Xoa bóp chân để tăng cường thể lực (*)

YUAN LIREN
ĐẶNG VĂN ĐÔNG dịch

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, để tăng cường thể lực, từ lâu người ta đã chú ý đến việc xoa bóp tập luyện chân mà con người dùng để đi, đứng, chạy, nhảy, leo trèo hay bơi lội…

Dáng đi, tự nó nói lên tình hình sức khỏe của bạn. Người khỏe mạnh, bước đi vững chắc, nhanh và dứt khoát; kẻ ốm yếu, bệnh tật, già nua, thường đi chậm, có lúc không làm chủ được sự vận động. Là bộ phận trong quá trình vận động, đi, đứng, chân thể hiện tình trạng sức khỏe của con người. Vì thế mà bao đời nay, những thầy thuốc Trung Quốc đặc biệt chú ý đến phần này và đã đề ra những phương pháp tập luyện có hiệu quả, để tăng cường sức khỏe trong việc chăm sóc bàn chân. Một trong những phương pháp ấy là xoa bóp chân, đơn giản, rất dễ thực hiện.

Tô Đông Pha (1037-1101) một danh nhân đời Tống, có những tác phẩm văn học nổi tiếng, còn là một nhà nghiên cứu thực nghiệm những phương pháp để giữ gìn sức khỏe tốt. Về những kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông nhấn mạnh đến “xoa bóp ở lòng bàn chân”. Ông đã viết: “Tôi bắt đầu chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe. Đầu tiên, tôi chọn bài tập dễ, đơn giản và luyện tập thường xuyên, rồi tôi xem kết quả ra sao. Kết quả thật bất ngờ! Buổi đầu thì chưa rõ rệt, sau nếu tiếp tục duy trì thì kết quả sẽ tốt hơn 100 lần khi dùng thuốc men… Tôi thực sự không tìm được từ nào để có thể diễn đạt. Tốt hơn hết là các bạn nên làm thử như tôi và tôi bảo đảm bạn sẽ không thất vọng đâu”.

Huyệt quan trọng ở lòng bàn chân là huyệt dũng tuyền, nằm giữa phần lõm lòng bàn chân, trên đường kinh thận của chân, đi từ điểm nhỏ ở đầu ngón chân cái, qua lòng bàn chân mắt cá, cẳng, cốt sống, bụng, lồng ngực, họng và đến tận cuối lưỡi. Thường xuyên xoa huyệt dũng tiền sẽ giải tỏa kinh thận, điều hòa âm - dương, khí huyết lưu thông dễ dàng, thận hoạt động tốt hơn, bồi bổ sinh lực, hoạt động miễn dịch được tăng cường. Xoa lòng bàn chân còn có tác dụng củng cố âm - giảm bớt dương, thần kinh bớt căng thẳng, làm dịu cơn đau đầu, đau mắt, đau họng, hệ thống tiêu hóa tốt, làm bớt sốt, giảm nôn mửa và suy nhược thần kinh. Xoa lòng bàn chân không có gì khó khăn, ai cũng có thể làm được.

Hằng ngày, trước lúc đi ngủ, xoa lòng bàn chân với ngón tay trỏ, còn tay kia nắm vào ngón cái bàn chân, động đậy nhẹ ngón chân cái.

Sau đây là vài phương pháp xoa chân:

Xoa khô: một tay nắm lấy ngón chân cái, còn tay kia xoa lòng bàn chân ở huyệt dũng tuyền, vừa xoa vừa chú ý đếm chính xác số lượng. Có thể xoa ra 2 đợt: đợt 1: 20 lần; đợt 2: 60 lần. Rồi đổi chân. Sau khi xoa, có thể bấm một số lần ở huyệt dũng tuyền, sức khỏe sẽ được cải thiện rõ rệt. Thực hiện bài xoa chân này mỗi sáng lúc dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ. Xoa nhẹ, đừng xoa quá mạnh, có thể làm rát chân.

Xoa ướt (ngâm chân): Lấy một chậu nước ấm để ngâm chân đến mắt cá, nhiệt độ khoảng giữa 37 - 38 độ C. Đặt chân vào chậu nước ấm, đợi một lúc cho da ửng đỏ, có cảm giác ấm da, dễ chịu; rồi đưa chân ra, lau khô. Rồi xoa lòng bàn chân 90 lần ở huyệt dũng tuyền. Sau đổi chân.

Xoa lòng bàn chân có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, thúc đẩy lưu thông khí huyết, điều hòa âm - dương, làm dễ ngủ, an thần, chống suy nhược thần kinh. Nếu bạn yếu về đường tiêu hóa, ăn mất ngon, táo bón, ỉa chảy, trướng bụng, bạn có thể bắt đầu từ điểm huyệt dũng tuyền, xoa rộng ra (xem hình 2). Cách xoa cũng như trên, có tác dụng bồi dưỡng lá lách, dạ dày, tiêu hóa, giúp cho việc chữa lành bệnh táo bón, ỉa chảy. Các em nhỏ tuổi, không tự mình làm được, vậy cần có người lớn giúp đỡ để việc xoa bóp được tốt. Có thể xoa bất kỳ ở đâu và vào tất cả các mùa. Điều quan trọng là thực hành để thấy rõ kết quả trong việc bảo vệ sức khỏe. Từ xa xưa, phương pháp ngâm chân, xoa bóp chân tỏ ra rất hiệu nghiệm trong việc phòng và chữa một số bệnh.

Vì vậy, nó được truyền từ đời này sang đời khác. Muốn chứng nghiệm điều bổ ích cho bản thân, tốt nhất là bạn bắt tay ngay vào việc “xoa chân mỗi ngày 2 lần”, trước lúc đi ngủ và sau khi thức dậy.


(*)

Dịch từ “Médicine traditionnelle chinoise”, Éditions “La chine en construction”, 1988, tr. 96-102.