Zaanse Schans - nơi gìn giữ di sản của Hà Lan

Tôi có dịp ghé Zaanse Schans trong chuyến du lịch ngắn ngày tới Hà Lan vào cuối thu 2012. Zaanse Schans để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về việc giữ gìn các di sản văn hóa đặc trưng của một vùng đất.

Bảo tàng mở Zaanse Schans: cái tâm của người yêu di tích

Zaanse Schans thuộc vùng ngoại ô thành phố Zaandam, tỉnh North Holland, cách thủ đô Amsterdam của Hà Lan khoảng 10km về phía Tây Bắc. Zaanse Schans nằm trong vùng đất có con sông Zaan chảy qua, hay còn gọi là vùng sông Zaan. Zaanse Schans là điểm du lịch nổi tiếng của Hà Lan mà cũng là một trọng điểm trên Con đường di sản công nghiệp châu Âu (ERIH) vì có một bảo tàng lưu giữ di tích thời công nghiệp hóa của vùng sông Zaan.

pic

Sẽ không có một Zaanse Schans bề thế ngày nay nếu hơn nửa thế kỷ trước chính quyền và người dân vùng sông Zaan làm ngơ với những di tích cổ sắp bị phá hủy do yêu cầu xây mới thành phố. Trong hai thập niên 1960, 1970, những người muốn bảo tồn vốn cổ phối hợp với chính quyền đưa vài chục ngôi nhà cổ trong vùng sông Zaan tới Zaanse Schans để bảo tồn. Một bảo tàng được thành lập đúng chỗ mà năm 1574 người dân tiếp tay với quân đội xây một cái hào (schans, theo tiếng Hà Lan) để ngăn bước tiến của quân Tây Ban Nha. Đó là một bảo tàng mở gồm nhà cổ và cối xay gió cổ. Sau đó, một bảo tàng mới với kiến trúc hiện đại được xây cạnh bảo tàng mở. Bảo tàng mới bắt đầu hoạt động năm 1994, làm công việc lưu giữ và trưng bày  những di tích lịch sử vùng sông Zaan gồm các hiện vật liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt và quá trình công nghiệp hóa. Bảo tàng còn tổ chức các sinh hoạt nhằm quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng sông Zaan. Bảo tàng có các bộ sưu tập giá trị, các hiện vật đều thật, giúp người xem hiểu hơn về thời quá khứ của vùng này và cũng là của Hà Lan.

Bảo tàng mở tái hiện khung cảnh một làng quê vùng sông Zaan thế kỷ XVI, XVII. Khách tham quan đi bộ trên đường đất, qua những chiếc cầu thân cong, ngắm những ngôi nhà gỗ cổ sơn xanh đặc trưng của vùng sông Zaan nằm bên dòng nước, giữa cỏ cây hoa lá xanh tươi. Xa xa những con bò sữa hai màu trắng đen thong thả gặm cỏ. Bên sông những chiếc cối xay gió cổ in hình trên nền trời nước mênh mang, đẹp như một bức tranh.

Vẻ đẹp thiên nhiên của vùng sông Zaan đã được ghi lại trong tranh của các họa sĩ nổi tiếng thế giới, đặc biệt là họa sĩ Claude Monet. Danh họa người Pháp này đã sáng tác một loạt 24 bức tranh lấy cảm hứng từ vùng sông Zaan khi ông ở đây vào mùa hè năm 1871. Trong thư gửi cho bạn là Camille Paissarro, Monet đã viết: “Ở đây đủ để vẽ cả đời”. Monet đã làm cho những ai tới Zaanse Schans cảm thấy mình may mắn khi được tới đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước hết phải cảm ơn những người đã hành động bảo vệ những di sản quý giá của vùng sông Zaan, để có Zaanse Schans cho nhiều người tới ngắm.

Cối xay gió, guốc gỗ, phô mai và đồ lưu niệm

pic

Ngoài bảo tàng mở, khách còn được ngắm nghía các bộ sưu tập giá trị của bảo tàng Zaans. Những khách không thể lưu lại Zaanse Schans nhiều thời gian có thể tạm bằng lòng với cối xay gió, guốc gỗ và phô mai.
Cối xay gió giúp người Hà Lan trong cuộc đấu tranh gay go để giành đất sống trong một vùng đất đầm lầy quanh năm ngập nước. Tới thế kỷ XVI, XVII, cối xay gió đã giúp vùng sông Zaan phát triển công nghiệp, mở ra một trang lịch sử mới của vùng này và vùng này đã góp công sức trong việc đưa Hà Lan đạt đến thời hoàng kim trong thế kỷ XVII. Cối xay gió làm được “chuyện lớn” là nhờ nhà sáng chế Cornelis Corneliszoon van Uitgeest. Năm 1592 ông làm ra cối xay gió dùng để cưa gỗ. Bốn năm sau Corneliszoon bán cối xay gió cưa gỗ cho một chủ cối xay ở vùng sông Zaan. Công cụ mới tăng sản lượng gỗ xẻ gấp hàng trăm lần, làm công nghiệp đóng tàu vùng sông Zaan phồn thịnh, số tàu của Hà Lan tăng nhiều. Năm 1670, đội tàu của Hà Lan tới 15.000 chiếc, gấp năm lần số tàu của Anh, khiến cho Hà Lan gần như độc chiếm thương mại đường biển thế giới. Sa hoàng Peter của nước Nga đã tới đây tìm hiểu công nghiệp đóng tàu vùng sông Zaan. Hiện bảo tàng Zaans đang bảo quản ngôi nhà gỗ mà Sa hoàng Peter đã ở tám ngày vào tháng 8/1697. Sau cối xay gió để cưa gỗ, nhiều loại cối xay gió có chức năng khác ra đời để phục vụ  các ngành công nghiệp khác nhau: làm giấy, làm dầu ăn, làm sơn, làm mù tạt… Sự tập trung hàng ngàn cối xay gió đã khiến vùng sông Zaan trở thàng vùng công nghiệp hóa đầu tiên của thế giới. Những chiếc cối xay gió ở Zaanse Schans là cối xay gió của thời kỳ đó.

