“… Doanh nghiệp chúng tôi luôn có hoài bão: kinh doanh thật tốt để góp phần làm giàu cho đất nước và đóng góp phần mình nhằm làm dịu nỗi đau chung của xã hội, có điều kiện chăm lo hơn cho những mảnh đời thiếu may mắn…”. Phát biểu của chị Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ trong ngày trao tặng 2 phòng học, nhà bếp và sân chơi trị giá trên 700 triệu đồng cho Trường chuyên biệt “Niềm Tin” (Q. Phú Nhuận) đã làm xao động lòng người. Lời nói rất thật và xuất phát từ tấm lòng của chị, một nữ doanh nhân thành đạt, vợ của doanh nhân rất thành đạt – anh Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng CP Đông Á – và cũng là bà mẹ của 3 cô con gái đạt thành tích cao trong học tập.
Người phụ nữ nhỏ nhắn với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, giàu sáng tạo ấy đã gặt hái khá nhiều thành công trên thương trường. Từ xây dựng nên thương hiệu PNJ với hàng loạt nhãn hiệu vàng bạc PNJGold, PNJSilver, Cao Jewellery; đồng sáng lập Ngân hàng CP Đông Á; Công ty SGFishco; Công ty CP VinaGas; Công ty Quà tặng… và đang tiến đến thành lập Tập đoàn đa ngành PNJ. Tuy khá nổi tiếng trong giới doanh nghiệp, nhưng nếu không phải là bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, ít ai biết chị Dung còn là một tay “nội trợ đảm đang” trong gia đình. Với chị, thời gian dành trọn vẹn cho chồng con vào mỗi cuối tuần luôn được ưu tiên tuyệt đối. Chị thường sắp xếp công việc để không xếp ngày nghỉ vào lịch tiếp khách và ngược lại, chị thường tổ chức tiếp bạn bè, người thân vào ngôi nhà nghỉ cuối tuần của gia đình ở Hóc Môn. Nghỉ ngơi trong ngôi nhà tự thiết kế với lạch nước, thảm cỏ, vườn cây ăn quả bao quanh bên cạnh những người thân yêu là những khoảnh khắc thư giãn tuyệt vời và hạnh phúc nhất của mình. Chị Dung khẳng định như vậy. Có lẽ do biết cách nấu và nấu ăn rất ngon – học tập từ bà mẹ, chị Dung có biệt tài: mỗi khi ăn món gì ngon là chị có thể phân tích thành phần, nguyên liệu nấu và có thể tự thực hiện lại món ăn đó tại nhà. Chồng và các cô con gái của chị chính là những thực khách đầu tiên kiêm giám khảo cho các món ăn thực nghiệm của chị và rồi, “Lần nào, tôi cũng nhận được lời khen ngợi, đôi khi đến phải… “xuýt xoa” của anh ấy!”, chị Dung thường nói vui. Các cô con gái thì mỗi người mỗi việc, làm phụ bếp với mẹ hoặc chọn phụ làm vườn với ba. Cô con gái lớn của anh chị, từng đậu cả ba trường đại học quốc tế lớn, là sinh viên hoạt động xã hội tích cực, đã làm “đầu tàu” kéo các em đi chung đường. Trong bữa cơm gia đình, anh chị thường tránh nói về công việc mà chỉ nói về việc nhà, việc học của các con. Cùng là doanh nhân, chẳng lẽ không có sự trao đổi công việc làm ăn? Chị Dung bật cười, đính chính: “Sao lại không? Chúng tôi thường trao đổi đến cãi nhau là đằng khác, cãi cho đến khi thống nhất ý kiến mới thôi”. Cùng tốt nghiệp Đại học Kinh tế, anh chị Phương Bình, Ngọc Dung không chỉ cùng góp ý, giúp nhau cùng phát triển trong đơn vị kinh doanh riêng mà còn có cùng ý tưởng: trao học bổng cho các sinh viên Trường cũ đang gặp khó khăn. Không rõ đã có bao nhiêu lớp sinh viên đàn em đã ra trường với sự hỗ trợ tài chính của Giám đốc Ngân hàng Đông Á, chỉ biết đã có cả trăm sinh viên kinh tế tốt nghiệp loại giỏi đã trở thành cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Đông Á lẫn Công ty PNJ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung (thứ 2 từ trái sang) trong buổi lễ ra mắt Đại sứ nhãn hiệu Cao Fire jewellgry trong năm 2008 và Hoa Hậu Trái đất năm 2006 Hil Yesenin Heruender Escobar.
Từ nếp văn hoá trong gia đình, chị Dung đã nâng lên, tạo thành nếp văn hoá trong công ty. Ở PNJ, từ bàn bạc, xây dựng kế hoạch đến biện pháp thực hiện, Ban Tổng Giám đốc đều dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau: tất cả vì sự phát triển của công ty, tranh luận cho đến cùng, đã thống nhất rồi thì quyết tâm thực hiện cho bằng được. Làm hết sức và khi chơi đùa cũng hết mình. Những Ngày văn hoá của công ty, ngày Hội gia đình PNJ thực sự là những “chất men” gắn kết mọi thành viên công ty lại với nhau.
Hai năm 2006–2007, cả 2 anh chị đều được công nhận là “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu”, danh hiệu được Nhà nước công nhận, xã hội tôn vinh vào Ngày Doanh nhân Việt Nam 13–10 mỗi năm. “Đối với doanh nhân chúng tôi, danh hiệu cao quý này là động lực và cũng là trách nhiệm: phải làm gì cho xứng đáng với niềm tin yêu đó”. Chị Dung tâm sự.
Theo chị, áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là hội nhập. Hội nhập tổ chức AFTA có căng thẳng nhưng không gay gắt bằng gia nhập Tổ chức thương mại Quốc tế – WTO. Nhiều năm qua, PNJ đã mở rộng thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với tăng cường nguồn nhân lực qua chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ” và chủ động đào tạo. “Hội nhập kinh tế toàn cầu, PNJ lo thì có, sợ thì không”, chị nói với giọng tự tin.