Theo chúng tôi, việc xây dựng xã hội công dân chưa được chú ý lắm trong Hiến pháp sửa đổi (Dự thảo) và cũng ít được đề cập trong các cuộc góp ý. Có thể nhắc lại ý của Các Mác về ý nghĩa xây dựng xã hội công dân trong lý tưởng cách mạng vô sản. Ông nói “giải phóng chính trị là quy con người vào xã hội công dân”(1).
Cần phải làm cho toàn dân hiểu rõ bản chất của xã hội này với những đặc điểm của nó để cùng nhau đấu tranh xây dựng nó. Xã hội công dân là xã hội mà lợi ích và quyền lợi của người công dân được tôn trọng ngang hàng với nghĩa vụ của họ. Muốn thực hiện được nguyên lý đó xã hội phải có những cơ sở hạ tầng phù hợp chứ không chỉ cứ hô lên cái yêu cầu “dân chủ”, “công bằng”, “văn minh”. Cơ sở hạ tầng đó bao gồm ba mặt:
1. Chế độ sở hữu cá nhân với quyền tự quyết cá nhân về kinh tế.
2. Thể chế dân chủ thực sự về chính trị với các quyền bình đẳng quyết định về các vấn đề chính trị đất nước của công dân.
3. Nhà nước pháp quyền ở đó có sự hoạt động theo luật pháp của nhà nước là điều kiện bảo đảm các quyền pháp lý của công dân và sự bình đẳng của họ với nhà nước.
Từ những cơ sở hạ tầng đó, công dân được tự do trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa. Họ sẽ không bị can thiệp bởi các lực lượng quyền uy từ phía nhà nước và từ phía các tổ chức cộng đồng.
Đó là yêu cầu xây dựng xã hội công dân mà xã hội ta phải hướng tới. Từ nhận thức cơ bản ấy, ta cần soi chiếu vào bản Hiến pháp sửa đổi hiện nay. Dự thảo của nó theo chúng tôi cần được rà soát từng điểm.
Tạo cơ sở hạ tầng xã hội thứ nhất cho xã hội công dân là Xây dựng chế độ sở hữu cá nhân. Hiến pháp đã thừa nhận nhiều hình thức sở hữu và sự bình đẳng của các thành phần kinh tế. Có lẽ từ thực tế nhiều năm ngay cả sau đổi mới, nên bổ sung vào Điều 36.3 Hiến pháp câu này: Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản và quyền sở hữu của công dân, nghiêm trị bất cứ hình thức xâm hại nào từ phía bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Ghi điều đó và thể hiện trong các luật cụ thể và thi hành nghiêm (tất nhiên!) mới hiện thực hóa điều Hiến pháp đã khẳng định! Không thể để các cá nhân và tổ chức nhà nước dựa vào quyền lực được giao và sự câu kết vô nguyên tắc làm bậy, vô hiệu hóa cái quyền được “hiến định” như hiện nay.
Tạo cơ sở hạ tầng xã hội thứ hai cho xã hội công dân là Xây dựng thể chế dân chủ thực sự về chính trị. Rất nhiều điều đã được nêu ra trong các cuộc góp ý mà các phương tiện truyền thông đã nêu. Chỉ xin nêu vài điều chúng tôi chưa thấy nêu ra trên các phương tiện thông tin.
Điều 4 đã có sự bổ sung. Tuy nhiên, yêu cầu luật hóa hoạt động của Đảng chúng tôi đã có dịp nêu ra(2) cũng đã được nhiều người nêu tiếp chưa thấy đưa vào. Cần bổ sung vào Điều 4.3 câu này: mọi hành vi của cá nhân và tổ chức trong Đảng phải được kiểm soát trong Luật về hoạt động của Đảng. Có nghĩa là các bàn bạc quyết nghị của Đảng và chỉ thị của cán bộ Đảng với cấp dưới phải được “bút lục hóa” để có thể truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể phân định được khi có vi phạm pháp luật chung. Có như thế Điều 4.3 mới có ý nghĩa thực tế, và mới chống được cá nhân và tổ chức Đảng nhân danh “lãnh đạo toàn diện” đưa ra và thực hiện những điều sai trái mà không bị xử lý theo pháp luật vì không có căn cứ để xử lý ai! Cần chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các đảng viên và cán bộ các cấp của Đảng không bị xét xử theo pháp luật (như cái ông chủ tịch có hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên mà chỉ bị kỷ luật nội bộ và kỷ luật hành chính).
Đã có Điều 16.2, thì cần bổ sung Điều 16.1: Mọi sự vi phạm quyền của người khác đều bị nghiêm trị theo pháp luật. Ghi như thế là để răn đe những kẻ lợi dụng các vị thế quyền uy để xâm hại quyền của người khác. Hiện nay rất nhiều quyền con người và quyền công dân bị vi phạm nhiều khi có tổ chức. Đơn giản như sự thúc ép đi bầu cử chẳng hạn.
Tạo cơ sở hạ tầng xã hội thứ nhất cho xã hội công dân là Xây dựng nhà nước pháp quyền. Chúng tôi cũng như nhiều người quan tâm đến Điều 2. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền không thể không quan tâm đến cơ chế kiểm soát quyền lực. Không thể không thực hiện nguyên tắc “độc lập” và “ngang quyền” trong cơ chế này. Quyền hành chính lâu nay do nhiều nguyên nhân đã thể hiện nhiều yếu kém thậm chí gây nguy hại cho toàn cục trong đó không thể không nói đến cách tổ chức các lực lượng kiểm soát nó. Các quyền lực lập pháp, tư pháp ít phát huy tác dụng vì phụ thuộc về tổ chức vào nó, vừa ở vị thế kém hơn, vừa chịu sự chi phối về các quyền lợi vật chất và tinh thần vào nó. Sự kiểm soát nội bộ của nó thông qua thiết chế các tổ chức thanh tra cũng tổ chức không đúng nguyên lý. Nó bị chi phối vì vị thế phụ thuộc của người được phân công. Hạn chế của nó rõ nhất khi được giao giải quyết các vụ tranh chấp giữa một bên là quyền lực hành chính, một bên là công dân!
Ở Điều 4, do chưa luật hóa hoạt động của Đảng, nhiều quy định nội bộ như quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra của Đảng, nhiều cá nhân có cương vị của Đảng nằm ngoài sự xử lý của pháp luật. Đó là sự vi hiến, cần khắc phục. Mặt khác cần hiểu đúng hoạt động “dân vận” khi Đảng đã cầm quyền. Tác dụng dân vận cao nhất là thi hành pháp luật nghiêm minh, bởi Đảng lãnh đạo xã hội ngày nay thông qua nhà nước pháp quyền, mọi chính sách chủ trương của Đảng đã và phải thể chế hóa qua luật pháp. Cần tách bạch chức năng của các cán bộ Đảng với chức năng chính quyền (ở những những cán bộ chính quyền) để tránh có những vi phạm quy chế công vụ khi mang danh nghĩa đoàn thể đi hòa giải hay vận động trái pháp luật như ta đã thường thấy.
Ở Điều 8.3, cần phải bổ sung thêm: Mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử lý. Thực ra có thể có người nói ghi thêm là thừa. Nhưng đó là cơ sở pháp lý cho sự giám sát của nhân dân, là sự ràng buộc với các cá nhân và tổ chức cấp trên với các vi phạm của cấp dưới như thường diễn ra không chỉ ở một bộ phận hiện nay!
Cuối cùng phải nói đến nội dung, là mục tiêu cơ bản của xã hội công dân. Đó là bảo đảm quyền tự do của công dân trong mọi hoạt động xã hội của họ. Phải bảo đảm cho họ không bị can thiệp trái pháp luật của bất cứ lực lượng quyền uy từ phía nhà nước hay từ phía các cộng đồng. Về phía nhà nước đã có các luật với các chế tài của nó điều chỉnh, ta cần nói đến sự can thiệp trái pháp luật từ phía các cộng đồng. Rất nên xem xét và có những biện pháp mang ý nghĩa pháp luật ngăn chặn những sai trái này. Cần rà soát lại sự tổ chức nuôi dưỡng các đoàn thể chính trị hóa ít tác dụng thực tế và nhiều khi lại nhà nước hóa hoạt động của nó. Và cần có sự kiểm soát những hoạt động có thể không đúng pháp luật vi phạm sự tự do của công dân.
Với khả năng hạn hẹp của mình xin góp đôi điều về một vấn đề còn chưa được quan tâm đúng mức.
--------------------
(1) Trích lại của Từ điển một số thuật ngữ hành chính, NXB Lao Động, 2001.
(2) Báo Người Cao Tuổi, 2010.