Guốc gỗ cũng là một biểu tượng khác của Hà Lan. Guốc gỗ rất hữu ích cho nông dân, ngư dân, thợ thủ công và sau này là công nhân trong các hãng xưởng. Nghề làm guốc là một nghề truyền thống của vùng sông Zaan. Bảo tàng guốc gỗ Zaanse Schans sở hữu một bộ sưu tập guốc gỗ rất độc đáo. Vô số guốc gỗ đủ kiểu, đủ màu bày từ ngoài cửa đến bên trong gian bảo tàng guốc gỗ. Nơi đó còn có một xưởng guốc với cách bài trí và dụng cụ truyền thống. Một thợ làm guốc sử dụng các dụng cụ này để làm guốc gỗ cho khách xem. Khách thích thú nhận ra guốc Hà Lan không có quai, mỗi chiếc guốc được làm từ nguyên một khối gỗ. Guốc không quai giữ ấm bàn chân hơn và giúp bàn chân khỏi bị các vật nhọn đâm vào khi lao động. Guốc gỗ ban đầu để mộc, dần dần được sơn, vẽ hay khắc hoa văn để tăng giá trị thẩm mỹ. Đôi guốc khắc hoa văn đi vào phong tục tập quán cổ của Hà Lan khi được chú rể chọn làm quà tặng cô dâu mới. Guốc gỗ đi vào văn hóa bằng điệu múa truyền thống Klompendanskunst. Khi múa điệu này vũ công phải mang guốc gỗ tạo tiếng lốc cốc bằng cách đập hai chiếc guốc vào nhau và đập guốc xuống sàn.

pic

Làm phô mai cũng là nghề truyền thống của vùng sông Zaan. Phô mai cũng là một biểu tượng của Hà Lan, như cối xay gió và guốc gỗ. Người Hà Lan ăn rất nhiều phô mai và cũng sản xuất nhiều phô mai để bán. Chợ phô mai mọc lên nhiều nơi thời Trung Cổ. Hiện nay Hà Lan sản xuất mỗi năm 650 triệu kilôgam phô mai, 2/3 số lượng đó được xuất khẩu, là nước xuất khẩu phô mai lớn nhất thế giới, hai loại phổ biến nhất là Gouda và Edam. Nhìn những bánh phô mai tròn xếp đầy kệ cạnh bên các dụng cụ làm phô mai không khỏi… phát thèm. Không thành vấn đề, khách tham quan được mời nếm thử mùi vị phô mai, những miếng nho nhỏ, như kiểu tiếp thị trong các siêu thị. Ngoài ra khách cũng được nghe giới thiệu cách làm phô mai theo công thức và quy trình truyền thống.

Tôi để ý thấy hầu như không một ai trong đoàn chúng tôi rời Zaanse Schans mà không mua một món gì đó. Những món hàng được mua nhiều nhất là những vật dụng mang hình cối xay gió, guốc gỗ, hoa tulip (một biểu tượng nữa của Hà Lan) và phô mai. Không cần quảng cáo nhưng hàng vẫn bán chạy vì giá trị của sản phẩm được giá trị truyền thống nâng cao hơn một đồ vật bình thường, khiến người mua không đắn đo nhiều về giá. Mà giá thì đa dạng, thích hợp túi tiền của mọi người.

Cũng với tình cảm yêu mến Zaanse Schans, phần đông khách trước khi rời nơi này đã ghé quầy ảnh mua một tấm ảnh để làm kỷ niệm. Zaanse Schans có dịch vụ chụp ảnh nhưng người chụp ảnh không “đeo” theo khách. Khi vào cổng, khách được chụp hình theo đoàn và thợ ảnh “săn” ảnh từng cá nhân mà không hề làm phiền tới khách. Khi ra cổng khách thấy ảnh đoàn, ảnh cá nhân treo tại quầy ảnh. Ai thích tấm nào thì trả tiền mua tấm ấy, không bị ép buộc. Một kiểu kinh doanh du lịch không làm khách bực mình.

Túy Hoa
Bình luận khác
asd asd asd sa
Từ: | Ngày: 07/10/2021 3:27 SA
sad asd sa
Từ: | Ngày: 07/10/2021 3:27 SA