ, được sơn son thếp vàng tô vẽ rực rỡ đến đâu thì tượng vẫn chỉ là tượng mà thôi.
Ngày xưa vua Tự Đức xây lăng (khi còn sống) đã xảy ra cuộc khởi nghĩa Chày Vôi. Nếu Tự Đức ngừng lại thì ngày nay có đâu một công trình kiến trúc độc đáo để ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó.
Trong dân gian có câu “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”. Những người nhiễm chất độc da cam, những mảnh đời bất hạnh rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Song họ cũng chẳng mong những đồng bố thí của bất kỳ ai.
Thiết nghĩ hãy khuyến khích mọi người có điều kiện, tự nguyện dâng hiến cho đời những công trình có giá trị tồn tại dài lâu chứ chẳng nên rỉa rói cái sự háo danh của họ làm gì!