Cách nơi chúng tôi chuẩn bị máy ảnh để chụp cảnh đêm đánh giặc trời chừng ba trăm mét là nhà tù Hỏa Lò, “khách sạn” Hilton của giặc lái bị bắt giam.
Đi sơ tán vào giữa phố thú hơn trực ở tòa soạn thường bị gọi đi làm tin bất cứ lúc nào. Ở đây, gần với Cấm Chỉ có nhiều quán ăn đêm vẫn mở, chỉ tạm tắt đèn khi báo động; gần bà quạt ngô nướng ở chân cột đồng hồ chợ Hàng Da có thể mua bất cứ lúc nào; gần hồ Hoàn Kiếm thỏa sức thả bộ ngắm các em Hàng Đào nổi tiếng óng ả thường túm tụm trên ghế đá ven hồ vừa vui chơi vừa phòng khi có báo động thì vào các căn hầm phòng tránh bom đạn được xây dựng khá chắc chắn xung quanh thắng tích nổi tiếng này. Nhưng dù có tự do mấy cánh nhà báo đi sơ tán cũng chỉ vui chơi chút đỉnh, chừng mười giờ tối là đủ mặt trên nóc nhà Bộ Công nghiệp rồi.
Kể từ sau đêm mười tám tháng Chạp, B52 dội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, khu công nghiệp trên miền Bắc, thì như thành thông lệ, mười giờ tối đường phố chỉ còn lác đác các chiến sĩ công an và dân phòng kiểm soát các đường phố. Giờ này trở đi, những chiếc loa phóng thanh công suất lớn treo ở mọi ngõ ngách thành phố chỉ làm hai công việc, ca nhạc và truyền đạt các mệnh lệnh chiến đấu, các quy định phòng tránh, thông báo hoạt động của địch. B52 bắt đầu xuất phát từ Guam, hay từ Cò Rạt, mấy tốp, bay tới đâu, hướng nào đều được thông báo tỉ mỉ. Thường từ khi loa phóng thanh dõng dạc thông báo: “Đồng bào chú ý!” thì phải vài giờ sau cuộc chiến đấu mới diễn ra trên bầu trời Hà Nội.
Trong khoảng thời gian chờ địch, Hà Nội như nén lại, trang nghiêm đến lạ lùng. Rất ít tiếng cười đùa, chỉ có những người im lặng bước nhanh. Vài đêm trước có mặt ở trận địa phòng không, tôi được chứng kiến những giờ phút người lính bên súng chờ giặc tới. Trí lực của từng anh lính như đổ dồn vào đôi mắt. Những đôi mắt quan sát từng milimét vệt sáng trên màn hình để đưa ra quyết định đâu là địch gây nhiễu, đâu là máy bay tiêm kích hộ tống, đâu là B52. Những đôi mắt nhìn lên bầu trời đêm tháng Chạp chỉ thưa thớt những ngôi sao…

Mùa thu Hà Nội. Ảnh: TL.
Đây Thăng Long! Đây Đông Đô! Đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu! Nhiều lần trong đêm chờ giặc, sau mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu, ca khúc Người Hà Nội bất hủ thường vang lên.
Đêm 26 tháng Chạp cũng vậy. Từ mười một giờ nghe còi ù báo động có B52 bay về hướng Hà Nội, cánh nhà báo đã tề tựu trên nóc trụ sở Bộ Công nghiệp để chuẩn bị máy ảnh. Người không có máy ảnh thì ngóng xem hướng nào địch dội bom, hướng nào máy bay cháy để vội chụp lấy xe đạp Vĩnh Cửu phóng đi làm tin nóng. Chừng 22 giờ đêm, Hà Nội sôi lên sùng sục như vạc dầu. Các tầng hỏa lực phòng không bắn sáng rực cả bầu trời thành phố. Ở hướng quan sát của chúng tôi hai lần được chứng kiến máy bay địch bốc cháy. Mỗi lần máy bay địch bốc cháy dân phố vội lao ra khỏi các hố công sự cá nhân hò reo, rồi lại im lặng chờ đợi.
Chừng 22 giờ 30 phút, nóc nhà Bộ Công nghiệp rung lên từng đợt. Lửa bom như hắt lên mặt. Những loạt B52 rải thảm nổ rất gần. Phóng viên nhiếp ảnh Trần Hùng hét vào tai tôi: Nó đánh ga Hàng Cỏ rồi! Chúng tôi vội xuống tầng trệt lấy xe đạp lao ra ga, nhưng không phải bom dội xuống ga, mà trải thảm dọc phố Khâm Thiên. Chúng tôi phóng ra Khâm Thiên. Bấy giờ phía đầu phố dân phòng và công an vừa thiết lập xong hàng rào chắn nhằm bảo vệ trật tự cho những tốp người lao đến cấp cứu người bị nạn.
