HỘI NGHỊ QUỐC TẾ “GIỚI THIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM” (5/1/2010 - 10/1/2010)
Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam (5/1/2010-10/1/2010) đã kết thúc. Có thể nói rằng, mặc dù còn một số khiếm khuyết trong tổ chức nhưng Hội nghị đã thành công tốt đẹp.
Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam (5/1/2010-10/1/2010) đã kết thúc. Có thể nói rằng, mặc dù còn một số khiếm khuyết trong tổ chức nhưng Hội nghị đã thành công tốt đẹp.
Trong một thời gian ngắn, quy tụ được hàng trăm dịch giả, của hơn 30 quốc gia là việc không dễ dàng. Hơn nữa, đây là những dịch giả, những nhà văn có cảm tình sâu nặng với Việt Nam; yêu mến sâu xa đất nước, con người, văn học Việt Nam. Nhiều người đã để tâm huyết, tài năng giới thiệu văn học Việt Nam sang nước mình ròng rã trong nhiều năm. Đặc biệt là những dịch giả đã dịch Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… và nhiều tác phẩm làm cho thế giới hiểu đúng, hiểu sâu về đất nước – con người Việt Nam.

GS Mai Quốc Liên (phải) tặng quà lưu niệm
cho học giả Greetesh Sharma - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
tại Hội nghị.
Rõ ràng là đã đến lúc Nhà nước nên huy động toàn thể bộ máy của mình, từ ngoại giao, văn hóa, tài chính… (trong đó có các dịch giả trong và ngoài Hội Nhà văn), chủ động triển khai công việc này một cách hệ thống, cụ thể, có kế hoạch. Không nên để tình trạng “xuất khẩu văn học – văn hóa” theo “đường tiểu ngạch” một cách tự phát, nhiều khi không có lợi cho việc giới thiệu đất nước – con người Việt Nam của chúng ta.
Hội nghị lần này sẽ là một dấu mốc mới trên con đường khó khăn của “ngoại giao văn hóa”.
Những lời phát biểu chí tình, sâu sắc, xúc động của đại biểu Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Điển, Roumanie… trong phiên bế mạc, đã đem đến cho chúng ta niềm tin rằng, nếu chúng ta biết tổ chức, công việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài sẽ còn đem đến những kết quả lớn lao hơn nữa. Và Việt Nam, qua cuộc chiến đấu trường kỳ, thắng lợi của mình, qua việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” luôn nằm trong trái tim của những người chính trực trên thế giới.
“Việt Nam là ngôi nhà thứ hai” của tôi, như ông Greetesh Sharma – đại biểu Ấn Độ nói, và “văn học Việt Nam là một thứ thuốc giải độc cho tâm hồn chúng tôi”, như ông Kenvin Bowen – đại biểu Mỹ nói. Hội nghị, như lời GS. Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) giữa mùa đông nhưng đã đem lại mùa Xuân ấm áp của những tình cảm tốt lành.
Hồn Việt
Bài liên quan: