Vào những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, nhà thơ Vũ Đình Liên đã vẽ nên một hình ảnh ông đồ tiều tụy đáng thương "
". Và trên nửa thế kỷ qua, thú chơi chữ ngày xuân tưởng như đã bị quên lãng và mai một thì nay lại được phục hưng nhờ một số nhà Nho hiếm hoi còn sót lại, mà tiêu biểu là nhà thư pháp cao niên Lê Xuân Hòa (bút hiệu Thanh Hoằng Khê, 1910 – 2006).
Nhân dịp đón xuân Nhâm Thìn chúng tôi muốn dành ít dòng để tri ân người nghệ sĩ tài hoa quá cố đã để lại nhiều tác phẩm thư họa có giá trị. Để đến với thư pháp, Lê Xuân Hòa đã trải qua một chặng đường không kém phần gian nan vất vả. Điều này đã được thể hiện một phần trong bài thơ của nhà giáo Nguyễn Thượng Xứng tặng Lê Xuân Hòa nhân dịp cụ lên lão tuổi 95. Nguyễn Thượng Xứng là cháu nội chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền – người bạn tâm giao của nhà thư pháp.
Thanh Hóa, huyện Hoằng, thôn Phú Khê
Có vì tao khách vốn chân quê
Ra đi một sáng đầy sương gió
Đứt ruột ly hương không lối về
Một gánh tang bồng một gánh con
Hai bàn tay trắng một lòng son
Sáu mươi năm ấy lo chèo chống
Mấy độ chông chênh giữa mất còn
Ấy thế mà rồi vận chuyển xoay
Nhờ vào phúc tổ có đôi tay
Với kho kinh sử làu trong dạ
Thiên hạ tôn vinh chữ bậc Thầy
Ơn trời tuổi đã chín mươi lăm
Vẫn khỏe tinh thần sáng chữ Tâm
Phúc lộc dồi dào thêm thọ khảo
Thăng Long ngàn tuổi cụ tròn năm
Thư pháp Lê Xuân Hòa có đủ cả bốn thể chân thảo triện lệ, đặc biệt là thảo và hành. Người thưởng thức có thể tìm thấy những nét tài hoa của tác giả qua những câu thơ Đường cổ kính, những câu Kiều kiệt tác và cả thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh… như:
"Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc"
"Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười"
"Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa"
"Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai"
"Tự cung thanh đạm tinh thần sảng
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường"
…
Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thường đến thăm những cuộc trưng bày thư pháp của Lê Xuân Hòa. Tác giả đã viết tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp một đôi câu đối đầy khí phách hào hùng:
Chấn động địa cầu vinh quốc sử
Bão hòa thiên khí hiển danh nhân
Ở trong nước cụ Lê Xuân Hòa đã có những cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội (Văn Miếu Quốc Tử Giám), tại TP Hồ Chí Minh và tham gia trưng bày ở Huế.
Thư pháp Lê Xuân Hòa còn đến với bạn bè quốc tế và được đón nhận một cách nhiệt tình. Năm 1994, tác giả đã nhận được Vinh dự chứng thư của Ban tổ chức Triển lãm Thư pháp quốc tế (có sự tham gia của Hội Thư pháp Nhật Bản và Hàn Quốc) ở Bắc Kinh với tác phẩm hành thư bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu. Tác phẩm của Lê Xuân Hòa còn được giới thiệu ở Trung tâm Việt Nam học ở New York.
Tuy tuổi cao và bận nhiều việc nhưng cụ Lê Xuân Hòa cũng đã đào tạo được một đội ngũ học viên có năng lực, tiêu biểu như nghệ nhân chạm bạc Nguyễn Đức Chỉnh có sở trường về chữ khải chuẩn mực; Nguyễn Đức Thụ với lối chữ hành, chữ thảo bay bướm tài hoa; Bùi Quang Liên và Nguyễn Hữu Tuyển là những cây bút vững vàng và hiện đang truyền dạy cho nhiều lớp Thư pháp ở thủ đô. Mặc dù tuổi cao và bận rộn với công việc nhưng cụ Lê Xuân Hòa vẫn nhận làm cố vấn cho Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam trong nhiều năm.
Vài ba năm trở lại đây quanh khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã hình thành một “phố chữ” đông vui tấp nập kéo dài từ giữa tháng chạp âm lịch đến Tết Nguyên tiêu, nếu được tổ chức lại và có sự quan tâm của các cơ quan chức năng thì đây sẽ là một điểm hẹn văn hóa, một sân chơi tao nhã và bổ ích trên mảnh đất ngàn năm văn vật.