Nhóm phóng viên ném bỏ xe đạp ở hè phố, lao theo tốp người cấp cứu. Phía sau mặt tiền của cả đường phố Khâm Thiên là cảnh hoang tàn. Chỉ có tiếng người gọi nhau, không có tiếng khóc. Tôi thấy một người phụ nữ hớt hải chạy trên đường, vừa chạy vừa nói, như vô thức: Nhà tôi chết hết rồi! Nhà tôi chết hết rồi.
Ngay mờ sáng chúng tôi đã có con số 284 người Khâm Thiên bị giết hại sau loạt bom B52 trải thảm hồi đêm. Phía sau của gần 300 người bị giết là hàng nghìn người thân yêu, nhưng do quá bàng hoàng về cảnh tàn phá, do đau đớn đè nặng lên lồng ngực, do Hà Nội còn phải gan góc chiến đấu, do cả những đoàn quân vẫn kìn kín trên đường Nam Bộ để vào Nam nên người Khâm Thiên nuốt nước mắt vào trong. Họ không khóc, không thể khóc vì tiếng khóc cả ngàn người sẽ làm Hà Nội chìm trong tang tóc, mà cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục!
Một ngày sau Khâm Thiên bị tàn phá, từ phía đầu bắc của khu phố đã là đống gạch vụn này, tôi thấy Chủ tịch Tôn Đức Thắng mặc chiếc áo bông đã cũ tới thăm hỏi bà con dân phố. Có lẽ vì lo sự an toàn, các chiến sĩ bảo vệ như muốn giữ cụ Chủ tịch nước đứng quan sát ở bên này đường. Nhưng, bám vào vai bà con ra đón, cụ Chủ tịch bước qua mặt đường đầy các mảnh bê tông và gạch vụn, sang bên kia đến bên đống đổ nát với lồi lõm các hố bom. Cụ Chủ tịch bám tay lên vai một người dân đứng gần, không nói, chỉ đứng lặng hồi lâu, rồi như một đứa trẻ, cụ lấy tay áo lau mắt. Dân khu phố không khóc để giữ lửa cho Hà Nội chiến đấu, nhưng cụ Chủ tịch đã khóc vì thương nhân dân của cụ đã phải chịu những mất mát không có gì trả lại được.
2. Cách nay chừng một tháng, trong không khí hân hoan sắp đến ngày đại lễ hội một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, tôi thả bộ dọc phố Khâm Thiên vào đúng giờ 37 năm trước B52 trải thảm xuống nơi này. Bấy giờ, cả dãy phố dài còn lại một cây bàng tháng Chạp nhô những búp non đỏ như ngọn lửa đèn dầu, là biểu tượng của sức sống Hà Nội bền bỉ và cháy sáng.
Khâm Thiên hôm nay không chỉ có thế. Một Khâm Thiên trẻ trung. Một Khâm Thiên bắt đầu ăn nên làm ra. Thả bộ dọc phố, tôi vẫn thấy thiếu, thấy thèm được nhìn thấy những công sự cá nhân làm bằng một khoanh ống bê tông, có nắp đậy, có ở các hè phố thời đánh giặc.
Đimitrôva, nữ thi sĩ Bungari đến Hà Nội thời chiến tranh, viết cuốn sách tuyệt hay về Việt Nam: Ngày phán xử cuối cùng, từng nói về cái công sự bên bờ hồ Hoàn Kiếm: Ngồi trong công sự tôi thấy yên lòng vì được đất Hà Nội che chở… Sao ta lại quên đi những chiếc hầm tránh bom và chiến đấu dọc hè phố Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngàn năm?
Những ngày vừa qua, chúng ta đã làm được rất nhiều cho Hà Nội to đẹp hơn, đàng hàng hơn. Hà Nội xứng đáng được như vậy. Các nhà khảo cổ nâng niu từng mẩu gạch thời Lý, từng nét hoa văn thời Trần, từng mảnh đồ gốm thời Lê, nhưng lại chưa nâng những giá trị văn hóa của thời đại mình đáng được trân trọng và nâng niu.
Tôi nghĩ nếu Hà Nội lại có dịp kỷ niệm 2000 năm, như hôm nay chúng ta kỷ niệm 1000 năm, khi đó hậu thế sẽ trân trọng biết chừng nào nếu tìm kiếm được cái công sự cá nhân đúc bằng bê tông, hình ống, có nắp đậy. Đó là minh chứng của cuộc sống người Hà Nội một thời trong chiến tranh, một thời mà hồn sông núi ngàn năm hội tụ vào mỗi con người để giữ Hà Nội bằng máu của mình cho con cháu muôn đời…